BS Tây cũng đầy sai lầm động trời

Những sai sót của bác sĩ (BS) nói riêng và của đội ngũ những người làm công việc chăm sóc sức khỏe con người nói chung khiến bệnh nhân phải khổ tâm dài dài, vì khâu khiếu kiện đòi bồi thường thường không bao giờ suôn sẻ, hoặc họ sẽ chỉ nhận được một số tiền quá ít so với thiệt hại. Thuật ngữ “iatrogenesis”- tình trạng bệnh hay tai biến do thầy thuốc gây ra - không còn là một từ “chỉ nói cho vui”.

Nuốt hàm răng giả lại được chẩn đoán là bị Alzheimer

Tháng 8-2016 vừa qua, cụ ông Roland, 85 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu tại TP Dunkerque (miền Bắc nước Pháp) sau khi bị nghẹn trong bữa ăn. BS chẩn đoán đã quá “trời ơi đất hỡi”, cho rằng bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh Alzheimer của tuổi già. Và cụ Roland được cho xuất viện.

Nhưng ngay tối hôm đó cụ trở nặng: Khó thở và không nói được nữa. Ngoài ra, cụ bà vợ ông đã khẳng định là hàm răng giả của chồng mình bỗng đâu biến mất. Gia đình phải đưa cụ đi cấp cứu một lần nữa. Một người con của cụ sau này nhớ lại: “Ngay khi vào phòng cấp cứu, chúng tôi đã nói với BS là có thể ông đã nuốt phải hàm răng giả vào bụng. Chúng tôi luôn lặp lại điều này với nhiều BS khác nhau nhưng họ đều không để ý đến, như thể là chúng tôi nói đùa cho vui vậy”.

Gia đình đã đề nghị cho cụ chụp X-quang vùng họng để kiểm tra trong khi BS chỉ định X-quang phổi. Song càng lúc cụ càng tím tái dần, không ăn uống gì được nữa nên BS phải quyết định cho cụ ăn bằng ống thông nhưng không được vì cụ tỏ vẻ quá đau đớn. Khi đó BS mới đồng ý cho chụp X-quang cổ họng và đã tìm thấy hàm răng giả của cụ bị kẹt trong đó. Cụ được phẫu thuật khẩn để lấy “dị vật” ra.

Bỏ quên cây kéo trong bụng bệnh nhân

Nữ luật sư Bénédicte Papin, chuyên về quyền được chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân, nêu một ví dụ: “Tôi có một thân chủ bị BS bỏ quên gạc trong bàng quang suốt 20 ngày sau mới phát hiện nhưng chỉ nhận được 60.000 euro tiền bồi thường thiệt hại. Nếu tính trên tổng số ngày mà bệnh nhân này phải sống với miếng gạc kia trong bụng thì số tiền này là quá rẻ mạt”.

Một trường hợp khác: Một bệnh nhân nữ 30 tuổi tên là Audrey, sống tại TP Lyon, Đông Nam nước Pháp, vào BV tư Natecia để mổ dạ dày. Trong suốt sáu tháng sau khi xuất viện, do bị đau bụng dai dẳng, vết khâu rỉ dịch, cô đến gặp BS phẫu thuật thì ông ấy bảo không sao cả vì “đây là hiện tượng bình thường khi phẫu thuật dạng này”, thế nhưng sau đó bất chợt trong một cơn ho mạnh, cô nhìn xuống bụng thì hỡi ôi, “khi nhìn vào rốn, tôi thấy một đầu nhọn bằng inox của cây kéo lòi ra”.

Bệnh nhân Jean- Michel Billaut bị đoạn chi do can thiệp cấp cứu chậm trễ và nhận được bồi thường sau sáu năm theo đuổi vụ kiện.

Bị cưa chân, sáu năm sau mới được bồi thường

Về mặt pháp lý, khi có bệnh nhân khiếu kiện thì quá trình giải quyết hồ sơ thường rất chậm trễ do phải xác định quy trách nhiệm kéo dài và sau cùng thì số tiền đền bù cho bệnh nhân nói chung là rất thấp. Theo như BS Philippe Senant tại Bordeaux, người đã từng là một thành viên ban giám định chuyên môn cho các trường hợp sai sót y khoa: “Thực tế, bệnh nhân chỉ được bồi thường tính trên hậu quả của sai sót y khoa mà thôi. Nếu sai sót đó có trầm trọng đến đâu nhưng bệnh nhân không chịu đau đớn nhiều thì khoản đền bù sẽ không cao”. Bởi giám định viên sẽ căn cứ trên một “bảng giá” có sẵn rồi tính toán những thiệt hại, từ thời gian nằm bệnh viện, tỉ lệ mất sức lao động và những đau đớn thể xác từ sai sót này. Khi đó tòa án mới có căn cứ để ra phán quyết.

Một buổi chiều tháng 5-2009, ông Jean-Michel Billaut cảm thấy đau nhói ở chân phải. Ông gọi trung tâm cấp cứu SAMU và mô tả tình trạng đau của mình nhưng thay vì liên lạc với BS thì SAMU lại gọi một đội lính cứu hỏa đến nhà để chở ông đến bệnh viện. Ông được chẩn đoán “thiếu máu cục bộ cấp” và phải mổ gấp. Song bệnh viện lúc đó không có trang thiết bị để tiến hành phẫu thuật mạch máu. Bệnh nhân phải đợi thêm một tiếng đồng hồ sau mới được chuyển viện cách đó gần 5 km để mổ. Nhưng đã quá trễ và ngày 22-6 bệnh nhân bị cắt cụt chân lên đến đầu gối.

Năm năm sau, vào tháng 7-2014, Hội đồng Hòa giải và Bồi thường các tai nạn trong y khoa (CCI) chính thức xác nhận đây chính là lỗi của trung tâm cấp cứu SAMU và quy định mức bồi thường 85% những thiệt hại mà bệnh nhân phải chịu do sự chậm trễ không đáng có của SAMU. Đến tháng 8-2015, ông Jean-Michel Billaut đã có thể chống gậy đi lại được nhưng số tiền bồi thường thì vẫn bặt vô âm tín. Vì sao? Vì lỗi thì đã rõ ràng nhưng bên bảo hiểm không chịu đền. Lý do: Bảo hiểm cho rằng không chỉ có SAMU phải chịu trách nhiệm một mình mà cả hai bệnh viện kia cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Ông Jean-Michel Billaut than thở: “Bạn bè khuyên tôi đừng kiện tụng gì nữa vì ở Pháp chuyện này nhiêu khê, phiền phức lắm”.

Cuối cùng, sau khi phải nhờ đến sự can thiệp của một vị dân biểu và từ Bộ Y tế thì ông mới được bồi thường. Hiện nay, ông Jean-Michel Billaut đã 70 tuổi và với khoản tiền đền bù, ông mong muốn “trước tiên là mua một chiếc xe hơi để không còn phải lệ thuộc vào vợ” và sau đó là đi du lịch một vòng châu Âu.

Số vụ sai sót đáng giật mình

Trong một bài đăng trên tập san y khoa British Medical Journal ngày 4-5-2016, hai BS người Mỹ là Martin Makary và Michael Daniel thuộc khoa Ngoại của BV ĐH Johns - Hopkins tại Baltimore (bang Maryland) đã làm một thống kê cho thấy các sai sót y khoa tại Mỹ là nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân đứng hàng thứ ba, sau các bệnh về tim mạch và ung thư và cho con số cụ thể là 251.000 ca mỗi năm.

Còn tại Pháp, một báo cáo năm 2015 của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi cho các bệnh nhân là nạn nhân của các tai nạn y khoa (Le Lien) dựa trên những số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Với 15 triệu ca nhập viện năm 2013 tại Pháp, con số các bệnh nhân tử vong có liên quan đến các sai sót y khoa có thể xấp xỉ 50.000 ca”.

Vào năm 2013, một báo cáo về tình trạng bệnh hay tai biến do thầy thuốc gây ra (iatrogenesis) do dược sĩ Bernard Bégaud và chuyên gia dịch tễ học Dominique Costagliola thực hiện nêu lên rằng “những nghiên cứu về cảnh giác dược (pharmacovigilance) đã giúp thống kê được con số 10.000-30.000 ca tử vong mỗi năm tại Pháp có liên quan đến tai nạn do việc sử dụng thuốc trị bệnh gây ra”.

Từ đó, GS Mahmoud Zureik, Giám đốc khoa học của Tổ chức về an toàn thuốc và các sản phẩm y tế Quốc gia Pháp (ANSM), lên tiếng kêu gọi cộng đồng khoa học hãy thực hiện một cuộc nghiên cứu trên quy mô sâu rộng nhất về tình trạng bệnh hay tai biến do thầy thuốc gây ra (iatrogenesis) và khuyến cáo đợt nghiên cứu nên bắt đầu từ tháng 9-2017. Biết rằng đợt nghiên cứu lớn gần đây nhất về vấn đề này là vào năm 1998.

Cưa chân, cắt thận... nhầm ở Anh là chuyện thường

Theo thống kê năm 2000, các bệnh viện trực thuộc hệ thống dịch vụ y tế công tại Anh là National Health Service (NHS) trung bình mỗi năm phạm phải 850.000 sai sót trong điều trị y khoa, gây hậu quả vô cùng nặng nề, như phẫu thuật đoạn chi chân một phụ nữ do chẩn đoán sai lầm là ung thư xương; bị đau quả thận này mà cắt bỏ quả thận kia khiến bệnh nhân tử vong.

Người lành lặn bị bắt ngồi xe lăn ở Bồ Đào Nha

Theo nhật báo Jornal de Noticias, ông Rufino Borrego, người Bồ Đào Nha, đã “phải” ngồi xe lăn suốt 43 năm cho đến khi ông “được” phát hiện ra chứng bệnh thật của mình. Câu chuyện như sau: Năm 13 tuổi, chàng trai Rufino Borrego đến BV Santa Maria tại Lisbonne khám bệnh: BS chẩn đoán anh ta mắc chứng loạn dưỡng cơ không thể chữa khỏi nên phải ngồi xe lăn suốt đời. Đến năm 2010, một BS thần kinh đã “sửa sai” cho đồng nghiệp hơn 40 năm trước của mình khi phát hiện ra đó là do nhược cơ bẩm sinh và chỉ cần một loại thuốc trị bệnh suyễn là bệnh nhân có thể đi lại bình thường.

Rồi một hôm, khi bất ngờ thấy ông khách quen gần nhà luôn ngồi xe lăn từ bấy lâu nay bỗng dưng thong thả đi bộ đến quán cà phê của mình, chủ quán đã “hốt hoảng”: “Ôi, ông là… Ru… Rufino đây sao? Đúng là một phép màu!”.

Hiện đã 61 tuổi, ông Rufino Borrego đang dần trở lại cuộc sống bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm