Những gia tộc quyền lực của Đông Nam Á - Bài 1

Gia tộc Shinawatra chi phối chính trường Thái

Nhiều nhân vật trong dòng họ Shinawatra vẫn còn bám trụ trên chính trường nước này. Gia tộc giàu có và nổi tiếng hàng đầu Thái Lan còn nắm trong tay cả một “đế chế” kinh doanh.

Nhà có ba thủ tướng

Trong số những anh em nhà Shinawatra, nổi tiếng nhất chính là người anh thứ hai Thaksin, người em gái út Yingluck và người con rể Somchai Wongsawat. Cả ba nhân vật này đều từng giữ chức thủ tướng Thái Lan và cũng là các tâm điểm sóng gió chính trường nước này trong gần hai thập niên qua.

Với sự nhạy bén của một doanh nhân, ông Thaksin Shinawatra đã tận dụng được sự ủng hộ khổng lồ của nhóm cử tri nông thôn Thái Lan và giành được chiến thắng áp đảo cho đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) trong cuộc bầu cử năm 2001. Năm 2004, ông tiếp tục tái đắc cử thủ tướng cùng với Thai Rak Thai. Ông trở thành thủ tướng dân cử đầu tiên của Thái Lan hoàn thành tròn một nhiệm kỳ bốn năm, trước khi bị quân đội đảo chính vào năm 2006 với các cáo buộc tham nhũng và gia đình trị.

Tiếp bước ông là người em rể Somchai giữ ghế thủ tướng từ tháng 9 đến tháng 12-2008. Nhiệm kỳ ngắn ngủi của con rể nhà Shinawatra kết thúc trong bạo lực. Ông cùng ba thành viên nội các đã chấp nhận sử dụng vũ lực dẹp vụ biểu tình bao vây tòa nhà Quốc hội tháng 10-2008 của phe “áo vàng” chống nhà Shinawatra. May mắn là trong phiên xử ngày 2-8 vừa qua, ông cùng các cựu quan chức đã được Tòa án Tối cao Thái Lan kết luận không phạm tội lạm dụng quyền lực.

Nhưng sáng chói nhất trên chính trường đất nước chùa tháp lại là cô con gái út của nhà Shinawatra - “hoa hồng thép” Yingluck. Năm 2011, dù từng tuyên bố chỉ muốn tập trung kinh doanh cho gia đình, bà cuối cùng vẫn đổi ý và trở thành ứng cử viên của đảng Puea Thai tranh cử thủ tướng. Dù bị chỉ trích là bình phong của người anh Thaksin, bà vẫn giành được thắng lợi áp đảo và lập nên kỳ tích trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Trong suốt ba năm giữ chức vụ, bà đã để lại dấu ấn lớn trên chính trường Thái Lan, sử dụng chính sách trợ giá gạo quốc gia thu hút sự mến mộ của người dân vùng nông thôn và được mệnh danh là “hoa hồng thép” của chính trường người Thái. Kể cả sau khi bị đảo chính quân sự vào năm 2014 và bị chính quyền quân sự cấm hoạt động chính trị vào năm 2015, bà vẫn là tâm điểm của chính trường nước này với sự ủng hộ mạnh mẽ từ quê nhà Chiang Mai và các tỉnh phía Bắc Thái Lan.

Cựu thủ tướng Yingluck trốn khỏi Thái Lan báo hiệu hồi kết của nhà Shinawatra trên chính trường nước này. Ảnh: AFP

Cựu thủ tướng Thaksin (giữa) cùng người em gái út  của nhà Shinawatra. Ảnh: AFP

Dòng máu chính trị gia

Dòng máu làm chính trị chảy xuyên suốt trong nhiều thế hệ của dòng họ Shinawatra.

Ông Lert Shinawatra, cha của anh em Thaksin và Yingluck, là một doanh nhân thành đạt dấn bước vào con đường chính trị tại Quốc hội Thái Lan, đại diện cho tỉnh Chiang Mai - quê nhà của gia tộc nổi tiếng này. Người chú của hai cựu thủ tướng Thái Lan là ông Sujate cũng từng giữ chức thị trưởng Chiang Mai. Một người chú khác là Suraphan cũng từng tham gia Quốc hội Thái Lan, sau đó lên đến ghế thứ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan dưới thời Thủ tướng Prem Tinsulanonda vào thập niên 1980. Trong các anh em của ông Thaksin còn có cô em gái Yaowapa (62 tuổi) và em trai Payap (60 tuổi) tham gia chính trị tại tỉnh Chiang Mai.

Gốc rễ sự giàu có của dòng họ Shinawatra nằm ở “đế chế” sản xuất và buôn bán lụa tại Chiang Mai. Đến tay ông Thaksin, chuyện làm ăn của dòng họ lại càng thêm phát đạt nhờ lấn sân qua lĩnh vực viễn thông. Năm 2011, sau khi người em gái Yingluck thắng cử, khối tài sản của ông Thaksin đã tăng vọt thêm 53% lên 600 triệu USD nhờ cổ phiếu của SC Asset, công ty bất động sản gia đình Shinawatra, tăng giá gấp đôi. Điều này giúp ông Thaksin leo lên vị trí thứ 19 những người giàu nhất Thái Lan, theo Forbes.

Với tiềm lực kinh tế và sức ảnh hưởng chính trị của ông Thaksin, các đảng có sự ủng hộ của ông như Thai Rak Thai và sau đó là Puea Thai chưa từng nhận trái đắng trong tất cả cuộc bầu cử từ năm 2001 đến nay, theo Straits Times. Thế nhưng sự chi phối quá lớn của dòng họ Shinawatra và cá nhân ông Thaksin trên chính trường Thái Lan cũng chịu vô số chỉ trích từ những phe đối lập như quân đội và các nhóm lợi ích thành thị. Họ chỉ trích các chính sách lôi kéo cử tri nghèo của nhà Shinawatra là dân túy, gây chia rẽ chính trị sâu sắc ở Thái Lan. Nhiều chính khách nước này đã công khai đòi gia tộc quyền lực của Chiang Mai phải từ bỏ chính trường. Mong muốn này của những phe đối lập nhà Shinawatra sắp trở thành hiện thực.

Hồi kết của nhà Shinawatra?

Sau khi bà Yingluck bỏ trốn phiên kết luận tội danh của Tòa án Tối cao và chạy khỏi Thái Lan, dư luận nước này đổ dồn vào người em gái khác khá nổi tiếng của ông Thaksin là bà Monthatip. Tuy nhiên, người nữ doanh nhân 58 tuổi này đã nhanh chóng phủ nhận ý định dấn thân vào chính trường, khẳng định cá nhân không có bất kỳ tham vọng chính trị gì.

“Tôi muốn được sống yên ổn. Tôi là kiểu người thích một cuộc sống bình yên. Điều duy nhất tôi mơ ước cho gia đình mình là tất cả thành viên đều được hạnh phúc” - bà Monthatip trần tình cùng báo chí vào ngày 1-9 vừa qua. Bà cũng khẳng định bản thân chưa từng nghĩ đến việc kế thừa vị trí lãnh đạo đảng Puea Thai, cho rằng cá nhân mình không đủ khả năng và “vẫn có những người khác phù hợp hơn”, theo Straits Times.

Tuyên bố của bà Monthatip khiến cho nhận định của đa số chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan thêm cơ sở: Sự hiện diện trên chính trường của nhà Shinawatra đã đến hồi kết. Nếu như bà Yingluck chấp nhận đối diện Tòa án Tối cao và lãnh phán quyết 10 năm tù giam vào ngày 25-8 vừa rồi, bà sẽ trở thành một người “tử vì đạo” của đảng Puea Thai thách thức chính quyền quân sự, một hình mẫu như nữ lãnh đạo Myanmar Auu Sang Suu Kyi của riêng Thái Lan.

Thế nhưng kịch bản đó đã không xảy ra. Những người ủng hộ bà Yingluck bỡ ngỡ khi bị người anh hùng mà họ kỳ vọng “bỏ rơi” trước cửa Tòa án Tối cao tại Bangkok ngày 25-8. Đảng Puea Thai đánh mất át chủ bài chính trị là sức lôi kéo nhờ hình ảnh bà Yingluck. Còn chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha có lẽ đã thở phào nhẹ nhõm vì không phải đối phó với các cuộc biểu tình phản đối bỏ tù bà Yingluck.

Tương lai chính trị của đảng Puea Thai và dòng họ Shinawatra trở nên bất định sau nhiều thập niên chi phối chính trường Thái Lan.

Những người thừa kế

Vẫn còn những gương mặt trẻ thừa kế quyền lực chính trị và kinh tế của gia tộc Shinawatra. Nổi lên trong số đó có Yodchanan Wongsawat (37 tuổi), con trai của bà Yaowapa Shinawatra và cựu thủ tướng Somchai Wongsawat. Ông tốt nghiệp ngành kỹ sư tại ĐH Mahidol, Texas, Mỹ. Vào tháng 2-2014, Yodchanan đã đăng ký là ứng cử viên đảng Puea Thai để giúp bảo vệ chiếc ghế thành viên hội đồng lập pháp tỉnh Chiang Mai của mẹ mình. Cuộc bầu cử năm đó bị hoãn lại dưới áp lực của những người biểu tình.

Ngoài ra, kế thừa dòng họ Shinawatra còn có cháu gái của bà Yingluck là Chayika Wongnapachant (38 tuổi). Với kiến thức trong ngành quản lý tại ĐH Seatle, Mỹ, Chayika chính là người hỗ trợ bà Yingluck quản lý các hoạt động và phát ngôn trên mạng xã hội của “hoa hồng thép” Thái Lan khi bà còn giữ chức thủ tướng. Sau khi bà Yingluck bị lật đổ vào năm 2014, Chayika vẫn tiếp tục công việc của mình một cách không chính thức, duy trì sự hiện diện của bà Yingluck trên mạng xã hội. Tài khoản Twitter của Chayika có khoảng 16.800 người theo dõi. Cô mô tả bản thân “không phải là một chính trị gia, chỉ là một người làm việc trong lĩnh vực chính trị”, theo Straits Times.

________________________

Kỳ tới: Thành trì của cố độc tài Philippines

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm