Câu cua rừng trên núi Cấm

Ăn cua rừng là chính

Bà Hai Tề Thiên tên thật là Võ Thị Kim Thao, quê ở Tiền Giang. Bà có biệt danh này vì ngày trước bà trèo cây rất giỏi. Dân Vồ Đầu hình dung cảnh bà trèo cây nhanh nhẹn như khỉ, nên đặt biệt danh Tề Thiên cho bà.

Bà Thao kể khi còn ở Tiền Giang, bà mắc chứng ung thư máu. Lúc ấy, bà đã có bốn người con. Vợ chồng bà vất vả làm thuê cho các nhà vườn trồng cam, quýt kiếm sống. Bà lâm bệnh hiểm nghèo, không đào đâu ra tiền chạy chữa.

Câu cua rừng trên núi Cấm ảnh 1

Cua rừng có màu sắc rất đẹp

Năm 1995, bà Thao lặn lội về vùng Bảy Núi, mong kiếm thuốc Nam chữa bệnh. Tình cờ, bà lên núi Cấm gặp được thầy giỏi bốc thuốc chữa bệnh cho bà. Sau một năm dài được chữa bệnh bằng thuốc núi, bà Thao thoát khỏi... tay thần chết. “Tôi thấy người mình khỏe lại. Tôi đi xét nghiệm thì bác sĩ bảo đã hết bệnh rồi. Từ đó tôi quý mến ngọn núi này, nên kéo cả gia đình lên đây sinh sống” - bà Thao tâm sự.

Lên núi Cấm, gia đình bà Thao sống nhờ ở nhà người dân. Gom mót được số tiền nho nhỏ, gia đình bà mua được hơn ba công đất rừng tạp tại điện Cửu Phẩm. Ngày ngày, vợ chồng bà đi khắp núi, hỏi coi ai thuê gì thì làm nấy. Những ngày không ai thuê, vợ chồng bà bỏ công chặt phá cây tạp, khẩn hoang miếng đất vừa mua.

“Nhiều năm sau gia đình tôi mới làm thành khoảnh được miếng vườn, năm 2000 mới trồng được rẫy. Điện Cửu Phẩm cao 600 m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ, trồng được rau xà lách soong, cải bắp và su hào. Từ đó, mảnh đất này mới cho chút ít huê lợi, gia đình tôi đỡ khổ phần nào” - bà Thao nhớ lại.

Tranh thủ những tháng trời mưa, hai vợ chồng đi bắt cua rừng về làm thức ăn. Bà Thao kể: “Sáu tháng  mưa trên núi Cấm, cua rừng bò ra vườn rất nhiều. Thấy vậy, vợ chồng tôi bắt về nấu canh với rau kim thất, xà lách để giảm chi phí gia đình”.

Câu cua rừng trên núi Cấm ảnh 2

Một chú cua rừng vừa bị nhấp dính

Cứ vậy, hết năm này sang năm khác, gia đình bà chuyên nghề đi bắt cua rừng. Bắt qua những tháng mùa mưa, những tháng mùa khô gia đình lại thiếu ăn. Vợ chồng bà lại xuống suối kiếm cua bắt. “Nhà tôi nghèo tận đáy nên nghề gì cũng làm. Sẵn thấy cua rừng có thịt rất ngọt và thơm ngon nên gia đình cứ bắt ăn suốt. Những tháng nắng, cua không ra bờ rừng nên tôi tìm đến mấy con suối quanh nhà kiếm nó. Ban đêm, cua rừng đầy các con suối. Chắc ban đêm cua bò ra suối kiếm ăn, mà toàn là cua bự” - ông Đen, chồng bà Thao kể.

Thoạt đầu, nghề bắt cua rừng chỉ được gia đình bà thực hiện bằng tay. Lúc bắt cua chưa thành thạo, bà bị nó kẹp đau điếng người. Bởi cua rừng có đôi càng rất cứng và sắc nhọn nên dân gian hay bảo là “cua kẹp trời gầm không nhả”. Năm 1996, bà Thao sinh ra cậu con trai út tên Võ Văn Cần. Lên sáu tuổi, Cần cũng bắt chước cha mẹ ra rừng bắt cua. Và nghề câu cua rừng xuất phát từ cậu bé này. 

Đặc sản cua rừng

Lúc đầu, chú bé Cần chỉ cầm cọng chuối nhấp cua chơi. Những tháng mùa nắng, cua rừng chỉ nằm trong hang hốc hay kẹt đá. Ban đêm, chúng bò xuống suối, còn mưa mới bò ra ngoài. Vì vậy muốn bắt cua vào ban ngày thì chỉ có đưa cần câu vào miệng hang nhấp để kéo nó ra. “Từ việc nhấp cua chơi chơi của thằng Cần, gia đình mới biết nếu muốn bắt cua vào ban ngày thì phải câu nhấp. Rồi thằng nhỏ chế ra cần câu cua” - bà Thao kể lại cái nghề câu cua rừng trên núi độc đáo của gia đình mình.  

Ông Đen tiếp lời: “Bắt cua ban đêm, chúng tôi phải lội suối rất nguy hiểm, dễ bị trượt chân té đập đầu vào đá, nên cũng hạn chế đi. Còn muốn bắt cua vào ban ngày thì phải đợi đến tháng 8, sa mưa về đến cuối năm mới có cua bò ra ngoài mà bắt. Trong khi đó, nhà nghèo nên cần có cua ăn mỗi ngày. Gia đình ủng hộ việc thằng Cần đi câu cua kiếm cái ăn. Dần dà, Cần đã làm được cần câu cua độc đáo mà chưa ai ở vùng Bảy Núi này nghĩ ra”.

Câu cua rừng trên núi Cấm ảnh 3

Gia đình bà Hai Tề Thiên

Cần câu làm bằng nhánh tre non dẻo, đầu nhánh tre cột mấy sợi dây thun. Chỉ đơn giản thế mà Cần đã từng làm cho bầy cua rừng phải nộp mạng. Bởi hễ đưa cần câu vào miệng hang nào, cậu bé đều tóm được chú cua trong cái hang đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc bắt cua rừng để làm thức ăn hàng ngày thì sự nổi tiếng với nghề câu cua cũng không đến với gia đình bà Hai Tề Thiên; cái danh “kiện thủ” câu cua rừng cũng không đến với cậu bé Cần mới tròn 13 tuổi. 

Dân nhậu trên núi Cấm bắt đầu biết đến việc ăn cua rừng. Thịt cua rừng thơm ngon không kém cua biển. Họ lần lượt tìm đến gia đình bà Thao hỏi mua cua, mang về làm món rang me nhâm nhi. “Lúc đầu là dân nhậu, rồi họ đồn đoán đến tai mấy ông làm việc. Mấy ông làm việc mua ăn thấy ngon nên tiếp tục giới thiệu. Người mua cua đến gia đình tôi ngày một nhiều. Từ đó gia đình tập trung đi câu, bằng chính cái cần câu do thằng Cần chế ra” - bà Thao nói.

Bà Thao cho biết cua rừng không còn nhiều. Bởi chúng chỉ sống từ giữa ngọn núi trở lên đỉnh núi. Do vậy, các nhà hàng quán nhậu hay ai muốn mua cua thì phải đặt trước. Sau hai ngày lặn lội trong rừng đi bắt, gia đình bà cũng chỉ kiếm được tối đa 5 kg cua, giá 60.000-70.000 đồng/kg. Những ngày cuối tuần, giá tăng lên 100.000 đồng/ kg. Nhà bà Thao là đầu mối duy nhất ở vùng Thất Sơn cung ứng loài cua đặc sản này.

Nói về gia đình bà Thao, nhiều người xung quanh nhận xét rất tốt. Bởi nghèo nên nhà bà Hai Tề Thiên làm cái nghề không ai làm. Tuy vậy, hễ rảnh rỗi là ông Đen đi tìm thuốc Nam để làm từ thiện, đưa cho bên Đông y cứu người. Người ta thương, nên mới đây đã giúp cất lại căn nhà cho gia đình bà. 

VĨNH SƠN 

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 12-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm