Đời thuyền viên viễn xứ - Kỳ 2: Tan vỡ giấc mơ

Đời thuyền viên viễn xứ - Kỳ 2: Tan vỡ giấc mơ ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Nhung, 83 tuổi, khô nước mắt khi hai con và hai cháu bỏ thân nơi xứ lạ quê người... - Ảnh: Văn Định
Những góa phụ trẻ3 giờ chiều nghe điện của chồng thì hơn 1 tiếng sau chị Lý bàng hoàng khi nghe bạn anh Tình (chồng chị), đi cùng tàu, thông báo anh Tình đã chết khi bị dây cáp neo quật trúng vào cằm. “Kể từ khi nghe tin chồng bị nạn nó cứ nằm lì trên giường và đổ bệnh. Vợ tui phải vừa lo cho nó vừa chăm hai đứa con nó. Nó nằm liệt giường như vậy hai năm trời không thiết gì ăn uống khiến cơ thể từ 57kg xuống còn 40kg” - ông Phạm Huynh, cha chị Lý, kể lại. Ngày 13-11-2007, Phạm Tình xuất cảnh mang theo ước mơ kiếm một ít tiền về làm một căn nhà đàng hoàng rồi ở nhà đi biển nuôi vợ con. Ở nhà cha anh đã mua đầy đủ vật liệu chờ Tình về là khởi công xây nhà, ai ngờ chỉ còn khoảng bảy ngày kết thúc hợp đồng thì anh gặp nạn. Giờ đây chị Lý chẳng thiết gì chuyện xây nhà cửa, ba mẹ con đang sống nhờ vào sự cưu mang của ông bà ngoại. Từ khi chồng xuất ngoại, tối nào người vợ trẻ Trịnh Thị Hương (20 tuổi, ở xóm Tiến Thành, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đưa những tấm hình chồng chỉ cho đứa con nhỏ gần 2 tuổi biết về người bố đang làm thuyền viên trên tàu Đông Phong 3 của Đài Loan. Vậy mà sáu tháng trở lại đây chị Hương chỉ biết ngồi ôm con khóc sướt mướt khi hay tin chồng mình mất tích trên biển. “Ngày nhận tin dữ về chồng, nó ôm con ngất lên xỉu xuống và đòi đi ra thị trấn tìm công ty môi giới để đòi chồng cho bằng được, người thân, hàng xóm phải khuyên can mãi” - ông Trần Xuân Lĩnh (52 tuổi), bố chồng chị Hương, kể lại. Nhìn chị Hương ôm cu Tiếp khóc khi nói về chồng, còn cu Tiếp thì lâu lâu cười hỏi “Ba khi nào về?” khiến chúng tôi cũng nuốt nghẹn vào lòng. Hai vết thương lòngMỗi lần nhắc hai chữ Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Lam (70 tuổi, thôn Ngọc Huệ, xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nước mắt lại lăn tròn xuống hai gò má bấy lâu đã hằn sâu hai vết thương lòng. Hai đứa con trai của bà là Nguyễn Văn Biên (sinh 1975) và Nguyễn Văn Thắng (1978) đều làm thuyền viên trên tàu đánh cá người Hàn Quốc, đều mất tích không tìm thấy thi thể. “Sinh năm đứa chỉ có thằng Thắng là con trai. Còn thằng Biên là con bác ruột, khi mới lọt lòng 17 ngày đã mất mẹ, tui mang nó về nuôi đến lúc 27 tuổi thì nó cũng bỏ tui ra đi” - bà Lam sụt sùi kể.Cuối những năm 1990, thấy người trong làng bỏ biển, bán lưới thuyền sang Hàn Quốc, Đài Loan làm thuyền viên, anh Biên và anh Thắng nói với bà Lam dù khổ sở mấy cũng ráng vay mượn tiền cho một người xuất ngoại. Thương con, bà Lam lần lượt gõ cửa người thân, hàng xóm để vay nóng người này năm bảy trăm, người kia một hai triệu cho anh Biên bay sang Hàn Quốc trước. Bà Lam còn nhớ như in anh Biên đã ba lần xuất ngoại làm thuyền viên. Lần đầu gặp phải tàu phá sản, anh về quê với hai bàn tay trắng, nợ vẫn hoàn nợ. Lần thứ hai anh đi được hai năm chỉ đủ trả nợ. “Thằng Biên nói đi hai chuyến đầu không ăn thua phải đi chuyến nữa. Vậy mà chuyến thứ ba, vào năm 2001, thằng Biên đi được bốn tháng người ta báo về đã mất tích”, bà Lam vừa tìm lại những kỷ vật của hai đứa con vừa kể trong nước mắt. “Công ty bảo thằng Biên tự tử nhảy xuống biển và để lại lá thư tuyệt mệnh, giờ họ cũng không biết con bà nơi đâu” - hàng xóm của bà Lam nói. Anh Biên mất tích được hơn năm thì anh Thắng lại tiếp bước đời thuyền viên trên tàu giã cào Hàn Quốc mưu sinh trả nợ do anh Biên để lại. Nhưng rồi một tai nạn thương tâm đã cướp đi mạng sống người con trai còn lại của bà Lam. “Thằng Thắng đi được hơn 21 tháng thì được giao làm tổ trưởng thuyền viên, nó còn điện về khoe với mẹ. Nhưng trong một lần biển động, một dây cáp quật thẳng vào người khiến nó văng xuống biển chỉ còn lại một cánh tay bám vào thành tàu. Sau đó chủ tàu cùng công ty đã hóa cốt cánh tay và đưa về cho mạ nó” - chú Ngọc Tựu, dượng của anh Thắng, kể lại. Chồng vừa mất năm 1999, đến năm 2001 người con trai lớn mất trên biển, liền đó năm 2003 đứa con còn lại tiếp tục bỏ thân nơi đáy biển xứ người. Tuổi già của bà Lam giờ như ngọn đèn lắt lay trước gió... Bốn vành tang trắngỞ thôn Trung Tiến (xã Kỳ Khang, Kỳ Anh) khi nhắc đến gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ai cũng ngậm ngùi thương xót. Có bốn đứa con trai thì ba đứa cầm cố tài sản đi làm thuyền viên viễn xứ. Nhưng rồi Lê Văn Tiếp (sinh 1968) - người con út và anh trai kế Lê Văn Giăng (1959) đã mãi mãi nằm lại ở một nghĩa địa hoang lạnh nào đó trên quần đảo Haiti cô quạnh. Bà Nhung thổn thức: “Thằng Giăng có bốn đứa con, thằng Tiếp cũng ba đứa con. Thằng Tiếp đi tháng 3 thì đến tháng 7-1997 có giấy báo về mất tích. Còn thằng Giăng đi tháng 2 thì đến tháng 9-1999 lại có giấy báo như thằng Tiếp. Người ta báo cho tui là hai anh em nó đều chết không rõ lý do và được chôn cất ở cái đảo có tên i tê, i ti (Haiti - PV) gì đó”. Mang nỗi đau có lẽ cũng làm bà Nhung khó mà chịu đựng thêm được, vậy mà mái đầu bạc ấy lại tiếp tục đội thêm hai vành khăn tang cho hai đứa cháu nội cũng chết vì nghề thuyền viên xa xứ. Đó là hai anh em thuyền viên Lê Văn Phé (1981), Lê Văn Phương (1984). Bà Nhung cho biết hai đứa cháu nội này là con trai anh Lê Văn Tăng, con cả của bà.Năm 2004 anh Tăng đồng ý cho đứa con trai đầu là Phé tiếp nối mình làm thuyền viên trên tàu Hàn Quốc. Một năm sau vợ chồng anh Tăng nhận tin dữ con trai chết trên tàu không rõ nguyên nhân và cũng nằm lại Haiti với hai ông chú xấu số. Năm 2009 đứa con trai út tên Phương thấy cảnh làm thuê trên tàu đánh cá người Hàn Quốc quá cực khổ đã bỏ trốn lên bờ làm thuê. Làm chui lủi chưa được sáu tháng thì bị xe tông chết, rất may nhờ có người Việt mình ở bên đó lo thủ tục đưa thi hài về. “Mất hai đứa con vợ chồng tui xem như không còn gì để mất. Nên cuối đời này chúng tôi chỉ mong ai đó có thể đưa thi thể thằng Phé cùng hai chú nó ở Haiti về đoàn tụ với nhau là toại nguyện lắm rồi” - đây không chỉ là ước vọng của vợ chồng anh Tăng mà còn là nỗi khắc khoải trước khi về với tổ tiên của bà Nhung.
Theo HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH - LAM GIANG (TTO)
--------------------------------------------------------- Nhiều người ví von bước vào đời thuyền viên viễn xứ là gửi thân chốn tù đày giữa trùng dương. Trên những con tàu thảnh thơi lướt sóng, thuyền viên phải làm việc như những nô lệ thật sự... Kỳ tới:Nô lệ giữa trùng dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm