Buồn vui đời CSKV - Bài 2: Lá thư gửi ân nhân

Nghĩa mến thương!

Đêm nay trời Thuận An bỗng đổ cơn mưa làm chị nhớ về đêm mưa Sài Gòn năm nào. Giờ này, Nghĩa đang trực hay cùng các đồng đội rảo bước tuần tra để rồi vất vả ngược lo cho những mảnh đời bất hạnh như gia đình chị năm nào?

… Chị không bao giờ quên ơn Nghĩa - người chiến sĩ công an có tấm lòng nhân ái bao dung. Tin để Nghĩa mừng là cháu Hiếu vừa đậu đại học, chị vừa đi thêm bước nữa và sống yên vui hạnh phúc. Chị có được như ngày hôm nay là nhờ Nghĩa rất nhiều. Xin Nghĩa cho cháu Hiếu được gọi Nghĩa bằng cậu và chị được làm người chị của Nghĩa.

Mai Thị Cẩm

“Chú ơi, đừng đuổi chúng tôi!”

Chuyện đã xảy ra khoảng 25 năm trước được anh hồi tưởng.

Lúc ấy, Thượng sĩ Pham Công Nghĩa là cảnh sát khu vực (CSKV) phường 2. Một đêm khuya, đường phố vắng người, anh đang cùng đồng đội tuần tra thì trời chợt đổ mưa rất to. Anh vội tấp vào bên hông Trường Mẫu giáo Kim Đồng (đường Phạm Văn Hai, Tân Bình) để trú. Tại đấy cũng có ba người đang ngồi co ro: một cụ già khoảng 60 tuổi, một phụ nữ trạc ngoài 30 và một cháu bé. Cụ già và người phụ nữ ôm siết lấy cháu trai ngồi giữa, trên mình đứa bé chỉ phong phanh một chiếc áo mỏng. Cả ba người đều gầy gò, cậu bé và cụ già môi tím tái vì lạnh. Cái lạnh khiến họ run lập cập, nỗi lo công an đuổi làm người phụ nữ càng run hơn khi anh Nghĩa tiến đến hỏi chuyện.

Lau dòng nước mắt, chị nói: “Chúng tôi là người lương thiện, hằng ngày đi bán vé số, tối về đây tá túc qua đêm, xin các chú thương tình, đừng đuổi chúng tôi đi”. Nghe chị nói, một nỗi thương cảm lẫn chạnh lòng dấy lên trong anh: “Cùng là con người với nhau cả mà. Nhưng sắc phục cảnh sát có khi khiến họ sợ thật!”.

Cơn mưa vừa nhẹ hạt, anh dặn dò gia đình họ rồi tiếp tục tuần tra mà lòng ưu tư: Giờ này trong khi mọi người đang ở trong chăn ấm nệm êm thì người mẹ già và em bé này phải chống chọi với cái lạnh giữa đêm đông trên hè phố. Anh thấy thương họ quá. Anh cũng đã trải qua đủ thứ thiếu thốn trong cuộc sống. Từ ngày đi làm cảnh sát đã mấy mùa xuân anh không về thăm nhà được. Sau khi tuần tra mấy vòng, anh thấy đói liền lấy ít bánh khô mang theo người định ăn. Chợt nhớ đến cậu bé và cụ già gầy còm, môi tím tái, anh liền quay lại chỗ họ trú mưa và cho cậu bé số bánh ấy.

Buồn vui đời CSKV - Bài 2: Lá thư gửi ân nhân ảnh 1

Thượng tá Phạm Công Nghĩa - Trưởng Công an phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM) trong một buổi tiếp dân tại trụ sở. Ảnh: ÁI NHÂN

“Công an như chú, ai mà không thương!”

Sáng hôm sau, tạm gác việc nghỉ bù, anh tìm đến và biết được chị là Mai Thị Cẩm, người mẹ già tên Nguyễn Thị Năm và cậu con trai là Mai Trung Hiếu mới chín tuổi. Nước mắt vắn dài, chị Cẩm kể: Chị vốn là giáo viên dạy Anh ngữ, chồng chị là sĩ quan chế độ cũ mất tích gần ngày giải phóng. Sau giải phóng, chị mất việc, cả nhà đùm túm nhau đi kinh tế mới ở Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), rồi Đồng Nai. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, mẹ già, con nhỏ đau ốm luôn, sức của phụ nữ chỉ quen với việc dạy học. Thế là cả gia đình đành trở về thành phố để kiếm sống, lo thuốc thang cho mẹ.

Anh xin ý kiến ban chỉ huy công an phường và UBND phường trợ cấp khó khăn, đồng thời vận động bà con của ít lòng nhiều giúp đỡ che tạm cho gia đình chị Cẩm căn chòi sau Trường Mẫu giáo Kim Đồng. Thời điểm ấy, phía sau trường và nhiều nơi trên tuyến đường Phạm Văn Hai còn ít nhà cửa, nhiều chỗ cỏ hoang mọc dày nên cũng chẳng mấy ai quan tâm đến căn chòi cả ba con người ấy đang ở. Hằng ngày, chị Cẩm và con trai đi bán vé số. Thỉnh thoảng anh ghé qua thăm hỏi động viên, mẹ chị Cẩm lại cầm tay anh rưng rưng: “Chú là ân nhân của gia đình chúng tôi, không bao giờ chúng tôi quên ơn chú. Làm công an như chú, ai mà lại không thương được”.

Còn cháu Hiếu, những hôm bán vé số bị ế thì anh mua giúp cho hết. Những bữa vé số còn quá nhiều, anh vừa mua vừa vận động anh em đồng đội mua giúp. Thấy Hiếu không được đi học, anh tìm cách xin cho cháu.

Hôm anh Nghĩa báo tin đã xin được cho cháu Hiếu đi học, chị Cẩm mừng đến khóc. Là nhà giáo, thấy con đã lớn tuổi mà không được đi học lòng chị se thắt. Chị xúc động không nói nên lời, chỉ biết cầm tay anh Nghĩa nghẹn ngào.

Một thời gian sau, mẹ chị Cẩm qua đời, anh Nghĩa đã chạy ngược xuôi cùng chính quyền và bà con khu phố giúp chị mua quan tài và ma chay chu đáo. Sau đó, anh lập hồ sơ xác nhận tạm trú để chị được đi làm công nhân may. Nhờ đó, cuộc sống mẹ con chị Cẩm đỡ hơn trước. Một thời gian sau, xí nghiệp giải thể, chị cùng cháu Hiếu đến cảm ơn anh Nghĩa đã hết lòng giúp đỡ mẹ con chị rồi tạm biệt về quê làm ăn…

Thời gian cứ trôi với bộn bề công việc. Năm 1998, Công an TP.HCM phát động cuộc thi viết về Những kỷ niệm đẹp của người CSKVcho toàn lực lượng. Anh nhớ lại, viết về kỷ niệm trên và đoạt giải. Khi bài viết được đăng báo, chị Cẩm đọc được và đã viết lá thư trên gửi cho anh.

Biết chị Cẩm đã có cuộc sống hạnh phúc, anh rất mừng. Anh sắp xếp đi thăm gia đình chị. Anh hào hứng cho biết: “Vừa rồi thằng Hiếu cưới vợ. Nó mời cậu Nghĩa đi đại diện cho nó. Cái thằng nhỏ giờ là kỹ sư vi tính, có cô vợ xinh xắn…”.

Con người luôn luôn là con người

Thượng tá Nghĩa cho biết trong cuộc đời làm cảnh sát của mình, anh luôn tâm niệm rằng phải luôn tìm cách cảm hóa, hướng dẫn cho đối tượng, người dân là công tác trọng tâm. Bởi anh nghĩ rằng mỗi đối tượng, mỗi người đều có hoàn cảnh, vướng mắc riêng, kể cả “giang hồ” cũng có luật của “giang hồ”. Làm người CSKV phải thực sự gần gũi, đồng cảm, chia sẻ được với những tâm tư của họ thì họ sẽ sẵn sàng mở lòng để đón nhận mình. Tâm niệm “con người luôn luôn là con người và mình phải luôn tìm cách gần họ” cũng là nguyên tắc sống theo cuộc đời gần 30 năm làm CS của anh.

Anh Nghĩa kể hôm trước anh BCT, nguyên là bảo vệ dân phố của phường 2, đã hơn 15 năm mới đến thăm anh Nghĩa. Anh T. nguyên là phi công của chế độ cũ. Sau giải phóng, bất đắc chí, anh T. tham gia vào băng cướp có súng, bị bắt và đi cải tạo. Sau cải tạo, anh Nghĩa - lúc này là CSKV đã tìm đến khuyên nhủ. Lúc đầu, anh T. rất sợ. Thời gian sau, anh T. đã thân thiết, tham gia bảo vệ dân phố và gắn bó với anh Nghĩa cho đến năm 2008 thì nghỉ làm bảo vệ dân phố vì đã chuyển nhà về quận 12. Anh Nghĩa kể trong một lần đi bắt băng cướp Hiền “cá sâu” hoành hành tại Công viên Hoàng Văn Thụ, anh bị đối tượng Heo (ngụ Dăk Lăk) rút dao đâm. Lúc đó, anh T. lao vào đỡ nhát dao và dùng lợi thế cao to, giỏi võ bắt gọn đối tượng. Anh Nghĩa nói: “Mình đối xử với người dân tốt thì họ sẽ thương mình”. Rít hơi thuốc lá dài, anh Nghĩa nói với tôi: “Ở đời có nhiều hạnh phúc từ những việc làm nhỏ nhặt bạn ạ!”.

Gần 10 năm trước, anh Nghĩa cũng đang là CSKV tại phường 2. Một hôm có người đàn ông hành nghề xe ôm tại bùng binh Lăng Cha Cả đến gặp anh, khẩn khoản nhờ anh làm giúp hộ khẩu để cho con gái được đi học. Thời gian ấy, để làm hộ khẩu rất gian nan. Vậy mà ngoài chứng minh nhân dân, hộ khẩu ở quê, người ấy không có giấy tờ nào khác. Trong hồ sơ giấy tờ đưa cho anh, ông ta kẹp theo một số tiền để “chi phí và bồi dưỡng”.

Ngay hôm sau, anh Nghĩa gọi ông xe ôm đến gặp và trả lại số tiền trên rồi làm được hộ khẩu cho gia đình ông. Ngày nhận được hộ khẩu, ông này không cầm được nước mắt, tâm sự số tiền dự định đưa cho anh, ông có thể trang trải tiền ăn cả tháng trời cho cả gia đình. Từ đó đến nay, bất kể nắng mưa, ông ta vừa chạy xe ôm vừa ngầm theo dõi, cung cấp thông tin về tội phạm cho anh, giúp anh và Công an phường 2 khám phá nhiều vụ án ma túy, mại dâm, cướp giật, trấn lột…

Anh Nghĩa tâm sự: “Tình cảm của người dân đối với chiến sĩ công an nhân dân được gầy dựng phần lớn thông qua CSKV. Ứng xử tốt, chan hòa với người dân không chỉ khiến người dân giúp đỡ thuận lợi cho công tác của mình, mà đó còn là tấm lòng giữa người với người”.

ÁI NHÂN - PHẠM THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm