Đường về của một “đại ca”

Nhưng cuối cùng, sau khi đã gánh chịu nhiều kết cục cay đắng, ông Thanh đã quyết định từ bỏ bóng đen lầm lỗi của mình để làm lại cuộc đời. Bằng ý chí phục thiện và đôi bàn tay lao động chân chính không biết mệt mỏi, dần dần anh đã vươn lên, trở thành ông chủ của một cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng khắp Quảng Bình.

Đường về của một “đại ca” ảnh 1

Ông Thanh bên cạnh một sản phẩm trị giá hàng chục triệu đồng

Quá khứ lầm lỗi

Từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chạy xe máy chừng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi tìm đến thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ đầu thôn, hỏi nhà ông Phạm Thế Thanh, ai cũng bảo là: “Tụi tui có biết chú ạ, biết nhiều là đằng khác, nhưng ở đây không ai gọi ông ấy là Phạm Thế Thanh như chú hỏi mà gọi là ông Thanh giám đốc xưởng đồ gỗ mỹ nghệ...”.  Nói về ông Thanh mà ánh mắt họ như toát lên cả niềm vui xen lẫn sự kính nể, thán phục và khiêm nhường.

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà hai tầng khang trang của mình là một người đàn ông trạc 60 tuổi, nước da ngăm đen, khuôn mặt “tăng tướng” và  nổi bật trên cả là đôi lông mày dựng ngược, đen rậm đến lạ thường. Nhìn bề ngoài, người đàn ông này như ẩn giấu cả một quá khứ “đầy biến động” mà ít ai có thể biết và hiểu được.

Sinh ra tại một vùng quê nghèo bên dòng sông Nhật Lệ, mới được ba tháng tuổi, cậu bé Thanh đã phải sống trong cảnh thiếu vắng sự che chở, thương yêu của gia đình. Vì mối tình của ba mẹ Thanh không được hai bên nội ngoại chấp nhận nên từ khi mới sinh ra, họ đã bỏ Thanh lại cho một bà cô làm nghề buôn bán ở Quảng Bình rồi vào Huế lập nghiệp. Tuổi thơ của cậu bé Thanh thật buồn bã và cay đắng, suốt ngày chỉ biết đi theo gánh hàng rong của người cô tội nghiệp ra chợ rồi lại quay về. Vì không có tiền đóng học phí nên mới đến lớp 3 trường làng, Thanh đã phải nghỉ học. Từ đó, cậu bé sống khép nép, lầm lỳ khó hiểu.

Đầu năm 1968, lúc mà cuộc chiến tranh chống mỹ của dân tộc đang trong giai đoạn ác liệt nhất thì Thanh quyết định vào vùng “đất lửa” Quảng Trị làm nghề sửa đồng hồ kiếm sống nhưng mục đích chính là được tận mắt “coi chiến tranh nó ra mần răng”. Sau hai năm sống tại Đông Hà (Quảng Trị), chàng thanh niên 19 tuổi Phạm Thế Thanh quay về quê hương Quảng Bình viết đơn xin nhập ngũ để được ra trận giết giặc nhưng bị từ chối bởi lý lịch gia đình không rõ ràng: bản thân không có giấy khai sinh, không hộ khẩu và không một loại giấy tờ nào khác, cha mẹ bỏ vào Nam...

Chán nản, tuyệt vọng, Thanh lang thang đi bụi, sống bất cần đời, phó mặc cho số phận. Từ đây, cái chất “ngang tàng bụi bặm” của nhiều kẻ thiếu học, côn đồ trong xã hội đã tiêm nhiễm vào Thanh. Đầu năm 1971, vì đánh hộc máu, gãy xương sườn một người đàn ông lớn hơn mình 10 tuổi mà Thanh bị bắt giam ở trại Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Vào tù,  nhưng Thanh chẳng hề biết ăn năn hối hận mà ngược lại càng dấn sâu vào tội lỗi. Nhiều trận đấm đá túi bụi, tỷ thí sức mạnh giữa Thanh và các tù nhân “có máu mặt” khác để dành “chức cai” diễn ra như cơm bữa. Nhờ vào sức khỏe, “máu lỳ” và mấy thế võ học được từ trước, Thanh đã chiến thắng trong nhiều lần đánh lộn để trở thành một “đại ca” có tên tuổi. Biệt danh Thanh đại bàng, đại bàng miền Trung cũng ra đời từ đây và là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của vô số bạn tù. 

Vì tội đánh vỡ đầu, gãy tay hết phạm nhân này đến phạm nhân khác nên cứ mỗi lần sắp  được  mãn hạn tù, Phạm Thế Thanh lại bị cộng thêm án rồi di lý từ trại giam này sang trại giam khác. Nhớ lại quá khứ của mình, ông ân hận: “Cũng vì tính nóng, muốn thể hiện cái uy của mình mà tui phải ngồi hết nhà tù này đến nhà tù khác trên khắp miền Trung. Có lần đang bị giam giữ ở nhà tù Tân Kỳ (Nghệ An), tui đã trốn ra được nhưng về quê không người thân thích, cô độc một mình nên tui lại quay về trại”.

Sau 8 năm ngồi tù rồi đến ngày Thanh cũng được mãn hạn. Bước chân cô độc của Thanh đại bàng lần hồi vào Huế tìm lại gia đình và người thân. Sau 27 năm, từ khi ba mẹ bỏ rơi ở Quảng Bình, Thanh mới gặp được những người sinh ra mình. Vì thương con thiếu thốn, chịu thiệt thòi bao năm nên ngày gặp lại, cha mẹ Thanh đã bù đắp cho con trai thật nhiều tiền tiêu xài. Nhưng họ đâu ngờ được rằng, những việc làm đó vô tình đưa Thanh quay lại con đường tội lỗi. Nếu như trước đây, chuyên dùng đến dao kiếm đâm chém để giải quyết công việc thì nay Thanh lại tiêu khiển thời gian bằng cách ăn chơi bạt mạng. Sáng cà phê, chiều bài bạc rượu chè, tối lại đi vũ trường, Phạm Thế Thanh đốt tiền vào những cuộc chơi không có giới hạn cùng với đám bạn bè lêu lổng, giang hồ, lưu manh từ tháng này sang tháng khác. 

Đang nổi đình nổi đám ở đất kinh thành thì tháng 7-1979, Thanh bị bắt và bị kết án 2 năm tù giam về tội buôn bán thuốc tây lậu với khối lượng lớn. Vậy là sau một thời gian được sống tự do, ăn chơi vô độ rồi tiếp tục phạm pháp, Thanh lại vào tù lần nữa. Trở lại chốn giam cầm, Phạm Thế Thanh vẫn “chứng nào tật nấy”, tiếp tục dấn sâu vào con đường tội lỗi. Vì mấy trận đánh nhau để “xưng hùng” ở trại giam Huế, Quảng Bình nên Thanh bị chuyển đến trại giam Hoàn Cát (Quảng Trị). Tại đây, Thanh đã chạm trán với Nguyễn Đình Long (Long Võ Sư) - một kẻ “có máu mặt” lại giỏi võ, đặc biệt từng vào tù nhiều lần vì tội đả thương lính ngụy, cướp tài sản ăn chơi.

“Hai hổ trong một chuồng”, qua nhiều lần “tranh đấu” bị Long Võ Sư hạ đo ván, Thanh đại bàng bèn giở máu liều, bất ngờ dùng đá tấn công lại làm kẻ mạnh hơn mình bị dập mặt phải khâu 28 mũi, mất nhiều máu và gãy cả hai hàm răng. Sau trận ấy, Long Võ Sư chùn mình “xuống thế” và buộc phải giao lại ngôi vị “đại ca” cho Thanh đại bàng.

Tưởng rằng những hành động điên cuồng đó sẽ tiếp diễn rồi cuộc đời của Thanh vẫn chìm mãi trong bóng tối tội lỗi, trở thành người thừa trong xã hội, nhưng rồi khát vọng sống, ý chí vươn lên để trở thành một con người lương thiện trong anh đã trỗi dậy. Mãn hạn tù khi đã bước sang tuổi 30, Thanh đại bàng mới “chập chững” làm lại cuộc đời.

Đường về của một “đại ca” ảnh 2

Hai chiếc tủ đựng toàn đồ cổ được ông Thanh xem là báu vật

Đường về của "Thanh đại bàng"

Trải qua bao biến cố, thăng trầm trong cuộc đời, Phạm Thế Thanh hiểu hơn ai hết về cái giá phải trả cho những việc làm không lương thiện. Vì vậy, sau khi được phóng thích ra khỏi trại giam, ông đã suy ngẫm rất nhiều về mối tương quan nhân quả trong cuộc đời và quyết tâm phục thiện bằng được, mặc cho “đường về” có đầy thử thách, chông gai đến thế nào đi nữa.

Đã bao lần ông tự nhủ với lòng mình: “Phải biết kiềm chế, nuốt nước mắt vào trong, sẵn sàng đối diện với những lời nghi kỵ, chửi bới và thậm chí là sỉ nhục để lấy lại niềm tin của mọi người, để làm người lương thiện”. Với ý nghĩ “ai đập vào mặt mình cũng kệ”, Phạm Thế Thanh bắt tay vào làm ăn bằng nghề sửa xe đạp ở gần một bãi tha ma của làng. Thời gian trôi đi, ông dần tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong từng giọt mồ hôi, nước mắt từ những lần đi bốc vác, phụ hồ, đào đất...để kiếm từng đồng tiền chính đáng.

Năm 1982, ông Thanh kết hôn với chị Lê Thị Cơ (sau ba lần bị ông bà ngoại từ chối, không cho cưới) rồi chuyển sang học làm nghề thợ may, học nấu ăn để mở quán nhậu. Khi kinh tế khá hơn, năm 1986 ông đi đến một quyết định táo bạo là vay vốn ngân hàng mua máy móc, thuê hàng chục công nhân mở đường vào khai thác một mỏ sắt tại vùng núi Khe Sanh (Quảng Trị). Nhờ vào thu nhập từ mỏ sắt mà chẳng bao lâu, từ hai bàn tay trắng ông Thanh trở thành triệu phú nhanh chóng.

Nhưng rồi một khó khăn khác lại ập đến, mỏ sắt vừa khai thác được một thời gian thì bị Tỉnh đội Quảng Trị không cho khai thác nữa. Thế là ông Thanh lâm vào cảnh vỡ nợ, tay trắng lại hoàn trắng tay. Thất bại trong làm ăn, mất đi số vốn hàng tỷ đồng, ông chán nản và muốn buông xuôi tất cả nhưng được người vợ luôn bên cạnh an ủi, động viên nên ông Thanh quyết tâm làm lại từ đầu, tìm con đường làm ăn chân chính khác.

Năm 2005, với số vốn ít ỏi và tay nghề sẵn có (học được từ hồi sắp ra tù), ông Thanh quyết định mở một xưởng đồ gỗ mỹ nghệ. Từ những gốc cây, rễ cây đã già, khô cứng, qua bàn tay khéo léo của “người nghệ sĩ” trải nhiều gian truân, vất vả, chúng trở thành những bộ tủ, giường, bàn, ghế... sống động, đẹp mắt và trông rất có hồn. Hiện nay sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của ông Thanh không chỉ nổi tiếng ở Quảng Bình mà còn lan rộng ra các nơi khác. Có nhiều bạn hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng... vì đam mê cái đẹp ở thú chơi tao nhã này mà vào tận Quảng Bình để đặt hàng với số lượng lớn.

Bên cạnh thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ mang lại thu nhập cao, đậm phong cách nghệ sĩ, những lúc rảnh rỗi ông Phạm Thế Thanh còn bỏ công đi sưu tầm, mua lại nhiều loại đồ cổ có giá trị. Chỉ tay vào hai chiếc tủ đựng đầy ấm, bát, chén, đũa cổ của mình, ông Thanh tự hào: “Tháng trước có vị khách sành đồ cổ từ Hà Nội vào trả giá 1,2 tỷ đồng mà tôi không bán. Vì tôi nghĩ đã đến lúc mình có điều kiện để được hưởng, chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh túy của cuộc đời”.

Ông Thanh "đại bàng" khét tiếng thuở nào giờ đã tìm được con đường phục thiện có hậu và đẹp đẽ. Bên cạnh việc sở hữu một cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng khắp Quảng Bình, ông Phạm Thế Thanh còn có một gia đình hạnh phúc, một người vợ hiền dịu đảm đang cùng hai đứa con ngoan ngoãn. Khi chia tay tôi nhớ mãi câu nói của ông: “Quá khứ của tôi là những chuỗi ngày sai lầm tiếp nối sai lầm và thật vô nghĩa. Nhưng không có gì là quá muộn cả khi con người ta biết nhận ra sai lầm để quay đầu đúng lúc”.

Theo Nguyên Dũng (CATP) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm