Giải mã án khó và chuyện ở Văn phòng Cảnh sát điều tra

Trước năm 2004, theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989, nói đến cơ quan CSĐT, người ta nghĩ ngay một đơn vị rất nhiều quyền năng. Đơn vị cấp cục hay cấp phòng ở địa phương "bao sân" khi có quyền khởi tố, điều tra ở tất cả các hệ, loại tội phạm về trật tự xã hội: kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy… Trong khi đó, các đơn vị Cảnh sát hình sự và Cảnh sát kinh tế chỉ có nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra, chủ yếu là điều tra giai đoạn ban đầu trong hoạt động tố tụng hình sự sau đó chuyển về cơ quan CSĐT. Nhiệm vụ chính của Cảnh sát hình sự và kinh tế khi đó chỉ là tiến hành các hoạt động trinh sát để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và phối hợp với lực lượng CSĐT trong điều tra phá án.

Thấy việc "ôm" quá nhiều chức năng hẳn khó chuyên sâu, chuyên nghiệp, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 tách nhỏ các đầu mối cơ quan CSĐT theo hệ, loại tội phạm. Vậy là các đơn vị trinh sát và điều tra ban đầu được nhận thêm quyền "điều tra trọn gói" trong lĩnh vực mình phụ trách (kinh tế, hình sự, ma túy, tham nhũng). Ngược lại, cơ quan CSĐT đầy quyền năng lại trở về với chức năng chính yếu là văn phòng. Mấy năm trước, đơn vị này còn "gánh" thêm nhiệm vụ truy nã, truy tìm nhưng kể từ khi Cảnh sát truy nã, truy tìm được thành lập ở cấp Bộ và cấp phòng ở một số địa phương thì nhiệm vụ này được chuyển giao. 

Cũng lâu rồi, ít khi thấy Văn phòng CSĐT (trước gọi tắt là C16 hay PC16, nay là C44, PC44) thụ lý vụ án nổi danh nào. Năm 2006, khi vụ án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn bị phanh phui, đích thân C16 cử cán bộ thụ lý. Đây là vụ án phức tạp, khi mà cấp địa phương được cho là thiếu khách quan, cần phải giao CQĐT cấp Bộ thụ lý. Những người tham gia điều tra vụ án đất đai Đồ Sơn khi đó đã có kinh nghiệm điều tra. Vụ đó, họ làm khá thành công và chốt lại bằng bản án của tòa phúc thẩm được cho là nghiêm khắc.

Rất  nhiều vụ án phức tạp, kéo dài, án có khiếu nại, án có vi phạm tố tụng hình sự… được chuyển về Văn phòng CSĐT hoặc do những cán bộ ở đây trực tiếp nghiên cứu, cho ý kiến xử lý. Nhiều đơn vị điều tra thuộc ma túy, kinh tế, hình sự, tham nhũng tới nay khi án đã được giải quyết thấu đáo, họ hiểu rằng, nếu không có ý kiến tham vấn từ cán bộ Văn phòng CSĐT, họ đã thực sự bế tắc.

Cứ xem, những vụ án chuyển về văn phòng lấy ý kiến, đều là vụ án phức tạp, "gai góc" cả. Ví như năm 2010, C44 trực tiếp điều tra, phục hồi điều tra và điều tra lại 13 vụ, những vụ án này có nhiều ý kiến khác nhau và cần sự vào cuộc của văn phòng. Chẳng hạn, vụ Dương Văn Mai và đồng bọn can tội "đưa hối lộ", "môi giới hối lộ" ở TP HCM; vụ án buôn lậu tại sân bay Tân Sơn Nhất; vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng nông, lâm nghiệp Hà Nội…

Nhiều vụ, C44 và PC44 các địa phương "ôm" ở giai đoạn phục hồi điều tra, mà tính chất một vụ án khi phải phục hồi điều tra thì khó khăn, phức tạp thế nào khỏi luận bàn, như vụ Lý Hóc Lỷ phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Sóc Trăng; vụ Nguyễn Thành Nam, nguyên cán bộ Công an Vĩnh Long can tội "nhận hối lộ"; vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Vật tư tổng hợp Lạng Sơn...

Nhiều vụ án khi ra tòa xét xử nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp, buộc phải điều tra bổ sung, điều tra lại. Khi đó, lại cần sự có mặt của cán bộ Văn phòng CSĐT để "trợ giúp". Như vụ án Sầm Đức Xương ở Hà Giang, tới lúc xét xử rồi lại nảy ra hàng loạt yếu tố mới, Tòa giao điều tra lại, và hiển nhiên đây là lúc tìm tới "phao cứu trợ" từ Văn phòng CSĐT. Hay vụ vi phạm về môi trường của Công ty Tung Kuang ở Hải Dương, trước những ý kiến không đồng nhất về hành vi, điều luật áp dụng, lại là lĩnh vực chưa có tiền lệ khởi tố hình sự, mỗi cơ quan lập luận một kiểu. Thế nên, Văn phòng CSĐT phải cử người vào cuộc "trợ giúp".

Đến đây, nhiều người đặt vấn đề: Vì sao Văn phòng cơ quan CSĐT tưởng là nhàn việc, tại sao có thể tham gia giải quyết những vụ án "gai góc" như vậy? Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Văn phòng CSĐT có các nhiệm vụ như: kiểm tra, hướng dẫn điều tra, thẩm định hồ sơ, xác minh tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm tra, kiến nghị phục hồi điều tra, công tác tương trợ tư pháp… Nhìn những việc ấy, quả là nhọc nhằn, thế nên vụ án nào có nhiều cán bộ Văn phòng CSĐT tham gia với các đơn vị chuyên trách, người ta hiểu vụ án ấy phức tạp, đang cần họ để chung sức giải quyết. 

Án khó, khi giải mã xong rồi, tất thảy thở phào nhưng đó thực sự là hành trình nhiều lúc rất căng thẳng. Việc áp dụng luật những loại án này cũng không đơn giản bởi việc xảy ra, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là bình thường. CQĐT bảo vệ quan điểm của mình, Viện Kiểm sát cũng có lý lẽ riêng của họ, nhiều cuộc họp mỗi bên trình bày một lẽ, rốt cuộc phải chuyển tới Văn phòng CSĐT để "trưng cầu" ý kiến.

Như ở Nghệ An, trong 4 năm vừa rồi có tới 62 vụ án khi họp liên ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp có quan điểm khác nhau, đánh giá chứng cứ và xác định tội danh. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn khi xử lý.

Có vụ, trong khi cơ quan CSĐT cho rằng hành vi xảy ra không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi không phạm tội nhưng Viện Kiểm sát cùng cấp lại khẳng định đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Như vụ Nguyễn Văn Hùng, trú tại huyện Anh Sơn phạm tội "cướp tài sản" và "hủy hoại tài sản". Khi Công an huyện kết luận, chuyển VKSND cùng cấp thì viện chỉ truy tố Hùng tội "hủy hoại tài sản", bác tội "cướp tài sản" vì cho rằng hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội này. Hồ sơ vụ án được chuyển tới Văn phòng CSĐT. Sau khi nghiên cứu kỹ, lãnh đạo văn phòng đã nhận ra hướng giải quyết nào là có cơ sở, nhưng để đảm bảo khách quan, cơ quan này đề xuất tổ chức cuộc họp liên ngành Công an, Viện Kiểm sát cả cấp tỉnh và cấp huyện. Trước việc đánh giá của 4 cơ quan, các ý kiến cho rằng có đủ căn cứ xử lý tội "cướp tài sản" đối với Hùng và cơ quan cấp tỉnh cũng quyết định rút hồ sơ vụ án từ cấp huyện chuyển lên Phòng CSĐT tội phạm về TTXH để điều tra.

Nhiệm vụ thế, còn lực? Tại nhiều văn phòng có cán bộ điều tra viên cao và trung cấp, những người đã có kinh nghiệm điều tra tội phạm khi văn phòng còn là đơn vị điều tra đầy quyền năng. Khi thu gọn quyền năng của C16, PC16 cũ, họ vẫn ở lại. Chính kinh nghiệm quý giá ấy giúp họ có tầm nhìn và có cách xử lý phù hợp với các án khó. Thêm nữa, với đầu mối tổng hợp, nghiên cứu hồ sơ điều tra cũng giúp họ tích lũy nhiều kinh nghiệm điều tra, xử lý án khó. Và cứ giữa năm, cuối năm, cán bộ điều tra có kinh nghiệm ở Văn phòng CSĐT lại "ôm cặp" đi nắm tình hình và hướng dẫn xử lý án ở các địa phương, bộ thì về tỉnh, tỉnh về huyện.

"Dẫu rằng chúng tôi không có chức năng chỉ đạo trực tiếp các đơn vị nghiệp vụ để buộc họ phải làm theo hay không làm theo, nhưng các kinh nghiệm trong hướng dẫn điều tra, xử lý án khiến anh em đều tôn trọng, tiếp thu ý kiến" - một cán bộ Văn phòng CSĐT Công an Nghệ An giãi bày. Có điều, trang, thiết bị và phụ cấp của anh em ở các Văn phòng CSĐT thật khiêm tốn.

Theo Đ.Trường (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm