Em bé sinh ra từ một cha, hai mẹ

Abrahim Hassan - bé trai đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ gien của ba bậc cha mẹ xuất hiện năm tháng trước ở Mexico. Tuy nhiên, thông tin này mới được công khai ngày 27-9 trên tạp chí khoa học New Scientist (Anh).

Một cặp vợ chồng người Jordan đã phải trải qua 20 năm dài hy vọng rồi tuyệt vọng trên con đường tìm kiếm một đứa con. Người mẹ, chị Ibtisam Shaban, bị hội chứng Leigh, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh. 10 năm sau khi cưới người mẹ mới mang thai nhưng đã sẩy sau đó. Tổng cộng chị đã bốn lần sẩy thai.

Năm 2005, chị sinh một bé gái nhưng bé mất khi được sáu tuổi vì bị di truyền hội chứng Leigh từ mẹ. Đứa con thứ hai của chị cũng chịu tình trạng tương tự, sống chỉ được tám tháng sau khi bị chứng bệnh di truyền tấn công hệ thần kinh, gây suy phổi dẫn tới tử vong.

Hoán đổi nhân

Trong cơn tuyệt vọng, vợ chồng chị Ibtisam Shaban tìm đến nhóm BS John Zhang ở Trung tâm Sinh sản Hy vọng mới tại TP New York, Mỹ.

Họ chấp nhận để các bác sĩ thực hiện một phương pháp mới mẻ và lạ lẫm gọi là “hoán đổi nhân”. Cụ thể, các bác sĩ tách hạt nhân trong trứng của chị Ibtisam Shaban, cấy hạt nhân đó vào trứng của phụ nữ thứ hai - trứng đó vốn đã bị tách bỏ hạt nhân. Sau đó, họ mang trứng này thụ tinh với tinh trùng người bố trong ống nghiệm.

Chỉ một trong năm trứng sống sót. Phôi thai này được cấy vào tử cung người mẹ Ibtisam Shaban. Bé trai Abrahim Hassan ra đời ngày 6-4-2016 tại Mexico sau chín tháng mang thai. Hiện bé đã được năm tháng tuổi, phát triển tốt, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh tật.

Mã di truyền (ADN) trong người bé Abrahim Hassan được pha trộn từ một người cha và hai người mẹ.

Bé có ADN của bố và mẹ, tuy nhiên khác mọi bé khác, bé có thêm một đoạn mã gien từ một người mẹ khác nữa. Sở dĩ mã gien của người mẹ thứ hai được thêm vào là để bớt đi một đoạn mã gien độc, nguy hiểm của người mẹ. Danh tính người mẹ hiến tặng trứng được giữ kín.

Kỹ thuật này bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1990, tuy nhiên sau đó bị nhiều nước, trong đó có Mỹ, cấm vì một số trẻ sau khi sinh ra đã dần bị xáo trộn về gien, theo New Scientist. Trên thế giới hiện chỉ mới có Anh công nhận biện pháp này từ năm 2015.

Tại Mỹ, đầu năm nay, một ban cố vấn chính phủ cho biết việc thử nghiệm biện pháp này trên người là hợp đạo đức nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội Mỹ cấm áp dụng biện pháp này lên người.

Đây cũng là lý do kỹ thuật này không được thực hiện ở Mỹ. Vì thế vợ chồng chị Ibtisam Shaban và nhóm bác sĩ Mỹ đã chọn sang Mexico, vốn không quy định cụ thể về kỹ thuật này để thực hiện.

 Bé Abrahim Hassan mang mã gien của một người cha mà hai người mẹ.

Nhiều người có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển.

Công nghệ hoán đổi nhân. Ảnh: NEW SCIENTIST

Hy vọng cho khả năng thanh toán bệnh di truyền

Bên cạnh thành tựu về khoa học kỹ thuật này cũng đang hứng nhận nhiều tranh luận về các yếu tố đạo đức, pháp lý.

BS John Zhang bảo vệ việc mình làm: “Đây là việc làm hoàn toàn hợp đạo đức”. Ông xem đây là một thành công, có thể sẽ giúp y học thanh toán các bệnh về di truyền trong tương lai. “Đây đúng là cột mốc quan trọng cho thấy các bệnh về di truyền hoàn toàn có thể ngăn chặn trong tương lai” - ông nói.

Hơn thế nữa, BS Zhang lạc quan kỹ thuật này sẽ không chỉ giúp thanh toán các bệnh di truyền mà còn rất nhiều tiềm năng y học khác.

Chuyên gia Bert Smeets tại ĐH Maastricht (Hà Lan) gọi đây là một thông tin thú vị và chấn động.

BS Sian Harding (Anh) nhận định nhóm BS Zhang đã làm tốt hơn các bác sĩ Anh đã làm trước đó khi tránh được việc phải phá hủy phôi thai.

Hơi e dè về tính an toàn về lâu dài của kỹ thuật này nhưng GS Simon Fishel thuộc tổ chức phi lợi nhuận về y tế CARE (Mỹ) cũng công nhận thành công này là một bước tiến lớn của khoa học tiến đến giải quyết hiệu quả các căn bệnh di truyền.

Kỹ thuật gây tranh cãi

Bên cạnh những ý kiến lạc quan vẫn có những ý kiến lo ngại. BS Dusko Ilic thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) cho rằng đây là một cuộc cách mạng về khoa học, tuy nhiên nghi ngờ tính hiệu quả của kỹ thuật này. “Không biết đây có phải là lần đầu họ thực hiện kỹ thuật này rồi thành công luôn không? Hay đây chỉ là lần thành công hiếm hoi sau rất nhiều lần thất bại mà họ không công bố? Dù thế nào thì đây vẫn là một kỹ thuật quá nhiều rủi ro khó lường. Chưa kể nếu bệnh nhân thực hiện nó ở những nước chưa công nhận kỹ thuật này” - BS Dusko Ilic bày tỏ.

Theo chuyên gia David Clancy tại ĐH Lancaster (Anh), các thử nghiệm trên khỉ trước đây đã cho thấy kỹ thuật này vẫn không giúp ngăn được hiệu quả và hoàn toàn các chứng bệnh di truyền từ khỉ mẹ sang khỉ con. Và theo ông, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra ở người.

BS Zhang và nhóm của ông cho biết đến giờ gien của bé Abrahim Hassan vẫn không có xáo trộn lớn. Tuy nhiên, chuyên gia Smeets đề nghị nhóm BS Zhang cần thiết không được chủ quan, phải luôn đảm bảo mức xáo trộn gien của bé luôn ở mức thấp, an toàn.

Theo Daily Mail, hiện cộng đồng y học thế giới vẫn đang nóng lòng chờ được hiểu rõ hơn về kỹ thuật này và quá trình thực hiện.

“Vì công nghệ này là vấn đề tranh cãi và đây là trường hợp đầu tiên của thế giới, tôi nghĩ các nhà nghiên cứu, những người thực hiện nên có bản viết tay chi tiết quá trình thực hiện thay vì chỉ thông báo thành công như thế này” - GS Justin St John, Giám đốc Trung tâm Các bệnh về gien tại ĐH Monash, Úc, nói.

Dự kiến BS Zhang và nhóm thực hiện sẽ công bố chi tiết kỹ thuật này tại một hội nghị của Hiệp hội Sinh sản Mỹ tháng tới.

Vài nét về tác giả “một cha, hai mẹ”

BS John Zhang là người sáng lập và là tổng giám đốc Trung tâm Sinh sản Hy vọng mới - thành lập từ năm 2004, có chi nhánh ở Trung Quốc, Nga và Mexico.

BS Zhang học y khoa ở Trường Y ĐH Chiết Giang (Trung Quốc), học lên cao học ở ĐH Birmingham (Anh). Năm 1991, BS Zhang có bằng tiến sĩ về sinh sản trong ống nghiệm.

BS Zhang là một nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ y khoa, đã từng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực phát triển công nghệ hỗ trợ sinh sản. Ông được xem là một trong những bác sĩ hàng đầu của New York.

Hiện tại BS Zhang vẫn đang tiếp tục các nghiên cứu về các công nghệ hỗ trợ sinh sản. Ông hiện là một trong số ít các bác sĩ điều trị rối loạn nội tiết sinh sản ở Mỹ có bằng tiến sĩ về nghiên cứu phôi thai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm