Chứng khoán sụp, Bắc Kinh bế tắc và ‘chạy làng’

Theo Reuters, Shanghai Composite Index chốt phiên hôm qua (26-8) mất giá 1,27%, bất chấp động thái hạ lãi suất để kích thích kinh tế của Trung Quốc (TQ) một ngày trước đó. Chỉ số Shenzhen Composite trên sàn chứng khoán Thâm Quyến mất hơn 3%. Hang Seng Index (Hong Kong, TQ) cũng không khá gì hơn sàn Thượng Hải, thậm chí là tệ hơn khi giảm 1,5%. Thê thảm hơn, cổ phiếu ngành thép, bất động sản rớt giá mạnh nhất khi nhiều mã giảm đến mức 10%.

Bắc Kinh điều tra “kẻ gian lận” chứng khoán

Trang Bloomberg liên tục hai ngày 25 và 26-8 cập nhật bài viết với nội dung “Các nhà chức trách TQ tăng cường hoạt động nhằm tìm người để đổ lỗi cho sự bốc hơi tồi tệ giá chứng khoán trong những ngày qua”. Thực tế là từ cuối tháng 6-2015, khi TQ “bốc hơi” 3.000 tỉ đồng vì chứng khoán rớt giá mạnh, bên cạnh các chính sách can thiệp “gỡ gạc”, các nhà chức trách đã tung giả thuyết “có sự can thiệp thiếu lành mạnh từ bên ngoài” mà họ gọi là “thao túng thị trường”.

Hiện tại, các quan chức TQ cho biết họ đang tiến hành điều tra sự “gian lận”, làm sai các nguyên tắc trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Tân Hoa xã lên tiếng kêu gọi các hoạt động “làm trong sạch” thị trường vốn. Hãng Bloomberg dẫn bài viết từ Tân Hoa xã cho biết cảnh sát TQ đang điều tra một số cá nhân và tổ chức có liên quan đến Ủy ban Chứng khoán TQ, công ty chứng khoán đình đám Citic Securities và tạp chí Caijing. Ngành chức năng đặt ra nghi vấn giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp, làm giả giấy tờ và tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

“Chúng ta hoàn toàn có lý khi tin rằng ngành chức năng sẽ truy ra nhiều kẻ phạm tội. Chúng ta cũng tin rằng các cơ quan luật pháp sẽ điều tra kỹ lưỡng, áp dụng hình phạt đích đáng bất chấp những kẻ phạm tội là ai” - Tân Hoa xã trong một bài tuyên truyền thực thi pháp luật liên quan “bê bối” chứng khoán cho biết. Chưa dừng ở đó, hãng thông tấn thuộc chính phủ TQ nói trên còn dẫn lời một nhà nghiên cứu thuộc Ngân hàng Trung ương nhận định sự bất ổn tồi tệ của thị trường tài chính toàn cầu trong những ngày qua xuất phát từ lòng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.

Một nhà đầu tư ngồi thất thần trước bảng điện tử hiển thị giá cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: REUTERS

Chỉ là “trò đổ lỗi”

Cũng trên trang Bloomberg, GS kinh tế Hu Xingdou thuộc Học viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định: “Chính các nhà chức trách đã can thiệp quá sâu vào thị trường chứng khoán và giờ thì họ đang đẩy trách nhiệm cho người khác”. Cho đến hiện tại, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của TQ rớt giá “khốc liệt”, điển hình như Shanghai Composite Index mất đến 40% kể từ tháng 6-2015. Tuy nhiên, phải nhắc lại mức suy giảm này vẫn chưa thể hạ giá cổ phiếu TQ xuống chạm mức “bình thường” theo quy luật thị trường. Mức giá hầu hết các mã chứng khoán hiện nay vẫn cao hơn khoảng 80% so với mức giá cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng giá này rõ ràng là ảo, bởi nó diễn ra trong bối cảnh tăng truởng nền kinh tế TQ đã chững lại, thậm chí là giảm.

Hiện tượng chứng khoán ảo tại thị trường TQ phần lớn là do Bắc Kinh đã tung ra hàng loạt chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt các đầu tư cá nhân và hộ gia đình. Các chính sách cho vay dễ dãi trong bối cảnh ngành bất động sản cũng “tăng ảo” và tăng trưởng kinh tế luôn ở mức hai con số cách đây nhiều năm đã kích thích người dân đua nhau mua cổ phiếu, từ những người giàu có đến những hộ gia đình neo đơn được chính phủ hỗ trợ vốn. Giá cổ phiếu tăng vùn vụt trong khi của cải vật chất sản xuất ra trong xã hội lại giảm đáng kể. Đến khi “bàn tay vô hình” của nền kinh tế “kích nổ” quả bóng bất động sản, sau đó là quả bóng chứng khoán thì Bắc Kinh tiếp tục ra tay can thiệp thị trường bằng nhiều chính sách hỗ trợ “thô bạo”. Điển hình như giảm lãi suất cực mạnh, chi quỹ lương hưu, cấp vốn cho ngân hàng khuyến khích dân vay để mua cổ phiếu, cấm bán cổ phiếu hay dừng các hoạt động IPO - những chính sách mà tại Mỹ và châu Âu, ngay cả tổng thống hay Quốc hội cũng không có quyền “quyết liệt” và “bẻ cong thị trường” như Bắc Kinh đã làm. Trên hãng tin Reuters, Andy Mukherjee bình luận Bắc Kinh có thể “bẻ cong” những định luật kinh tế nhưng cuối cùng họ cũng không thể phá vỡ được quy luật của thị trường.

Hu Xingdou cho rằng chính sự khuyến khích của chính phủ TQ đã góp phần khiến thị trường chứng khoán TQ “căng phồng” đến mức không bền vững. Thế nên chính phủ phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho cuộc khủng hoảng này. “Chính quyền đang xoay xở theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi” để đá trái banh trách nhiệm sang người khác, Hu Xingdou nhận định.

Bế tắc trước “bộ ba bất khả thi”

Nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Ngân hàng Trung ương TQ trong suốt một thời gian dài đã giúp cho Bắc Kinh ung dung thoải mái tung hoành giữa cả ba mục tiêu: lãi suất thấp, một đồng nhân dân tệ ổn định và kiểm soát luân chuyển dòng vốn tư bản. Thế nhưng việc dung hòa cùng lúc cả ba yếu tố này - mà theo các nhà kinh tế học gọi là “bộ ba bất khả thi” - vượt ngoài sức lực của mọi nền kinh tế, kể cả gã khổng lồ TQ.

Vào ngày 26-8, những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán TQ vẫn không thể nào quyết định được liệu chăng động thái bơm tiền, cắt lãi suất của Ngân hàng Trung ương TQ vào đêm trước đó là “thuốc tiên” hay là “thuốc độc”. Sự lo lắng của các nhà đầu tư đang vẽ nên con đường đầy chông gai trước mắt cho thị trường chứng khoán TQ. Nếu như các nhà đầu tư cho rằng mức lãi suất đại lục thấp hơn và các ràng buộc cho vay được nới lỏng hơn là báo hiệu một đợt tăng về cung tiền, họ sẽ quyết định rút thêm vốn tư bản khỏi thị trường TQ.

Trong thực tế, chính quyền TQ giờ đây sẽ còn rất ít sự lựa chọn. Nếu như họ vừa muốn giảm lãi suất và giữ lời hứa của Thủ tướng Lý Khắc Cường về một đồng nhân dân tệ ổn định, TQ buộc phải cân nhắc khóa dòng vốn tư bản lại. Cảnh sát Ma Cau hôm 25-6 vừa qua đã tiến hành bắt giữ hàng chục đối tượng buôn bán tiền tệ bất hợp pháp từ đại lục. Điều này thể hiện quyết tâm Bắc Kinh muốn thắt chặt dòng vốn tư bản trái phép ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, bất kỳ một động thái thắt chặt đồng nhân dân tệ nào mà Bắc Kinh đưa ra cũng sẽ tác động xấu đến tham vọng đưa đồng tiền này chen chân vào rổ tiền quyền rút vốn đặc biệt - nhóm những đồng tiền có tính thanh khoản cao - của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Một sự “hồi sinh” trong mức tăng trưởng kinh tế trong nước có thể giúp xoay chiều dòng chảy vốn tư bản ra khỏi TQ. Tuy nhiên, với sự ảm đảm của nền kinh tế thế giới hiện nay, cộng với nỗi lo kép của TQ là dư thừa năng suất và nợ phình to, mục đích hồi sinh mức tăng trưởng hai con số trong quá khứ là vô cùng khó khăn. Nói cách khác, hy vọng tốt nhất của TQ lúc này lại chính là cơn ác mộng kinh tế của họ tiếp tục lan tỏa ra thị trường kinh tế thế giới, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không dám tăng lãi suất của phía bên kia Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ có thể tiếp tục bảo vệ đồng nhân dân tệ, duy trì hình ảnh của một đồng tiền ổn định trước một đồng đôla Mỹ đang vực dậy bằng cách bắt đầu bán đi dự trữ ngoại tệ của mình. Nhưng điều này cũng không giúp kéo lại được niềm tin thị trường đang giảm sút không thắng. Với dự trữ ngoại tệ lên đến 3,65 triệu tỉ đôla vào cuối tháng 6, TQ có thể ung dung cùng lúc kiểm soát “bộ ba bất khả thi” một thời gian. Nhưng cuối cùng rồi nguồn dự trữ ngoại tệ này cũng không đủ để xoay chuyển dòng vốn tư bản ra khỏi thị trường TQ sau khi các nhà đầu tư đã mất niềm tin.

Ông Tập Cận Bình gặp nạn

Tờ The Economist bình luận cùng với cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán TQ, đồng nhân dân tệ bị phá giá và những biện pháp giải quyết bất cập trong thảm họa Thiên Tân tháng 8 này, tình hình kinh tế TQ sẽ đặt thêm vô số áp lực lên chính quyền của ông Tập Cận Bình, vốn cũng đang phải đau đầu với nhiều bài toán khó và áp lực. Vào ngày 19-8 trên trang mạng của kênh truyền hình nhà nước TQ CCTV, một bài viết dưới bút danh Gouping đã khẳng định “mức độ các khó khăn (trong việc thực thi cải cách), mức độ chống đối công cuộc cải cách đã vượt xa những gì mà mọi người tưởng tượng”. Những khó khăn và bất đồng mà chính quyền ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt chắc chắn là có thật. Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường giờ đây đang đứng trước nhiều chỉ trích gay gắt trong hàng ngũ lãnh đạo khi phần nào phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện nay trên thị trường chứng khoán cũng như việc phá giá đồng nhân dân tệ. Ông Tập cũng khó lòng thoát khỏi búa rìu chỉ trích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm