Còn đâu những chuyến đò xưa…

Người đi đò đêm còn thỏa sức chiêm ngưỡng những doi đất ở xa xa cùng vô số đàn đom đóm lấp lánh trên những vạt bần.

Ngày xưa tấp nập

Đất cù lao Bến Tre với sông rạch chằng chịt là trở ngại lớn cho phát triển giao thông đường bộ. Sau năm 1975, cầu khỉ bắc đầy nông thôn Bến Tre. Từ người nông dân, các cháu học sinh đến những ca bệnh cấp cứu… đều phải vượt qua những cây cầu “đau khổ” đó rồi còn phải lụy đò.

Còn đâu những chuyến đò xưa… ảnh 1

Đò chuyển dừa trên sông. Ảnh: PLHH

Bối cảnh chung bấy giờ là dựa vào giao thông đường thủy. Người dân từ huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách và các xã vùng sâu khác muốn đến thị xã Bến Tre đều phải đi bằng đò. Những chiếc đò chở khách chật ních người, chạy cả ban ngày lẫn ban đêm. Nếu nhỡ chuyến đò đêm trước, hành khách chỉ có nước chờ đến chuyến đêm sau. Họ đón đò bằng những cây đuốc lá dừa huơ sáng khắp bờ sông. Tại Bến Lở (thị xã Bến Tre, nay là TP Bến Tre) từ lúc nửa đêm đến 2, 3 giờ chiều mỗi ngày, những con đò chở hành khách lẫn hàng hóa lúc nào cũng tấp nập.

Vùng sông nước Bến Tre có ba loại đò: đò ngang, đò dọc và đò tàu. Đò ngang là đò đón khách rồi chèo ngang qua sông rạch. Đò dọc là đò chạy trong tỉnh. Còn đò tàu thì chạy liên tỉnh, như đò Đại Đức từ Bến Tre đi Trà Vinh và ngược lại. Ngày xưa, mỗi lần đò về, đám trẻ con lại hò reo vang dội: “Đò vìa! Đò vìa!”. Chúng hò reo vì đò cập bến thì sẽ có bánh mì do má mang về, được gói bằng lá chuối khô và buộc bằng dây lác.

Còn đâu những chuyến đò xưa… ảnh 2

Trên chuyến đò ngang. Ảnh: PLHH

Xã Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm) nằm cặp bên sông Hàm Luông ngày đêm lộng gió. Trước đây, địa bàn xã vùng sâu này gần như cô lập với các xã khác trong vùng nên mọi người chủ yếu dựa vào con đò để đi lại. Nhiều gia đình tổ chức đám cưới, đám hỏi cho con cháu phải đi bộ trên đồng ruộng, luồn sâu vào những vườn dừa mấy tiếng đồng hồ mới đến nơi. Do vậy, cách hay nhất vẫn là rước dâu bằng đò. Con nước có lúc rong (nước lớn) lúc kém nên đàng trai phải coi ngày hết sức chi li. Thường việc cưới hỏi, người ta chọn vào những ngày nước rong trong tháng. Nhiều đám tiệc đang chừng nhậu nhẹt vui vẻ nhưng thấy con nước sắp giựt ròng, vị “trưởng đoàn” thường ngó qua ngó lại rồi lệnh: “Chuẩn bị lui ghe”.

Bây giờ hẩm hiu

Xã Phước Long (huyện Giồng Trôm) bên dòng Hàm Luông giờ chỉ còn một chiếc đò chở hàng. Xã Thuận Điền cũng chẳng khá hơn. Khi đường tỉnh 887 nối từ TP Bến Tre đến ngã ba xã Tân Thanh hoàn thành, chắc gì con đò kia còn tiếp tục hoạt động.

Còn đâu những chuyến đò xưa… ảnh 3

Bến Lở (TP Bến Tre) với những con đò vắng khách. Ảnh: PLHH

30 năm qua, chiếc đò tựa như… nhà của chị Hứa Thị Chạy, quê chợ Bến Vinh (xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú). Tối đến, chị xuống đò để đi lấy hàng và cứ việc mắc chiếc võng nằm ngủ, mặc cho chiếc đò thủng thẳng thả theo con nước Hàm Luông. Lúc gần sáng, đò tấp vào Bến Lở, chị lên chợ Bến Tre bổ hàng, rồi con đò nổ máy trở về Thạnh Phú lúc 8 giờ 30. “Hơn 30 năm qua, tôi đã theo những con đò từ Thạnh Phú đến Bến Tre để lấy hàng hóa cho các tiệm bán tạp hóa tại chợ Bến Vinh. Các tiệm cần mặt hàng gì thì ghi toa cho tôi, tôi giao hàng và hưởng tiền huê hồng ở hai đầu chợ”. Rồi giọng chị buồn buồn: “Hồi đó đi một ngày, nghỉ một ngày. Bây giờ thì ba, bốn ngày mới đi một chuyến. Vài chiếc đò khách còn lại cả tuần lễ mới tới chuyến mình chạy một lần. Đò chạy chủ yếu là chở hàng vì gần như không còn khách. Mà không có khách, đò cần chi chạy nhanh cho tốn dầu…”.

Bây giờ, ôtô có thể chạy từ cầu Rạch Miễu đến những con đường làng ở Bến Tre, còn xe buýt thì cũng đã tủa khắp ba dải cù lao, kể cả các huyện ven biển. Giao thông đường bộ phát triển, đường sá đi lại tiện lợi nên những con đò khách đang mất dần là chuyện đương nhiên. Nhưng với chị Chạy và nhiều chủ đò khác nữa, con đò và dòng sông đã ăn sâu vào máu thịt của họ.

Tạm biệt tôi, chị Chạy lại mắc chiếc võng trên đò. Con đò thủng thẳng, lênh đênh cùng sông nước dẫn về vùng đất cuối cù lao Minh xa lơ xa lắc.

 
PHAN LỮ HOÀNG HÀ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm