Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ cuối: Cõng xăng lên núi đốt cần sa

Tiêu hủy tại chỗ là phương án được thống nhất. Thế nhưng tiêu hủy như thế nào cũng là vấn đề đau đầu. Quan trọng nhất là làm cách nào để vườn cần sa không phục hồi  sau khi tiêu hủy?

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ cuối: Cõng xăng lên núi đốt cần sa ảnh 1

Phóng viên tìm thấy cần sa trên đỉnh Mây Tàu

Đốt cần sa

Một ngày đầu tháng 6-2009, Công an xã Hoà Hiệp nhận được tin quần chúng báo: trên đỉnh núi Mây Tàu có một diện tích lớn trồng “cây lạ”. Loại cây này khi băm ra cho gà và heo ăn thì lớn rất nhanh, ít nhiễm bệnh. Loại cây này được một số người canh giữ rất chặt chẽ.

Mối nghi ngờ được đặt ra, Công an xã Hoà Hiệp lập tức cử anh Phạm Tấn Đạt - công an viên  đi khảo sát. Anh kể lại: “Nhận được tin, tôi cùng một đồng nghiệp nữa vượt núi khảo sát. Lần đầu đi cả ngày nhưng không phát hiện được gì. Lần thứ hai chúng tôi quyết định leo tới đỉnh để tìm hiểu thì phát hiện ra hai chòi gỗ nằm bên suối. Xung quanh chòi được bao phủ bởi màu xanh của “cây lạ”, bản thân tôi cũng chưa thấy loại cây này bao giờ - đúng như lời người dân miêu tả. Trong chòi lúc này không có ai, nhưng dấu hiệu để lại cho thấy có người đang sinh sống tại đây. Tôi nhổ một cây đưa về kiểm tra thì xác định đúng là cây cần sa”.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ cuối: Cõng xăng lên núi đốt cần sa ảnh 2

Công tác tiêu hủy gặp nhiều khó khăn

Sau khi xác định được danh tính “cây lạ”, Công an huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo lập tức triệt phá vườn cần sa này. Ông Nguyễn Văn Tầm - Đội trưởng Đội phòng chống ma tuý trực tiếp leo núi chỉ đạo công tác xử lý triệt xóa. Ngày 16-6, đội tiêu hủy gồm 10 người leo núi tiếp cận vườn cần sa. Ông Tầm  kể lại: “Chúng tôi ngỡ ngàng khi trông tận mắt, trên diện tích hơn 2 hécta được trồng kín cây cần sa đủ lứa. Cây đến tuổi thu hoạch cao khoảng 1m đếm được hơn 3.000, cây con đang đơm giống  khoảng 1.000 cây. Phát hiện ra một số lượng cần sa quá lớn, phương án nhổ và vận chuyển trở về coi như phá sản. Tiêu hủy tại chỗ thì lại không có nhiên liệu, chưa nói đến việc nhổ bỏ số lượng lớn như thế thì cả tiểu đội cũng không thể làm nổi”.

Được biết, vào thời điểm tháng 6, mưa tầm tã kéo dài. Việc trèo lên được đỉnh núi đã là kỳ công, kiếm ra củi để đốt cần sa gần như là mò kim đáy bể. Cả đội đành rút lui. Ngày hôm sau, lực lượng được huy động thêm gần chục người. Xăng cũng được gánh trèo lên núi. Mưa vẫn tiếp tục trút ào ào lên đoàn công tác. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, tất cả quyết tâm triệt hạ bằng được vườn cần sa. Hì hục hơn nửa ngày trời, nhổ rồi gom, một núi cần sa cao ngất ngưởng, xung quanh chất củi. Xăng được rưới đều lên. Ngọn lửa cháy phừng phừng trong tiếng vỗ tay của mọi người. Một mùi khét đặc trưng của loại cây chứa chất ma tuý bay đặc quánh cả khu rừng.

Công tác tiêu hủy gần như hoàn tất. Những tưởng vườn cần sa đã bị xóa sổ hoàn toàn thì 9 tháng sau, mọi thứ lại trở về như cũ. Chuyến đột nhập vào lãnh địa cần sa của nhóm phóng viên đã phát hiện cần sa được trồng lại ngay sau đợt tiêu hủy đó và những dấu hiệu để lại cho thấy ngay khi thu hoạch thì một vụ mùa mới lại được khởi động trở lại với những cây con mơn mởn. Giải pháp nào để triệt hạ hoàn toàn vườn cần sa trên đỉnh núi này?

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ cuối: Cõng xăng lên núi đốt cần sa ảnh 3

Phá rừng để trồng cần sa?

Cơ quan chức năng nói gì?

Đại tá Lê Thanh Phong - Phó trưởng Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Địa bàn núi Mây Tàu khá rộng nên việc quản lý hành chính khá khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với UBND xã Hòa Hiệp thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của loại cây này. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn các đợt phát sinh những khu vực khác để nhanh chóng phát hiện khi mới ươm mầm. Điển hình, cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng huyện Xuyên Mộc cũng đã phát hiện 3 hộ dân ngụ ở xã Phước Tân và một số hộ ở xã Bưng Riềng trồng cây cần sa nên đã tổ chức triệt phá tiêu hủy”. 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết: Hòa Hiệp có diện tích rộng với gần 20.000 dân, do đó công việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, đây là khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Bình Thuận - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân đang  sinh sống trên khu vực núi Mây Tàu không phải chỉ duy nhất là người dân xã Hòa Hiệp mà còn có người nhiều địa phương khác đến đây tự ý đốt rẫy canh tác làm ăn.

Do đất rộng, địa bàn hiểm trở, từ trung tâm xã Hòa Hiệp nếu đi theo đường chim bay đến núi Mây Tàu cũng phải mất hơn 16km, không có đường đi mà chỉ vạch rừng để leo lên núi. Vào mùa mưa, đi bộ và leo núi mất 5 giờ đồng hồ, còn vào mùa khô, thuê xe ôm chở đến sát chân núi thì cũng phải mất từ hai đến ba tiếng đồng hồ leo từ dưới lên đỉnh nên rất khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát.

Hiện tại phương án để ngăn chặn trồng cây cần sa trên đỉnh núi Mây Tàu chủ yếu là biện pháp tuyên truyền cho người dân và tăng cường lực lượng công an xã kiểm tra kiểm soát không những trên đỉnh Mây Tàu mà trong tất cả các khu vực lân cận. Nếu phát hiện trồng cây cần sa sẽ kiểm tra xử lý nghiêm.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ cuối: Cõng xăng lên núi đốt cần sa ảnh 4

Tháng 6-2009, cơ quan chức năng phát hiện vườn cần sa trồng quanh hai chòi gỗ

Đỉnh núi Mây Tàu mùa này chỉ có nắng và vách đá cheo leo. Mỗi buổi chiều về sương giăng trăng xóa, heo hút trên đỉnh là những vườn cần sa. Khu vực  được mệnh danh “tam giác vàng” của Đông Nam bộ này đang cần những biện pháp hữu hiệu hơn để loại cây có “họ hàng” với ma túy này không thể tái hiện.

Theo Lê Bình-Hồng Cường (báo CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm