Chú Chín Cần - người đột phá vì dân!

Tên tuổi ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) gắn liền với sự kiện Long An xé rào đi đầu bù giá vào lương, cải tiến phân phối lưu thông hàng hóa đầu thập niên 1980. Theo nhà nghiên cứu Đặng Phong thì chính kinh nghiệm thành công của mô hình này là thực tiễn để Trung ương ra đời Nghị quyết 8 năm 1985 tiến hành cải tiến phân phối lưu thông xóa bao cấp trong cả nước.

Đột phá thành trì bao cấp

Đã hơn 40 năm qua, những con chữ không đủ để thế hệ trẻ thời nay hiểu và cảm nhận được không khí ngột ngạt, bế tắc của cơ chế quản lý hành chính bao cấp thời đó. Từ hạt lúa, củ khoai, con gà, con vịt… tất cả sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước với giá áp đặt. Mọi việc mua bán, vận chuyển hàng hóa qua lại của cá nhân đều bị xem là buôn lậu, từ công an, thuế vụ, du kích ai cũng có quyền bắt hàng, bắt cả người. Ngược lại, giá hàng hóa do Nhà nước bán ra theo tiêu chuẩn định lượng cũng “rẻ như cho”. Cơ chế mua bán ấy làm sản xuất tê liệt, hàng hóa khan hiếm, xã hội khủng hoảng, đủ thứ tiêu cực phát sinh.

Trong bối cảnh đó, Long An đã mở ra mua đúng giá, bán đúng giá cả chín mặt hàng chiến lược của trung ương quản lý, trả thêm phụ cấp cho cán bộ, nhân viên từ 120% đến 150% mức lương. Sản xuất phục hồi, kinh tế phát triển.

Thế nhưng ý chí xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa đang chủ đạo, quan điểm kỷ luật kỷ cương thời ấy rất khắc nghiệt, mọi ý tưởng, hành động cải tiến mô hình lạc hậu ấy đều bị quy chụp là mất lập trường, xét lại. Ông Kim Ngọc, Bí thư Vĩnh Phú, xé rào khoán chui bị kỷ luật là tấm gương rành rành. Chính vì vậy, việc ông Chín Cần, Bí thư tỉnh Long An, nhỏ bé dám xé rào mua hàng giá cao, trả tiền lương cho cán bộ cao hơn quy định là chuyện tày trời.

Có lần ông kể chuyện một đồng chí hỏi ông định giá mua lương thực như vậy là theo giá nào? Xã hội chủ nghĩa hay tư bản? Ông đã trả lời: “Xin lỗi tôi ít học hành lý luận nên không biết giá gì nhưng tôi biết đó là giá người dân thuận mua vừa bán”.

Tổng Bí thư Trường Chinh làm việc với ông Chín Cần (phải) lúc ông còn là bí thư Tỉnh ủy Long An. Ảnh: Tư liệu. Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) thăm hỏi tướng Lê Chân tại TP.HCM năm 2004. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Tầm nhìn chiến lược về đất, về người!

Không chỉ quyết liệt trong cải tiến phân phối lưu thông, ông còn có tầm nhìn chiến lược mở ra kế hoạch lúc đầu gọi tên là “khép kín Tháp Mười”, sau đó có tên chính thức là “khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười” mà bước khởi đầu quyết định là mở con lộ 49 (quốc lộ 62 ngày nay) để rút ngắn khoảng cách đi lại giữa trung tâm Long An đến các huyện. Đồng lúa cao sản hơn 300.000 ha của Đồng Tháp Mười Long An ngày nay là kết quả từ tầm nhìn chiến lược của ông và những quyết sách thực thi của người đồng chí: Tướng Huỳnh Công Thân.

Không chỉ thấy giá trị đất, thấm tình với đất, ông còn thấy giá trị con người. Điều đau đáu mà ông Chín quan tâm là cán bộ. Trái với quan niệm một số lãnh đạo địa phương phân biệt “nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết” chỉ trọng dụng cán bộ kháng chiến tại chỗ, ông Chín đích thân mời gọi và trọng dụng tất cả cán bộ giỏi. Nhờ vậy, ông có dàn tham mưu rất vững như ông Tư Giao (cán bộ tập kết nhiều năm ở Bộ Nội thương), “nhạc trưởng” của chương trình đưa giá vào lương; ông Trương Bình Tâm (anh ruột Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình) với vai trò trưởng Ty Tài chính từ khi thực hiện cải tiến bù giá vào lương đã luôn cân đối kết dư ngân sách. Long An thời ấy là một trong số rất ít tỉnh không xin hỗ trợ mà còn nộp ngân sách cho trung ương. Chính điều đó đã chứng minh hiệu quả, chương trình cải tiến phân phối lưu thông được trung ương công nhận.

Tử tế trong từng chuyện nhỏ

Ông không màu mè đãi bôi mà giải quyết tận tình đến nơi đến chốn những yêu cầu chính đáng của dân. Ngay trong thời kháng chiến ông đã điều tra, xác minh và giải oan cho hơn 10 cán bộ ở Cần Đước, Cần Giuộc bị Mười Giộc (sau là giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai tham nhũng và bị xử tử) giết oan vì quy chụp chính trị.

Một lần về Long An tiếp xúc cử tri, ông đến văn phòng Tỉnh ủy hỏi thăm như thường lệ và sau đó yêu cầu giải trình cho ông thắc mắc khiếu nại của cử tri mà ông đã chuyển nhờ giải quyết trong lần trước. Hóa ra người có trách nhiệm đã lỡ quên, ông yêu cầu phải thực hiện ngay, nếu không ông sẽ không dám gặp cử tri.

Nếu chú ý gương mặt của ông, ai cũng thấy nét hiền hòa, đôn hậu nhưng dù ngay lúc đang cười trong mắt ông vẫn có điều gì đau đáu khắc khoải. Chừng như chưa bao giờ ông yên lòng, hài lòng về những điều đã làm với nước, với dân.

Người dân mãi mãi thấu hiểu, kính trọng và tri ân ông - một tầm nhìn chiến lược, một người cả đời đột phá vì dân!

Ông LẠI XUÂN MÔN, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam:

Là chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam từ tháng 3-1992 đến tháng 6-1998, nhận thấy nông dân thường thiếu vốn để phát triển sản xuất chăn nuôi, ông Chín Cần đã đề xuất Chính phủ chuyển cho hội 40 tỉ đồng để hỗ trợ vốn cho nông dân. Đến nay, quỹ tiếp tục phát triển trên 2.000 tỉ đồng. Ông là người nghĩ ra phương thức trả chậm tiền phân bón và vật tư sản xuất nông nghiệp khi bà con không có tiền để mua trước, giúp bà con yên tâm làm ăn. Khi làm lãnh đạo hội, ông thường phân công lãnh đạo thường trực và các phòng ban, đơn vị xuống địa phương để “nằm vùng” và nghe khó khăn, bức xúc của bà con nông dân, lấy đó làm nội dung hoạt động của hội và chỉ đạo thực tiễn. Ban ngày cử cán bộ đi thực tế, ban đêm ông triệu tập họp kể cả thứ Bảy hay Chủ nhật. Điều đó cho thấy quyết tâm đổi mới và tâm huyết của một người lãnh đạo vì nhân dân, gần nhân dân. Đường lối hoạt động đổi mới của hội do ông khởi xướng vẫn được hội tiếp nối và tiếp tục phát huy cho đến hôm nay.

Ông TRẦN QUỐC SỸ, cựu quay phim và đạo diễn Đài Phát thanh Truyền hình Long An:

Mỗi lần đi làm phim về Đồng Tháp Mười, chú Chín Cần cứ xắn quần lên lội là không ai theo kịp. Ông là người đặt nền móng khai phá Đồng Tháp Mười từ vùng đất hoang hóa, phèn mặn, trồng lúa không được đến ba, bốn vụ, cho năng suất cao không thua bất cứ nơi nào. Thời đó, từ trung tâm tỉnh lỵ Tân An muốn đi Mộc Hóa, Vĩnh Hưng phải đi bằng tàu từ 10 đến 12 giờ mới tới nơi. Do đó khi tiến hành khai phá Đồng Tháp Mười, ông xác định phải làm con lộ trước để rút ngắn khoảng cách đi lại, nay là quốc lộ 62. Toàn dân được huy động vào làm con lộ, kể cả những cán bộ, viên chức như chúng tôi. Trong một lần đi trên con đường này cùng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà báo Trần Bạch Đằng đã viết một bài phóng sự và gọi tên nó là con đường “hạnh phúc”, bởi theo ông giải thích là nó đã mang lại hạnh phúc cho người dân. Ông Chín Cần cũng là người cùng các nhà khoa học đã tìm ra công thức có thể trồng lúa trên đất phèn là “tránh lũ, né lũ, ém phèn”. Cùng với làm thủy lợi, thau chua rửa phèn, nay Đồng Tháp Mười đã trở thành vùng đất vàng trồng được nhiều loại cây cho năng suất cao từ chỗ không trồng được lúa đã làm ra được ba vụ mỗi năm.

Hoàng Lan ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm