Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 2: Đời người, đời phà

Cũng không biết bao nhiêu thế hệ những người lái phà đã gắn cuộc đời mình với con phà. Giờ này tâm trạng ai cũng bâng khuâng…

Giờ nhắc đến thầy giáo Nhạn ở Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long), nhiều người 50-60 tuổi ồ lên trân trọng: Thầy tôi đó! Ông Võ Thành Đức nhà ngay bến phà, năm nay đã gần 60 tuổi bảo rằng: “Bây giờ gặp thầy giữa chợ, tôi vẫn khoanh tay thưa thầy đàng hoàng”.

Vượt sông học làm thầy

Thầy giáo Nhạn kể: “Năm 1946, bên Bình Minh đâu có trường trung học. Hằng ngày tôi phải dậy lúc 5 giờ đi bộ ra bến phà. Có hôm thấy xe ngựa chạy không, mình xin quá giang ra bến bắc. Phà vượt sông mất cả tiếng đồng hồ, cập bến lại tiếp tục cuốc bộ đến Trường Collège de Can Tho (Trường Trung học Cần Thơ). Tôi còn nhớ lúc đó cả miệt Bình Minh chỉ có ba người qua Cần Thơ gồm tôi, anh Trần Bá Diệp cùng ở làng Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Kính làng Đông Thành”. Những chuyến phà đã trở thành một phần ký ức ông giáo già ấy, bởi cả cái đại gia đình ông có đến hơn chục người theo từng chuyến phà vượt sông đi học và trở thành thầy cô giáo.

Cựu giáo viên Lê Hùng Phi thì kể năm 1961, khi Bình Minh vẫn chưa có trường trung học, ông theo phà vượt sông sang học Trường Trung học Phan Thanh Giản (Trường Collège de Can Tho đổi tên). Đến năm 1965 bắt đầu mở Viện Đại học Cần Thơ, ông tiếp tục theo học rồi trở thành thầy giáo. Giờ nhớ lại, cậu học trò khóa 3 Đại học Cần Thơ chợt giật mình: “Mình đã qua lại phà đến 11 năm”.

Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ Trần Trọng Khiếm từng có gần chục năm xuôi ngược cùng những chuyến phà từ vùng quê Thành Lợi (Bình Minh) sang Cần Thơ học thêm, rồi học đại học. Ông kể: “Hồi tôi còn học Trường Trung học Bình Minh, ba tôi hoạt động cách mạng nên mỗi khi qua Cần Thơ học thêm tiếng Anh, ba thường giao mua thuốc để chuyển vào vùng giải phóng. Mình là học sinh áo trắng quần xanh nên ít ai để ý. Thời đó mỗi hiệu thuốc chỉ cho mua duy nhất một ống penicilin thôi. Tôi phải chạy cả mấy chục hiệu thuốc để có được vài chục lọ penicilin. Lần nọ muốn thót tim vì giặc truy xét dữ dội ngay tại bến phà. Lúc đó bến Cần Thơ còn cây cỏ um tùm hai bên đường, tôi lẹ tay quăng ngay cái cặp thuốc vào lùm cỏ. Sau truy xét của địch, tôi quay lại lấy cặp về”.

Sau này ông học Đại học Cần Thơ, trở thành thầy giáo, làm công dân Cần Thơ nhiều năm qua rồi mà “cứ mỗi lần vượt sông, ngắm nhìn sông nước lại nhớ quê”. Sau công cha nghĩa mẹ, ơn thầy, những người thế hệ ông đã thành danh không thể nào quên những chuyến phà xưa nâng ước mơ mình.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 2: Đời người, đời phà ảnh 1

Collège de Can Tho sau này được đổi tên thành Trường Trung học Phan Thanh Giản (trái), rồi Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm, hiện giờ là Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm (phải). Ảnh: TƯ LIỆU

Những chuyến phà thời bao cấp

Thuyền trưởng Nguyễn Phú Hào kể chuyện thời bao cấp: “Thời ấy, máy móc cũ kỹ, đèn đuốc không đủ, liên lạc không có, mùa nước đổ nước sông chảy xiết dữ dằn, có lúc vượt sông mất cả tiếng đồng hồ”. Lần nọ phà chỉ còn cách bến 50 m thôi mà cứ loay hoay hoài, lên ga miết rồi mà nó vẫn ì ạch không cập bến được. Buộc lòng anh phải chạy sát vào bờ, nơi nước ít chảy. Cập bến được mất cả nửa tiếng đồng hồ, hành khách liếc nửa con mắt lên cabin, lầm bầm: Tài công khùng! “Nhưng họ đâu biết nỗi khổ của chúng tôi. Máy móc cũ kỹ như vậy, đa phần tài công chỉ cập phà ngược nước chứ không dám ghé xuôi dòng vì sợ máy yếu không hãm lại nổi” - anh phân trần. Rồi anh kể chuyện một tài công ghé xuôi nước, phà xoay ngang đụng vào ponton lủng phà, bị thương mấy người. Ban giám đốc kỷ luật, chuyển công tác anh này sang bộ phận khác với cái nhận xét: Lái ẩu.

“Trời ơi, đâu ai biết thời đó máy yếu, lại lái cơ nên xoay phà quay đầu ra khỏi bến lả mồ hôi hột. Hồi ấy, xoay tay lái riết chai tay hết” - một tài công nói. Ngay cả cồn cát nổi lên cạnh bến cũ phía Cần Thơ cũng thiếu phương tiện nạo vét. Mỗi lần nước cạn, phà phải chạy né vòng xa lên bên trên, hành khách lại lớn tiếng: “Chạy kiểu gì vậy!?”. “Lái phà dân chửi như cơm bữa, ngày nào mà hổng nghe chửi bới là về ăn cơm không ngon” - anh Hào cười hiền nhắc chuyện cũ.

Hai đời đưa khách

Trên những chuyến phà ấy có cả cha con, anh em cùng đưa khách sang sông. Niềm vui, nỗi buồn của họ cứ theo vòng xoay của những con phà. Cha già qua đời, con trẻ tiếp nối và giao thông vẫn liền mạch cho đến ngày cuối cùng của cuộc chuyển giao lịch sử cầu-phà liền nhịp.

Anh Thạch Son có gần 30 năm gắn bó với những chuyến phà vượt sông. Anh đến với những chuyến phà bắt đầu từ những cà mèn cơm cho ba hằng ngày từ cái thời phà còn 20 tấn, ponton đổ bằng đá trứng. Tới lui cơm nước cho ba riết, các chú, bác ở phà thương mến rồi chỉ dạy tập tễnh nghề, biết lái khi chỉ mới 16 tuổi đầu. Không đủ tuổi, anh phải mất hai năm theo lái tàu kéo của vận tải thủy Hậu Giang. 18 tuổi bắt đầu hai cha con cùng lênh đênh theo dòng trôi.

Với anh, chiếc phà như một phần của cuộc đời mình. Phà nuôi sống cả gia đình. Phà lo cho con anh đứa trung cấp nghề, đứa sắp tốt nghiệp Đại học Cần Thơ. Anh buồn khi phải xa những con phà, bởi sức khỏe đã yếu, không thể theo nó đi về những bến xa sau ngày cầu thông nhịp.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý - Bài 2: Đời người, đời phà ảnh 2

Người lái phà bâng khuâng trên những chuyến vượt sông cuối cùng. Ảnh: NGUYÊN VẸN

Khác với anh Son, thuyền trưởng Nguyễn Phú Hào sau trên 30 năm gắn bó những con phà giờ anh vẫn chưa muốn rời xa nó, dẫu tới đây có phảirong ruổi đâu đó trên vùng sông nước miền Tây này. Giống như anh Son, tuổi thơ Phú Hào cũng theo ba trên những chuyến phà, rồi gắn bó với nghề mà ba anh đã đi qua.

Nhiều người cả mấy anh em cùng phục vụ lâu năm trên chuyến phà Cần Thơ như Nguyễn Văn Luận (quê Hải Dương), Lê Tấn Hiệp (Cần Thơ), Ngô Thanh Tâm (Cần Thơ)… Mỗi người vượt sông từ hơn chục năm trở lên.

Sắp thông cầu, trong số 300 cán bộ, công nhân viên Cụm phà hậu Giang sẽ có khoảng 200 người chuyển sang công ty mới phục vụ quản lý và thu phí cầu Cần Thơ. Số thuyền trưởng, thủy thủ, thợ máy 36 người sẽ chuyển về các phà. Số còn lại nghỉ hưu và nghỉ theo chế độ của Nghị định 110 (giống như giải quyết theo chế độ 132).

Họ trông đợi lẫn bồi hồi cái ngày sắp đến. Trong niềm vui chung là những tiếc nuối và hoài niệm...

Năm 1998, từ dự án tài trợ 17 triệu USD của chính phủ Đan Mạch, bến Cần Thơ và Mỹ Thuận được trang bị thêm mỗi nơi một chiếc phà Việt-Đan 200 tấn với công nghệ hiện đại của Đức, thiết bị của Đan Mạch, lái hoàn toàn bằng chân vịt. Cạnh đó, 10 chiếc phà cũ và bến bãi được nâng cấp song hành. Nguồn vốn này còn được sử dụng nâng cấp hai nhà máy đóng tàu ở Cần Thơ và hai ở TP.HCM. Tiếp tục giai đoạn hai, đóng mới hoàn toàn sáu chiếc Việt-Đan 100 tấn nữa, lái hoàn toàn bằng chân vịt. 

Đến năm 2000, tất cả các phà được nâng cấp thay thế lái cơ khí bằng thủy lực điện với công nghệ Uniks của Nhật. Nhờ vậy, một tài công có thể điều khiển phà liên tục tám tiếng. Toàn bộ phà được trang bị máy bộ đàm có tần sóng riêng.

Phà nâng cấp nhưng xe cộ lại gia tăng với tốc độ nhanh hơn nên kể từ năm 2006, ban giám đốc Cụm phà Hậu Giang quyết định đưa hai tuyến phà hoạt động song song ở cả hai bến. Trước, một tiếng đồng hồ chỉ hai chiếc phà cập bến, giờ bốn chuyến cập bến. Phà Việt-Đan kéo giảm thời gian vượt sông từ 25 phút/chuyến xuống còn từ 15 đến 18 phút. Thế nhưng phà vẫn kẹt triền miên. Nhiều lái phà cho biết do thiếu bến ghé nên mất khá nhiều thời gian trong khi lượng xe tăng quá nhanh, nhất là xe hai bánh.

Cầu Cần Thơ như lời giải sớm cho bài toán vượt sông đang bắt đầu một giai đoạn khó mới. 

NGUYÊN VẸN

Bài 3: Cho đồng bằng cất cánh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm