Chữ không, nghề chẳng có

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Q (Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu) bức xúc: “Nhiều lần đề nghị cho con được thi lên cấp 3, nhưng không được chấp nhận”.

    Những ước mơ bị dập tắt

    Cuối lớp 9, Nguyễn Phan Thùy N (17 tuổi, phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) học lực chỉ đạt mức trung bình, em có nguyện vọng học lên lớp 10 rồi sẽ thi vào Trường ĐH Mầm non. Thế nhưng mơ ước của em đã bị dập tắt khi lọt vào danh sách “phân luồng” của nhà trường. “Hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng tôi phải đi làm xa, các con gửi cho mẹ chồng đã già yếu, nên không có điều kiện kèm cặp cháu. Cuối năm N học lớp 9, cô hiệu trưởng, cô chủ nhiệm mời tôi lên bảo rằng cháu học hơi kém và nằm vào diện phân luồng. Tôi thì muốn cháu học cấp 3, nên nói rằng nhờ cô có cách gì giúp, cô nói, không có cách nào khác”, bà Phan Thị M - mẹ N, nói. Bà M không hiểu biết quy định của ngành giáo dục nên buộc lòng phải đồng ý. Toàn bộ hồ sơ, học bạ, bằng tốt nghiệp của N được nhà trường “chuyển thẳng” sang cho một trường trung cấp nghề trên địa bàn thành phố.

    Đã gần một năm qua, bà H.T vẫn đinh ninh rằng con trai mình không đậu tốt nghiệp THCS nên mới bị phân luồng. “Tôi có biết gì đâu, cuối năm nhà trường kêu lên nói con chị không thể đậu tốt nghiệp, tốt nhất cho cháu phân luồng, vừa học nghề vừa học văn hóa. Tôi nghĩ con không đậu tốt nghiệp thì biết đi đâu được nữa, nên đồng ý cho nó đi học trường trung cấp nghề”. Khi chúng tôi cho biết theo quy định, muốn vào học trường trung cấp nghề thì bắt buộc học sinh phải có bằng tốt nghiệp THCS, và con chị chắc chắn đã được công nhận tốt nghiệp, bà H.T mới ngớ người ra: “Thế sau này, cháu nó có được trở lại học cấp 3 không?”. Nghe chúng tôi trả lời không thể, bà H.T thở dài thườn thượt: “Các chú nói rứa, chị buồn...”.

    Phụ huynh ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu bức xúc con em họ học xong lớp 9 bị ép “phân luồng” không được thi lên lớp 10 nên lâm cảnh dở dang, thất học. Ông Nguyễn Xuân Bình, xóm 7, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), có con gái Nguyễn Thị Thiện (SN 1999) bức xúc: “Con tôi cuối năm lớp 9 cô chủ nhiệm bắt phân luồng, không cho thi lên cấp 3, tôi xin mãi không được. Cháu lên học trường nghề được mấy bữa, chán quá rồi bỏ về, khóc suốt ngày. Tôi xót con quá nên gửi tạm học “chui” tại một trường THPT, năm sau sẽ cho thi lại để học cấp 3”.

    Ông Nguyễn Thanh Q, ở xã Quỳnh Bá thuật lại một cách chi tiết và rành rọt việc đứa con trai mình bị trường ép buộc đi học nghề: “Nhà trường thông báo là con không được thi lên cấp 3, tôi đã nhiều lần đề nghị cho cháu được thi nhưng đều không được chấp nhận. Cô chủ nhiệm cũng nói đến chuyện nếu cháu tham gia thi thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích, thứ hạng gì đó của trường. Nó đi học nghề được đâu một tuần, về kể với mẹ là học với các ông 40 - 50 tuổi, giờ ra chơi toàn bắt đi mua rượu về uống. Nó thì đào đâu ra tiền, nên bỏ học. Tôi xin cho con vào học trường tư thục, thầy cô bảo đến lớp 12 sẽ không được dự thi tốt nghiệp, vì Sở Giáo dục không cho nên con tôi bỏ học đi làm thuê rồi”.

    Em Nguyễn Phan Thùy N.
    Em Nguyễn Phan Thùy N.

    Chiếc “bánh vẽ”phân luồng

    Ở huyện Nghi Lộc, trong số 379 HS tốt nghiệp THCS năm 2014 không thi lên THPT chỉ có khoảng 90 em vào học trường trung cấp nghề của huyện, còn lại khoảng gần 300 em “đi đâu, về đâu” thì không ai nắm được. Em Nguyễn Phan Thùy N, khi được hỏi về việc học ở trường nghề đã kể một mạch: “Các bạn bỏ học nhiều, năm mới vào có 180 bạn, nay còn 120; bạn còn ở lại thì lúc học lúc không, ngồi trong lớp toàn phá không học. Bọn cháu học năm thứ hai rồi nhưng mới học nghề may được ba tháng, chưa làm cúc áo được, hỏi thì nhà trường bảo chưa thuê được thầy. Phải học cả ngày, buổi sáng học văn hóa, chiều học nghề nên bọn cháu rất mệt. Cháu chỉ mong tốt nghiệp xong, có cái bằng bổ túc rồi sẽ thi vào Trường ĐH Mầm non như chị gái”. Đã gần 12h trưa, P.N vẫn chưa đi học về. Bà H.T thành thật: “Tan trường ra là em nó đi thẳng đến quán game online, có khi chiều tối mới về, chị không quản lý được”. Bà H hồn nhiên kể tiếp: “Thằng con về kể đến lớp toàn ngủ. Tôi gắt, nó trả lời tỉnh queo rằng cả lớp ngủ, con cũng ngủ theo”.

    Ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng GDĐT TP.Vinh nghi vấn chất lượng của những trường nghề: “Tôi cũng nghe phản ánh là chất lượng đào tạo của một số trường trung cấp nghề còn non”. Ông Tân cũng cho biết là việc thực hiện phân luồng “rất khó”, vì tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con em mình học lên đến đại học. Đồng tình với quan điểm này, cô N.T.V, giáo viên môn văn THPT ở thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) phân tích: “Các em mới học xong lớp 9, cả về thể chất và tâm lý, kỹ năng sống đều chưa đủ độ chín, chưa phù hợp với việc học nghề. Bản thân các em này học lực đã yếu, nay vừa học nghề, vừa học văn hóa thì kết cục là cả hai chẳng đâu vào đâu”.

    Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật - công nghệ Sara(TP.Vinh) thẳng thắn thừa nhận, chất lượng học văn hóa của các em HS tốt nghiệp THCS tại trường rất “yếu kém”, và để bảo đảm cả học nghề và học văn hóa là “rất khó”. Khóa học 2012 - 2015 ban đầu tuyển sinh 18 em, nay chỉ còn 9 em theo học ngành kế toán. “Một số em bỏ học sang trường khác, một số vào Nam làm công nhân, số khác đi lấy chồng”, ông Trí nói.

    Một nghịch lý nữa là cùng đối tượng HS tốt nghiệp THCS, các trường trung cấp nghề dạy văn hóa mỗi nơi một phách. Trong ba trường mà chúng tôi khảo sát, có hai trường HS chỉ được học 4 môn: Văn, toán, lý, hóa; một trường dạy học sinh 7 môn: Văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa. Và các trường đều khẳng định đào tạo theo đúng quy định?

    Lại là “bệnh thành tích”?

    Lại phải đặt câu hỏi: “Có chuyện giao chỉ tiêu, áp đặt số lượng học sinh phải phân luồng cho các trường hay không”, lãnh đạo các trường THCS, phòng GDĐT mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định “Không có”. Tuy nhiên, theo ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An, trước đây, Bộ GDĐT có đề ra chỉ tiêu 30% số HS tốt nghiệp THCS sẽ vào trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Trong thực tế, đã có trường hợp phụ huynh có con không được thi lên THPT có kiến nghị lên Trưởng phòng GDĐT. Một hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn TP.Vinh mặc dù không thừa nhận có sự áp đặt chỉ tiêu phân luồng từ cấp trên, song ông cũng cho biết “khi đã có chủ trương phân luồng từ cấp trên mà mình không triển khai thực hiện thì cũng không được”.

    Điều khó hiểu là các hiệu trưởng phủ nhận việc ép buộc học sinh phân luồng, song trong thực tế là có phụ huynh phản ứng quyết liệt nên mới đưa được con ra khỏi danh sách. Và với nhiều ý kiến bất bình từ phụ huynh học sinh như trên, có thể khẳng định, việc một số trường ép buộc, tìm cách không cho học sinh thi lên THPT là có thật. Nguyên nhân từ tiêu chí thi đua, xếp thứ hạng các trường dựa trên điểm thi bình quân của tổng số học sinh dự thi vào THPT. Vì vậy, một số trường đã tìm cách gạt bỏ những học sinh yếu, ngăn cản không cho những em này dự thi tuyển sinh THPT, bất chấp nguyện vọng của các em và hậu quả tương lai các em có thể sẽ bị hủy hoại.

    “Từ năm học 2013-2014, sở đã bỏ tiêu chí đánh giá thứ hạng các trường dựa trên kết quả thi tuyển sinh THPT, vì như vậy sẽ sinh ra đối phó, ép buộc học sinh. Nếu phát hiện tập thể, cá nhân nào ép buộc học sinh, không cho thi lên THPT, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An - khẳng định.

    TheoĐĂNG KHOA - QUANG ĐẠI (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Đọc thêm

     Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

    Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

    (PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
    Ép con lấy chồng cận huyết

    Ép con lấy chồng cận huyết

    (PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
    Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

    Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

    (PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
    Đến Campuchia truy tìm MH370

    Đến Campuchia truy tìm MH370

    (PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
    Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

    Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

    (PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
    Bán nhà, cưu mang con nuôi

    Bán nhà, cưu mang con nuôi

    (PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
    Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

    Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

    (PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
    Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

    Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

    (PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
    Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

    Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

    (PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…