Hẩm hiu nơi “phố không chồng”

“Xin” con để bớt cô quạnh

Chúng tôi ghé thăm những người phụ nữ nơi “phố không chồng” khi ánh đèn đường đã bật sáng. Bởi ban ngày, các chị phải tản ra khắp nẻo phố phường để mưu sinh. Người phụ hồ, người bán vé số, người lượm ve chai… Họ làm đủ nghề, nhặt nhạnh mọi thứ có thể kiếm ra tiền để nuôi con. “Sung sướng gì hả chú. Cái phận nó bạc nên kiếp này chẳng ông mối bà mai nào xe duyên được, cứ sớm hôm thui thủi” - chị Hồ Thị T. (40 tuổi) bộc bạch. Trên chiếc xe lăn, chị T. thân gái một mình tìm đến “phố không chồng” từ lâu lắm rồi. Tại đây, chị cũng đã có niềm vui mới khi “xin” được một mụn con, năm nay cháu bé cũng đã lên bốn tuổi.

Hẩm hiu nơi “phố không chồng” ảnh 1

Các chị T., M., X. ở “phố không chồng”. Ảnh: LÊ PHI

Giống chị T., các chị M., L… cũng không chồng nhưng đều có con. Đó là kết quả của những lần “va quẹt” giữa các chị với bác thợ hồ, anh xích lô nào đó trong thành phố. Sợ tuổi già cô quạnh, các chị nhắm mắt “xin” con mặc cho người đời dị nghị. Chị Đặng Thị M. (47 tuổi), một tiền bối trong “phố không chồng”, tâm sự: “May còn lũ trẻ để mình thấy vui mà tiếp tục sống. Chứ cứ đơn độc một mình về già chẳng ai chăm sóc thì khổ lắm”.

Với nếp nghĩ ấy của những người phụ nữ nơi “phố không chồng”, hơn trăm đứa trẻ nơi đây được sinh ra và sống cảnh không cha. Nhiều em hồn nhiên hỏi mẹ chúng về cha và đều nhận được câu trả lời muôn thuở: “Cha con mất rồi!”. Sống không lai lịch rõ ràng, nhiều em tự khép kín, co mình lại trong mối quan hệ với những đứa trẻ khác. “Nhiều lúc bạn bè nói em là con không cha, em buồn lắm. Những lúc ấy chỉ muốn nghỉ học cho xong nhưng lại sợ mẹ buồn” - em D. 12 tuổi, buồn kể.

Hẩm hiu nơi “phố không chồng” ảnh 2

Bé D. lớn lên nhưng không biết mặt cha. Ảnh: LÊ PHI

Ở “phố không chồng”, cùng một mẹ mà anh mang họ Trần nhưng em lại mang họ Nguyễn là chuyện bình thường. Bởi mẹ chúng đã “xin” con của hai người đàn ông khác nhau. Không muốn mất đi gốc gác con mình, các chị vẫn giữ họ tên ba cho mỗi đứa để làm… “kỷ niệm”.

Những mảnh đời chắp vá

Vuốt nhẹ mái tóc ngả màu, chị M. tâm sự với giọng đượm buồn: “Gia đình bỏ rơi, người thân không chấp nhận, về già lấy ai phụng dưỡng, chết rồi lấy ai thờ phụng. Thôi đành xin người ta đứa con…”. Lặng thinh một đoạn, chị Nguyễn L. (32 tuổi) nghẹn ngào tiếp lời: “Ngày xưa tôi cũng có bao nhiêu người theo đuổi, thế mà bây giờ vẫn đơn độc. Cuộc đời bạc thật! Nếu không có con thơ chắc tôi cũng chẳng thiết sống làm gì”.

Chị L. có vẻ khép mình hơn khi gặp chúng tôi. L. luôn mang bên mình một chiếc mũ rộng vành, mặc chiếc áo cao cổ để giấu đi khuôn mặt bỏng xăng có thể làm cho người khác sợ hãi. Chính vết bỏng đó làm chị mặc cảm với đời và luôn né tránh người khác. Nhìn đứa con 11 tuổi với ánh mắt hạnh phúc, L. kể về quê mình, về những mối tình ngày xưa. Cũng vì bạc phận mà chị phải trôi dạt đến “phố không chồng”, hằng ngày sống nhờ đồng lương làm gia công hàng vàng mã cho mấy cơ sở gần nhà.

Hẩm hiu nơi “phố không chồng” ảnh 3

Chị L. kể về cuộc đời mình. Ảnh: LÊ PHI

So với những phụ nữ khác, có lẽ cuộc đời của chị Trần Thị Thanh X. (27 tuổi) còn có chút gì may mắn, vì ít ra chị cũng đã từng bước lên xe hoa về nhà chồng khi tuổi tròn 20. Sau bốn năm sống cảnh vợ chồng yên ấm với hai mặt con, ông trời đã cướp đi người chồng thân yêu của chị. Từ đó, chị mang con lên “phố không chồng”, sống trong cảnh đùm bọc yêu thương của những người đồng cảnh ngộ.

Không chồng hoặc chồng chết, những phụ nữ bạc phận đành tự kiếm con với người xa lạ để tìm chút an ủi lúc xế chiều.

Những ngày đầu, phụ nữ đến “phố không chồng” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rồi tên phố được truyền tai nhau qua những quán nước vỉa hè khiến “phố không chồng” ngày càng tăng dân số. Có những người phụ nữ không chồng ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng lặn lội đến đây tìm chỗ trú chân để sống nốt phần đời còn lại. 126 căn nhà liền kề nằm san sát nhau, tựa như chính chủ nhân của chúng đang hằng ngày vẫn tựa lưng vào nhau để sống.

Nhớ giùm mặt cha cho con còn đỡ, nhiều chị thậm chí còn không nhớ nổi khuôn mặt người đàn ông mà mình đã “va quẹt” để có được mụn con. Rời “phố không chồng”, chúng tôi chợt rùng mình. Biết đâu, sẽ có những đứa trẻ cùng cha khác mẹ nhưng không được biết nhau. Chúng sẽ lớn lên, run rủi gặp nhau và biết đâu lại vội vã “va quẹt” mà không biết mình cùng chung dòng máu.

LÊ PHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm