Chợ trầu cau mùa cưới

Hễ có đám cưới, đám hỏi thì nhà trai lúc nào cũng mang đến nhà gái một mâm trầu cau. Chính vì thế mà trầu cau là món hàng không thể thiếu ở chợ.

Trầu cau thành chợ

Mỗi ngày, chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung họp từ lúc 3 giờ sáng. Sau khi thu mua đủ số trầu cau, chị Phước và các tiểu thương khác hùn tiền thuê một chiếc xe tải chở hàng ra chợ. Trước kia, trầu cau bán ở chợ này hầu hết được mua ở Bà Điểm (Hóc Môn) vì giá rẻ.

Chợ trầu cau mùa cưới ảnh 1

Khách hàng mua trầu cau cho đám cưới

Bà Điểm là vùng đất gò nên trồng được cau quanh năm. Nhưng trồng trầu cau không thể làm giàu được. Vì vậy, số lượng trầu cau ở Bà Điểm ngày càng ít. Tiểu thương phải lấy thêm trầu cau từ nơi khác như Cần Thơ, Sa Đéc, Tây Ninh, Bến Tre, Khánh Hòa, Quảng Ngãi...

Chị Phước cho biết năm nay được mùa cau nhưng số lượng vẫn giảm. Ở miền Nam, mùa cau bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 10, 11. Cau Quảng Ngãi có giá vì mùa cau Quảng Ngãi kéo dài đến tháng 12. Cuối năm, giá cau thường rất cao vì lấy hàng xa mà nhu cầu mua bán lại tăng. Cận tết, có nhiều đám cưới, giỗ chạp nên chợ bán khá hơn.

Thông thường, một cây cau nhiều tuổi (cau lão) cho 3-4 buồng; cau mới trồng cho 5-6 buồng. Mùa mưa cũng là mùa thu hoạch cau. Tháng 6 bắt đầu thu hoạch những buồng cau đầu tiên; buồng cau em thì thu hoạch vào tháng 8, tháng 9.

Cau có hai giống: giống tròn gọi là cau sung; giống dài, đầu nhọn gọi là cau vú bò. Người miền Bắc, miền Trung thích buồng cau to, đủ 105 trái, hàm ý trăm năm hạnh phúc. Người miền Nam lại thích buồng cau nhỏ 60 trái, hàm ý chữ Thọ, sống lâu.

Cây cau có thân tròn, chắc, thẳng đứng được coi là biểu tượng của người con trai. Lá trầu hình tam giác, bầu bĩnh xòe ngang trên mặt đất, được coi là biểu tượng của người con gái. Dây trầu leo quấn quýt  thân cau là biểu tượng của tình yêu bền chặt.

Theo chị Phước, trầu xanh cuống dài (còn gọi là trầu lương) ăn cùng với cau, một chút vôi, một miếng xơ cho ra vị nồng cay đậm đà. Lá trầu được lấy ở Bà Điểm một phần, còn lại lấy ở Cần Thơ. Dây trầu ra lá quanh năm, hết đợt này lại đợt khác.

Một buồng cau thường đi cùng nửa ký trầu (khoảng 120 lá); trung bình một quả cau đi với hai lá trầu. Trầu têm thường quấn theo hình bánh ú; trầu têm cánh phượng thì được xếp cánh. Trầu cánh phượng phải bán liền thì mới tươi, đẹp.

Mùa cưới - mùa trầu cau

Chị Phước nhẹ nhàng cắt buồng cau từ một thiên cau. Đếm trái cau vừa đủ cắt từ một thiên, chị rửa sạch, lau từng trái, cột dây thun hướng mặt trái cau ra ngoài. Rồi chị chen thêm vào đó hoa cau non, bên ngoài trang trí lá thiên tuế và quấn ruy-băng nhiều màu.

Sau đó, chị dán chữ song hỷ màu đỏ trên nền giấy kim tuyến vàng lên từng trái cau. Vôi, xơ, cau khô, thuốc rê được bày xung quanh mâm. Người mua thích màu đỏ vì nó mang lại may mắn, hạnh phúc viên mãn.

Chợ trầu cau mùa cưới ảnh 2

Chị Phước trang trí buồng cau

Buồng cau trang trí sẵn bày trên mâm chủ yếu bán cho khách vãng lai. Khách đến xem, ưng ý thì lấy ngay, còn không thì xem mẫu rồi đặt cọc; người bán sẽ giao hàng tận nhà. Chủ hàng có sẵn bộ ảnh mẫu mâm quả đã được trang trí. “Chỉ làm vừa đủ số lượng thôi, không làm dư. Trầu cau bán trong ngày mới tươi ngon và đẹp mắt” - chị Phước cho biết.

Cuối năm, gian hàng chừng 1m2 của chị Phước tấp nập khách. Một cặp sắp cưới đến xem chùm cau đã trang trí, chọn chùm ưng ý nhất rồi thỏa thuận giá 100.000 đồng. Chị Phước lấy nửa ký trầu, một quả cau lẻ bổ làm sáu miếng, bỏ vào trong sáu lá trầu đã được têm bánh ú. Như vậy đã đủ cau trầu cho một mâm và một đĩa.

Chị Phước cho biết trung bình mỗi ngày bán được một thiên, tức hơn 1000 trái. Cao điểm, chị bán được 5-6 thiên/ngày. Mỗi ngày, khách đặt khoảng 3-4 chuyến, mỗi chuyến chừng 200 buồng. “Gặp những mối như vậy làm không ngơi tay, mệt mà vui lắm. Nghề này không dễ có việc làm nhiều, chỉ mong đến cuối năm hoặc ngày cuối tuần” - chị Phước tâm sự.

Chợ trầu cau Lê Quang Sung là một chợ độc đáo ở  Sài Gòn. Cách bán mua bình dị, nhẹ nhàng. Các buổi họp chợ luôn nhộn nhịp. Khách hàng là những người đang chờ đón hạnh phúc lứa đôi hoặc là những người cha người mẹ hạnh phúc sắp được dựng vợ gả chồng cho con... Đến chợ, bạn sẽ thấy những buồng cau tròn, những liễn trầu tươi màu sắc rực rỡ như ước mơ của một đời sống lứa đôi hạnh phúc.

PHƯƠNG LOAN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 12-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm