Đại gia đình khủng bố làm Philippines khiếp sợ

Ngày 23-5, hàng trăm phiến quân dẫn đầu bởi nhóm khủng bố Maute do Omarkhayam cùng người em sáng lập từ năm 2013 đã đánh vào TP Marawi thuộc đảo Mindanao, miền Nam Philippines.

Các tay chân của Omarkhayam đã treo cờ đen đặc trưng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên nhiều con đường trong TP. Những hình ảnh này như để khẳng định Omarkhayam hoàn toàn xứng đáng với biệt danh “Quả bom nổ chậm biết đi” mà y tự đặt ra cho mình trên tài khoản Facebook cá nhân.

Quá khứ bình lặng

Hai anh em thủ lĩnh nhóm khủng bố Maute - Omarkhayam và Abdullah - lớn lên trong một đại gia đình đông anh chị em ở ngay tại TP Marawi, TP có đa số người dân theo Hồi giáo tại một đất nước có đến 90% dân số theo Thiên chúa giáo. Theo hãng tin Reuters, TP Marawi về mặt lịch sử được xem như “trái tim” của cộng đồng người Hồi giáo trên đảo Mindanao. Thế nhưng trong những thập niên gần đây, tình trạng đói nghèo và sự thiếu quan tâm của chính phủ Manila đối với TP ngày một gia tăng.

Theo lời những người hàng xóm của gia đình Maute, hai anh em Omarkhayam và Abdullah có một quá khứ rất hiền hòa. “Chúng tôi vẫn không hiểu vì sao họ chọn đi theo IS. Họ là những chàng trai tốt, ngoan đạo. Nếu ai đó thật sự thuộc kinh Koran, họ sẽ không làm những điều sai trái. Thế nhưng những anh em họ lại chọn con đường ngược lại” - một người hàng xóm của gia đình Maute kể lại cho PV hãng tin Reuters.

Hai anh em Omarkhayam và Abdullah rời khỏi đất nước vào đầu thập niên 2000 để đi du học. Abdullah đến Jordan và mất tung tích, còn Omarkhayam đến ĐH al-Azhar (Cairo, Ai Cập). Thế nhưng theo chuyên gia về chống khủng bố của Indonesia, ông Sidney Jones, nhân vật khét tiếng của gia đình khủng bố Maute đã không được “cực đoan hóa” khi ở Trung Đông mà có thể là tại quê nhà. “Không có bạn học nào của Omarkhayam phát hiện bất kỳ dấu hiệu cực đoan nào. Những bức ảnh tư liệu chỉ thể hiện một người cha cực kỳ yêu thương con gái và gia đình mình” - ông Jones viết trong một báo cáo vào năm 2016 về Omarkhayam.

Như lời kể của các hàng xóm và những tư liệu nghiên cứu, dòng họ Maute là một đại gia đình với quá khứ vô cùng bình lặng. Thế mà khi giao tranh tại Marawi nổ ra, tình báo Philippines ghi nhận được đến bảy anh em trong đại gia đình này giương cao ngọn cờ IS tiến vào TP.

Người đàn ông (tóc dài) trong ảnh được tình báo Philippines xác nhận là Abdullah Maute, hiện lãnh đạo nhóm khủng bố. Ảnh: REUTERS

Bà Farhana, mẹ của hai anh em Omarkhayam và Abdullah, được xem là “trái tim” của nhóm khủng bố, cung cấp tài chính và tuyển mộ. Ảnh: RAPPLER

Con hư… tại mẹ?

Là một đại gia đình Hồi giáo giàu có xem trọng các lời răn trong kinh Koran, thế nhưng những người Maute lại theo chế độ mẫu hệ, tuân theo truyền thống của bộ tộc “Maranao”, theo tờ The Philippine Star. Theo các thông tin điều tra, bà Ominta Romato Maute (biệt danh Farhana) - mẹ của hai anh em Omarkhayam và Abdullah - mới chính là “trái tim” các hoạt động của nhóm khủng bố, phát ngôn viên quân đội Philippines, Trung tá Jo-Ar Herrera, cho biết.

Bà Farhana điều hành các hoạt động mua bán xe cũ và đồ nội thất để cung cấp nguồn tài chính cho nhóm khủng bố. Cũng chính bà là người đứng sau các hoạt động tuyển mộ và cực đoan hóa thanh thiếu niên địa phương, tăng thêm quân số cho nhóm khủng bố Maute, theo Reuters. Nhân vật này bỏ trốn khỏi TP Marawi vào ngày thứ ba của cuộc giao tranh với nhiệm vụ gầy dựng cơ sở chữa trị cho các tay súng Maute bị thương, một quan chức quân đội Philippines tiết lộ cho trang tin Rappler.

Vào ngày 9-6 vừa qua, Farhana bị cảnh sát bắt giữ tại làng Koramatan, Masiu cách TP Marawi chỉ tầm 36 km. Lực lượng chống khủng bố tiết lộ tại địa điểm ẩn náu của Farhana còn có hai tay súng Maute bị thương và khoảng bảy phụ nữ khác, có thể là người thân của các phần tử khủng bố. Ngoài ra, theo lãnh đạo cảnh sát quốc gia Philippines Ronald dela Rosa, bà Farhana còn mua và tích trữ xe cùng nhiều vũ khí, thuốc nổ để phục vụ cho âm mưu bỏ trốn khỏi tỉnh Lanao del Sur. Theo thông tin tình báo của Philippines, Farhana cũng khét tiếng không kém gì hai người con của bà.

Chỉ ít ngày trước đó, cha của hai anh em thủ lĩnh khủng bố Maute là Cayamora đã bị quân đội Philippines bắt giữ tại TP Davao khi đang cùng vợ hai trốn trên một chiếc xe tải tìm cách tẩu thoát khỏi TP. Theo nhiều nguồn tin quân sự, cha của Abdullah, ông Cayamora Maute, từng là một quan chức cấp cao của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), tổ chức hiện tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Philippines. MILF cũng muốn thành lập một khu vực tự trị ở Mindanao. Các con trai của ông Cayamora chỉ trích sự lãnh đạo của MILF và sau đó cam kết trung thành với IS.

Những vụ bắt giữ liên tiếp nhắm vào các thành viên gia đình Maute đã kích động nhóm khủng bố thực hiện các vụ tấn công trả thù. Tối 10-6, một đoàn xe cảnh sát chở bốn thành viên nhóm Maute đã bị phục kích trên đường đến TP Cagayan de Oro (cách TP Marawi 100 km). Toàn bộ tù nhân đều thiệt mạng, còn phía cảnh sát có ba người bị thương.

Có tổ chức kỹ lưỡng

ABS-CBN News cho biết Omar đã thiệt mạng sau khi trúng bom vào ngày 21-2-2016 và nhiều nguồn tin cho rằng Abdullah - người em và cũng là “phó tướng” của y đã nắm quyền lãnh đạo nhóm khủng bố Maute.

Dù mất lãnh đạo, nhóm này vẫn hoạt động mạnh mẽ và đã tập hợp được đến bốn nhóm cực đoan địa phương dẫn đầu đợt tấn công vào Marawi ngày 23-5. Theo ông Sidney Jones, nhóm khủng bố của hai anh em nhà Maute có “những thành viên thông minh, được giáo dục kỹ lưỡng và tinh vi nhất” trong tất cả nhóm phiến quân “thân IS” tại Philippines. Theo hãng tin Reuters, các anh em nhà Maute rất thành thạo mạng xã hội và sử dụng đó làm công cụ chủ lực để tuyển mộ thành viên và truyền bá tư tưởng. Một quan chức địa phương mô tả: “Các thành viên nhà Maute rất đoàn kết, có học thức và cực kỳ lý tưởng”.

Theo một thành viên không cực đoan của dòng họ Maute tại TP Marawi, các chiến binh mà nhóm này tuyển mộ cũng gần như không biết sợ là gì. “Khi những chiếc máy bay OV-10 ném bom gần điểm trú, các tay súng cứ thản nhiên ăn bánh, không một tên nào chạy tìm chỗ trú” - người này tiết lộ cho hãng tin Reuters. Cũng theo lời kể của người này, Omarkhayam vẫn còn sống sót. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận bởi chính phủ Manila.

Ông Herrera khẳng định nhóm Maute có sự trợ giúp rất lớn tại TP Marawi, điều này càng khiến chiến dịch của quân đội Philippines thêm khó khăn. Dẫu vậy, khi quyết định đẩy TP Marawi vào tình cảnh bom rơi đạn lạc, nhóm khủng bố này cũng đã tạo nên không ít sự căm thù từ người dân địa phương.

Bảng “thành tích” đáng sợ

Maute tích cực hoạt động từ hồi năm ngoái. Các thành viên nhóm này đã tiến hành nhiều vụ tấn công ở tỉnh Lanao del Sur, trong đó có các vụ điển hình như:

Từ tháng 2 tới tháng 3-2016, nhóm Maute đã thành lập ba thành trì ở tỉnh Lanao del Sur và buộc gần 30.000 người rời khỏi những nơi này. Trong suốt thời gian đó, nhóm này cũng đã tấn công một doanh trại và chặt đầu một binh sĩ thuộc quân chính phủ. Quân đội Philippines đã giành lại kiểm soát doanh trại này sau 10 ngày.

Tháng 4-2016, các hình ảnh đăng trên Facebook cho thấy nhóm này chặt đầu hai trong số sáu công nhân bị bắt cóc ở Butig, một đô thị cũng thuộc tỉnh Lanao del Sur. Trong lúc bị hành quyết, hai công nhân này cũng mặc trang phục màu cam tương tự các con tin bị IS xử tử.

Tháng 8-2016, khoảng 50 tay súng vũ trang có mang theo cờ đen tương tự IS đã đột kích nhà tù Lanao del Sur ở TP Marawi để giải cứu tám thành viên của nhóm Maute. 20 tù nhân khác cũng tẩu thoát sau vụ tấn công.

Tháng 10-2016, ba thành viên của nhóm Maute bị bắt vì tiến hành đánh bom vào một chợ đêm ở TP Davao, quê hương của ông Duterte.

Tháng 11-2016, một thiết bị nổ tự chế được tìm thấy gần Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila. Hai nghi phạm có liên hệ với nhóm Maute sau đó bị bắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm