KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2016)

Chuyện xúc động sau bức ảnh một liệt sĩ

Bức ảnh người thanh niên cười tươi với má lúm đồng tiền, vai khoác súng… đã đi cùng cựu chiến binh Trần Đình Huân suốt năm năm trời.

Bức ảnh đặc biệt

Cựu chiến binh Trần Đình Huân là trưởng Ban Liên lạc thân nhân liệt sĩ mặt trận 31 toàn quốc.

Vào năm 2011, khi ông Huân lần giở hồ sơ liệt sĩ của mặt trận 31, giữa một chồng hồ sơ ngút ngàn ấy, có một bức ảnh đập vào mắt ông là chân dung một người chiến sĩ quân tình nguyện trẻ măng, tươi tắn với má lúm đồng tiền rất duyên.

Bức ảnh ấy và rất nhiều hình ảnh khác đã nằm trong hồ sơ, sơ đồ mộ chí của Sư đoàn 31 ít nhất là 40 năm, thời gian đủ lâu để khi ra gió có thể làm tiêu tan hình ảnh gốc, may mà ông Huân giữ lại được.

Trong suốt năm năm qua, ông đã cài bức ảnh ấy làm màn hình nền điện thoại, luôn mang theo bên mình, ngay cả khi làm việc, khi đi công tác, đi họp hay vào các nghĩa trang liệt sĩ.

Mỗi lần nghe hay gọi điện thoại thì hình ảnh người đồng đội lại đối diện trước mắt ông. Năm năm ấy, với hàng vạn lần gọi và nghe điện thoại, trong đầu ông luôn hiện lên câu hỏi “Anh là ai? Quê anh ở đâu? Anh ở đơn vị nào? Anh còn sống hay đã thành liệt sĩ…?”.

Thế rồi một mối nhân duyên khi 600 cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp cách mạng Lào trên địa bàn Hà Nội tổ chức gặp mặt vào giữa tháng 11-2015. Trung tá Bùi Minh Sơn, một cựu chiến binh của Tiểu đoàn 25 Công binh, đã nhận ra người trong ảnh. Sở dĩ ông Sơn nhận ra người trong ảnh bởi ông là người từng kết hợp với cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng tổ chức biên soạn cuốn sách Từ điển Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng nên khá rành.

Cựu chiến binh Trần Đình Huân (giữa) cùng các cựu chiến binh của mặt trận 31 trao tấm ảnh liệt sĩ Hoàng Đăng Miện được phóng to cho gia đình. Ảnh: TIỂU LINH

Trung tá Sơn hỏi ông Huân vì sao có bức ảnh ấy. Khi ông Huân kể về nguồn gốc bức ảnh, ông Sơn ngỡ ngàng thốt lên: “Tôi nhận ra người trong ảnh ấy nhưng nó lại thiếu khẩu B41”. Giây phút đó, ông Huân hạnh phúc đến không thốt nên lời…

“Đúng là bức ảnh ấy có thêm khẩu B41 nhưng khi cài màn hình điện thoại nó đã bị che khuất bởi các tệp tin nên Sơn không nhìn thấy. Khi tôi để riêng bức ảnh ra, Sơn đọc tên người chiến sĩ ấy.

Để chắc chắn, Sơn còn giở cuốn Từ điển Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng để tìm” - ông Huân nói.

Tấm ảnh đen trắng được dùng trong cuốn từ điển dù không còn nét nhưng cả ông Sơn và ông Huân đều nhận ra những đặc điểm trùng khớp với bức ảnh anh lưu giữ suốt năm năm qua. Người trong ảnh chính là Hoàng Đăng Miện, sinh năm 1953 tại thôn Đông Bình, xã Thịnh Đức, huyện Gia Lương, Hà Bắc cũ (nay là huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Anh thuộc quân số của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Cuộc nói chuyện ở hai đầu điện thoại

Sau cuộc gặp gỡ ấy, từ Hà Nội trở về, ông Huân gọi điện thoại cho người đồng đội thân thiết của mình quê ở Bắc Ninh, đó là cựu chiến binh Nguyễn Quang, người từng ở Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Không ngoài dự đoán của ông Huân, khi nghe tên Hoàng Đăng Miện, ông Quang đã kể rất chi tiết về người đồng đội năm nào.

Đó là những ngày đầu mùa mưa tháng 6-1971, tân binh Hoàng Đăng Miện vừa tròn 18 tuổi đến cánh đồng Chum trong đội hình của Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó, anh được biên chế vào khẩu đội đại liên cùng với Nguyễn Quang. Ít lâu sau, anh được điều sang đơn vị chủ công của Đại đội 9 thành xạ thủ B40, B41… Đó cũng chính là khẩu súng anh đang vác trên vai trong tấm ảnh.

Để chắc chắn, ông Huân còn gửi bức ảnh cho cựu chiến binh Nguyễn Quang. Sau khi xem ảnh, ông Quang khẳng định đó chính là người đồng đội Hoàng Đăng Miện năm nào. Khi ấy, ở hai đầu điện thoại, hai cựu chiến binh nói ngắt quãng vì quá xúc động: Anh Miện đã hy sinh!

Với cựu chiến binh Trần Đình Huân, bức ảnh là một kỷ vật vô giá. Nó đã đi cùng ông suốt năm năm qua, dù đã tìm được tên cho người trong ảnh nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục lưu giữ hình ảnh đồng đội bên mình, để thôi thúc ông làm tiếp những công việc còn dang dở với đồng đội của mình ở mặt trận 31.

 Chuyện xúc động sau bức ảnh một liệt sĩ ảnh 2

Cựu chiến binh Nguyễn Quang lúc ấy đang là thông tin tiểu đoàn bộ nên anh nhớ rất chi tiết về người đồng hương anh dũng Hoàng Đăng Miện.

Đó là một chàng trai sử dụng thành thạo súng B41. Ông Quang còn nhớ như in chiến dịch với mật danh “Z139”, Hoàng Đăng Miện trong đội hình Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch này đã đạt nhiều thành tích, anh từng được đơn vị tặng cho biệt danh là “bông sen thép”.

Tháng 4-1971, Sư đoàn 312 rời chiến trường Lào về nước, củng cố đội hình. Tháng 6-1972, Hoàng Đăng Miện cùng Sư đoàn 312 tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch tiến công Trị-Thiên. Mặt trận Trị-Thiên từ những ngày cuối tháng 6 cho đến tháng 9-1972 diễn ra phức tạp, giằng co quyết liệt. 

Trong các trận đánh tại Như Lệ và trận đồi Cây Mít, Hoàng Đăng Miện vẫn là xạ thủ B41. Sau đó là trung đội trưởng. Ngày 9-9-1972, trong khi tiến công Đồi Cháy, một điểm cao nằm ở phía đông nam Như Lệ, Hải Lệ, Hải Lăng, Quảng Trị, Hoàng Đăng Miện đã hy sinh khi anh vừa lên thay chỉ huy đại đội. Trong trận chiến ấy, chúng ta đã làm chủ Đồi Cháy nhưng Hoàng Đăng Miện đã mãi mãi nằm lại nơi này.

Hiện tại ở quê nhà của liệt sĩ Hoàng Đăng Miện, người em út vẫn đang thờ cúng anh bằng di ảnh cũ mà bảo tàng cung cấp nên rất mờ. Các cựu chiến binh của mặt trận 31 đã phóng tấm ảnh này thật lớn và mang về tặng cho gia đình (ảnh), đó là tình cảm mà các đồng đội còn sống hôm nay dành cho người liệt sĩ anh hùng.

_______________________________________

Khẩu súng B41 mà liệt sĩ Hoàng Đăng Miện khoác trên vai chính là khẩu súng mà anh đã dùng để bắn 30 quả đạn, phá hủy 20 mục tiêu, diệt nhiều kẻ địch trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Và đặc biệt, ngay cả giây phút hy sinh, tay anh vẫn ôm chặt khẩu súng B41 ấy. Khẩu súng đó sau này được Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khi họ đến đơn vị sưu tầm hiện vật truyền thống. Hiện nay khẩu súng vẫn được lưu giữ ở vị trí trang trọng của bảo tàng với số đăng ký là 6526 K3 1653.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm