Đàn ông cũng làm nghề nuôi bệnh

Ưu thế của nam giới khi làm nghề chăm bệnh là sức bền. Dù không chiếm đa số nhưng ai đã trụ được với nghề thì việc nối việc, làm hoài không hết.

Tuổi 72 vẫn đi chăm bệnh

Đó là trường hợp của ông Huỳnh Văn Chà (quê ở Tân Trụ, Long An) đang chăm người bệnh bị tai biến tại BV Thống Nhất. Ông kể: “May mà trời thương cho tui sức khỏe, tui còn chăm lại mấy người trẻ tuổi hơn mình nhiều mới tréo ngoe chứ!”.

15 năm về trước, ông Chà lên thành phố chăm người chú họ ở bệnh viện. Một người nhà bệnh nhân khác thấy ông mát tay nên thuê ông làm luôn. Vậy là bám nghề như duyên trời định. Vợ ông sau đó cũng nối gót chồng. Thỉnh thoảng hai người lại đổi ca để một trong hai về quê nghỉ ngơi. Hai năm nay, vợ ông đã về quê hẳn, bán vé số chăm đứa con trai bị teo thận và hai đứa cháu nên ông Chà hầu như không có ngày nghỉ. Với sự tận tụy của mình, ông Chà từng có một “hợp đồng” chăm sóc người bệnh kéo dài đến… sáu năm trời.

Nhà anh Đỗ Phước Lâm ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) không có đất canh tác, mẹ anh Lâm lặn lội lên thành phố mưu sinh bằng nghề này, thấm thoát đã 15 năm. Trước đây Lâm làm đủ thứ việc như phụ hồ, rửa chén nhưng không bền được. Sau một lần theo mẹ làm thử, Lâm thấy hình như mình hợp với việc chăm sóc người khác hơn cả. Vậy là theo nghề luôn cho đến khi có tổ ấm riêng. Lâm chưa khi nào bị ngơi việc vì không có người gọi. “Ai cũng bảo làm khi nào có tiền thì nghỉ đi nhưng mình không có trình độ thì biết xin việc gì mà nuôi vợ con. Bụng đói thì gối phải bò. Mừng là lúc nào cũng có người cần mình chăm sóc” - Lâm chia sẻ.

Ở tuổi 72, ông Chà đã chăm nuôi bệnh nhân này sáu năm nay. Ảnh: HOÀNG LAN

Khóc người dưng

Tại phòng 118 khoa Nội cơ xương khớp BV Thống Nhất, chị Thủy quê ở Thạnh Phú (Bến Tre), 40 tuổi đang chăm một đại tá về hưu. Hằng đêm chị bị thức giấc bởi tiếng la hét của người bệnh khi mơ thấy bị giặc đưa vào hàng bắn. Chị Thủy đã bám với nghề nuôi bệnh hơn 20 năm nay. Nhiều đêm thức trắng vì người bệnh khó ở, tính tình cáu gắt la mắng vô cớ khiến chị Thủy muốn bỏ việc. Nhưng về quê vài ngày không biết làm gì ra tiền, chị lại khăn gói lên thành phố. Thôi chồng từ năm 22 tuổi, hai đứa con khôn lớn đều một tay chị lo nhờ nghề nuôi bệnh này. Trung bình mỗi ca bệnh khó như nằm một chỗ, chấn thương nặng thì mỗi ngày người nuôi bệnh được trả 250.000 đồng; còn ca dễ, đi lại được thì khoảng 200.000 đồng, ăn uống tự túc.

Đã có những tình thương nảy sinh từ những người chăm bệnh với bệnh nhân. “Bữa trước tui chăm ông cụ kia từ lúc không nhúc nhích được, ăn bằng đường mũi đến khi họ cử động và ăn được bằng miệng là tui vui lắm. Nhưng rồi bệnh ông yếu dần, bệnh viện trả về. Nằm trên xe trở về nhà, ông ho ra máu nhưng người nhà không dám động tay chân, một mình tôi lo hết cho tới lúc ông nhắm mắt xuôi tay” - chị Hồng tâm sự. Khi ông cụ mất, chị Hồng còn tới phụ lo đám tang. Chị đã khóc thương người dưng như chính người thân yêu của mình.

Chồng chị Hồng cũng làm nghề chăm nuôi bệnh tại một gia đình khác ở TP.HCM. Lâu lâu vợ chồng mới tranh thủ lúc người bệnh chợp mắt chạy ra bến xe buýt để gặp nhau…

HOÀNG LAN

Với sự cạnh tranh của các công ty chuyên nghiệp, không phải lúc nào những người làm nghề “nhỏ lẻ cò con” này cũng có bệnh nhân để chăm. Đối với những người mới vào nghề thì càng khó vì chưa có mối quen. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng, quê Trà Vinh cho biết: “Không có việc thì ban ngày chúng tôi ngồi ở gần khoa cấp cứu để chờ người thuê, tối về ngủ nhà trọ, 20.000 đồng một đêm. Có khi cả tháng mà người ta chỉ thuê làm có một ngày”. Suất trọ 20.000 đồng này là do một đôi vợ chồng tốt bụng cho một nhóm chị em làm nghề nuôi bệnh ở BV Thống Nhất tá túc khi không có khách. Nhờ suất trọ nghĩa tình này mà chị em làm nghề ở BV Thống Nhất mới có động lực để tiếp tục công việc.

Để làm nghề này, nam không quá 60 hoặc nữ không quá 55 tuổi nộp một bộ hồ sơ có xác nhận của địa phương thường trú, có giấy khám sức khỏe của bệnh viện và sẽ được cấp chứng nhận nuôi bệnh sáu tháng. Các đối tượng khác muốn làm nghề nuôi bệnh phải có bảo lãnh của người nhà bệnh nhân.

Ông ĐỖ ĐỨC TOÀN, Phó phòngBảo vệ chính trị nội bộ
BV Thống Nhất

Tại bệnh viện đang có hơn 100 người nuôi bệnh làm việc thường xuyên. Người nuôi bệnh chỉ được làm những thao tác chăm bệnh đơn giản như cho ăn, uống, vệ sinh, xoa bóp… dưới sự hướng dẫn của y, bác sĩ. Trường hợp người nuôi bệnh vi phạm nội quy, gây rối, bệnh viện sẽ xem xét tước giấy tờ này.

ThS ĐỖ VĂN BẰNG, Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm