Giải mã vụ nổ súng chấn động nước Anh

Chỉ bốn ngày sau vụ xả súng kinh hoàng ở hộp đêm đồng tính Pulse tại TP Orlando (Mỹ) làm 49 người thiệt mạng, một nữ nghị sĩ Anh cũng bị tấn công bằng cả súng và dao ngay trước mắt các cử tri của mình. Nếu như vụ thảm sát đẫm máu tại Mỹ ngày 12-6 đã làm “sống lại” các tranh cãi dai dẳng về luật súng tại Mỹ thì vụ tấn công ngày 16-6 lại khiến người dân nước Anh bàng hoàng kinh ngạc, bởi Anh vốn là quốc gia có luật sở hữu súng nghiêm ngặt bậc nhất phương Tây.

Khẩu súng làm nước Anh rúng động

Nữ nghị sĩ Anh Jo Cox, thuộc phía Công đảng, bị một đối tượng bắn và đâm nhiều nhát khi đang gặp gỡ cử tri ở vùng phía bắc TP Leeds vào ngày 16-6. Cảnh sát Anh sau đó thông báo nữ nghị sĩ 41 tuổi này đã qua đời vì bị thương quá nặng.

Theo tờ The Guardian, Jo Cox là một nữ nghị sĩ đã đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của người nhập cư Syria tại Anh và các vấn đề nhân quyền tại đất nước Syria, hiện vẫn còn đang chìm trong nội chiến và sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Nữ nghị sĩ này cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ các vấn đề bình đẳng giới và phúc lợi cho phụ nữ.

Các vụ tấn công nhắm vào chính trị gia tại Anh rất hiếm khi xảy ra và việc đối tượng sử dụng súng để tấn công bà Jo Cox càng khiến người Anh bàng hoàng hơn nữa. Toàn bộ các thành viên trong Liên hiệp Anh đều có luật súng vô cùng nghiêm ngặt khiến cho việc sở hữu một khẩu súng là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, tỉ lệ các vụ án có liên quan đến súng tại Anh cũng rất thấp.

“Về các loại súng được cấp phép sở hữu, các biện pháp và yêu cầu kiểm tra lý lịch để sở hữu súng, và mức án phạt đối với sở hữu hay sử dụng súng trái phép, nước Anh là một trong những nơi nghiêm khắc nhất trên cả châu Âu” - bà Helen Poole, chuyên gia nghiên cứu về luật súng trong Liên minh châu Âu, trả lời với tờ The Washington Post.

Chính phủ Anh đã thắt chặt tất cả bộ luật quản lý sử dụng súng của đất nước kể từ sau vụ xả súng đẫm máu tháng 3-1996 tại thị trấn Dunblane, Scotland. Thomans Hamilton, một cựu hướng đạo sinh, đã dùng súng ngắn tấn công một trường tiểu học, bắn chết 16 em học sinh và một giáo viên. Vụ việc đã làm bùng lên một làn sóng phẫn nộ trên toàn Liên hiệp Anh. Một đơn kiến nghị với hơn 750.000 chữ ký đã được tập hợp, yêu cầu chính phủ Anh cấm hoàn toàn việc sở hữu cá nhân và sử dụng súng ngắn tại nước này.

Hiện trường vụ nữ nghị sĩ Anh Jo Cox bị bắn và đâm chết tại ngoại ô TP Leeds làm cả nước Anh chấn động. Ảnh: AFP

Tại Anh, một khẩu súng ngắn được bán với giá cao hơn tại Mỹ gấp 10 lần. Ảnh: GETTY

Trước cả vụ việc năm 1996, chính phủ Anh cũng đã cấm tiệt việc sở hữu và sử dụng các loại súng bán tự động. Quyết định được đưa ra sau vụ xả súng bằng vũ khí bán tự động, xảy ra tại thị trấn Berkshire năm 1987, làm tổng cộng 16 người thiệt mạng. Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh John Major và sau đó là của ông Tony Blair đã từng bước tiến đến hoàn thiện các đạo luật quản lý sở hữu súng tại Anh. Hiện chỉ còn hoạt động bắn súng trường thể thao hoặc đi săn được xem là sử dụng súng hợp pháp tại Anh, theo The Guardian.

Hiện nay, súng ngắn tại Anh được bán với giá đắt gấp 10 lần tại Mỹ, nguyên nhân chính là vì nguồn cung quá khan hiếm. Theo tờ The Economist, cảnh sát Anh còn ghi nhận có trường hợp cùng một khẩu súng được hai băng đảng sử dụng trong các lần khác nhau để thực hiện các vụ “thanh lý” lẫn nhau. Cảnh sát Anh cho biết các băng đảng này phải thuê súng từ cùng một bên thứ ba trong TP. Theo báo cáo của tờ The Washington Post, trong vòng 17 năm kể từ sau vụ xả súng đẫm máu tại Dunblane đã có tổng cộng 200.000 khẩu súng và hơn 700 tấn đạn dược được thu hồi tại Anh. Các loại vũ khí quân dụng và đại đa số các mẫu súng ngắn đều bị cấm sở hữu, bao gồm cả các mẫu súng ngắn dùng để thi đấu Olympic.

Còn súng còn nỗi lo

Theo số liệu cuối năm 2015 tại chính phủ Anh, hiện có 1.338.399 khẩu súng trường được cấp phép tại Anh và xứ Wales và hơn 500.000 khẩu thuộc các loại súng khác. Hiện tại Anh vẫn có hơn 580.000 người được cấp phép sở hữu súng trường và hơn 150.000 người được cấp phép sử dụng một số loại súng khác. Theo The Washington Post, đa số những người này sống ở các vùng đồng quê và sử dụng súng để bảo vệ đất nông trại hoặc chơi bắn súng nhắm bia giải trí.

Tuy nhiên, vụ tấn công nữ nghị sĩ Jo Cox ngày 16-6 vừa qua đã một lần nữa nhắc nhở nước Anh rằng còn súng là còn nỗi lo. Trả lời hãng tin Sky News, nhân chứng của vụ án Hichem Ben Abdallah cho biết khẩu súng được sử dụng để bắn nữ nghị sĩ có vẻ là một mẫu súng trường cổ hoặc đã được chỉnh sửa lại. “Nó trông giống như một khẩu súng từ Thế chiến thứ nhất, hay có vẻ là một khẩu súng tự chế. Khẩu súng hắn sử dụng không giống bất kỳ khẩu súng nào mà chúng ta thường thấy” - Abdallah cho biết. Nghi phạm bị bắt giữ trong vụ việc, Tommy Mair, được cho là đã mua các loại sách hướng dẫn tự chế tạo súng từ một tổ chức theo trường phái tân phát xít tại Mỹ, tờ The Independent cho biết.

Trước hệ thống quản lý súng nghiêm ngặt của chính phủ, nhiều nhóm tội phạm tại Anh hiện nay phải tìm đến các loại vũ khí cũ và tái chế. Tờ Birmingham Mail năm 2014 cho biết các nhóm tội phạm trong TP phải sử dụng các loại vũ khí nhiều lúc “hơn 100 năm tuổi”. Trong loạt bạo động năm 2011 tại Birmingham, các chuyên gia phát hiện một khẩu súng lục chế tạo từ thế kỷ 19 của Pháp đã được sử dụng. Các loại súng bắn pháo sáng và súng giả cũng được các nhóm tội phạm cải tiến để tăng độ sát thương.

Xóa sổ súng quân dụng

Khác với vụ nổ súng tại Anh gây nên cái chết của nữ nghị sĩ Jo Cox, vụ xả súng đẫm máu tại TP Orlando (Mỹ) được hung thủ Omar Mateen thực hiện bằng mẫu súng bán tự động AR-15. Loại súng quân dụng này tại Mỹ thậm chí có thể mua dễ dàng qua mạng mà chỉ tốn 38 phút đăng ký, theo Huffington Post. Trong khi đó tại Anh, các mẫu súng quân dụng đều bị xóa sổ khỏi thị trường. Theo tờ Time, những người muốn sở hữu súng trường tại Anh sẽ buộc phải tốn rất nhiều thời gian và đáp ứng nhiều yêu cầu kiểm tra an ninh, trong đó có một cuộc phỏng vấn trực tiếp với cảnh sát về nguyên nhân cần sở hữu súng. Những câu trả lời như mua súng để tự vệ đều không được chấp nhận.

Sự khác biệt so với Mỹ

Theo tờ The Wall Street Journal, số vụ án giết người sử dụng súng tại Anh và xứ Wales trong năm 2014 chỉ có 21 vụ. Con số này một thập niên về trước cũng chỉ có 73 vụ.

Có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt nếu đối chiếu với nước Mỹ. Trang phân tích Vox thống kê, vào cùng ngày xảy ra vụ xả súng đẫm máu tại Orlando, cả nước Mỹ có đến 43 vụ nổ súng. Từ đầu năm 2016 đến nay, Mỹ đã có đến 133 vụ nổ súng tại địa điểm công cộng, theo Vox.

Theo ĐH Sydney, tỉ lệ các vụ án giết người có sử dụng súng tại Anh chỉ là 0,06/100.000 người, con số này thấp hơn nhiều so với Pháp là 0,6 và tại Mỹ là 3,4. Tại Anh, đa số các sĩ quan cảnh sát hoạt động thường xuyên thậm chí còn không được trang bị vũ khí, theo Wall Street Journal. Cảnh sát chỉ được trang bị vũ khí và các đơn vị cảnh sát vũ trang hạng nặng khi có lệnh ứng phó các tình huống đặc biệt. Việc cấp phép sử dụng súng cũng rất khó khăn. Tỉ lệ súng được cấp phép tại Anh chỉ vào khoảng 6,7/100 người. Còn tại Mỹ, con số này lên đến 101 khẩu súng/100 người, theo ĐH Sydney.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm