Gia đình 'ngẩn ngơ truyền đời'

Đứa trẻ 5 tháng tuổi ấy sống với bà ngoại và cụ ngoại trong gian nhà không thể nhỏ hơn. Mẹ tâm thần bỏ đi lang thang. Bà ngoại ngẩn ngơ, nuôi cháu như người ta nuôi con lợn, con gà. Cụ ngoại cũng “ngẩn”… “có hạng”, lại thêm tuổi già lẩn thẩn, cứ vài ngày lại chống gậy, cắp đứa chắt ruột rà ra đầu ngõ, vì “nhà này là nhà của tôi, sao bà cháu nó lại cứ ở đây…”.

    Không biết bố đứa trẻ là ai

    Nhìn Phan Thị Thảo Ly trắng trẻo, đáng yêu, bụ bẫm như thiên thần, như những em bé trong tranh; tôi cứ thảng thốt tự hỏi, nếu bà ngoại không nuôi cháu như nuôi con gà, con lợn, nếu mẹ không bỏ cháu đi thì cháu còn đẹp đẽ, xinh xẻo đến nhường nào? Mẹ cháu - Phan Thị Lộc - vốn “được” cả làng Phong Triều (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) xếp vào hạng “hâm”, “đơ”, “chập mạch” từ bé. Hai mươi mấy năm Lộc chỉ vẩn vơ nay chơi chỗ này, mai lang thang chốn khác. Đến một ngày, Lộc về nhà với cái bụng đã vượt mặt. Mẹ Lộc, chú thím Lộc, rồi cả hàng xóm láng giềng, ai hỏi “sao lại để cái bụng kễnh ra thế này?”, Lộc cũng trả lời cụt lủn: “Bị hiếp”. Lại hỏi tiếp, thằng ấy là thằng nào? Lộc vẫn cụt lủn: “Không biết”. 

    Đầu tháng 6 vừa rồi, Lộc trở dạ, bà Phan Thị Lợi nhờ hàng xóm giúp bà đưa con gái ra trạm y tế xã ở ngay đầu thôn. Đón con, đón cháu về nhà, Lộc cho con bú được đến ngày thứ 3 thì vùng vằng nhất định không cho bú nữa vì… “đau ti”. Nói cái lý do ấy xong, Lộc bỏ đi một mạch… đến tận bây giờ. 5 tháng rồi Lộc chưa đáo qua nhà thăm con một lần, gia đình cũng hoàn toàn không biết hiện giờ Lộc đang lang thang ngơ ngẩn nơi nào.

    Năm 1988, bà Lợi sinh ra Lộc cũng như Lộc sinh ra Ly bây giờ. Gần 60 tuổi, ai hỏi gì, trêu gì bà Lợi cũng cười. Lúc hàng xóm xúm lại cùng cám cảnh mẹ con bà cháu nhà bà Lợi, tôi hỏi mọi người có biết bố cái Lộc là ai không? Mọi người cười, vừa chua xót vừa như hài hước: “Có mà giời biết. Đến bà ấy còn chả biết bố con Lộc là ai nữa là… Không tin, nhà báo hỏi thử mà xem”. Bà Lợi ngồi, chốc chốc lại ngơ ngơ cười; nghe mọi người nói thế, bà lại cười. Tôi hỏi: “Bố cái Lộc là ông nào ấy, bà Lợi nhỉ?” Bà vẫn cười. Nụ cười hổng hoác. Cả hàm trên, hàm dưới chênh vênh, xiên xẹo được đôi ba cái răng: “Không biết đâu”. “Sao lại không biết? Bố của con mình thì phải biết chứ?”. Bà Lợi thủng thẳng: “Thì… bị hiếp mà”.

    Nhắc lại chuyện 26 năm trước, nét mặt cụ Hoàng Thị Bé (81 tuổi) như chun lại, cái mặt càng nhăn nheo; bà rủ rỉ: “Khốn khổ khốn nạn lắm. Ngày nó đẻ con Lộc, cả cái xã Nam Triều nhà tôi đói, bấy giờ cả xã hội đều đói. Thế mà, bấy giờ tôi đang là cán bộ của Hội Người cao tuổi của xã, hằng tuần phải cắp cái thúng đi khắp làng trên xóm dưới xin gạo về cho nó nuôi con”.

    Nuôi con, chăm cháu như chăn lợn, nuôi gà

    Chiều trở gió mùa, cái gió se lạnh sắt cứ thông thốc, hun hút. Bà Lợi xách chậu nhôm ra đầu ngõ, bỏ cái kiềng ba chân vào trong chậu rồi đặt cái ấm nhôm không quai ám đầy muội đen lên. Bỏ rơm rác, lá lẩu vào chậu, bà nổi lửa đun, khói bay mịt mù cả ngõ, như thể đám mục đồng hun chuột chiều đông. Tôi hỏi: “Những hôm mưa thì bà đun ở đâu?” Bà Lợi vừa thổi lửa cho nắm rơm ẩm vừa trả lời: “Mưa cũng đun ở đây”. Tôi hỏi lại: “Mưa to thì bà đun giữa giời thế này làm sao được?”. Hàng xóm lại phải giải thích: “Mưa to thì bà ấy đun ở cái nhà cũ, chậu đặt giữa bậu cửa, rơm rác, củi rả chất ngay sau lưng ấy”.

    Ấm nước sôi, bà Lợi đi vớt gạo ngâm, cho vào cối giã bèn bẹt rồi lọc lấy nước; nước ấy để nấu bột cho cái Ly. Đặt ruột nồi cơm điện lên cái kiềng, đổ nước lọc gạo vừa giã vào, đậy vung, bà lại nổi lửa, khói lại mịt mù khắp ngõ. Hàng xóm bảo, nhà chúng tôi ở bên trong, bị hun khói là chuyện như cơm bữa. Bà Lợi thổi lửa đùng đùng. Bà hàng xóm Nguyễn Thị Đào chạy lại nói như gào lên: “Có mùi bén rồi, bà không khuấy nó lên à?” Hớt hải khuấy được nồi bột thì bếp tắt, cứ để hở vung, bà Lợi lại thổi lửa phù phù, than với tro bay đầy vào nồi bột của cháu Ly.

    Các bà hàng xóm bộc tuệch: “Xin lỗi nhà báo chứ bà ấy nuôi cháu có khác gì nuôi gà, nuôi lợn đâu. Trước nuôi con thế nào thì giờ nuôi cháu đúng y như thế. Mấy hôm cháu ốm, bà ấy cũng biết đường đi lấy lá xương sông giã nát lấy nước cho nó uống chữa ho, nhưng cả ngày chỉ cho nó uống độc cái nước ấy, chứ có nước cơm hay quấy bột cho nó ăn đâu. Nước nguội đổ vào bình rồi cho cháu bú là thường ấy mà. Gạo là hàng xóm, nay người này, mai người kia cho một vài cân. Nước ăn, nước uống cũng sang nhà hàng xóm xin. Nhiều hôm thấy nhà chúng tôi đóng cửa, bà ấy cũng chả gọi, lại xách thùng ra cái giếng đầu xóm lấy nước về ăn… Không phải giếng khơi đâu, là cái giếng đào to như… cái ao con ấy. Làng tôi bỏ, không ai ăn nước giếng ấy gần hai chục năm nay rồi. Cái bà này, trông thế chứ có biết gì đâu”. Đúng là thoạt nhìn, tôi đã không nghĩ bà Lợi có vấn đề về thần kinh. Chỉ khi hỏi chuyện, khi nhìn nụ cười hổng hoác, hờ hệch của bà; chỉ khi chứng kiến bà cơm nước và chăm sóc cháu Ly, tôi mới dám chắc là bà ngơ ngẩn… nặng.

    Đại gia đình ngẩn ngơ

    Trước, hai mẹ con bà Lợi sống trong gian nhà bé tẹo teo, bé hơn cả phòng trọ 9m2 của sinh viên ngoài Hà Nội. Gian nhà toen hoẻn ấy vừa là nơi đặt bể nước, vừa là nơi đặt nhà vệ sinh, vừa là chỗ tắm giặt, cũng là cả nơi nấu nướng nữa. Chỗ ngủ thì gá tạm manh giát giường lên bốn viên gạch. Đến khi cháu Ly ra đời, cái nhà ẩm thấp, hôi hám khiến cháu viêm phổi nặng một phen, trong túi bà Lợi chẳng có đồng nào, may phúc là gặp được bác sĩ tốt bụng, tiêm cho Ly 3 mũi mà không lấy tiền. Bà Lợi sợ quá, về nói khó với cụ Tiến cho kê manh giát giường lên cái “chuồng chim” nhà cụ để ở nhờ. Nhà cụ Tiến cũng bé, cũng toen hoẻn như nhà mẹ con bà Lợi, chỉ được cái cao ráo hơn.

    Cụ Hoàng Thị Tiến năm nay 90 tuổi rồi. Ngày trẻ, cụ lấy chồng được mấy tháng, chưa kịp có con thì ông đi bộ đội đánh Pháp rồi hy sinh. Cụ đi bước nữa, sinh được 3 người con, Phan Thị Lợi, Phan Khắc Hòa đều hâm hâm, dở dở; Phan Khắc Đạt đỡ hơn thì mắt kém, mấy năm nay đã mù hẳn, chỉ ngồi một chỗ trong góc nhà. Cả đại gia đình ba, bốn thế hệ ấy, chỉ được duy nhất bà con dâu Lê Thị Phượng là khỏe mạnh bình thường. Những ngày đầu từ tít dưới Nam Trực (Nam Định) về đây làm dâu, nhìn cảnh gia đình toàn người “hâm hấp, chập mạch”, bà Phượng đã toan bỏ về quê mấy lần…

    Bà Đào bảo: “Ông Đạt đỡ “hâm” nhất, nhưng mắt mũi thế nên lấy cô vợ cũng cám để chốc vung. Có đứa con gái đi lấy chồng, được vài tháng thì nhà chồng trả về, nhìn thì bình thường, chứ có ở gần thì mới biết là cũng ngớ ngẩn. Đấy, mang cái bụng lùm lùm về đấy…”. “Còn cụ Tiến này thì cũng “ngẩn” “có số có má” ở làng…”, giọng bà Đào đay đả như oán trách cả ông trời lẫn… con người. Nhắc đến cụ Tiến, cụ Bé ời ời: “Ngày còn đi lại được, bao nhiêu năm giời bà ấy cứ cầm hai cái ống bơ sữa bò, đi từ ngoài chùa về, vừa đi vừa gõ, vừa hát loạn cả làng lên…”. Bây giờ lẩn thẩn, cụ Tiến lại càng “ngẩn”, càng “dở” nặng. Mỗi ngày vài bận cụ giơ gậy đuổi con gái và chắt ruột đi, cụ bảo “nhà này có phải là nhà của mày đâu, mày về dưới kia (cái nhà cũ của bà Lợi - PV) mà ở”. Lắm hôm, kể cả mưa gió, tay chống gậy, tay cắp cháu Ly ra đầu ngõ, cụ bảo “mang nó đi đâu thì đi, không thể để nó ở nhà tôi được”.

    Bà Lợi đã “hấp” đến độ không làm được ruộng từ mấy năm nay. Ngoài gạo nước là hàng xóm, láng giềng thay nhau đùm bọc; còn lại rau cỏ hay con cá, củ khoai đều là do bà đi… nhón ở ngoài chợ. Bà cứ ra chợ, thấy ai bán cái gì mà cần, bà muốn ăn là bà lững thững đi đến, chẳng nói chẳng rằng, bà cúi xuống nhón rồi cũng chẳng nói chẳng rằng, lững thững đi, mặc kệ người bán hàng tru tréo, giật giọng. Con gái cụ Bé bán cá ngoài chợ, ban đầu còn bảo bà Lợi rằng, chị thiếu cái gì, muốn xin ai cái gì thì chị cứ nói chứ đừng đi nhón của người ta như thế. Bà Lợi gãi đầu gãi tai, không nói không rằng, chỉ cười nụ cười hờ hệch, xiêu vẹo. Lâu dần, cả chợ ai cũng quen, ai cũng quá thương cái đại gia đình ngẩn ngơ ba, bốn đời ấy, nên họ mặc kệ cho bà Lợi muốn nhón gì thì nhón.

    Thay nhau ẵm cháu Ly, cụ Bé, bà Đào cứ xoa cái má bầu bĩnh, xinh xẻo của cháu mà xót xa: “Cháu tôi trông thì kháu khỉnh thế này, rồi chả biết có thoát được cái ngơ ngẩn truyền đời kia không…?”.

    Theo MINH TÂM (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm