Bắc Kinh chìm trong khói độc

Ngày 7-12, chính quyền TP Bắc Kinh lần đầu tiên trong lịch sử đã tuyên bố tình trạng “báo động đỏ” trước mức ô nhiễm của TP. Thủ đô của Trung Quốc đã lần thứ hai trong tháng ngập chìm trong khói bụi mịt mù. Tình trạng báo động được chính thức thực hiện từ 7 giờ sáng 8-12, buộc một nửa số phương tiện giao thông của TP 23 triệu dân phải hạn chế lưu thông. Các xí nghiệp và công trình xây dựng bên trong và xung quanh TP cũng buộc phải ngưng hoạt động. Trường học và các trường mẫu giáo cũng được khuyến nghị nên ngưng hoạt động tạm thời. Ma Jun - Giám đốc Viện Các vấn đề công và môi trường tại Bắc Kinh cho biết: “Đây là một sự kiện lịch sử, chưa từng có tiền lệ”.

Khói độc gấp 40 lần mức an toàn

Theo tờ Wall Street Journal, các biện pháp báo động này về lý thuyết chỉ được thực hiện khi các cơ quan chính quyền Trung Quốc ước đoán chỉ số chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 trong ba ngày liên tiếp (hệ thống chỉ số chất lượng không khí của Trung Quốc có mức tối đa là 500 - mức ô nhiễm nặng nề). Các dữ kiện được Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh thu thập cho thấy mức ô nhiễm đạt trung bình khoảng 274 - nằm trong nhóm “rất có hại cho sức khỏe”. Tờ The Guardian đánh giá lý do Bắc Kinh đưa ra tuyên bố báo động khi chỉ số ô nhiễm chưa vượt ngưỡng 300 là để đáp lại sức ép chỉ trích ngày một lớn về ô nhiễm của TP.

Theo tờ The Guardian, mức độ độc hại tại một số khu vực ở Bắc Kinh cao gấp 40 lần mức an toàn được quy định bởi WHO. Tờ Tân Hoa xã cho biết tình trạng ô nhiễm nặng nề này của Bắc Kinh sẽ kéo dài cho đến ít nhất là ngày 10-12. Các cơ quan chức năng hy vọng những cơn mưa sắp đến sẽ “gột rửa” được bầu không khí nhiễm khói độc của thủ đô Trung Quốc.

Đây là lần thứ hai khói bụi độc hại bao trùm TP Bắc Kinh. Trước đó một tuần, các trang mạng xã hội, báo đài và cả kênh truyền hình nhà nước CCTV đều đã cho đăng tải hình ảnh các tòa nhà của Bắc Kinh bị “nuốt chửng” bởi bụi mù dày đặc. Nhiều nơi trong TP có mật độ bụi hạt PM2.5 lên đến 900 microgram/m3. Trong khi theo chuẩn của tổ chức WHO, mức độ tiếp xúc an toàn cho sức khỏe con người chỉ có 25 microgram/m3 trong thời lượng 24 tiếng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không phải là TP duy nhất tại Trung Quốc đang bị “báo động đỏ”. Để khắc phục tình trạng khí độc hại và khói bụi mù mịt, nhiều TP (đặc biệt ở phía bắc Trung Quốc) đã ban bố tình trạng khẩn cấp tương tự. TP Thẩm Dương tháng 11 vừa qua cũng đạt mức ô nhiễm ngất ngưỡng, với mật độ hạt bụi PM2.5 lên đến 1.200 microgram/ m3.

Ảnh 1: Các nhà máy điện than được xác định là “thủ phạm chính” gây khói bụi mịt mù tại Bắc Kinh. (Ảnh minh họa)

Ảnh 2: Cảnh sát giám sát quảng trường Thiên An Môn trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề ngày 1-12. Ảnh: AP

Ảnh 3: Cả người và chó đều phải đeo khẩu trang trước bầu không khí ô nhiễm tại Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS

Công thức của thảm họa

Năm 2014 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố sẽ “đấu tranh” đến cùng để khắc phục tình trạng ô nhiễm của đất nước. Chính phủ Bắc Kinh đã lên kế hoạch cắt giảm 60% lượng khí thải độc hại chủ yếu của ngành năng lượng nước này, lộ trình đến năm 2030. Dù đã cải thiện được một phần lượng chất độc hại trong khí thải công nghiệp nhiều TP, tình trạng khói bụi mù mịt vẫn chưa được khắc phục.

Nhiều tổ chức đã đánh giá rằng chính quyền vẫn chưa mạnh tay dẹp các nguồn ô nhiễm. Cụ thể, theo tổ chức Hòa Bình Xanh, Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho xây dựng mới hơn 150 cơ sở nhiệt điện đốt than trong năm 2015. Các phân tích mới nhất của Hòa Bình Xanh cho biết trong chín tháng đầu năm 2015, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đã phê duyệt hơn 155 kế hoạch xây dựng nhà máy điện than - tương đương bốn nhà máy/tuần. Trong khi đó, chính tờ Tân Hoa xã cũng cho biết “các nhà máy điện than là thủ phạm chính của tình hình hiện tại”.

Tờ The Guardian cho biết tình hình khói bụi thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các vùng xung quanh Bắc Kinh. Các nhà máy điện ở những vùng này mỗi năm đốt hàng trăm triệu tấn than để cung cấp điện năng và sưởi ấm cho vùng đông bắc Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh. Chưa kể đến tỉnh Hà Bắc lân cận với bảy TP được đánh giá là có bầu trời ô nhiễm nhất nước cũng đẩy thêm khói bụi về phía thủ đô của Trung Quốc.

Cũng có nhiều yếu tố khác góp phần gây nên tình trạng bụi mù bao phủ Bắc Kinh hiện nay. Tổ chức Hòa Bình Xanh cho rằng sự thiếu đầu tư vào chất lượng các hệ thống báo động ô nhiễm tại TP khiến phản ứng của chính phủ bị chậm trễ. Bên cạnh đó, khi bước vào mùa đông, lượng than được đốt để sưởi ấm hàng triệu hộ gia đình khu vực đông bắc Trung Quốc cũng tăng đột biến. Theo Robert Rohde, ĐH California, điều kiện thời tiết ẩm và lạnh của mùa đông cũng giữ cho khói bụi lưu lại gần mặt đất hơn và gây nên tình hình “u ám” hiện nay. Chuyên gia Allen Robinson, ĐH Carnegie Mellon, cho biết nhiều TP của Mỹ cũng từng lâm vào tình cảnh ô nhiễm không khí tương tự. Tình trạng này chỉ có thể được khắc phục sau khi các chính quyền thực hiện những biện pháp quản lý cứng rắn, đồng thời giảm mạnh các cơ sở công nghiệp nặng.

Trả giá bằng sinh mạng của người dân

Sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa quá nóng của Trung Quốc đang buộc người dân của nước này phải trả giá bằng sinh mạng. Một báo cáo mới đây của các chuyên gia tại ĐH California ước tính tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc đang gây nên cái chết của khoảng 4.000 người/ngày, tương đương 1/6 tổng số người chết yểu của quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo nghiên cứu này, có khoảng 1,6 triệu người Trung Quốc qua đời mỗi năm do các bệnh liên quan đến tim, phổi và đột quỵ. Những trường hợp này đều có mối liên quan đến ô nhiễm không khí và khói bụi.

Trưởng nhóm nghiên cứu - ông Robert Rohde cho biết 38% dân số Trung Quốc sống trong khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vào loại “có hại cho sức khỏe” theo chuẩn của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ. Khu vực bị ô nhiễm không khí trầm trọng nhất cũng được ông xác định là vùng tây nam thủ đô Bắc Kinh.

Trong khi đó, theo báo cáo thực hiện bởi ĐH Bắc Kinh và nhóm Hòa Bình Xanh, có hơn 250.000 người sống trong các TP lớn của Trung Quốc có thể sẽ chết yểu vì tình trạng khói bụi mịt mù. Theo nghiên cứu này, với mức độ khói bụi trong không khí đo được vào năm 2013, cứ 100.000 người sống ở thành thị thì có 90 người sẽ phải chết yểu.

Khói bụi và ô nhiễm cũng gây nên nhiều thiệt hại kinh tế đối với Trung Quốc. Tình hình ô nhiễm tại nước này ước đoán có khả năng gây thiệt hại gần 100 tỉ USD mỗi năm trong việc chi trả các dịch vụ cải thiện môi trường, hỗ trợ sức khỏe, y tế, trợ cấp xã hội liên quan đến ô nhiễm. Trường ĐH Bắc Kinh cho biết bốn TP lớn là Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An và Bắc Kinh chỉ trong năm 2014 đã thiệt hại hơn 1 tỉ USD. Ủy ban Toàn cầu về kinh tế và khí hậu cũng cho rằng ô nhiễm là nguyên nhân khiến Trung Quốc tổn hại gần 13% GDP trong năm 2010. Tình trạng không khí mà chính thị trưởng của TP đã thừa nhận bầu không khí tại đây là “không thể sống nổi”, đã buộc nhiều nhân sự cấp cao và năng lực giỏi của các doanh nghiệp rời khỏi các TP lớn của Trung Quốc.

Trước tình trạng nghiêm trọng này, Trung Quốc đã phát động “cuộc chiến” chống ô nhiễm từ năm 2014. Tỉ lệ một số chất độc hại trong không khí cũng đã được cắt giảm sau một năm thực hiện các mục tiêu giảm mức PM2.5 ở nhiều vùng, miền. Cụ thể như ở Bắc Kinh đã đề xuất cắt giảm 25% mức PM2.5 trước năm 2017. Tuy nhiên, thành viên tổ chức Hòa Bình Xanh - ông Fang Yuan vẫn tỏ ra hoài nghi về các mục tiêu này. Ông cho rằng kể cả khi đạt được mục tiêu về giảm mật độ PM2.5, mức ô nhiễm vẫn còn quá cao so với chuẩn an toàn sức khỏe bình thường.

Báo Trung Quốc ngợi ca hình mẫu bảo vệ môi trường của Trung Quốc

Trong ngày 8-12, nhằm hưởng ứng hội nghị quốc tế về môi trường tại Paris, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc cũng đã cho đăng tải bài viết ca ngợi những đóng góp của nước này đối với “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu trên thế giới. Dù thủ đô Bắc Kinh của nước này đang chìm trong khói bụi, tờ báo vẫn khẳng định: “Người dân ở khắp thế giới đang trông đợi những bước tiến bộ liên tục của Trung Quốc trên con đường phát triển xanh. Trung Quốc đang đóng vai trò là một hình mẫu cho thế giới trong việc đương đầu với các thách thức từ biến đổi khí hậu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm