Châu Âu ‘săn lùng’ tài sản người tị nạn

Các nước châu Âu đã phản ứng theo những cách quyết liệt riêng của mình đối với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất chưa từng có của châu lục này kể từ sau Thế chiến II. Trong đó, Đan Mạch đã ban hành một đạo luật cho phép cảnh sát tịch thu tài sản người tị nạn sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu hôm 26-1, theo sau động thái tương tự ở Thụy Sĩ và miền Nam nước Đức.

Tịch thu tiền, vật đắt giá...

Tờ Independent cho biết sau hơn ba tiếng đồng hồ tranh cãi căng thẳng, đạo luật của chính phủ Đảng Tự do cầm quyền đã được thông qua với số phiếu áp đảo 81 thuận và 27 chống. Đạo luật này còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả Đảng Dân chủ Xã hội phe đối lập và Đảng Nhân dân Đan Mạch chủ trương chống chính sách nhập cư.

Theo tờ The Guardian, với luật mới được thông qua, cảnh sát Đan Mạch có thể tịch thu tiền mặt trên 10.000 krone (hơn 1.450 USD) cũng như bất kỳ đồ vật giá trị nào của cá nhân như đồng hồ, điện thoại di động và máy tính. Nhẫn cưới cũng như các đồ vật mang “giá trị tình cảm”, tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng sẽ không bị thu giữ. Chính phủ Đan Mạch cho biết thủ tục này nhằm mục đích trang trải chi phí điều trị cho người tị nạn tương tự như hình thức giải quyết vấn đề phúc lợi của công dân Đan Mạch.

Đáp lại, những chính trị gia phản đối đạo luật cho rằng chính phủ Đan Mạch đang thắt chặt quá mức luật pháp nước này, đồng thời kêu gọi toàn châu Âu cần đưa ra một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmusse lại biện bạch rằng đây là đạo luật “bị hiểu lầm nhất trong lịch sử” của quốc gia này, khẳng định đây là giải pháp cần thiết giữ cuộc khủng hoảng trong tầm kiểm soát và tạo ra “bình đẳng giữa người nhập cư và công dân Đan Mạch”. Quốc gia này trong năm 2015 đã nhận đến 21.300 đơn xin tị nạn, là một trong những nước có mức độ xin tị nạn lớn nhất EU. Đan Mạch trước đó cũng đã thông qua các lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn với Thụy Điển.

Không riêng gì Đan Mạch, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã có các bước đi tương tự nhằm tịch thu tài sản có giá trị của người tị nạn như một dạng chi phí phúc lợi. Thụy Sĩ trước đó đã có một đạo luật cho phép cơ quan chức năng tịch thu tài sản của những người tị nạn trong vòng 20 năm. Những người di cư phải kê khai tài sản của mình khi đến nước này và bất cứ đồ vật gì trị giá trên 1.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 985 USD) có thể bị thu giữ. Các vật “giá trị tình cảm” được miễn trừ. Năm 2015, nhà chức trách Thụy Sĩ đã tịch thu tổng cộng 210.000 franc Thụy Sĩ (hơn 206.000 USD) từ 112 người. Hầu hết trong số này là tiền mặt.

Tại Hà Lan, những người tị nạn có nghĩa vụ kê khai tài sản của họ và các khoản khấu trừ có thể được thực hiện nếu giá trị tài sản vượt quá 5.895 euro/người hoặc 11.790 euro/gia đình. Họ cũng phải trả các khoản thu tính trên thu nhập của mình một khi họ được phép làm việc. Chính quyền bang Bavarria và một số bang miền Nam nước Đức cũng theo bước Đan Mạch và Thụy Sĩ. Bộ trưởng Nội vụ bang Bavaria, ông Joachim Herrmann, cho biết bất cứ tài sản gì đáng giá hơn 750 euro (hơn 815 USD) của người tị nạn đều có thể bị sung công quỹ. Người tị nạn tại bang Baden-Württemberg cũng chỉ được giữ tiền và đồ giá trị không quá 350 euro (hơn 380 USD). Theo tờ Bild, giá trị tài sản tịch thu từ người tị nạn tại các bang miền Nam nước Đức hiện trung bình ở mức “bốn con số” trên một đầu người.

Các chuyên gia cho rằng người tị nạn bước chân đến châu Âu có rất ít tài sản. Ảnh: AFP

Chính phủ Áo cho rằng cần sung quỹ tài sản giá trị để chi trả các phúc lợi như những khu trại và nhu yếu phẩm dành cho người tị nạn. Ảnh: AP

Tịch thu tài sản: Đúng hay sai?

Trong khi luật mới về tịch thu tài sản người tị nạn đã “thống trị” các trang báo quốc tế, các chuyên gia pháp lý và các nhóm nhân quyền lên tiếng cảnh báo về các điều khoản liên quan đến đoàn tụ gia đình và giấy phép cư trú trong luật mới của Đan Mạch. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cho biết người tị nạn tại Đan Mạch giờ sẽ mất ba năm mới có thể đoàn tụ gia đình.

Theo tờ The Guardian, mặc dù là một thành viên của EU, Đan Mạch đã chọn không tham gia hầu hết các luật lệ liên quan đến vấn đề người tị nạn của khối. Bộ trưởng Bộ Di trú Đan Mạch đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chính sách nhập cư của Đan Mạch được quyết định ở Đan Mạch chứ không phải ở Brussels”. Tuy nhiên, Đan Mạch đang bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em và Công ước châu Âu về nhân quyền. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã cảnh báo luật mới của Đan Mạch có nguy cơ vi phạm các tiêu chuẩn này. Trong một bức thư gửi tới bà Stojberg - Bộ trưởng Bộ Di trú Đan Mạch, ủy viên Hội đồng châu Âu phụ trách nhân quyền Nils Muiznieks cũng cho biết việc hoãn các cuộc đoàn tụ gia đình gây ra “các vấn đề liên quan đến tính tương thích với Điều 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền mà bảo vệ quyền được tôn trọng cuộc sống gia đình của một cá nhân”.

Dẫn lại bởi hãng tin BBC, Liên Hiệp Quốc mô tả luật mới của Đan Mạch là một động thái “đáng quan ngại và đáng tiếc”. Những người phản đối cho biết người tị nạn nói chung vẫn hy vọng được đối xử nhân đạo ở Đan Mạch trong khi luật mới được thông qua trên không mang tính đạo đức. Pernille Skipper, phát ngôn viên đảng cánh tả Đan Mạch Enhedslisten nói: “Về mặt đạo đức, đây là một cách đối xử kinh khủng đối với những người chạy trốn khỏi tội ác, chiến tranh và hãm hiếp. Họ đang chạy trốn khỏi chiến tranh và làm thế nào mà chúng ta lại đối xử với họ như vậy? Chúng ta lấy đồ trang sức của họ hay sao?”. The Guardian cho biết những người xin tị nạn ở Đan Mạch đã bật khóc khi nghe tin luật mới được thông qua.

Jean Claude Mangomba, một giáo viên tiếng Anh 48 tuổi chạy trốn khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, nói: “Hầu hết mọi người đang chạy trốn khỏi chiến tranh, họ chạy đi với tất cả những gì họ có thể mang theo. Điều đó không làm cho họ giàu hay trở thành những tên tội phạm. Và nếu họ mang theo tiền, điều đó sẽ có ích cho Đan Mạch. Họ sẽ đổi ra đồng krone của Đan Mạch và chi tiêu tại đây. Vậy cớ gì chính phủ Đan Mạch lại muốn lấy số tiền này, lấy đi những đồ vật giá trị của họ? Không có nghĩa lý gì cả!”.

Bằng một giọng tuyệt vọng, người đàn ông bày tỏ: “Luật mới thật tồi tệ, thực sự họ chỉ muốn buộc chúng tôi quay đầu. Tôi đã không lựa chọn để đến đây. Tôi đến đây một cách tự nhiên trong chuyến hành trình. Tôi bỏ chạy và may mắn trốn thoát nhưng cuối cùng tôi đã tuyệt vọng. Tôi không được phép gặp mặt vợ và ba đứa con của tôi trong ba năm. Với luật mới này, sẽ mất thêm nhiều năm để tôi có thể nhìn thấy họ lần nữa. Tôi đang mất hy vọng. Hệ thống tị nạn ở đây đang giết người một cách chậm rãi”.

Châu Âu bên bờ vực

Ở một số quốc gia châu Âu khác, thủ tướng của Cộng hòa Czech và Slovakia đã lên án sự bất lực của Hy Lạp để ngăn chặn hàng trăm ngàn người tị nạn di chuyển tới các nước Bắc Âu. Hai nhà lãnh đạo nhất trí kêu gọi tăng cường bảo vệ biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Hy Lạp, một ngày sau khi các bộ trưởng nội vụ EU cho biết họ sẵn sàng xem xét việc tạm ngưng thỏa thuận Schengen cho phép tự do đi lại giữa hầu hết các nước EU.

Robert Fico, Thủ tướng Slovakia, cho biết: “Cần phải có một kế hoạch dự phòng, bất kể Hy Lạp có nằm trong thỏa thuận Schengen hay không. Chúng ta phải tìm ra một giải pháp bảo vệ biên giới hiệu quả”. Đề nghị đóng cửa biên giới và tạm ngưng thỏa thuận Schengen đã làm chính phủ Hy Lạp phản kháng mạnh mẽ khi nước này còn đang phải vật lộn với tỉ lệ thất nghiệp và xung đột kinh tế ngày càng cao bên cạnh vấn đề hàng trăm ngàn người tị nạn. Nikos Xydakis, Bộ trưởng Ngoại giao thay thế của Hy Lạp chuyên về các vấn đề EU gọi đề nghị trên là “điên rồ” và cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến sự chia rẽ châu Âu. “Nếu tất cả các nước dựng lên một hàng rào, chúng ta sẽ trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh và bức màn sắt. Đây không phải là sự hội nhập của EU mà là chia rẽ EU”.

Giữa bối cảnh bất đồng, Liên Hiệp Quốc cho biết khả năng tất cả quốc gia châu Âu cùng “kề vai sát cánh” để chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tị nạn dường như không thể vào lúc này. Peter Sutherland, đại diện của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề di cư quốc tế cho biết một cách tiếp cận chung là cần thiết để giải quyết vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm