Đoàn thanh niên ở R nhận danh hiệu anh hùng

Hôm nay (26-5), Đoàn Thanh niên các cơ quan TWCMN sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang tại căn cứ TWCMN. Những cựu đoàn viên đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về một thời tuổi trẻ ở R (R là mật danh chỉ căn cứ TWCMN).

Chúng tôi hát bên những người ngã xuống

Năm 1967, ông Nguyễn Tâm (nguyên Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam) là cán bộ thanh vận từ tỉnh Bắc Ninh được tăng cường vào R. Tại đây, có những đoàn viên được cử đi trồng rau để lấy thực phẩm cho các đơn vị. Rẫy rau nằm ngoài bìa rừng, người trồng rau ở đó cách biệt mấy tháng trời không có ai trò chuyện. Chỉ khi được gặp người ra lấy rau hoặc tải rau vào căn cứ mới bớt thèm hơi người. Công việc lặng lẽ và cách biệt như vậy nhưng ai cũng vui vẻ yêu đời, lúc nào cũng ca hát lạc quan.

Có những đơn vị không trực tiếp chiến đấu nhưng các đoàn viên đã rất anh dũng bảo vệ căn cứ bằng mọi giá. Ông Tâm rơi nước mắt mỗi khi nhắc lại câu chuyện của một đoàn viên của Ban Kinh tài. Lúc đó, TWCMN nhận được rất nhiều sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế nên tiền, vàng, đôla không thiếu. Người cựu đoàn hồi tưởng lại: “Trong căn cứ không có nhà kho kiên cố, không có khóa gì hết, chỉ cần phủ bạt lên thôi nhưng chưa bao giờ mất một đồng. Lòng ai cũng rất sáng trong”. Có một lần trên đường vận chuyển tiền về căn cứ, một đoàn viên của Ban Kinh tài bị địch truy đuổi, anh đã chạy xuống hầm và chấp nhận hy sinh, không chịu đầu hàng. Vài ngày sau, khi đồng đội đến đưa thi hài anh về, tiền còn cuộn trong người anh. Anh em phải đem những tờ thấm máu đồng đội mang đi rửa nhiều lần. Cô thủ quỹ nhận những tờ tiền đó đã òa khóc.

Một buổi tập văn nghệ của đoàn viên thanh niên tại R. Ảnh: TƯ LIỆU

“Đây là Đài Phát thanh Giải Phóng…”

Tại căn nhà của cố Chủ tịch MTTQVN-luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông Nguyễn Hữu Châu (là trưởng nam của ông Nguyễn Hữu Thọ), bồi hồi xúc động lần giở những bức ảnh tư liệu chụp trụ sở của Đài Phát thanh TWCMN. Bức ảnh ông Châu đang ngồi đọc chương trình phát thanh trong căn phòng rất đơn sơ giữa rừng. Nhắc lại kỷ niệm thời đó, ông dõng dạc đọc lại lời chào thời ở R bằng tiếng Anh và tiếng Pháp với chất giọng trầm ấm dù đã ở tuổi 73: “Đây là Đài Phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phát sóng từ vùng giải phóng miền Nam Việt Nam…”. Bức ảnh sẽ được triển lãm tại căn cứ từ ngày 26-5 này.

Ngày ấy, chàng thư sinh Nguyễn Hữu Châu đã rời Sài Gòn và cuộc sống phong lưu, tìm đường vào R làm biên tập, phát thanh viên cho Đài Phát thanh Giải Phóng. Anh nói: “Vô rừng ban đầu quá nhiều cực khổ, trong khi tôi quen sống ở thành phố, sống ở nhà lầu, ăn bơ sữa, mọi việc đã có người giúp việc. Nhưng ở R tôi mới nhận ra mình ở đây xa dân mà lòng gần dân quá. Còn những ngày ở Sài Gòn, sống cạnh dân mà lòng chưa được gần dân”.

Ban ngày, anh cùng các đoàn viên vô rừng sản xuất, đi tải đạn. Buổi tối canh gác, tập luyện và viết tin, bài để đúng 4 giờ chiều hôm sau vào phòng bá âm (phòng thu cách âm) để đọc chương trình. Vào mùa hè, ve rừng kêu vang, phòng bá âm được dựng kín đáo nhất vẫn lọt tiếng ve vào micro, rất dễ lộ bí mật nơi đóng R. Vậy là anh đi lấy đất sét, lấy tre phên gia cố lại cho kín bưng. Rồi anh sang Campuchia mua thêm những tấm chăn cũ che kín các bức vách. Từ căn phòng kín bưng, nóng bức đó, những bản tin tiếng Anh, tiếng Pháp được tiếp sóng đi khắp nơi.

Bức ảnh đi vào lịch sử

Năm 1963, cậu tú tài thiếu niên 16 tuổi Nguyễn Minh Trí (quê ở Củ Chi, TP.HCM) vào R đúng vào ngày tết. Trí được thực tập pha thuốc rửa ảnh. Anh không cho phép mình làm hỏng một tấm ảnh nào vì hóa chất tráng phim đưa từ bên ngoài vào R rất khó khăn, có nhiều đồng chí đã hy sinh trên đường mang thuốc vào căn cứ.

Khi anh Nguyễn Văn Trỗi mất, Sài Gòn gửi vào cho Trí một tấm ảnh 6x9 cm, yêu cầu chụp lại phóng to ra để gửi cho toàn miền Nam làm lễ truy điệu. Nghe tin anh Trỗi mất, Trí vô cùng xúc động nhưng vẫn bình tĩnh để hoàn thành nhiệm vụ. Trí đã thức cả đêm hôm đó để làm ảnh. Ngày hôm sau, bức ảnh chân dung rất đẹp của anh Trỗi đến được với đồng bào. 10.000 thanh niên ở căn cứ đã tổ chức học tập tấm gương của anh hùng liệt sĩ. Từ đó, Trí lăn vào các trận đánh lớn, trên các mặt trận làm phóng viên chiến trường.

Đến bây giờ ông Minh Trí đã 67 tuổi. Ông cộng tác với nhiều đài truyền hình để xây dựng nhiều bộ phim tư liệu quý giá.

__________________________________________

10.000 người là con số đoàn viên ở R lúc cao điểm, chiếm đến 2/3 quân số. Có hơn 2.000 thanh niên ngã xuống ở đây. Vậy nhưng ngày nào chúng tôi cũng hát. Sáng chôn cất đồng chí của mình, chiều đến vẫn tập văn nghệ, lấy tiếng hát át tiếng bom.

Ông NGUYỄN TÂM, nguyên Phó Bí thư Đoàn Thanh niên
Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên
Nhân dân Cách mạng miền Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm