‘Bà Sa cứu nạn’

Bãi Nhái, Vũng Tàu vào mùng 4 tết Ất Mùi. Chị Sa đang loay hoay nấu bữa cơm trưa trong căn lều dựng ven bãi biển. Thình lình có tiếng la hét, kêu cứu thất thanh của một đám trẻ ngoài bãi tắm Long Cung gần đó. Chị lập tức vơ lấy chiếc phao tròn, chạy như bay đến, văng cả miếng bánh chưng chị đang cắn dở. Sau một hồi vật lộn trên sóng nước, chị cũng đưa được hai đứa trẻ đang đuối nước vào bờ. Hai thằng nhóc bạn chúng mừng rỡ, ôm hai bạn mếu máo. Chị Sa thở dốc nhìn chúng, miệng nhoẻn cười.

Giành giật sự sống cho hàng chục người đi tắm biển

Vì nhiều lần cứu người đuối nước nên người dân quanh bãi Nhái thường gọi chị Sa là “bà Sa cứu nạn”. Về những lần “ra tay” cứu người chớp nhoáng của mình, chị Sa nói: “Tôi chẳng có chuyên môn gì đâu nhưng hễ ai hô hoán có trẻ đuối nước là tôi lao ngay ra biển”. “Mặc dù bãi tắm này cạn nhưng có chỗ xoáy thành vũng. Bọn trẻ tắm chẳng may trượt xuống vũng sâu là đuối nước ngay” - chị Sa cho biết. Đến nay đã có tám đứa trẻ được chị giành giật lại sự sống từ tay hà bá như thế. Đáng nói là hầu hết những đứa trẻ đến tắm đều biết bơi nhưng do sa vào vũng xoáy mà hẫng chân. Sau phút chốc lặng người, chị kể: “Hồi năm ngoái, tôi vớt xác một học sinh vì tức giận cha mẹ mà bỏ nhà đi bụi rồi ra đây quyên sinh. Khi tôi phát hiện thì đã quá trễ. Xót lắm!”.

Lâu dần thành thói quen, cứ mỗi lần thấy có trẻ xuống tắm biển, chị Sa lại ngóng ra biển theo dõi chúng. “Nhỡ chúng nó bị đuối nước thì mình lao ra cứu, coi như làm phúc vậy thôi” - chị nói. Không chỉ trẻ em, không ít lần chị còn gỡ nguy cho cả người lớn đi bơi. Ở bãi biển này, theo chị Sa, mỗi năm lại có vài vụ người lớn bị đuối nước.

Chị Sa bên chậu cá bán cho những người đi tắm biển ở bãi Nhái. Ảnh: TC

Làm “bà Sa cứu nạn” cũng đem lại cho chị Sa nhiều niềm vui bất ngờ. Chẳng hạn, sau vụ cứu hai đứa trẻ hôm tết, khi chị bước vào lều thì nồi cơm trên bếp gas đã cháy khét. Một tuần sau đó, cha của một trong hai đứa trẻ mang đến tặng chị chiếc nồi cơm điện mới tinh như một cách ông bày tỏ lòng biết ơn. Móc chiếc ĐTDĐ trong túi ra, chị khoe: “Của một ông chú tặng tôi đó. Cứ cuối tuần chú lại đem con ra đây tắm, nhờ tôi dạy bơi. Khi thằng nhóc biết bơi rồi, chiều nào nó cũng đi tắm. Sau này tôi mới biết nó bị bệnh chàm khô nên phải tắm biển suốt thời gian trị bệnh”.

10 năm bám biển ngóng chồng, nuôi con

Chị Sa không phải là người đàn bà duy nhất ở Bãi Nhái này mưu sinh bằng nghề kéo lưới gần bờ. Cùng hoàn cảnh với chị còn có cả chục phụ nữ khác. Sau khi chồng đã vì chén cơm manh áo mà bỏ mình ngoài biển, họ rủ nhau ra bãi biển này dựng một túp lều ở chung. Nắng cũng như mưa, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, cứ 3 giờ sáng là chị Sa cùng các chị em trong lều cắp nón ra bờ biển kéo lưới. Miệng ngậm một đầu dây lưới, họ bơi ra xa cách bờ hơn trăm mét để thả lưới rồi bơi vào theo hình vòng cung. Rồi họ cầm một đầu lưới, đầu kia được cố định buộc vào một cục đá to để trên bờ. Phải cố sức mới có thể kéo được hết lưới. Những tấm thân yếu gầy cố chống chọi với sóng gió, để rồi sau ba giờ ngâm mình trong biển mặn lạnh cóng, họ trở về với chậu cá, tôm và nụ cười tươi rói trên môi.

Chuyện đời riêng của chị Sa bàng bạc nỗi buồn tủi và truân chuyên, không khác đời những phụ nữ làm thân cò nơi cửa biển ở đây. Người đàn bà nhỏ thó, có nước da đen cháy trạc 45 tuổi này vốn gốc Hà Tĩnh. Gia đình chị chuyển vào TP Vũng Tàu sinh sống gần 20 năm nay. Ngày trước, chồng chị làm nghề đi biển. Khi dành dụm, vay mượn tiền bạc sắm được chiếc ghe cào, họ tưởng từ nay vợ chồng cứ chăm chỉ mà khấm khá. Ai ngờ sau hai chuyến đánh bắt xa bờ thắng đậm, anh xa vợ mãi mãi trong chuyến đi biển thứ ba. Lúc đó chị đang mang bầu đứa con trai bây giờ. Chị rưng rưng: “Đau lắm chú ơi. 10 năm rồi, đến bây giờ tôi vẫn không làm sao nguôi ngoai được. Tôi kéo lưới kiếm cơm thật nhưng cũng là để ngóng ra biển cho đỡ nhớ chồng. Tôi cứ ước ao biết đâu bất ngờ có một ngày ổng theo ghe tàu lù lù trở về với mẹ con tôi”.

Sau buổi kéo lưới “cực chảy máu mắt”, khi quần áo vẫn còn ướt nhẹp, chị Sa tất tả bưng bê các chậu cá, tôm vào bày bán ngay trên bãi biển cho những người đi tắm sáng ở bãi tắm Long Cung. Do tôm cá còn sống, không ướp đá lạnh và hóa chất nên có bao nhiêu chị cũng bán hết. “Bây giờ họ rành ăn lắm. Cá lưới tươi sống họ mua nhiều chứ cá ướp lạnh họ ít ăn. Vì vậy mà tôi kéo được bao nhiêu cũng bán hết, không lo ế gì cả”.

Để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học, chị Sa còn mua lại cá, tôm của những người kéo lưới khác bán lại cho những người đi tắm biển buổi chiều. “Dù chỉ được vài ba chục ngàn tiền lời nhưng tôi cảm thấy vui. Tôi cố làm mua cho thằng con chiếc xe. Đã đến lúc nó cũng cần có cái xe đi lại rồi” - chị Sa chia sẻ.

“Gia đình tôi coi chị Sa như ân nhân”

“Chị Sa có hoàn cảnh rất éo le nhưng là người tử tế, giàu lòng nhân ái mà lại chẳng tham lam gì. Nếu không có chị Sa, nhiều đứa trẻ đuối nước ở bãi tắm này đã không còn. Con tôi cũng được chị Sa cứu sống. Gia đình tôi luôn biết ơn chị và coi chị như ân nhân” - ông Nguyễn Hữu Hà, cha em Nguyễn Hữu Dũng - một trong những học sinh được chị Sa cứu sống, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm