Ánh hải đăng trên đảo Tiên Nữ

Vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Vào một chiều cuối năm, tham gia Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Vùng 4 Quân chủng Hải quân trên con tàu Trường Sa 20 ra thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã đến đảo Tiên Nữ. Hoà chung niềm vui của tất cả mọi người, Đoàn công tác đã mang cả "quê hương", "hậu phương" với nhiều thư từ, quà, thông tin..., mong phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà và đất liền ngày đêm thường trực trong mỗi cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Ánh hải đăng trên đảo Tiên Nữ ảnh 1

Trạm Hải đăng Tiên Nữ 

Điều đặc biệt làm mọi người trong Đoàn công tác hết sức quan tâm là có hai cán bộ, kỹ sư làm việc tại trạm Hải đăng Tiên Nữ đã vượt biển gần 3 hải lý bằng xuồng máy vào đảo đón Đoàn và nhận quà do Bộ Quốc phòng gửi tặng. Sau một hồi trò chuyện thăm hỏi, chúng tôi được biết, ngoài việc vào đảo để nhận quà, điều mà hai cán bộ, kỹ sư này mong muốn chính là để gặp và hỏi thăm về đất liền, để vơi đi nỗi nhớ người thân, bạn bè và quê nhà nơi đất liền. Nói như anh Trần Bá Khải- nhân viên trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ: "Chúng tôi nhớ tiếng nói, tiếng cười và mong muốn được trò chuyện thật nhiều với mọi người từ đất liền ra đây. Chính không khí buổi gặp gỡ hôm nay đã cho chúng tôi cả quê hương và đất liền mà ngày đêm anh em tại đèn (tức ngọn Hải đăng mà các anh công tác - PV) nhớ nhung, trông ngóng...".

Cũng theo lời anh Khải, làm việc tại trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ này có bốn anh em, tất cả đều quê từ Hải Phòng. Điều kiện ở đảo xa đất liền đã khó, nhưng với anh em công tác tại trạm Hải đăng này càng khó khăn gấp nhiều lần; vừa ít người, không gian sinh hoạt chỉ vỏn vẹn 200 mét vuông diện tích chân trạm và được chia thành 3 tầng với chiều cao 24 mét. Vì vậy, để có một chỗ trồng cây xanh hoặc tăng gia cũng không đơn giản, đó là chưa nói đến những ngày biển động hoặc có bão, sóng gió xô vào làm cho bữa ăn, giấc ngủ rất khó khăn.. Đặc biệt, những lúc ốm đau, anh em phải tự chăm sóc cho nhau hoặc phải vượt biển gần 3 hải lý trên chiếc xuồng 15 sức ngựa để vào đảo nhờ các đồng chí quân y (Hải quân trên đảo) cấp cứu, chữa trị. "Mặc dù biết rằng vượt biển bằng xuống nhỏ trong điều kiện biển động, sóng gió lớn là rất nguy hiểm nhưng không có cách nào khác đối với chúng tôi"- anh Khải bộc bạch.

Nói về công việc của anh em cán bộ, kỹ sư làm việc tại trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ, đồng chí Đoàn Văn Tuấn- Trạm trưởng cho biết: Mỗi ngày, trạm bắt đầu đỏ đèn từ 17 giờ 30 phút chiều đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Qua ánh sáng của đèn, tàu đi biển và ngư dân đánh bắt sẽ xác định đây là chủ quyền của Việt Nam mà có phương hướng hoạt động. Vì vậy, ban đêm là thời gian làm việc chính của cán bộ, kỹ sư tại đây. Theo đó, 4 anh em công tác tại trạm chia ca để trực đèn và nắm bắt các thông số kỹ thuật để điều hành, đồng thời báo cáo về đất liền. "Đã 10 năm qua, trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ cùng với các trạm hải đăng khác tại Trường Sa như: An Bang, Đá Lớn, Đá Tây, Sơn Ca, Trường Sa Lớn... thực sự đã góp phần rất lớn giúp các tàu trong nước và nước ngoài, bà con ngư dân tham gia lưu thông trên con đường hàng hải quốc tế đi qua hải phận quần đảo Trường Sa. Vì thế, tuy có những khó khăn, thiếu thốn và công việc có nhiều vất vả nhưng mỗi cán bộ, kỹ sư làm việc tại đèn đều nhận thấy trách nhiệm và là vinh dự lớn lao mà mình phải hoàn thành và hoàn thành thật tốt"- đồng chí Đoàn Văn Tuấn khẳng định.

Cần có chính sách ưu đãi hơn đối với những người "Gác đèn" trên biển

Có thể nói, những khó khăn, vất vả kể trên của cán bộ, kỹ sư tại trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ nói riêng và các đảo khác tại Trường Sa nói chung đã và đang nỗ lực, phấn đấu vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ cho thấy nghị lực và trách nhiệm của các anh là rất lớn và còn phải tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo đồng chí Đoàn Văn Tuấn- Trạm trưởng trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ, thực tế công việc của các cán bộ, kỹ sư tại đây có nhiều khó khăn, vất vả và nguy hiểm chẳng khác nào người lính biển ngày đêm bám đảo, bám biển. Các anh em ra đảo công tác thường thời gian kéo dài, nhiều người đã gắn với đảo hàng chục năm, từ đảo này sang đảo khác, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn; tính chất công việc cũng rất khó khăn, phức tạp. Vì thế anh em mong muốn Đảng, Nhà nước và ngành Giao thông vận tải, ngành Hàng hải có sự quan tâm phù hợp hơn để anh em yên tâm công tác.

Nói về bản thân, anh Trần Bá Khải- nhân viên trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ cho biết: Anh có 24 năm làm nghề "Gác đèn" trên biển; riêng tại đảo Trường Sa anh đã qua 13 năm tại các trạm: Song Tử, An Bang, Đá Lát, Tiên Nữ và hiện nay là lần thứ hai tại đảo Tiên Nữ. Tuy vậy, thu nhập của anh hiện nay ngoài lương thì các khoản thu nhập khác chỉ khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, vợ và hai con ở quê nhà đều trông chờ vào đồng lương của anh nên cuộc sống rất khó khăn, nhất là các khoản tiền ăn, học của con... Cùng hoàn cảnh như anh, tại các trạm hải đăng khác, hiện cũng có nhiều anh em công tác lâu năm, gắn bó với nhiều với biển, đảo nhưng thu nhập và mức sống rất khó khăn.

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn- Trưởng trạm Hải đăng đảo Tiên Nữ cho biết: Hiện nay, điều kiện ở trạm còn khó khăn, thiếu thốn. Tết năm nay, biển động liên tục nên hiện nay vẫn chưa có tàu ra để đem lương thực, thực phẩm và các vật dụng cho anh em trên trạm ăn tết. Trước tình hình đó, anh em đã động viên nhau an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho, đó là mỗi đêm phải thắp sáng ngọn đèn biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam và định hướng giúp cho tàu thuyền qua lại. "Đây chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân nhằm góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng tôi đã xác định".

Theo Đình Tăng (ghi từ Trường Sa, Báo điện tử ĐCSVN) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm