Đời thuyền viên viễn xứ - Kỳ cuối: Đồng tiền xương máu

Đời thuyền viên viễn xứ - Kỳ cuối: Đồng tiền xương máu ảnh 1
Lễ an táng một thuyền viên người Việt tại một nghĩa trang ở Haiti  - Ảnh do các thuyền viên cung cấp
Phí “ăn” vào lương

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, VN bắt đầu xuất khẩu lao động thuyền viên từ năm 1992, đến nay 40 doanh nghiệp cung ứng thuyền viên đã đưa trên 18.000 lượt thuyền viên đi làm việc chủ yếu trên các tàu đánh cá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Mức lương cơ bản theo hợp đồng của thuyền viên dao động từ 170-230 USD/tháng. Ngoài lương cơ bản, thuyền viên còn được hưởng tiền năng suất, tiền thưởng, làm thêm giờ bình quân 100-150 USD/tháng. Tổng thu nhập bình quân một thuyền viên cơ bản đạt 180-350 USD/tháng.

Hợp đồng lương của Khánh là 220 USD nhưng ở nhà năm thứ nhất vợ anh chỉ nhận được 2,8 triệu đồng/tháng. Chị cho biết sổ lương công ty môi giới giữ luôn nên chẳng biết họ trừ khoản gì. Đến năm thứ ba lương hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng hỏi ra thì không phải tăng mà do công ty trả dần khoản tiền đặt cọc chống trốn vào lương hằng tháng. Điều đáng nói việc trả lương cho thuyền viên Trần Đình Khánh, Công ty Lod lại chuyển cho một công ty cung ứng lao động ở Kỳ Anh. Đến tháng, vợ anh Khánh chỉ có việc lên ký và nhận lương trong khi sổ lương thuyền viên do công ty giữ lại.Về quê gần mười ngày, nhiều thuyền viên thoát chết khi tàu In Sung 1 chìm cho biết vẫn chưa được các công ty môi giới hoàn trả tiền lương, tiền chống trốn hay thanh lý hợp đồng... trong khi tiền vay mượn thì đang phải gánh trả. Thuyền viên Lê Quang Rực cho biết anh ký hợp đồng hơn 350 USD/tháng, nhưng qua làm việc được bốn tháng và trở về vì tàu chìm vẫn chưa nhận được đồng nào. Thuyền viên Nguyễn Văn Nam bay sang Hàn Quốc được tám tháng, ở nhà bố mẹ mới chỉ nhận được hai tháng lương hơn 7 triệu đồng. Để có tiền cho Nam đi, ông Nguyễn Thanh Trình (bố Nam) phải thế chấp sổ đỏ đất ở ngân hàng, tháng nào cũng phải đi nạp tiền lãi. Nguyễn Mẫu Hiền và Trần Đình Khánh cũng cho biết hiện phải ôm khoản nợ lớn ngân hàng. Nếu kéo dài một số người nói sẽ phải viết đơn kiện. Còn thuyền viên Hoàng Đình Châu (xã Kỳ Khang), người phải về trước hợp đồng vì không chịu nổi “kiếp nô lệ” trên tàu đánh cá, cho biết lương của anh khi ký hợp đồng là 300 USD. “Không biết họ trừ gì mà dữ vậy, 300 USD nếu nhận đủ cũng cỡ 6 triệu đồng nhưng vợ tôi nhận chưa tới 5 triệu” - anh Châu bức xúc cho chúng tôi xem các bảng chi trả lương của Công ty Inmasco. Bảng lương thể hiện rất chi tiết các khoản khấu trừ: lương hợp đồng 300 USD, trừ các khoản phí ngân hàng 2,5 USD; quỹ thuyền viên 2 USD; phí dịch vụ 474.500 đồng và phí chuyển tiền 22 USD. Tổng cộng vợ anh Châu ở nhà nhận được 4,4-4,7 triệu đồng/tháng. Anh Châu bức xúc cho rằng khoản khấu trừ dịch vụ chuyển tiền 22 USD là quá nhiều và không thể chấp nhận. “Ra ngân hàng hay bưu điện gửi 5 triệu đồng thì họ chỉ lấy dịch vụ mấy chục ngàn, đằng này công ty trừ mình tới hơn 400.000 đồng là quá dã man”. Hầu hết công ty môi giới lao động có hoặc không có phép khi được các công ty chuyển tiền về trả cho thuyền viên cũng trừ dịch vụ thấp thì 100.000 đồng và cao là 20 USD. Sai luậtTại thị trấn Kỳ Anh có tới bốn công ty môi giới mà chủ yếu là các cá nhân làm “cò lao động”. Hầu hết đều được các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) có uy tín giao toàn quyền thu tiền, thậm chí là trả lương. Ông Điệp, một môi giới lao động tại Kỳ Anh, cho biết công ty ông “hợp tác” với các công ty XKLĐ lớn ở Hà Nội... “Tôi làm nghề này đã mười mấy năm nay nên được nhiều công ty uy tín giao phó việc tuyển dụng, thu tiền phí luôn” - ông Điệp tiếp thị và cho biết thêm đi làm thuyền viên xa bờ Hàn Quốc thì tiền phí 13-15 triệu đồng. Trong số tiền này ông Điệp cho biết phần mềm ông hưởng chỉ được 3 triệu đồng, trong đó 1 triệu để ngoại giao bôi trơn. Phía công ty cũng có phần mềm khoảng 3 triệu đồng, phần còn lại trong khoản phí là 3 triệu đặt cọc chống trốn của thuyền viên (khi về được trả lại), còn lại trừ các khoản chi phí vé máy bay, học giáo dục định hướng, đồng phục... Nổi tiếng nhất ở Kỳ Anh là ông Phạm Luận, người mà ông Điệp khoe rằng ra nghề từ “lò đào tạo” của ông. Cùng với nhiều lao động vào nhà ông Luận đăng ký đi thuyền viên Hàn Quốc, chúng tôi được hai cô nhân viên cho biết đi Hàn Quốc hay Đài Loan giá cũng 12-15 triệu đồng, nếu đăng ký sẽ nộp trước khoảng 7 triệu để công ty làm hồ sơ. Hai cô nhân viên cũng cho biết văn phòng làm đối tác cho nhiều công ty XKLĐ như Inmasco, Lod, TTLC...Còn tại Quảng Bình cũng có ba công ty làm đối tác cung ứng lao động cho các công ty XKLĐ ở Hà Nội và TP.HCM là Công ty TNHH Vĩnh Nam, Công ty Bảo Lâm... Các công ty này dù không có chức năng XKLĐ cũng đứng ra thu lệ phí, tiền chống trốn và trả lương cho thuyền viên khi họ sang Hàn Quốc hay Đài Loan làm việc. Nhiều lao động ở xã Hải Trạch, Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết khi vào đăng ký họ phải đặt cọc trước 7-8 triệu đồng để công ty làm hồ sơ.Trước việc các công ty môi giới và cung ứng lao động thu tiền của người lao động, ông Đào Công Hải, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết đây là việc làm hoàn toàn trái với luật. Chỉ có các công ty có chức năng XKLĐ mới được quyền ký hợp đồng và thu tiền của người lao động. Mặt khác họ có thể ủy quyền cho chi nhánh của họ thu hộ nhưng phải sử dụng phiếu thu có con dấu của công ty mẹ. Các công ty có chức năng XKLĐ ủy quyền thu hộ cho các công ty môi giới, cung ứng lao động là hoàn toàn trái luật, nếu cục phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh.Riêng việc thu phí chuyển tiền tới 20-22 USD của người lao động ông Hải cũng cho rằng như vậy là quá cao: “Lương của thuyền viên có bao nhiêu đâu mà họ thu như vậy”. Ông Hải cho biết sẽ chấn chỉnh ngay những kiểu thu này. *** Chúng tôi kết thúc loạt bài này bằng câu nói của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH): “Bộ không chủ trương đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu thuyền viên. Chủ trương của bộ là đẩy mạnh tuyển chọn, đào tạo, xuất khẩu lao động chất lượng cao”. Đó là ý muốn của những nhà quản lý, nhưng trong thực tế việc gửi mạng sống của mình cho những hiểm nguy trên hải trình viễn xứ như một cách thay đổi cuộc đời lại là một hiện thực nhức nhối ở những làng quê nghèo, nơi chúng tôi đã ghé qua...
Theo HỒ VĂN - ĐỨC BÌNH - VĂN ĐỊNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm