Chết vẫn chưa hết… khổ

Lời than của bà Huỳnh Thị Nga - mẹ ruột nạn nhân Huỳnh Thị Tâm (SN 1978, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), tử vong trong vụ nổ lớn vào ngày 17.10.2014 tại chi nhánh của Cty TNHH SX-DV-TM Đặng Huỳnh, số 66/2, Lê Thị Riêng, KP5, phường Thới An, quận 12 (TPHCM) - khiến tất cả chúng tôi không kìm được xúc cảm.

Nhân trầm ngâm bên tấm ảnh gia đình sum họp

    Ở cực âm của đau khổ

    Phải nhiều lần rẽ trái, rẽ phải trên con đường đất loằng ngoằng, ngập bùn đất vì mưa dầm, chúng tôi mới tìm được nhà bà Huỳnh Thị Nga - mẹ ruột nạn nhân Tâm. Đó là căn nhà nền đất, mái lá nằm phía sau dãy nhà “mặt tiền” bên dòng kênh Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp). Có lẽ lâu ngày chưa được tu sửa, nên nhà trông rất lụp xụp, mái lá cũ nát… nhưng xem ra vẫn còn “tươi” hơn nữ chủ nhân. Sinh năm 1959, nhưng bà Nga già hơn cái tuổi 55 của mình bởi nét buồn hằn sâu trên làn da, gương mặt và lời nói. Cơn mưa cuối ngày như rắc vào không gian tĩnh lặng của làng quê chất tịch liêu. “Con Tâm khổ từ trong trứng khổ ra” - bà Nga nức nở khi kể về người con gái vắn số của mình.

    Khi biết bà Nga mang thai Tâm, người đàn ông “trăng hoa” đã bỏ đi biệt tăm. Không chỉ mất cha, đến 5 tháng tuổi, Tâm lại mất luôn hơi ấm ruột rà cuối cùng, vì mẹ thường xuyên vắng nhà mua bán kiếm tiền nuôi con và tránh xa lời đàm tiếu xã hội. Năm lên 8, Tâm sống hẳn với bà ngoại goá bụa, vì mẹ đi thêm bước nữa với người đàn ông nghèo ở xã Tân Khánh Trung (Lấp Vò, Đồng Tháp). “Tội nhất là khi lấy chồng, nó cũng không được gia đình bên chồng tổ chức đám cưới, dù đơn sơ như mọi người con gái khác” - nước mắt giàn giụa trên gương mặt bà Nga - “Sau khi sinh con lần thứ hai (song sinh) được hơn 1 năm thì chồng nó chết vì chứng u não. 

    Một nách 3 con mọn, là gánh nặng quá sức với phụ nữ, đã vậy nó còn phải gánh thêm tiền thuốc thang và những khoản vay của chồng làm ăn thua lỗ lúc sinh thời”. Vì vậy Tâm phải quần quật, đầu tắt, mặt tối với mọi việc làm thuê. Nhưng ở vùng thuần nông như Nhị Mỹ không phải lúc nào cũng đủ việc, nên thiếu thốn bủa vây. Thương tình, người cậu ở TPHCM kêu lên giúp việc tại cơ sở sản xuất của gia đình. Và một lần nữa trái tim vốn nhiều mảnh vỡ tình mẫu tử của chị lại hằn thêm những nhát cắt tứa máu… khi rứt ruột gửi con ở lại quê, đến đất lạ làm thuê…

    Để đủ tiền gửi về nuôi con và trả nợ, Tâm phải chắt mót từng chút việc, tằn tiện từng miếng ăn đến mức suy kiệt. Nhưng nào có yên, nội ngoại đã có tuổi, nhà lại xa trường học nên cứ vài tháng, chị phải đi-về để năn nỉ tìm chỗ gửi 2 con nhỏ (đã đưa con đầu lòng là Cẩm Tú theo). Giữa lúc trái tim người mẹ đang dằng dặc cho tương lai của 3 người con thì tai hoạ ập xuống. “Lúc đến hiện trường, đất dưới chân tôi như sụp đổ, khi nhìn cháu ngoại (Cẩm Tú) chết cháy đen như cục than, còn con Tâm và Ngọc Thạnh cùng làm chung thì nát nhầy. 

    Sau khi thoả thuận, chúng tôi chia đôi phần thi thể vụn nát do lực lượng tìm kiếm trao, để kịp về làm đám tang cho con” - giọng bà Nga rưng rức - “Đến khi chết mà cũng không có nghi thức ma chay, thử có ai bất hạnh, đau khổ hơn con tôi không?”. Theo lời bà Nga, khi đưa xác Tâm về bên mộ chồng thì đã 8 giờ tối, mà lại không có nhà cửa… nên cuối cùng đành phải hạ huyệt ngay trong màn đêm.

    Nhà dột gặp mưa đêm

    Chúng tôi tìm đến Trường THCS Trần Thị Nhượng (Hoà An, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp), nơi Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Trọng Hậu - hai con trai song sinh của Tâm - đang theo học. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Lễ cho biết, Nhân-Hậu đang học lớp 7, có học lực khá, đặc biệt là các em rất ngoan, hiền. Sau khi xảy ra sự cố, nhà trường đã kịp thời động viên, an ủi để các em giảm bớt phần nào sự mất mát. Sắp tới sẽ phát động toàn trường đóng góp tương trợ để tiếp tục giúp hai em an tâm học tập.

    Tuy nhiên, theo thầy Lễ, những nỗ lực này chỉ mang tính chất động viên tinh thần, để các em vững bước bám trường, bám lớp, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, bởi theo tìm hiểu bước đầu, tình cảnh của các em đang rất bấp bênh. Thật khó để tự tìm ra căn nhà mà Nhân-Hậu mới chuyển đến sinh sống từ đầu năm học 2014-2015, dù đó là nhà của gia đình người cậu cùng mẹ khác cha với người mẹ (Trần Tấn Đạt, SN 1987, toạ lạc ngay phường An Hoà), nếu không được Nhân trực tiếp dẫn đường. Không chỉ vì nó nằm sau lưng dãy nhà mặt tiền, mà vì nó không có đường vào, mỗi khi ra-vào phải đi nhờ lên đất hàng xóm. Đó là căn nhà nhỏ (3,5 x 11m) được cất tạm bợ với vật liệu tận dụng… và vốn đã quá tải với 5 người sinh sống, gồm con gái, vợ chồng Đạt, người em trai và bà nội vợ. Vì vậy, sự xuất hiện của Nhân-Hậu càng khiến cho sự quá tải trở nên sắp nổ tung cho mỗi nhu cầu ngả lưng, chứ chưa đề cập đến góc học tập và không gian học tập trước mắt. Còn về lâu dài thì càng đáng lo hơn khi càng ngày hai em càng lớn… Thế nhưng, đó là sự lựa chọn tốt nhất mà hai em có được…. vì nhà nội và ngoại cũng không thể khang trang hơn, đã vậy lại cách rất xa trường học.

    Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Thị Nhượng Nguyễn Hữu Lễ dành nhiều tình cảm với hoàn cảnh của Nhân-Hậu.
    Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Thị Nhượng Nguyễn Hữu Lễ dành nhiều tình cảm với hoàn cảnh của Nhân-Hậu.

    Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi lo hơn ở đây chính là nguồn chi phí để các em ăn, học trong những ngày không còn mẹ. “Trước đây, mỗi tháng chị Tâm gửi về 2 triệu đồng phụ giúp cơm, nước nên chưa có vấn đề gì” - Đạt thật lòng - “Còn tới đây thế nào em cũng chưa hình dung được, vì hiện cả nhà chỉ có em và người em vợ lao động với mức thu nhập của công nhân chế biến cá tra xuất khẩu khoảng 8-9 triệu đồng/tháng”. Trong khi dù rất thương cháu, nhưng cả nội và ngoại đều không thể kham nổi. Theo bà Nga, hiện nguồn sống của bà chỉ trông cậy vào đám ruộng chưa đầy 2 công đất (0,2ha) sau nhà. Ngoài chi phí cá nhân, bà còn phải nuôi chồng đang thụ án nên tháng nào cũng thiếu trước, hụt sau. Trong khi đó, tình cảnh gia đình bên nội ở xã Nhị Mỹ cũng chẳng sáng sủa hơn. Bà Nguyễn Thị Muối (bà nội) chia sẻ: Nhà có 5 công lúa (0,5ha), nhưng ông nội các cháu là Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1954) bị bại liệt từ nhiều năm nay, nên chi phí thuốc thang, điều trị đã ngốn hết sạch…”.

    Trong tình cảnh “trống trước, hụt sau”, cả bên nội lẫn bên ngoại đều trông chờ vào lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức xã hội để giúp trang trải các chi phí trước mắt và tích luỹ cho tương lai các cháu. Theo tính toán, cần ít nhất 10 năm học tập nữa Nhân-Hậu mới có thể học thành tài để tự kiếm sống. Tuy nhiên, từ đây đến đó là cả chặng đường chông gai, đầy thách thức nếu không có nguồn chi phí ổn định. Trong tình hình kinh tế như hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa phương không thật khoẻ mạnh nên rất khó để kêu gọi tại chỗ, vì vậy chúng tôi rất mong các cá nhân, đơn vị từ mọi miền đất nước hãy chung tay chia sẻ” - Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Lãnh Nguyễn Tấn Lộc gửi lời kêu gọi.

    Thế nhưng số phận hẩm hiu vẫn như chơi trò trêu đùa dai dẳng, chưa chịu buông tha gia đình bất hạnh này, khi tiếp tục tước đi cả những hy vọng cuối cùng… Bởi trong lúc chưa có thật nhiều “tấm lòng vàng” hướng đến sẻ chia, thì lại xảy ra sự cố. “Xui lắm anh ơi, khi chị Tâm và cháu Tú mất rồi mà vận xui vẫn còn đeo bám. Phía công ty hỗ trợ 52 triệu đồng, em cất vào trong cốp xe Honda định qua Nhị Mỹ chi trả tiền xây mộ thì sau thời gian đi tới, đi lui coi thợ làm, khi coi lại thì phát hiện bị kẻ gian móc trộm sạch lúc nào không hay” - giọng Đạt bùi ngùi - “Em buồn và tức lắm, vì đó không chỉ là xương máu của chị, mà còn là tương lai của hai đứa cháu. Bây giờ nếu có lên trời để có lại được số tiền, em cũng tìm mọi cách để lên trên đó”. Đúng là “nhà dột lại gặp cảnh mưa đêm”, đang miên man với cảnh éo le, tôi bỗng giật thót trước câu hỏi chất đầy bất lực và vô vọng của Đạt: “Những người nghèo như em thì làm sao lên trời được, phải không anh?”. Tôi thấy khoé mắt mình nóng lên…

    Theo tổng kết từ gia đình bên nội lẫn bên ngoại, hiện tổng số tiền từ các nơi gửi về hỗ trợ cho Nhân-Hậu là khoảng 30 triệu đồng. Một con số khiêm tốn với nhu cầu sinh hoạt, học tập của hai cậu học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ, và hoàn toàn không thể trông cậy vào sự hỗ trợ vật chất từ gia đình nội-ngoại. Vì vậy, rất mong các nhà hảo tâm hãy dang tay góp sức…

    Theo Lục Tùng (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm