Độc đáo tranh ông Tạng

Đam mê hội họa, ông Tạng đã tạo được thương hiệu nổi tiếng cả nước với những bức tranh ghép từ lá thốt nốt.

Ông Võ Văn Tạng ở xã Định Mỹ (Thoại Sơn, An Giang) - một làng quê nghèo thuộc vùng tứ giác Long Xuyên. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã ham thích nghề vẽ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ước muốn theo học ngành hội họa của ông chẳng đạt thành.

Độc đáo tranh ông Tạng ảnh 1

Cắt gọt lá thốt nốt

Ông vẫn nung nấu sở thích ấy hơn nửa đời người và vừa có điều kiện thì liền thực hiện nó. Bây giờ, hễ nhắc đến tranh ghép trên lá thốt nốt thì cả nước lại nhắc tới ông.

Nuôi dưỡng ước mơ 

Căn nhà nhỏ nằm đối diện chợ Thoại Sơn, ấp Bắc Sơn, thị trấn Núi Sập là phòng tranh đơn sơ của ông Tạng. Nhìn vào mấy bức tranh treo trên tường nhà, ít ai hiểu được ông là một nghệ nhân nổi tiếng.

Ông Tạng nói: “Cái nghề này làm cho vui, chứ có phải kinh doanh đâu mà phải trưng bày cho hoành tráng. Ban đầu tôi nghĩ vậy nhưng càng về sau thì người đến mua tranh càng nhiều, không kịp làm ra để bán. Tháng tới đây, tôi sẽ trang hoàng phòng tranh này cho tươm tất. Mãi tới giờ, ở cái tuổi 68, tôi mới có đủ thời gian đầu tư cho nghệ thuật”.

Tốt nghiệp tú tài xong, ông Tạng vào làm việc ở Ngân hàng Nông nghiệp Thoại Sơn. Không lâu sau, ông làm cán bộ ngân hàng, rồi làm giám đốc ngân hàng này. Nghề vẽ tranh đến với ông vừa như cố ý, lại cũng rất tình cờ. Cố ý là vì từ bé, ông đã mơ ước thành họa sĩ để vẽ lên những bức tranh quê về ruộng đồng vùng đất anh hùng Thoại Sơn. Nhưng ngã rẽ cuộc đời chỉ cho phép ông làm công chức.

Độc đáo tranh ông Tạng ảnh 2

Vẽ tranh trên lá thốt nốt sau khi đã cắt dán xong

“Tôi vẫn thấy mình thiếu cái gì đó làm đẹp cho cuộc sống này. Thế là trong suốt quá trình làm giám đốc, ban ngày tôi cố hoàn thành công việc, tối về tôi tìm sách báo về hội họa để đọc thêm. Ngoài ra, tranh thủ những lần đi công tác, tôi ghé vào học lóm nghề vẽ tranh của những bậc thầy vùng này” - ông Tạng kể. 

Cũng như những họa sĩ mới vào nghề, nhiều bức tranh ghép trên lá cây thiên tuế của ông Tạng ban đầu chỉ để tặng bạn xem chơi. Năm 1997, ông tìm tòi, suy nghĩ nhiều về lĩnh vực này. Biết mình là người đi sau trong lĩnh vực hội họa, ông cố nghiên cứu xem coi mình đi hướng nào cho “không đụng hàng” với người khác. Vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu thì không thể bằng người khác, ông Tạng tự mở hướng đi riêng cho mình.

Tình cờ trong một lần đi cơ sở để xét duyệt cho các hộ Khmer nghèo làm quạt bằng lá thốt nốt ở xã Vọng Thê, ông thấy lá thốt nốt có màu trắng rất đẹp. Ông mang một số lá cây này về nhà nghiên cứu. Sau hơn hai năm theo dõi, ông mới biết lá thốt nốt cực kỳ bền chắc, không phai màu theo thời gian, mối mọt cũng không thể gây hại.

Ban đầu, ông nhận biết lá thốt nốt có thể lấy làm nguyên liệu ghép tranh. Tuy nhiên, thể hiện tranh trên chiếc lá này thế nào cho ra tác phẩm đẹp, khác lạ và bắt mắt không phải là chuyện dễ. Ông Tạng lại tiếp tục mò mẫm.

Thành người nổi tiếng

Một lần đến Bảy Núi tham quan, ông Tạng tình cờ biết được nơi đây có một ngôi chùa còn lưu giữ bộ kinh quý viết trên lá cây thốt nốt. Tuổi thọ bộ kinh này đã hơn 200 năm mà màu lá vẫn còn tươi mới. Lá thốt nốt có rất nhiều ở vùng Bảy Núi, là nguyên liệu dễ tìm và rẻ. Ông quyết định lấy lá thốt nốt làm chất liệu chính để ghép tranh.

Độc đáo tranh ông Tạng ảnh 3

Ông Tạng và bức tranh Mã đáo thành công

Ban đầu, ông lấy dầu bóng làm nền đen lên mặt lá. Khi vẽ những đường nét khác bằng cọ điện, dầu bóng bị chảy, bức tranh xấu khó tả. Do vậy, ông thử đốt điện cho màu đen thành màu mình muốn. Ông thấy lá cây thốt nốt chịu nhiệt rất cao, gần như đốt hoài vẫn không bị cháy. Đó chính là nét đặc trưng cực kỳ cá biệt của loại lá cây đặc thù ở vùng Bảy Núi này.

Cuối cùng, ông Tạng trở thành người đầu tiên phát hiện lá thốt nốt là nguyên liệu ghép tranh độc đáo. Suốt từ năm 1997 đến năm 2003, ông làm ra những bức tranh có thể biếu người quen và mua bán chút ít.

Năm 2003, ông nghỉ hưu, nhiều tác phẩm tranh của ông đã được người dân tỉnh An Giang biết đến. Nhiều nơi đã đến đặt mua tranh nhưng ông thì không tài nào đáp ứng nổi bởi lúc ấy ba, bốn ngày ông mới làm được một tác phẩm.

Trước nhu cầu ngày càng cao, ông Tạng đề nghị người trong nhà học nghề để cùng làm tiếp. Vợ ông và người con trai tham gia ghép tranh với ông. Hiện nay, cơ sở làm tranh của ông Tạng đã có hơn chục nghệ nhân.

Độc đáo tranh ông Tạng ảnh 4

Ông Tạng bên bức tranh Đền thờ bác Tôn

Mỗi ngày, nơi đây cho ra một vài tác phẩm cỡ lớn và hoàn hảo. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều bán sạch bấy nhiêu. Kinh tế từ phòng tranh ông Tạng bắt đầu tăng. Người làm công cho cơ sở ông được trả lương trung bình 1,2 triệu đồng/tháng.

“Mấy năm gần đây, lãnh đạo tỉnh An Giang mua tranh của tôi để tặng cho khách nước ngoài khá nhiều. Bởi ngoài sáng tác về quê hương Bảy Núi, vùng tứ giác Long Xuyên, tôi còn ghép tranh bác Hồ, bác Tôn. Tranh ghép về đền thờ Bác Tôn được tỉnh mua để tặng cho khách ngoài nước” - ông Tạng nói. 

Bây giờ, dân An Giang và nhiều nơi khác trong cả nước biết đến ông Tạng là một nghệ nhân nổi tiếng với nghề ghép tranh trên lá thốt nốt. Niềm vui lớn ở cái tuổi xế chiều của ông là mang đến cho đời càng nhiều tác phẩm đẹp càng tốt. Nhờ trân trọng những giá trị nghệ thuật, ông Tạng được đền đáp bằng sự nổi tiếng cũng chính từ nghệ thuật mà ra.

Một số công đoạn làm tranh trên lá thốt nốt 

Lá thốt nốt non, có bề dài và rộng tốt. Phơi lá khoảng một tuần lễ mới có thể sử dụng làm tranh. Việc tạo hình đầu tiên là vẽ một bức tranh hoàn chỉnh trên nền giấy mica.

Kế đến, nghệ nhân dùng keo dán những chiếc lá thốt nốt đã được cắt sẵn vào vị trí bức tranh đã vẽ trên nền mica.

Sau công đoạn ghép, nghệ nhân dùng bút lửa điện để vẽ. Những đường nét đậm nhạt trên bức tranh tùy thuộc vào việc đốt lâu hay mau của bút lửa. Xử lý ẩm mốc xong là bức tranh có thể bán ra thị trường.

VĨNH SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 12-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm