Cuộc đấu súng kinh hoàng trên dòng sông Kinh Thầy: bài cuối

NHÀ THƯƠNG THUYẾT ĐẠI TÀI

Sau khi phà cập bến, người đàn ông bị Minh “rồng” dùng súng AK khống chế là ông Nguyễn Văn Hải (SN 1949, nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty xi măng Hoàng Thạch). Chúng tôi đã về Công ty xi măng Hoàng Thạch để tìm gặp ông Hải - một nhân chứng đặc biệt trong vụ án này. Tuy nhiên, ông Hải chuyển lên Yên Bái công tác. Rất may, chúng tôi đã xin được số điện thoại của ông. Ông Hải không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được điện thoại của chúng tôi hỏi về câu chuyện kinh hoàng cách đây đã 13 năm.

Chiều 18-10-1998, khi ông đi xe máy chở vợ con từ Tứ Kỳ đến phà An Thái, đang mua vé thì nghe thấy tiếng súng đì đùng trên chuyến phà đang tiến gần vào bờ. Chưa kịp hiểu điều gì xảy ra đã có một thanh niên người nhỏ, quần áo ướt lướt thướt, tay lăm lăm khẩu súng AK cưa báng chạy thục mạng từ trong bến phà lên chỗ ông Hải dừng xe. Hắn gí súng vào người và yêu cầu ông quay xe máy. Ông Hải vừa làm theo, hắn chồm lên đằng sau xe, bắt ông chở hắn theo hướng Phú Thái ra Quốc lộ 5 để về Hà Nội. Lần đầu tiên trong đời gặp trường hợp nguy hiểm thế này, nhưng ông Hải tỏ ra rất bình tĩnh và thông minh. Trên đường đi, ông tìm cách dụ dỗ hắn: “Em ơi, không đi được Hà Nội bằng xe máy đâu vì thế nào công an cũng bố trí người khắp nơi để mai phục. Các tuyến quốc lộ sẽ có rất nhiều trạm kiểm soát. Chưa kể họ sẽ huy động các ôtô tuần tra, nếu đấu súng xảy ra thì em chết mà anh cũng chết. Có một cách an toàn cho cả hai là anh sẽ đưa em đi đường tắt để về Hải Phòng”. Là tên tội phạm sừng sỏ, nhưng trước lời khuyên rất có lý, có tình của ông Hải, Minh “rồng” chấp nhận. Thấy Minh “rồng” trúng kế, ông Hải điều khiển xe quặt vào đường nhỏ dẫn đến xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành. Vừa đi ông vừa hỏi han và tỏ ra quan tâm đến Minh “rồng”. Ông Hải trấn an hắn: “Anh có biết mấy đơn vị bộ đội và cả công an ở đây, nếu muốn anh sẽ đưa em vào đó đảm bảo em sẽ giữ được tính mạng”. Suy nghĩ một lúc, Minh “rồng” không đồng ý và thúc mũi súng vào lưng ông Hải giục đi tiếp. Nhận định Minh “rồng” đã bớt hung hăng, ông Hải tiếp tục dụ hắn: “Trời vẫn còn sáng, nhiều người đi ra đường, thấy em quần áo ướt sũng lại cầm súng lăm lăm thế nào họ cũng nghi và báo công an. Chi bằng em tìm chỗ nào kín giấu khẩu súng đi sẽ an toàn hơn. Mai quay lại lấy súng cũng không muộn”.

Cảm động trước suy nghĩ chu đáo của ông Hải, Minh “rồng” nói bằng giọng rất ngọt ngào: “Anh giúp em lần này em rất cảm ơn, nhưng tiền bạc em để hết trên phà rồi, chỉ còn mỗi chiếc đồng hồ. Anh giúp em thoát thì em xin biếu anh, khi nào mọi chuyện yên ổn em sẽ tìm anh để cảm ơn”. Nếu từ chối ngay thì Minh “rồng” sẽ nghi ngờ nên ông Hải cứ ậm ừ cho xong. Chính ông Hải cũng không ngờ Minh “rồng” lại làm theo mình như một cái máy. Chọn một con mương nhỏ, Minh “rồng” đề nghị ông Hải dừng xe để hắn vứt khẩu súng AK rồi lại tót lên xe đi tiếp.

Cuộc đấu súng kinh hoàng trên dòng sông Kinh Thầy: bài cuối ảnh 1

 Đại tá Nguyễn Văn Phục vẽ lại sơ đồ vụ đấu súng

Đến khu vực có nhiều đồn bốt của Pháp xây hồi chiến tranh bỏ hoang bên đường, ông Hải bàn với Minh “rồng”: “Ở đây có nhiều bốt, không ai dám qua lại đâu, hay là em cứ vào đó trốn, ngày mai quần áo khô, mọi người không để ý thì tìm đường về. Tuy nhiên, Minh “rồng” không đồng ý. Đến bãi ngô thuộc khu vực thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, ông Hải nói: “Bãi ngô này rộng lắm lại thông sang nhiều xã, nếu em trốn ở đây họ không tìm được đâu. Bây giờ công an đang truy lùng em khắp nơi, mình đi tiếp bây giờ chắc không an toàn, với lại anh còn phải về nhà cho vợ con đỡ lo”. Dứt lời, ông Hải cũng không ngờ Minh “rồng” nghe lời ngay. Hắn xuống xe và chạy thục mạng vào bãi ngô. “Tôi vội cho xe chạy quay lại công an huyện báo cáo sự việc và được các anh công an cho biết đó là tên cướp trốn trại, sau đó tôi đã cùng lực lượng Công an huyện Kim Thành ra hiện trường thu súng AK của hắn” - ông Hải kể.

Nhận được tin Minh “rồng” đang trốn ở thôn Dưỡng Mông, Công an huyện Kim Thành triển khai lực lượng phối hợp với dân quân tự vệ và nhân dân tạo thành một vòng vây kín như bưng. Lúc đó, một tổ dân quân tự vệ nhận được lệnh đi tuần phát hiện một người lạ đang vội vã đi giữa cánh đồng. Một anh tự vệ hỏi: “Ai, đi đâu đấy?”. Thấy bị hỏi, Minh “rồng” cắm đầu chạy thục mạng nhưng chỉ được một đoạn ngắn hắn đã phải thúc thủ trên ruộng lúa.

Ngay sau khi bị bắt, Linh “cu” và Minh “rồng” được di lý về trại giam Kim Chi thuộc Công an tỉnh Hải Dương để đấu tranh khai thác. Đây cũng là thời gian đặc biệt bận rộn đối với các cán bộ điều tra của Phòng CSĐT Công an tỉnh Hải Dương. Linh “cu” và Minh “rồng” dường như đã biết trước bản án mà mình phải nhận nên coi thường tất cả. Từ mà chúng nói nhiều nhất trong các buổi hỏi cung là: “không biết”; “không nhớ” và “không làm”... Đặc biệt, mặc dù bị giam tại phòng biệt giam, canh phòng cẩn mật nhưng một lần Minh “rồng” suýt trốn trại thành công.

VƯỢT NGỤC

Một tối mùa hè oi ả, chúng tôi tìm đến nhà đại tá Phạm Văn Tuyển, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương. Ông Tuyển là người trực tiếp chỉ đạo điều tra hành vi phạm tội của Linh “cu” và Minh “rồng”. Đại tá Tuyển kể: “Trong cuộc đời làm điều tra, tôi đã đối mặt với hàng ngàn tên tội phạm. Loại trộm cắp vặt có, loại cướp của giết người cũng không ít nhưng chưa bao giờ gặp loại lì lợm, coi thường cái chết như Linh “cu” và Minh “rồng”. Thời điểm đó, trên địa bàn một số tỉnh giáp ranh Hải Dương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... xảy ra một loạt các vụ cướp. Thủ đoạn của chúng là giả làm hành khách trên các chuyến xe khách, khi xe đến đoạn đường vắng, chúng dùng súng khống chế lái xe và hành khách, yêu cầu nộp tiền bạc, tư trang.

Cuộc đấu súng kinh hoàng trên dòng sông Kinh Thầy: bài cuối ảnh 2

Trung tá Đào Trọng Vĩnh, người trực tiếp bắt Linh “cu”

Theo mô tả của các nạn nhân và nhân chứng, hai tên cướp này có nhiều đặc điểm giống với Linh “cu” và Minh “rồng”. Tuy nhiên, khi đấu tranh với hai tên này, chúng một mực phủ nhận tài liệu của cơ quan điều tra mặc dù đó là những tài liệu chính xác, đủ căn cứ để kết luận chúng là thủ phạm. Ngay cả khi Công an quận Ba Đình, Hà Nội, Công an tỉnh Hà Tây (cũ), Công an Quảng Ninh thu thập đầy đủ tài liệu, ra quyết định khởi tố Linh “cu” và Minh “rồng” về hành vi cướp tài sản chúng vẫn cãi đến cùng. Ví dụ như, dấu vân tay để lại trên cửa kính tiệm vàng Tâm Thiện, phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Tây được kỹ thuật hình sự kết luận là vân tay của Linh “cu”; các nạn nhân như chị Hạnh, cháu Vân Anh, cháu Tuấn Anh đều nhận diện chính xác ảnh của Linh “cu”, Minh “rồng” nhưng hai tên vẫn chối bay chối biến. Trong vụ cướp ở Quảng Ninh, vỏ đạn, đầu đạn thu được tại hiện trường được xác định bắn ra từ khẩu súng bắn bị thương đồng chí Quyền ở bến phà An Thái nhưng bọn chúng cũng một mực không nhận tội.

Hay đơn giản như nguồn gốc hai khẩu súng, những ngày mới bị bắt Minh “rồng” khai lên Lạng Sơn được bạn bè cho hơn mười triệu đồng. Hắn dùng số tiền đó sang Trung Quốc mua một khẩu AK, một khẩu K54 với giá 5 triệu đồng nhưng những bản cung sau đó, Minh “rồng” phủ nhận toàn bộ và khai không nhớ vì sao lại có súng. Khi bị lấy cung liên tục, Linh “cu” có những hành vi rất vô lễ với điều tra viên. Hắn nói cùn: “Cần gì phải hỏi nhiều, với ngần ấy tội là đủ xử tôi rồi”.

Trong quá trình bị tạm giam ở trại Kim Chi (thuộc Công an tỉnh Hải Dương) chờ xét xử, Minh “rồng” đã quậy tưng bừng khiến những phạm nhân ở cùng buồng hắn không thể nào chịu nổi. Đêm nào hắn cũng hò hét, chửi bới. Buồng giam của hắn chỉ có hai phạm nhân nhưng cứ đưa phạm nhân nào vào ở cùng, chỉ hôm sau là họ không chịu nổi, phải xin chuyển. Linh “cu” và Minh “rồng” là hai phạm nhân “đặc biệt” nên quà cáp tiếp tế, chúng được nhận khá nhiều và thoải mái. Bạn bè của Minh “rồng” gửi cho hắn lưỡi cưa nhét vào trong tuýp kem đánh răng. Lưỡi cưa ngắn và dẻo nên khi kiểm tra quà, dù nắn rất kỹ tuýp kem đánh răng nhưng cán bộ trại giam không phát hiện ra. Có lưỡi cưa, Minh “rồng” tiến hành cắt cùm, hắn cắt hai đường một từ trên xuống, một từ dưới lên tạo ra hình chữ V. Mỗi khi cán bộ quản giáo vào tháo cùm cho phạm nhân ra ngoài phơi nắng, làm vệ sinh, Minh “rồng” khéo léo ngụy trang chiếc cùm đã đứt khiến cán bộ mở cùm mà thanh sắt bị cưa đứt không rời ra.

Cuộc đấu súng kinh hoàng trên dòng sông Kinh Thầy: bài cuối ảnh 3
Thượng tá Nguyễn Văn Quyền

Những lần được ra ngoài phòng giam, Minh “rồng” quan sát và phát hiện ngay gần khu biệt giam có một cán bộ công an thường xuyên đứng gác trong tư thế quay lưng vào trong. Trước sơ hở này, hắn lên một kế hoạch rất nguy hiểm là dùng thanh sắt đã cưa đứt tấn công người đứng gác để cướp súng, cướp chìa khóa thoát ra ngoài. Một đêm tối trời, Minh “rồng” quyết định hành động. Hắn nhẹ nhàng thoát ra khỏi phòng biệt giam tiến tới chỗ có người gác. Nhưng hôm đó hắn không gặp may, vị trí gác đã được thay đổi ít ngày trước đó. Không cướp được súng, chìa khóa, Minh “rồng” đành trèo lên cây cột gần bức tường trại tạm giam để đu ra ngoài. Khi hắn còn đang đu đưa trên đỉnh cột thì còi báo động vang lên, hành vi trốn trại của hắn bị phát hiện. Hàng chục cán bộ chiến sỹ bao vây kín khu vực trại tạm giam. Tình huống khá nan giải đặt ra, việc bắn hắn quá dễ nhưng cần phải bắt sống hắn để đưa ra xét xử. Bên cạnh đó nếu Minh “rồng” liều lĩnh nhảy sang bên phía bức tường trại tạm giam, sẽ bị điện giật chết, hoặc nếu hắn rơi xuống thì cũng bị vỡ đầu. Phương án khả thi nhất được đưa ra, tất cả hộp xốp, thùng carton, chăn, đệm được huy động mang đến chất xung quanh cây cột Minh “rồng” đang đánh đu. Một cán bộ quản giáo đã phải trèo lên cây cột bên cạnh, đạp hắn ngã rơi xuống đống hộp xốp.

Sau này, cơ quan điều tra mới phát hiện, Minh “rồng” không chỉ có một lưỡi cưa sắt mà hắn có tới ba lưỡi cưa được giấu cẩn thận trong hậu môn. Nhưng ai là người gửi cho hắn những lưỡi cưa đó và làm thế nào để cưa thanh sắt phi 18 dễ dàng như cắt khúc giò? Bí mật đó đã được hắn mang theo xuống mồ.

Ngày 28-8-1999, Tòa án tỉnh Hải Dương mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Linh “cu”, Minh “rồng” về các tội danh: “giết người”; “cướp tài sản”; “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”; “trốn khỏi nơi giam”. Riêng Linh “cu” còn phạm tội “mua dâm người chưa thành niên và môi giới mại dâm”. Bùi Lệ Mỹ và Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng bị xét xử về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Hai anh trai của Minh “rồng” là Trần Quốc Đức và Trần Quốc Thọ phạm tội “che dấu tội phạm”. Theo đó, Linh “cu” và Minh “rồng” cùng lãnh án tử hình. Nguyễn Thị Kim Xuyến nhận 18 tháng tù; Trần Quốc Đức lãnh 24 tháng tù; Trần Quốc Thọ 10 tháng tù. Sau khi nhận được đơn kháng án của Linh “cu” và Minh “rồng”, Toà phúc thẩm tòa án tối cáo đã đưa vụ án ra xét xử và giữ nguyên hình phạt. Ngày 20-2-2001, thi hành án Minh “rồng” tại xã Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương. Ngày 26-7-2001, Linh “cu” bị thi hành án tại xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương.

  
Theo HỒ PHƯƠNG - NGỌC SƠN (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm