HÀNH TRÌNH TỪ ĐỜN CA TÀI TỬ ĐẾN CẢI LƯƠNG - BÀI 1

Đờn ca tài tử từ Huế vào Nam

LTS: Từ ngày 25 đến 29-4, tại Bạc Liêu sẽ diễn ra Festival đờn ca tài tử Nam Bộ để vinh danh những tiền nhân để lại cho đời một tài sản vô giá. Hơn trăm năm qua, từ đờn ca tài tử đến cải lương hôm nay là cả một hành trình tiếp nhận, chuyển đổi, vun bồi, hun đúc của bao thế hệ.

ý kiến bảo rằng “đờn ca tài tử ở Nam Bộ là từ trên trời rơi xuống”. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường phản ứng lại ngay: Thật ra nó không phải từ trên trời xuống mà có xuất xứ từ Huế. Nhạc tài tử nằm giữa tầng lớp nho học và tầng lớp tân học.

“Mà điệu kìm tranh giọng Huế còn”

Ông kể rằng ở Nam Bộ, mấy ông đi học ở Huế như Huỳnh Đình Điển, Phan Hiển Đạo... có công lưu truyền loại hình nghệ thuật này. Trước đây, ông Phan Hiển Đạo ở Huế rất lâu nên đờn nhạc Huế rất giỏi. Ông là tổ đờn ca tài tử ở Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) và từ đây nó lan dần ra khắp khu vực. Như vẫn còn âm vang đâu đó giai điệu miền Trung trong bài thơ mà ông Nguyễn Liêng Phong làm điếu Phan Hiển Đạo khi ông này mất: “Khúc đờn lưu thủy trôi dòng bích/ Mà điệu kìm tranh giọng Huế còn”. “Về bài bản thì giống nhau, song cái chất nghiêm trang đài các của Huế giảm hẳn, thay vào đó những lời ca, điệu hát phóng túng hơn. Tứ đại cảnh ở Huế với tứ đại oán trong Nam câu chữ giống hệt nhưng giọng đờn khác nhau. Tứ đại oán nghe mùi hơn tứ đại cảnh” - ông Trương Ngọc Tường so sánh.

Trong nghề hát có tam vị tổ sư, tức sáng chế, phát triển, truyền dạy. Cách truyền cũng chuyển dần theo sự phát triển đổi thay. Thời ông Nguyễn Liêng Phong ngày xưa là cầm tay chỉ việc. Tức ông thầy ôm đờn trước rồi người học đờn theo sau. Tập đờn một thời gian, ông “coi giò coi cẳng” anh nào đàn được thì dạy tiếp, không được thì cho về nghỉ.

Âm thanh nhạc tài tử nhẹ nhàng xen lẫn buồn vui, ai oán. Ngôn ngữ bình dân như nhạc Huế nhưng mùi mẫn hơn, trình diễn có vẻ tự do, phóng túng hơn. Ở Vĩnh Long, ông Trần Quang Hườn, người không chỉ có công chế ra nhạc cụ mới, mà còn là người chế ra bản “Văn thiên tường”, không nằm trong bài tổ. Còn bài “Bình sa lạc nhạn” và “Chung dạ đề quyên” do ông Nguyễn Văn Thinh ở Sa Đéc chế tác.

 

Diễn viên và khán giả Pháp - Việt của đêm hát cải lương đầu tiên năm 1918. Ảnh: NGUYÊN VẸN chụp từ tư liệu

Ca tài tử lên Sài Gòn, đi Tây

Vào thời nhà Nguyễn, ở Chợ Giữa, Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) có TS Phan Hiển Đạo, làm Đốc học Định Tường, là người đã đem nhạc cung đình Huế về vùng Vĩnh Kim truyền bá. Giai đoạn này ở Gò Công cũng có một số người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn, giỏi cầm ca, thỉnh thoảng được bà Từ Dũ Thái hậu triệu ra kinh đô phục vụ. Từ đó, lời ca tiếng nhạc mới lạ theo họ chuyển về quê hương.

Khoảng năm 1900, tại Cái Thia (Cái Bè) có ông Nguyễn Tống Triều là một nhạc sư tài danh, nguyên là học trò của dòng nhạc tài tử Vĩnh Kim. Ông đàn kìm rất giỏi, dạy khá nhiều học trò và lập ra một ban nhạc tài tử. Ở Gò Công cũng có một ban tài tử của ông Huỳnh Đình Điển (Thông ngôn khâm xứ Trung Kỳ). Hai ông Nguyễn Tống Triều và Huỳnh Đình Điển dẫn hai ban nhạc tài tử của Gò Công và Mỹ Tho sang Pháp diễn tấu tại Hội chợ Thế giới Paris (Pháp) năm 1900 và Hội chợ đấu sảo thuộc địa ở Marseille (Pháp) năm 1906. Từ đó, đờn ca tài tử được nhiều người chú ý, nhất là những người giàu có, địa vị lúc bấy giờ. Ông Điển là một người rất khéo tay nên tất cả nhạc cụ của ban nhạc, bạn bè đều do ông tự làm lấy.

Sau chuyến đi Tây diễn đó, đến khoảng năm 1910 ông Điển rước ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều đến Minh Tân khách sạn (Mỹ Tho) do ông làm chủ biểu diễn phục vụ và thu hút khá đông khán giả. Từ đó, cứ mỗi tối thứ Tư, thứ Bảy, ban nhạc của ông Tống Triều được ông Phạm Đăng Hộ mời diễn tại rạp Casino (Mỹ Tho) của mình trước khi vào chương trình chiếu bóng. Đến khoảng năm 1915, chủ nhà hàng Cửu Long Giang ở chợ Sài Gòn xuống Mỹ Tho rước ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều lên phục vụ. Cứ vào mỗi buổi chiều có ban nhạc tài tử trình diễn, chủ nhà hàng cho người xách loa dùng xe song mã chạy cọc cạch khắp Sài Gòn, Chợ Lớn thông báo: “Chúng tôi có rước ban tài tử ở Mỹ Tho lên giúp vui cho quới khách, kính mời đồng bào đến uống rượu nghe đờn”.


Ông Trương Ngọc Tường với đĩa và sách tuồng hát xưa. Ảnh: NGUYÊN VẸN 

Ca ra bộ: Mỗi nơi một kiểu

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận (Bạc Liêu) bảo rằng ca ra bộ có ở nhiều nơi như Vĩnh Long, Sa Đéc, Tiền Giang, Bạc Liêu… “Ca ra bộ sản phẩm của nhiều người” - nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cũng đồng tình vậy. Mỗi chỗ có một người hoặc một nhóm người đóng góp vào phong trào ca ra bộ ngay từ lúc đầu. “Vào năm 1908, ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) tìm đến ông Nhạc Khị để học đàn. Lúc mới vào học, ông thấy lạ là cứ tối tối lại thấy ông Bảy Kiên, đệ nhất danh ca nổi tiếng trong những năm đầu thập niên của thế kỷ 20, vừa ca vừa múa nhưng hổng biết ông này làm gì. Sau này ông Sáu Lầu mới biết ông Bảy Kiên ca vậy là ca ra bộ. Vào những năm cuối thế kỷ 19, nếu Nhạc Khị với tiếng đàn đã từng chiếm vị trí hàng đầu trong giới nhạc sĩ ở Bạc Liêu thì Bảy Kiên với lời ca cũng từng không có đối thủ ở đây trong thời gian đó. Từ khoảng năm 1930 về sau, ông đạt nhiều giải. Dân gian truyền tụng “nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước” cũng bắt đầu từ đó.

“Nhưng ca ra bộ của người Bạc Liêu là vừa ca vừa múa võ gọi là ra bộ chứ không phải ca ra bộ của Tiền Giang, Sa Đéc à nghen. Cái chữ thì giống nhau nhưng nghĩa sử dụng lại khác. Dân Bạc Liêu vốn biết võ nhiều nên hứng lên thì múa men, vừa ca vừa múa may. Bộ ở đây là bộ tay bộ chân, bởi trong nghề võ nó có bộ pháp. Lúc này nghề võ đang lên” - ông Thuận lý giải thêm về ca ra bộ ở xứ Bạc Liêu.

Năm 1916 tại nhà mình, ông Phó Mười Hai - Tống Hữu Định ở Vĩnh Long, đã nghĩ ra chuyện phân vai để ca hát cho vui, thay cho chỉ ngồi ca hát một mình trước đó. Lúc hát có bộ điệu trên bộ ván ngựa. Chính ông là người đầu tiên sắp xếp cho đào kép đóng vai một bài “tứ đại quán”, trong đó phân vai ra người nào đóng vai Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga.

 Đến năm 1917, có một người khác là André Thận ở Sa Đéc lập một gánh hát xiếc. Đây là một loại hình gồm nhiều hình thức biểu diễn như khỉ kéo xe, che dù đi dây, chun vô thùng xen hát chập tuồng có ca ra bộ nhưng “điệu bộ cứng đờ hà”. Lúc đó ở Nam Bộ, nhiều nơi diễn ra loại hình gọi chung là ca ra bộ, tiền thân của cải lương.

NGUYÊN VẸN

 

Di sản phi vật thể thứ tám

Ngày 5-12-2013, tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ và Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ tám của UNESCO tại TP Baku (Cộng hòa Azerbaijan) nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là di sản thứ tám ở Việt Nam được UNESCO công nhận sau: Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ; ca trù; hát xoan; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hội Gióng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm