Đời thuyền viên viễn xứ - Kỳ 3:Nô lệ giữa trùng dương

Đời thuyền viên viễn xứ - Kỳ 3:Nô lệ giữa trùng dương ảnh 1
Hai đứa con của thuyền viên Lê Quang Rực ôm chầm lấy cha và khóc sau những ngày mòn mỏi đợi chờ - Ảnh: V.Toàn
Ám ảnh Nam cực

Trong 40 ngành nghề xuất khẩu lao động của VN hiện nay, đánh cá xa bờ được xem là công việc nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm nhất. Đây cũng là lý do mà cuối năm 2008, Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN thành lập Ban Cung ứng thuyền viên tàu cá với thành viên là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhằm liên kết hỗ trợ giải quyết các rủi ro, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho thuyền viên. Tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước, số người chết và bị thương trong lĩnh vực xuất khẩu lao động phần lớn là thuyền viên đánh cá xa bờ.Làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm luôn rình rập vậy mà những thuyền viên trên cho biết đồng lương họ được trả rất thấp. Người cao nhất mỗi tháng nhận được 4,7 triệu đồng, đa số 3-4 triệu đồng/tháng. Riêng thuyền viên Trần Đình Khánh cho biết năm đầu vợ anh chỉ nhận được 2,8 triệu đồng/tháng trong khi hợp đồng ký mức lương 210 USD/tháng.

Gặp chúng tôi, gắng lắm Rực mới kể được vài câu chuyện nhớ đời trong hơn bốn tháng đi câu cá tuyết trên những vùng biển cực lạnh. Anh kể: “Đời đi đánh cá tuyết sợ nhất là lạnh. Giữa đại dương mênh mông với nước biển luôn ở độ âm, nếu tay không đeo găng dày, chân không xỏ vào ủng hầm đông, người không có đủ áo chống rét thì không tài nào làm được việc”. Mặc dù vậy, công việc trên tàu không khi nào ngừng tay bởi người cắt cá, người rửa cá, người đưa cá vào hầm nghiêng để ướp đá.

Thuyền viên làm từ 6g sáng đến 18g. Sau 6g được ăn một lần nhưng lạnh quá cũng khó ăn vì mỗi lần nuốt là đau buốt nơi cổ họng.Sợ nhất là bị đá bắn vào người. Đó là những tảng đá đóng băng bị mũi tàu xé tan rồi bắn tứ phía. Tàu đánh cá tuyết thường xuyên phải lao đi phá những tảng đá đóng băng mới tìm được ngư trường cá giữa biển nước lạnh. Chỉ cần một miếng đá to văng trúng, thuyền viên coi như tiêu đời.

Ngày sum họp của thuyền viên Trần Đình Khánh (Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với gia đình, hai tay Khánh ôm lấy vợ con, cha mẹ nhưng những ngón tay không thể co duỗi bình thường được. Ấy là hậu quả của những tháng ngày làm việc dưới tiết trời lạnh giá. Khi vào vụ cá tuyết, Khánh phải làm việc cật lực 18 giờ/ca. Thời gian làm việc của các thuyền viên do thuyền trưởng quy định và luôn thất thường. Có lúc 2, 3 giờ sáng bị gọi dậy làm trong cái lạnh thấu tận xương tủy.
Công việc hằng ngày của Khánh là trực câu. Khánh kể mỗi lần giàn câu được kéo lên, người thuyền viên ướt sũng, chân tay run bần bật, mặt tím bầm, hai hàm răng va vào nhau. Hết trực câu, Khánh cùng các thuyền viên phải ướp cá dưới hầm lạnh với thế đứng chôn chân hàng giờ. “Tay chân anh em thuyền viên ngày một yếu đi theo từng vụ cá, nhưng hằng ngày vẫn phải lặp lại những công việc khắc nghiệt đó. Không làm thì bị đuổi. Nợ ngân hàng đang ôm nên thuyền viên nào cũng cắn răng chịu đựng” - Khánh kể và co duỗi bàn tay yếu ớt như minh chứng lời mình nói. Đến giờ, nỗi kinh hoàng với những thuyền viên như Khánh, Rực... là những giây phút chống chọi với tử thần để giành giật sự sống. Khi tàu In Sung 1 chìm, gắng hết sức Lê Quang Rực mới bơi được tới phao cứu sinh thì ngất lịm vì toàn thân bị nước làm tê cóng, Rực được bạn tàu cứu lên. Còn Khánh nhớ như in thuyền viên Nguyễn Văn Thành do không chịu được lạnh đã không thể dùng miệng cắn dây như Khánh, Thành chỉ kịp kêu tên bạn mình rồi chìm vào giá lạnh. Không hơn con vậtThuyền viên Hoàng Đình Châu (1982, Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn sởn da gà khi nghĩ lại chuyến đi biển ở khu vực biển Nam cực, vùng biển mà tàu In Sung 1 bị chìm. Làm việc trên tàu đánh cá ngừ đại dương của Hàn Quốc, Châu cho biết mỗi ca làm không ít hơn 18 giờ. “Đường dây câu của tàu này kể từ khi thả câu và kết thúc khi kéo dây câu lấy cá là 18 giờ. Nhưng có những ngày khi thu dây câu không có cá hoặc quá ít, chủ tàu bắt làm luôn ca thứ hai thêm 18 giờ nữa”.
Đó là những ca làm việc “36 giờ không ngủ” và Châu lâm trọng bệnh phải xin về nước trước hợp đồng. Làm việc trong tiết trời mưa gió lạnh buốt mà chủ tàu chỉ cho mặc áo mưa nhưng cấm đội mũ để các thuyền viên không bị ngủ gật. Châu cho biết việc thiếu ngủ lại thêm sóng đánh, gió dập nên đứng bên này boong tàu bị quăng sang bên kia là chuyện thường. Tay chân, áo quần vướng vào dây câu chảy máu, trầy xước là chuyện thường ngày. Mỗi lần chân vịt tàu bị dính dây câu thì thuyền trưởng buộc thuyền viên thay nhau lặn xuống cắt dây hàng giờ. Dù những lần ấy được trả 50 USD/lần nhưng Châu cho biết anh em không muốn cũng không dám cãi vì sẽ bị đánh và chửi ngay. Còn lặn xuống giữa biển Nam cực thì nguy hiểm luôn rình rập.
Cũng nuôi ước mơ như bao thuyền viên khác, ngày 8-9-2010, thuyền viên Đặng Xuân Sơn (sinh 1974) tạm biệt vợ con bay sang Phuket (Thái Lan) để làm trên tàu của người Đài Loan mang ký hiệu TN CT4-3203. Đến ngày 13-12-2010, anh lặng lẽ quay về. Ngày đầu làm thuyền viên trên tàu lạ, Sơn phải làm đủ việc từ trực tàu đến chùi rửa boong tàu... Mỗi lần biển động, sóng dữ thuyền trưởng luôn bắt Sơn đứng trực không một sợi dây bảo hộ. Vì bám trụ sàn tàu để chống chọi với những cơn sóng nên bàn chân Sơn bong hết móng. Sơn cho biết lịch làm việc cứ 5g chiều vào ca làm quần quật đến 3g sáng mới nghỉ. Nhưng khi hết ca Sơn thường bị bắt trực tiếp tục đến 5g sáng. Đến mỗi bữa ăn thuyền trưởng chỉ cho ăn lưng chén cơm, đói đến xanh xao người, chỉ biết uống nước lã cầm cự qua ngày. Có bữa đang ngồi ăn thuyền trưởng cầm cả tô canh tạt vào mặt, Sơn tức đến lồng ruột mà không biết nói chi, chỉ nhẫn nhục chờ tàu cập cảng là nhảy lên bờ... “Hơn ba tháng lênh đênh trên biển tôi và nhiều thuyền viên bị đối xử như những con vật. Họ chỉ biết vắt cạn sức lực thuyền viên cho từng chuyến biển mà không nghĩ đến chúng tôi cũng là con người. Tàu vừa cập cảng Phuket tôi nhảy lên bờ chạy đến công ty môi giới đòi mua vé máy bay về, nếu không sẽ báo công an. Nhờ thế mà người ta mới cho tôi về” - Sơn uất ức nhớ lại.
Theo HỒ VĂN - VŨ TOÀN - VĂN ĐỊNH (TTO)
_______________ Lao động khổ sai, phải đánh đổi cả mạng sống của mình nơi viễn xứ, nhưng đồng tiền ít ỏi mà gia đình thuyền viên nhận được đôi khi lại bị xà xẻo một cách nhẫn tâm...Kỳ tới: Đồng tiền xương máu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm