Vay tín dụng đen nộp tiền nông thôn mới

Khi chủ tịch xã Phong Thủy (Lệ Thủy) bị cách chức bởi các sai phạm trong việc ép dân nộp tiền nông thôn mới thì cách đó chừng 10 cây số, tại xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), nhiều thôn người dân phải vay tín dụng đen để nộp tiền xây dựng nông thôn mới.

Con đường 590 m bị khống lên 1.000 m, khi dân đứng ra làm thay vì giá thành hơn 1,1 triệu đồng như xã ký với nhà thầu mỗi mét dài thì chỉ là 300.000 đồng mỗi mét với sức dân. Ảnh: MINH QUÊ

Thập tử nhất sinh cũng phải nộp

Thôn Tân Thái (Tân Thủy) một ngày cuối mùa hạ năm 2014, người dân đang tất bật với những gì còn thu lượm được ngoài đồng để chuẩn bị đương đầu mùa mưa bão mới. Nhà trong một con đường vắng, bà Phạm Thị Lướt đang tính toán số tiền mới phải vay để chuẩn bị nộp thêm cho bảy khẩu trong nhà. Trước bàn thờ của mẹ già, bà Lướt kể: “Đời tui răng cực. Nhà nghèo quá. Năm ngoái, mạ tui còn tính từng ngày là chết. Tui lên thôn, lên xóm xin miễn giảm cho mạ tui vì bệnh nặng thập tử nhất sinh, không có tiền. Rứa mà thôn không đồng ý, người gần chết cũng phải nộp tiền. Tui cắn răng đi vay nóng 5.400.000 đồng, lãi cắt cổ 30% để nộp cho cả nhà tám khẩu. Nộp xong thì mạ tui qua đời. Chừ còn bảy khẩu, đang tính không biết tiền mô mà nộp. Nghèo quá!”. Bà Lướt cũng cho biết thêm, xóm bầu bà vô hộ nghèo vì thực sự khó khăn thì thôn bắt phải chồng tiền đủ chuẩn nộp nông thôn mới của năm mới cho vô hộ nghèo.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, nhà khó khăn, xóm bầu vào cận nghèo. Nhưng thôn và một số cán bộ xã yêu cầu nộp đủ 2,8 triệu đồng tiền làm đường mới được phép cận nghèo. Vay mượn không ra, địa phương gạch sổ, phiên mức cận nghèo cho hộ khác đi vay ra tiền. Đau lòng hơn, có trường hợp cháu Dương Văn Thiện (chín tuổi) ở thôn Tân Lỵ bị bệnh nhũn não, thường xuyên đi bệnh viện điều trị, cha mẹ không làm được gì ra nhiều tiền, cũng bắt nộp đều hơn 1 triệu đồng để làm đường nông thôn mới. Bà Nguyễn Thị Thoái, hàng xóm của cháu, cho biết: “Ở trong làng mà không nộp không được, không nộp thì làng bắc loa loa. Phải nộp nhưng cháu bị bệnh não thì giảm cho cháu một ít, ba nó có sức đi mần thuê kiếm tiền nộp cho cháu cũng được. Gọi là cùng chung sức với làng xóm nhưng chả được giảm một đồng”.

Anh Dương Văn Điệp trong căn nhà nghèo bị thôn lấy mất tiền từ thiện bão lụt. Ảnh: MINH QUÊ

Chấn ngang tiền bão lụt

Hàng loạt người dân ở thôn Tân Lỵ cho biết gia đình họ bị trận bão hồi tháng 10-2013 càn quét thiệt hại nặng. Những gia đình thiệt hại đều rơi vào hộ nghèo và họ được mời đi nhận quà hỗ trợ bão lụt gần tết Nguyên đán. Nhưng chỉ được ký, không được nhận vì thôn, xã buộc trả tiền nộp làm đường nông thôn mới. Hoàn cảnh đáng thương tâm như anh Dương Văn Điệp (42 tuổi), nhà nghèo, vợ mất, con gái học lớp 6 ở trong căn nhà tuềnh toàng, đoàn từ thiện cho gói quà cùng tiền mặt 280.000 đồng bị địa phương ách lại. anh nói: “Nhà tui nghèo, tưởng có được chỗ tiền đó về mua bánh chưng đặt cho vợ, còn ít tiền mua thịt cho con ăn đỡ thèm thì họ chấn ngang, nói còn mắc nợ tiền làm đường. Tui nói tui nghèo nhưng còn sức lao động, tui mần được thì tui cố gắng nộp, tui ở trong làng chứ có đi mô mô mà sợ. Họ không cho. Họ tính toán hai cha con tui nộp gần 7 triệu đồng, tui nộp 1,6 triệu đồng rồi. Đi phụ thợ mỗi ngày được hơn trăm bạc, mua gạo ăn mắm muối hai cha con, còn lại tui cũng biết giữ để nộp tiền nông thôn mới cùng chòm xóm. Nghèo tui cũng cố nộp nhưng mà họ lại chấn ngang tiền bà con từ thiện tết của cha con tui mà tủi, chú ơi!”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ, nhà có tám khẩu, thôn bắt đổ đầu, cứ đứa nhỏ đến lớn không làm gì cũng nộp, mẹ già cũng nộp mỗi khẩu 1,8 triệu đồng. Chị Lệ là một trong những hộ gia đình bị nộp tiền nông thôn mới chậm theo quan điểm địa phương nên quà tết 280.000 đồng cũng bị cấn trừ. Chị nói: “Nhà nghèo lắm cũng mới vay mượn nộp 4 triệu đồng. Đáng lý giãn ra với hộ nghèo hoặc giảm chút chút, bầy tui cũng tự ái không xin miễn vì ở trong làng, sử dụng đường làng, phải đóng chứ. Nhưng cao quá, cứ mỗi vụ mùa xong phải kêu bán lúa ngay để có tiền nộp cả cục mà xót”.

Bà Phạm Thị Lướt ứa nước mắt khi xin lãnh đạo thôn giảm hoặc miễn tiền cho người mẹ thập tử nhất sinh vì gia cảnh nghèo khó nhưng không được, phải vay nóng để nộp. Ảnh: MINH QUÊ

Chị Lê Thị Tra (28 tuổi), xóm bầu vào hộ nghèo, chị chỉ nhận cận nghèo vì nhường suất nghèo cho hộ khác khó khăn hơn. Nói đỡ hơn nhưng nhà chị Tra cũng nghèo, thế nhưng khi nhận tiền từ thiện 280.000 đồng cũng bị địa phương cấn trừ thẳng tưng. Chị nói: “Tết nhất, người ta thương người khó mới cho. Còn làm đường, dân cũng có trách nhiệm, cứ thu ngang rứa dân bọn em tủi, buồn”.

Đường hơn 500 m khống lên cả ngàn mét

Ở thôn Tân Lỵ, khi trưởng thôn thông báo suất đinh nộp tiền nông thôn mới phải đóng 2,2 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thoái (55 tuổi) cùng nhiều người dân khác đấu tranh và phân tích rõ ràng sức dân, thôn áp giá mỗi khẩu nộp 1,8 triệu đồng. Bà Thoái nói: “Thôn, xã áp đặt nộp, cả hiến đất, hiến cây cối, ống nước vẫn nộp đồng đều hết. Cào bằng hết. Không phân biệt nghèo khó với khá giả. Dân cực càng thêm cực. Rứa mà họ làm con đường đầu tiên dài 590 m, nhà thầu lại khống lên 1.000 m, họ ký với xã hơn 1,1 triệu đồng mỗi mét dài. Dân bực quá phản ứng gian dối, không cho họ làm, dân tự làm thì giá thành 300.000 đồng mỗi mét. Không biết họ gian dối làm chi mà lạ!”. Bà Thoái phát hiện vụ việc và ông Dương Đăng Nhân, làm cán bộ thôn đã đánh bà Thoái ngay tại hội trường thôn khi bà phát biểu những tiêu cực về thu tiền hỗ trợ bão lụt của người dân cũng như nhà thầu kê khống con đường lên 1.000 m. Hiện sự việc đang được công an huyện điều tra làm rõ.

Bà Thoái phát hiện đường 590 m khống lên 1.000 m, thôn thu tiền từ thiện của dân bị cán bộ thôn đánh đập. Ảnh: MINH QUÊ  

Chúng tôi trao đổi với ông Lê Quốc Khanh, Bí thư xã Tân Thủy, ông Khanh cho biết: “Không có chủ trương giảm, miễn với các hộ nghèo, ai nợ thì địa phương để đó đã”. Khi nói về tình cảnh các hộ nghèo phải vay mượn lãi suất cao, ông Khanh phản ứng: “Không hề có chuyện đó, làm gì có chuyện đó”. Với câu hỏi chính bản thân ông đã gặp các hộ gia đình vay lãi cao chưa, ông Khanh không trả lời, chỉ im lặng.

Về trường hợp bại liệt, ngồi xe lăn cũng phải nộp cào bằng như các hộ gia đình khác, ông Khanh cũng không có lý giải thỏa đáng. Riêng với các hộ gia đình bị thu lại tiền bá tánh cứu trợ bão lụt dịp tết Nguyên đán vừa qua, ông Khanh cho biết xã đã có công văn về thôn yêu cầu trả lại cho dân và nói thêm: “Đến nay đã trả lại hay chưa thì chưa biết”. Về câu chuyện đường sá bị làm khống, UBND xã Tân Thủy đánh giá đó là việc làm sai trái của nhà thầu và đã đình chỉ hợp đồng với nhà thầu này.

Trao đổi thêm với ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, ông Năm nói: “Địa phương rất cầu thị những gì báo chí phản ánh và sẽ có công văn yêu cầu xã giải trình các trường hợp vay lãi suất cao, thu tiền từ thiện của dân, những trường hợp chất độc da cam mất sức lao động vẫn bị cơ sở cào bằng. Chúng tôi sẽ làm tất cả để giúp người dân”. Ông Năm cũng không quên ghi lại những trường hợp được chúng tôi tiếp xúc để có chỉ đạo cụ thể nhằm an lòng người nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở đây.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm