Hãi hùng đống xương trong khe đá

Thực ra, khu vực Thung Lũng Tình Yêu đã từng có nhiều người xuống. Nếu đi đúng theo con đường tham quan, không vòng vèo ngóc ngách tìm xương, thì không khó khăn lắm để đến địa danh này. Họ để lại những hình vẽ, tên tuổi, ngày xuống động thám hiểm. Càng đi sâu, thấy tên khắc trên vách đá càng ít dần và qua khu vực Thung Lũng Tình Yêu một đoạn, thì mất hẳn. Ở độ sâu này cũng không thấy sự xuất hiện của dơi.

Một vài địa điểm ở sâu thấy vết chữ viết rất cũ, mờ, và nếu đúng như thông tin ghi trên các phiến đá, thì có người xuống hang sâu vào năm 1938. Một số người chinh phục vào các năm 40, 50 của thế kỷ trước cũng để lại dấu tích.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 1

Một số chữ Nho dưới hang sâu

Có một vách đá toàn là chữ Nho đã mờ, nhưng nhìn cách trình bày thì giống như một bài thơ. Nét chữ cũng mềm mại, đẹp như chữ thảo.

Từ Thung Lũng Tình Yêu, leo trèo chừng vài chục phút, vượt qua một vách đá khá cao, thì lại hiện ra một khu vực có nhiều ngóc ngách. Có ngách lớn, có ngách chỉ lách vừa người. Quan sát nền đất và vách đá, tôi cảm nhận rằng, đã nhiều năm nay, không có người xuống khu vực này, vì không thấy để lại dấu vết gì cả.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 2

Đoàn thám hiểm chúng tôi đang loay hoay không biết tiếp tục đi theo hướng nào, thì Chiến – thành viên của đoàn thám hiểm mang đến cho tôi một… khúc xương.

Quả thực, nếu ở hoàn cảnh bình thường, nhìn thấy khúc xương người này, mọi người phải ớn lạnh, rùng mình, thậm chí sợ hãi, bịt mũi, chạy xa. Thế nhưng, ngược lại, ai cũng hào hứng, vui vẻ. Hỏi Chiến tìm thấy khúc xương ở đâu, Chiến bảo ở một khe hẹp, chui rất khó.

Chúng tôi thả dây, bám theo chân Chiến. Đó là một vách đá nhỏ xíu, cao chừng 3 mét, nhưng chiều rộng chỉ cỡ 40cm, vừa một người nhỏ lách vào.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 3

Chiến dẫn đường lách vào khe đá có chứa nhiều hang cốt

Lần lượt từng người, theo sự dẫn đường của Chiến lách vào ngách nhỏ xíu đó. Có chỗ, phải nằm rạp xuống bò mới qua được, có chỗ vừa dạng vừa nhún chân để tránh va đầu và lách người nghênh ngang theo kiểu cua càng mới vào được.

Sau khi nhìn vào ngách hang, rồi nhìn tôi, mọi người đều lắc đầu, khẳng định tôi không vào được. Tuy nhiên, muốn tận mắt đống xương như lời Chiến tả, tôi cứ liều chui vào vách đá.

Lách mình đến giữa vách đá, tôi có cảm giác như ngộp thở. Có đoạn, phải thóp bụng, đẩy mạnh, cơ thể hơn 70kg của tôi mới trượt qua được. Cảm giác này thật sợ hãi. Nếu bị mắc vào vách đá, rơi vào cảnh vào không được, ra không xong, thì không hiểu phải làm thế nào.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 4

Vố số xương cốt trong khe đá

Lần lách từng tí một, rồi tôi cũng vượt qua được vách đá. Phía cuối vách đá sâu ngót 10 mét này có một khoảng trống rộng chừng 2 mét vuông. Khoảng không chỉ có thế, mà nhét đủ 6 người.

Đoàn thám hiểm chúng tôi phải đứng ngồi rất cẩn thận mới không dẫm vào xương. Xương cốt trải kín mặt đất, kín khoảng không gian phía cuối của khe hẹp và đủ các loại xương, từ xương sườn, xương ống tay, xương ống chân, xương ngón tay, ngón chân, xương chậu, xương cột sống…

Nếu cứ ngồi nhặt từng mẩu xương mà đếm, bới đất mà đếm, từ khúc to đến mẩu nhỏ, có lẽ đếm cả ngày không hết được xương trong vách đá nhỏ xíu này. Có lẽ, có đến cả ngàn mẩu xương tụ lại trong đó.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 5

Tuyệt nhiên không có xương sọ trong khe đá 

Qua quan sát các loại xương, tôi nhận thấy có rất nhiều người chết trong hốc đá này. Nhưng điều lạ hơn là không có hộp sọ nào, cho dù các loại xương đều có đủ. Chả lẽ hộp sọ đã bị tiêu hủy? Hay người xưa đã nhặt hộp sọ lên bể xương? Nếu người xưa đã nhặt hộp sọ lên, thì cũng phải nhặt những khúc xương lớn lên chứ? Còn vô vàn những câu hỏi không có lời giải đáp trong cái khe hẹp chứa vô số xương cốt này.

Nhưng điều lạ nhất không phải đống xương thiếu những hộp sọ, mà đống xương này không nằm theo hình hài, trật tự. Xương nằm lẫn lộn, chồng đống lên nhau.

Và một câu hỏi khó nhất, đó là, tại sao người xưa lại chui vào cái khe hẹp này, để rồi cùng chết trong đó? Tại sao họ không nằm trên phiến đá, nằm ở một góc động rộng rãi để chết, lại chui tọt vào cái khe ngách bé xíu này, để rồi chết chồng đống trong đó?

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 6

Xương hông

Đang miên man với câu hỏi đó, thì Hiệp bảo: “Hay là họ chui vào đây thám hiểm như chúng ta, rồi không ra được, rồi thiếu ôxi nên đã chết?”. Hiệp nói xong câu đó, tôi chợt thấy tức ở ngực. Ở độ sâu này, ôxi thiếu, khí độc nhiều, khe hang lại hẹp, không có sự lưu thông của không khí, nên nhiều người ở lâu trong khe hẹp, dẫn đến khó thở cũng là điều dễ hiểu. Sau khi chụp vài tấm ảnh, chúng tôi lần lượt tìm cách thoát ra khỏi khe đá bé xíu chứa đầy hài cốt này.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 7

Anh chàng Chiến như kẻ thèm... xương. Ảnh: Bá Hiệp

Khi chúng tôi đã thoát cả ra ngoài, thì anh chàng Chiến cứ lúi húi trong khe đá, vun xương lại thành một đống. Ý định của Chiến là sẽ gom đống xương này vào balô để đưa lên bể xương. Tuy nhiên, tôi đưa ra ý kiến cứ để các cụ nằm trong hốc đá đó, để các cụ được yên nghỉ ngàn thu. Các cụ trên bể xương còn khổ hơn, bị con cháu đè ra kiếm tiền, lại chịu cảnh ồn ào, ô nhiễm, bị khách tham quan ném tiền, xả rác vào trong bể. Ngoài ra, để xương ở đó, sau này các nhà khoa học vào hang, còn có thứ để nghiên cứu. Sau cuộc thống nhất này, chúng tôi không tiến hành gom xương, không di chuyển vị trí xương cốt, mà chỉ ghi lại hình ảnh.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 8

Xương đùi

Nhóm thám hiểm ví Chiến như kẻ… thèm xương, khi anh chàng tạo đủ các dáng điệu bên đống xương trong hang núi để chúng tôi chụp ảnh.

Rời khe đá rùng rợn với cả đống xương chứa đựng rất nhiều câu hỏi bí ẩn, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đường đi tiếp.

Đang lần tay bám vào vách đá để đu người lên, tôi nắm ngay phải một… khúc xương. Nhoi người lên, tôi thấy có 2 khúc xương ống chân nằm chon von trên đỉnh một tảng đá. Lại là một câu chuyện lạ lùng, lại là một dấu hỏi to tướng: Tại sao lại có hai khúc xương chân nằm trên mỏm tảng đá chênh vênh trên vách động. Lần tìm xung quanh tảng đá, tôi phát hiện đủ các loại xương, nằm rải rác ở các khe đá. Những mẩu xương lớn nhỏ trắng hếu. Ráp những mẩu xương này lại thì có vẻ như là của một người đã chết ở khu vực này.

Hãi hùng đống xương trong khe đá ảnh 9

Khúc xương nằm trên mỏm một tảng đá

Đoàn thám hiểm chúng tôi, toàn những người không có chuyên môn khảo cổ, nhân trắc học, cũng liều đưa ra một dự đoán: Phải chẳng, một người nằm chết trên nóc tảng đá này (có thể chết vì ngã, vì đói…). Sau khi da thịt tiêu hết, xương cốt rã ra, rơi lả tả xuống xung quanh tảng đá? Nhưng lại một câu hỏi nữa ám ảnh: Xương sọ của người này đâu? Chúng tôi đã lần từng hốc đá quanh khu vực có bộ xương, song tuyệt nhiên không tìm thấy hộp sọ đâu cả.

(Còn tiếp)

Theo Phạm Ngọc Dương (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm