NHỮNG VÙNG “ĐẤT LẠ” MIỀN TÂY - BÀI 3

Đoạn sông Ô Môn và những bài ca bất hủ

Có lẽ rất nhiều người biết những nhạc phẩm để đời của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Đắc Nhẫn, Triều Dâng, song ít ai biết rằng những nhạc sĩ ấy cùng sinh ra bên dòng Ô Môn. Đoạn sông lững lờ uốn lượn qua chợ Ô Môn, xưa kia ghe xuồng tấp nập, thuộc làng Thới Thạnh (nay là phường Châu Văn Liêm, Ô Môn, Cần Thơ). Cùng gắn tuổi thơ mình bên dòng sông ấy, xuất phát điểm đến với âm nhạc cũng khá giống nhau nhưng mỗi người lại để một dấu ấn riêng trong dòng nhạc của mình.

Dòng sông chung - dấu ấn riêng

Từ Lên đàng, Hồn tử sĩ đếnTiếng gọi thanh niên, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam…, những nhạc phẩm của Lưu Hữu Phước luôn đi liền với dòng sự kiện lịch sử trọng đại của quê hương đất nước. ông là một trong những người đầu tiên sử dụng rất thành công thể loại hành khúc - một thể loại từ âm nhạc phương Tây - vốn thôi thúc, cổ vũ, hiệu triệu mọi người. Lạ một điều nhiều bài chính ca của ông sử dụng cả ở hai chế độ khác nhau. Tiếng gọi thanh niên, bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau này được chính quyềnViệt Nam Cộng hòa (VNCH)sửa lời và chọn làmquốc cavới têngọi Tiếng gọi công dân. Nhạc của bài Hồn tử sĩ trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước của ta, trước 1975 cũng đượcVNCHsử dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội. Giải phóng miền Nam, bài hát chính thức củaMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại là bài quốc ca Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nếu năm 16 tuổi Lưu Hữu Phước rời quê Cần Thơ lên Sài Gòn học Trung học Petrus Ký thì lúc 15 tuổi, nhạc sĩ Đắc Nhẫn cũng được học bổng lên Sài Gòn học nghề biện lý. Song ông không theo con đường công chức mà rẽ sang nghề dạy học kiếm sống và bắt đầu học đàn. Năm 19 tuổi, ông đã chơi được đàn kìm, đàn tranh, đàn cò hai mươi câu vọng cổ và các bản đờn thuộc hơi Bắc, Nam, Oán... Nhớ về nét tài hoa của nhạc sĩ Đắc Nhẫn, người cháu ruột tên Phạm Ngọc Chưởng (ở khu 10, phường Châu Văn Liêm, Ô Môn) đến giờ cũng phải thốt lên: “Trời ơi, đờn nào chú Chín cũng biết hết. Ông vẽ cũng đẹp lắm!”. Ông là người đã đưa vọng cổ vào ca khúc. Chất liệu ca nhạc tài tử Nam Bộ đã đi vào ca khúcMừng Bác về thủ đô. Đài Phát thanh Hải Phòng chọn nhạc ca khúc Cửa bể đã mở làm nhạc hiệu, vốn mang hơi hướng của ca cổ cải lương Nam Bộ. Ca khúcCần Thơ gạo trắng nước trong không chỉ mang âm hưởng hát đối hò Cần Thơ mà có cả giai điệu của Tứ đại oán, Lý Cái Mơn và Dạ cổ hoài lang nữa…

Bên sông Ô Môn này, bốn nhạc sĩ đã sinh ra và lớn lên. Ảnh: N.VẸN

Dãy nhà ven sông nơi Lưu Hữu Phước (biển hiệu Lương Tú Ký và hiệu buôn Của) và Trần Kiết Tường sinh ra và lớn lên. Ảnh: N.VẸN

Khi nghe đến ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Anh Ba Hưng (1950), Áo bà ba… là chúng ta lại nhớ đến Trần Kiết Tường. Ông thừa nhận “thích nhất tiếng hát ầu ơ ở quê mình”. Điệu hò dân gian Cần Thơ mênh mang sông nước, bát ngát ruộng đồng được ông chuyển vào “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” hết sức thiết tha, sâu lắng. Ca khúc này lần đầu tiên đã được ca sĩ Quốc Hươnghát cho Chủ tịchHồ Chí Minhnghe tại Phủ Chủ tịch. Như “con ong bền bỉ hút nhụy hoa của dân ca”, nhạc phẩm của ông đậm chất dân ca Nam Bộ.

So với ba nhạc sĩ đồng hương, nhạc sĩ Triều Dâng thuộc thế hệ đàn em, nhỏ hơn Lưu Hữu Phước, Đắc Nhẫn, Trần Kiết Tường 10 tuổi.Thời ấu thơ, tiếng đàn kìm của cha hòa tấu với bạn bè mê cải lương tài tử… chẳng biết đã đi vào lòng ông tự lúc nào. Ông từng tâm sự: “Thuở nhỏ, những đêm trăng tôi thường ngồi nhìn những đoàn ghe thuyền tấp nập ngược xuôi của khách thương hồ, nghe những giọng hò lanh lảnh làm xôn xao sóng nước”. Ký ức đó như sống lại trong Chiều trên sông Ô Môn:“Chiều về thuyền bồng bềnh trên dòng sông êm trôi. Em ngắm đôi bờ bâng khuâng trong lòng em chiều nay. Xa xa cánh cò trắng bay, xôn xao tiếng hò như nhớ ai...”. Nỗi nhớ quê, nhớ những câu hò đối đáp ở quê mình cũng đã đi vào bản hợp xướngBão táp miền Nam: “Ơi tiếng ai hò trên quê hương ta đó, ấm lòng ta khi chiều về...”.

Sông nước miền Tây và ký ức tuổi thơ

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính văn hóa vùng đất Ô Môn thấm đẫm trong tâm hồn đã góp phần tạo nên dấu ấn của bốn nhạc sĩ với những bài hát đi vào lòng người. Ba dòng văn hóa Kinh, Hoa, Khmer đã giao thoa trên vùng đất Ô Môn. Trung tâm làng Thới Thạnh xưa có cả chùa Khmer, chùa Ông của người Hoa, rồi đình làng cách nay 160 năm. Cứ mỗi độ lễ, tết, người ta lại thấy lẽo đẽo cậu trò nhỏ Lưu Hữu Phước theo đoàn Tề Thiên múa may hộ tống Tam Tạng đi thỉnh kinh ở… chùa Long Châu. Đoàn Yu-kê của người Khmer với những vở diễn đầy hấp dẫn kể chuyện nàng công chúa đi lạc vào rừng bị chằn tinh bắt… Dàn ngũ âm của chùa Khmer Pô Ty Som Rom cứ văng vẳng nhịp điệu theo tuổi thơ các nhạc sĩ. Lên bảy tuổi nhạc sĩ Đắc Nhẫn đã biết đờn Đoản của dân tộc Khmer, tám tuổi ông đã tìm đến thầy Hai Cừ học đờn kìm với bài nhập môn Cao Sơn. Chín tuổi, nhạc sĩ Đắc Nhẫn vừa học chữ vừa học đàn với thầy giáo Lưu Nhơn là thân sinh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, cũng là thầy dạy đàn, dạy chữ cho nhạc sĩ Trần Kiết Tường.

Khoảng thập niên 40 thế kỷ XX, vùng quê này có phong trào nói thơ Lục Vân Tiên, thơ Sáu Trọng. Thời niên thiếu, Đắc Nhẫn vẫn không quên hình ảnh đôi vợ chồng ăn xin thường nói thơ Sáu Trọng. Người chồng đệm bằng đờn độc huyền, người vợ vừa nói thơ vừa múa ra bộ theo “vũ công” hát bộ (còn gọi là hát bội) để minh họa. “Cách nói thơ này rất gần gũi với sân khấu và đã cho tôi có nhiều thể nghiệm”, lúc sinh thời có lần nhạc sĩ Đắc Nhẫn bộc bạch. Rồi những câu hò đối đáp trêu cô thợ cấy trên đồng, lúc xuôi mái chèo trên sông nước:“Hò... ơ! Xuồng ai chèo trước bọt nước xoay vần. Phải xuồng người nghĩa lại gần cho tôi hỏi thăm...”; “Con cá sặc mà rượt con cá rô. Anh kia ăn nói xô bồ chẳng nghĩ trước sau. Anh ơi đừng có chiêm bao…”… như in sâu vào tuổi thơ các nhạc sĩ. Chiều chiều những chiếc ghe thương hồ neo đậu lại với nhau rồi đàn ca hát xướng giữa mênh mông sông nước hữu tình như gieo thêm niềm đam mê ca hát.

“Chợ Ô Môn, ban ngày mua bán, tối đến trở thành rạp hát của những gánh hát Tập Ích Ban, Tân Đồng Ban thay nhau biểu diễn” - nhạc sĩ Đắc Nhẫn từng nhắc vậy trong tự thuật của mình. Trong một sưu khảo về tuổi thơ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông Lâm Quang Minh - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Ô Môn kể rằng lần nọ, sau khi cùng các chị đi xem gánh hát Tiều đến diễn tại chợ Ô Môn, về nhà, Lưu Hữu Phước đã múa may diễn lại và xướng lên “Mã phui phúi y du xí kíp bồ na nán”. Anh mang đi hỏi nhiều người Hoa ở đây nhưng không ai biết. Người ta đoán rằng ông nói nhái thôi. Thuở ấy, gần nhà Lưu Hữu Phước có thợ bạc Tư Manh hay mang đàn tranh ra đàn. Vốn mê đàn hát, cứ mỗi độ tiếng đàn réo rắt vang lên là lại thấy ông rón rén bên ngoài.

Giờ tên nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã là một tên trường trung học phổ thông ngay trên mảnh đất mà ông đã sinh ra và lớn lên. Tên nhạc sĩ Đắc Nhẫn, Trần Kiết Tường là những tên đường ở Ô Môn. Giữa trung tâm Cần Thơ một công viên xanh rộng hơn 2 ha mang tên Lưu Hữu Phước. Cứ mỗi độ lễ, tết, quảng trường trong công viên giữa lòng đô thị vang lên những khúc ca về tình yêu quê hương đất nước, những khúc ca hùng tráng một thời của ông, của những nhạc sĩ nổi danh đất Cần Thơ thuở nào. Ở đó, người ta cảm nhận được nỗi lòng quê hương lặng lẽ chảy vào từng âm điệu thiết tha như điệu hò buông trên sông nước miền Tây thuở nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm