Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 2: Tuyển dụng qua loa, đào tạo sơ sài

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, sở dĩ có nhiều bảo vệ hành xử côn đồ trong thời gian gần đây một phần xuất phát từ khâu tuyển dụng. Nhiều công ty bảo vệ tuyển nhân viên với số lượng lớn nhưng điều kiện, yêu cầu đặt ra cho các ứng viên lại hết sức sơ sài, lỏng lẻo. Cạnh đó, công đoạn đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho vệ sĩ, bảo vệ cũng còn nhiều chuyện đáng bàn.

Việc nhàn, lương ổn định

Nguyễn Trường Giang, 19 tuổi, quê Long An, vệ sĩ của Công ty NLH, đang bảo vệ cho một siêu thị với nhiệm vụ chính là trông giữ xe cho khách. Giang kể: Sau khi tốt nghiệp THPT anh lên TP kiếm việc. Không bằng cấp cao, không trình độ chuyên môn, anh chỉ xin được những công việc như bồi bàn, phụ hồ… “Tuy nhiên, những công việc đó có khi phải chạy đi chạy lại, bưng bê vất vả mà tiền lương cũng chẳng là bao, trong khi công việc bảo vệ lại nhàn nhã hơn nhiều mà lương vẫn như thế. Dù bảo vệ các siêu thị, chung cư hay trung tâm mua sắm, cao ốc, quán bar… thì công việc chủ yếu vẫn chỉ đứng quan sát hoặc cùng lắm chỉ là dắt xe cho khách”.

Còn anh Nguyễn Văn Tú, bảo vệ cao ốc An Lộc 2, khu đô thị mới An Phú - An Khánh (quận 2, TP.HCM), thì kể công việc hằng ngày của anh chủ yếu là ngồi uống cà phê, đọc báo và “tám” với đồng nghiệp, xe ôm hay người dân ở chung cư. “Thi thoảng tôi mới theo dõi và ghi tên khách lạ ra vào chung cư hoặc hằng tháng đi ghi chỉ số điện, nước và thu tiền của các hộ gia đình. Sau khi làm nhiều nghề từ buôn bán cho đến làm thuê, bốc vác, tôi nhận thấy đây là công việc nhàn nhất, tránh va chạm và thu nhập cũng tương đối ổn định” - anh Tú nói.

Một nhân viên bảo vệ tại một quán bar lớn cho biết: “Tôi vốn hiếu động, nghịch ngợm ngay từ khi còn nhỏ, sớm nghỉ học ra TP kiếm việc làm. Nhờ có lý lịch sạch, dáng cao to và gương mặt sáng sủa nên tôi được đầu quân cho một công ty bảo vệ. Tôi muốn làm bảo vệ trong các quán bar, vũ trường… để được khoác trên mình bộ đồ hầm hố, được nghe nhạc hằng đêm…”.

Cũng có những công việc yêu cầu người bảo vệ, vệ sĩ phải chuyên nghiệp, chất lượng hơn như bảo vệ tài sản, tính mạng cho các cá nhân lắm tiền nhiều của, các “sao” hoặc các cậu ấm, cô chiêu. Tuy nhiên, về thực chất cũng chỉ mang tính hình thức, vệ sĩ cũng giống như một thứ “trang trí”, một thứ để khẳng định “đẳng cấp” với đối thủ, với những người xung quanh.

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 2: Tuyển dụng qua loa, đào tạo sơ sài ảnh 1

Bảo vệ ở một siêu thị tại quận 2, TP.HCM. Ảnh minh họa: PHẠM THỦY

Ông Nguyễn Nhật Thăng, Giám đốc Công ty Bảo vệ Hoàng Phi Báo, kể: “Có chú rể trong quá khứ mắc nhiều nợ tình nên sợ người cũ mang con ùn ùn đến trả hoặc quậy tưng trong ngày cưới, ông ta bèn thuê vệ sĩ để bảo vệ cô dâu, chú rể an toàn trong lễ tơ hồng. Một giám đốc tậu được cô vợ người mẫu đa tình, để chắc ăn ông ta thuê vệ sĩ kè kè cạnh người đẹp, anh chàng nào có muốn tiếp cận người đẹp cũng phải kiêng dè. Phụ huynh lắm của nhiều tiền có cậu ấm, cô chiêu ham chơi hơn thích học cũng thuê vệ sĩ làm bảo mẫu giám sát thời gian biểu của con mình… Tóm lại, ngoài bảo vệ công sở, cơ quan, cao ốc, khách sạn, nhà hàng…, vệ sĩ còn bảo vệ cả những chuyện cực kỳ tế nhị, những thứ tưởng như không thể bảo vệ được”.

Một vệ sĩ (đề nghị giấu tên) vừa hoàn tất hợp đồng làm vệ sĩ riêng cho thân chủ là đại gia mới nổi nhờ… bán nhiều đất hương hỏa ở quận 2 nhận xét: Phong trào thuê vệ sĩ riêng ở TP.HCM chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu cần được bảo vệ đúng nghĩa mà chủ yếu đó là cái mốt của một số người lắm tiền.

Tuyển dụng sơ sài

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ, tiêu chuẩn chung để tuyển dụng nhân viên đó là nam phải cao trên 1,68 m, cân nặng trên 57 kg; nữ cao trên 1,58 m, nặng 50 kg trở lên; có sức khỏe tốt, trong độ tuổi lao động, dẻo dai, nhanh nhẹn, tư cách tốt, lý lịch trong sạch. Nhiều đơn vị đặc biệt ưu tiên tuyển dụng những người đã qua quá trình đào tạo của bộ đội và công an. Về học vấn, các nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu trình độ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trên thực tế, tiêu chí về trình độ học vấn không có trong hạng mục tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Điển hình như Công ty Bảo vệ Long Hoàng, nơi có nhân viên bảo vệ đánh học sinh tại nhà hàng Lotte Mart ở tòa nhà Everrich (quận 11) vào cuối tháng 5 vừa qua. Trong số những bảo vệ đó có một bảo vệ chưa đủ tuổi lao động. Khi được hỏi, bà Bùi Thị Hà, Giám đốc công ty, cho biết: “Đó là trường hợp học viên đang theo học khóa huấn luyện, đào tạo của công ty. Việc cậu ta có mặt bảo vệ tòa nhà và tham gia vào việc đánh người là do cậu đang trong quá trình thực tập tại mục tiêu chứ không phải đang đi làm nhiệm vụ”.

Trong quy định của Chính phủ về việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo vệ chỉ yêu cầu người quản lý doanh nghiệp phải có bằng kinh tế, luật hoặc đã từng là sĩ quan trong quân đội, công an. Với nhân viên bảo vệ, luật chỉ quy định có sức khỏe, có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, trình độ học vấn từ phổ thông trung học hoặc bổ túc trung học trở lên.

Đào tạo: Mỗi nơi một phách

Theo quy định, nhân viên của các công ty bảo vệ phải được đào tạo qua các trường có chức năng đào tạo của Cục Quản lý Hành chính và Trật tự Xã hội (C64, Bộ Công an) hoặc các công ty có chức năng đào tạo do C64 cấp phép (như các công ty Long Hải, Long Hoàng…). Tuy nhiên, trên thực tế thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ thường tự đào tạo.

Hiện tại, giáo trình và thời hạn đào tạo các vệ sĩ vẫn chưa có quy chuẩn thống nhất. Doanh nghiệp nào tự đào tạo và tự cấp chứng chỉ cho nhân viên của doanh nghiệp đó. Thời hạn học cũng rất vô chừng, có nơi đào tạo hai tháng, có nơi ba tháng, thậm chí có nơi chỉ một tháng. Chỉ có một vài doanh nghiệp lớn gửi học viên vào một số trường đào tạo chính quy học những lớp ngắn hạn nhưng thời gian dài nhất cũng chỉ 4-5 tháng.

Anh Đức Trường, nhân viên Công ty Bảo vệ KL, cho biết: “Tôi nộp hồ sơ vào công ty, sau đó họ gọi tới phỏng vấn. Khi đạt yêu cầu, họ bảo tôi cứ về nhà và chờ đợi, khi nào có việc họ sẽ gọi. Rồi trước khi nhận việc, tôi được đào tạo một buổi, bao gồm một số kiến thức cơ bản như làm công việc gì, ở đâu, giờ giấc…Tôi hỏi một buổi sao học hết các kỹ năng nghiệp vụ, anh trả lời học võ thì các vệ sĩ mới phải học, còn bảo vệ thì… không cần”.Anh Trường cho biết thêm anh chỉ phải đóng duy nhất một khoản tiền để mua đồng phục.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Giám đốc Công ty Bảo vệ Nam Long Hải, cho rằng bốn tháng cho một khóa đào tạo vệ sĩ đã là quá ngắn. Với hàng loạt kỹ năng về văn hóa giao tiếp, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cứu thương, võ thuật... mà chỉ có ngần ấy thời gian, ông Kỳ e rằng khó mà bảo đảm được chất lượng đào tạo. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho các công ty khi tuyển dụng vệ sĩ, ngoài hai đối tượng là bộ đội xuất ngũ và công an phục viên còn đặc biệt ưu tiên tuyển dụng các cựu võ sĩ hoặc các học viên trường thể thao.

Bảo vệ siêu thị lại đánh người

Đó là bảo vệ Siêu thị Lotte, 469 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM).

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Ngọc, sáng 3-9, ông đến Siêu thị Lotte để mua hàng. Thấy cửa mở nên ông vào nhưng một bảo vệ yêu cầu ông ra ngoài vì chưa đến giờ mở cửa. Thấy ông đi chậm, bảo vệ giục ông đi nhanh. Ông Ngọc nói: “Tôi sẽ ra ngay, anh đừng đối xử với tôi như vậy”. Bảo vệ định hành hung ông nhưng có người can ngăn.

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 2: Tuyển dụng qua loa, đào tạo sơ sài ảnh 2

Ông Ngọc và đại diện tổ bảo vệ trình bày vụ việc với Công an phường Tân Hưng, quận 7. Ảnh: CTV

Hơn nửa tiếng sau, ông Ngọc quay lại siêu thị để mua hàng. Đang lựa chọn thực phẩm, bất ngờ người bảo vệ khi nãy cầm vật cứng lao đến đánh tới tấp khiến ông Ngọc bị thương. BV Đa khoa Sài Gòn ghi nhận ông Ngọc bị đa chấn thương phần mềm, nhất là vùng ngực và tay, sưng bầm nhiều do tác động của ngoại lực.

Theo hồ sơ Công an phường Tân Hưng, bảo vệ trên có tên là Đinh Tấn Tài, nhân viên Công ty Dịch vụ Bảo vệ Sài Gòn Nam Chính Trực.

PHẠM THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm