Kathmandu: Ranh giới hy vọng và tuyệt vọng

Ngày 29-4, hãng tin CNN đã đăng tải những bức ảnh đầy xúc động về một đứa bé mới chỉ bốn tháng tuổi, được giải thoát sau ít nhất 22 tiếng đồng hồ chôn vùi dưới nhiều lớp gạch đá. Theo hãng tin Nepal Today, trong thời gian giải cứu đứa bé, lực lượng quân đội Nepal đã có lúc bỏ cuộc thật sự và chuẩn bị dời sang địa điểm cứu hộ khác khi nghĩ rằng đứa bé đã chết. Thế nhưng khi nghe thấy tiếng khóc bất ngờ vang lên, họ lại lao trở vào hiện trường, chạy đua với tử thần để giải cứu sinh linh bé nhỏ. Được biết đứa bé sơ sinh hiện đã trong tình trạng ổn định và em cũng không phát hiện chấn thương.

Những cuộc giải cứu thần kỳ

Lại thêm một phép màu khác giữa cơn ác mộng Nepal. Hãng tin India Times (Ấn Độ) cũng cho biết một người đàn ông 28 tuổi, Rishi Khanal, đã may mắn được giải thoát sau gần 82 tiếng đồng hồ bị chôn vùi dưới đống gạch vụn. Sau gần 10 tiếng giải cứu không mệt mỏi, nhóm cứu hộ thuộc Lực lượng Cảnh sát vũ trang Pháp (APF) đã giải thoát được cho Rishi.

Ở một khu vực khác cũng tại thủ đô Kathmandu, hãng tin CNN đã kể lại câu chuyện của cô Sitoula, một người phụ nữ 40 tuổi người Nepal vẫn sống sót một cách kỳ diệu sau gần 36 tiếng đồng hồ bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Căn nhà năm tầng nơi cô sống đã đổ sụp do tác động của một đợt dư chấn. Đội tìm kiếm cứu hộ của Ấn Độ đã thực hiện thành công cuộc giải thoát và đưa cô an toàn lên mặt đất. Sitoula kể lại trong suốt thời gian bị chôn vùi, cô vẫn luôn tin tưởng rằng chắc chắn mình sẽ sống sót qua thảm họa khủng khiếp này. Trong suốt khoảng thời gian nạn nhân nằm dưới đống gạch đá, chồng cô đã kêu cứu không ngừng trong hàng giờ liền và liên tục tìm cách giữ liên lạc với vợ mình bên dưới lớp gạch đá.

Gần 18 tiếng sau khi căn nhà của Sitoula đổ sụp, đội cứu hộ của Ấn Độ mang theo các dụng cụ cần thiết mới đến được hiện trường. Sitoula cuối cùng đã được giải thoát và không gặp phải một chấn thương nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn như thế. Được biết còn có 10 người khác mắc kẹt trong tòa nhà của Sitoula vào thời điểm sụp đổ. Một đội chó nghiệp vụ của Pháp đã được đưa đến hiện trường nhưng không thể nào đánh hơi xác định còn người nào sống sót hay không.

Lều tạm dựng lên khắp Kathmandu. Ảnh: Cẩm Tú

Phẫn nộ vì cứu trợ chậm trễ

Những câu chuyện về những cuộc giải thoát kỳ diệu nêu trên là quá nhỏ để quên đi thực tại rằng: Nepal vẫn đang chìm trong chuỗi ngày đen tối nhất lịch sử nước này. Theo thống kê, đến chiều 29-4, Bộ Nội vụ Nepal đã xác nhận số người chết lên đến 5.507 người, cùng với hơn 10.000 người bị thương.

Theo hãng tin India Times, các chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã đến được vùng tâm chấn của trận động đất, thế nhưng tốc độ phân phát hàng cứu trợ đến tay người dân vẫn còn quá chậm. Thông tin về cứu trợ vẫn chưa được tổ chức hiệu quả và bắt đầu có hiện tượng “giật dây” nhằm lấy trước các hàng hóa cứu trợ cho người gặp nạn. Điều này đã khiến cho dân chúng phẫn nộ. Theo tờ The Guardian, khoảng 200 người đã tổ chức chặn đường tại thủ đô Kathmandu. Họ phẫn nộ vì không được sắp xếp lên các chuyến xe buýt miễn phí đưa người tị nạn ra khỏi thủ đô. Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và xô xát xảy ra song không có vụ bắt giữ nào.

Có một số báo cáo khẳng định người dân tại quận Dolakha của thủ đô Kathmandu đã phá cửa, tràn vào các văn phòng chính phủ đòi nhanh chóng được cung cấp hàng viện trợ. Một quan chức địa phương, ông Prem Lal Lamichhane, cho biết: “Hàng trăm người đã tràn vào cơ quan chính phủ và hôi của. Người dân đòi hỏi chúng tôi cung cấp lều, thực phẩm và nước sạch. Nhưng thật sự trung tâm vẫn chưa gửi bất cứ thứ gì cho chúng tôi để tiến hành cứu trợ”. Theo tờ The Guardian, dân chúng đang phẫn nộ trước những phản ứng chậm chạp của chính quyền Nepal và tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một vài quận khác của Kathmandu. Các quan chức địa phương mô tả mỗi khi một chuyến hàng cứu trợ đến được khu tập trung, cảnh tượng lại trở nên vô cùng hỗn loạn. New York Times đã cảnh báo chính phủ Nepal cần chuẩn bị tinh thần đối phó với các tình trạng hôi của và hỗn loạn tranh giành hàng viện trợ trong tương lai gần.

Chạy trốn trong tuyệt vọng

Trong khi đó, Nepal cũng đang chuẩn bị đối mặt với làn sóng có thể lên đến 300.000 người di tản ra khỏi thủ đô Kathmandu và các vùng gần tâm chấn, vốn đang thiếu thốn các điều kiện sống cơ bản như điện và nước sạch, đến những vùng làng quê hoặc quốc gia khác. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nepal, hiện đã có gần 100.000 người tháo chạy khỏi thủ đô Kathmandu, nơi đang chìm trong tình trạng hỗn loạn, không còn pháp luật, dịch bệnh bắt đầu lây lan và các đợt dư chấn vẫn không ngừng tiếp diễn.

Hiện đang có hàng ngàn người xếp hàng vây quanh tòa nhà Quốc hội Nepal, hy vọng được phân phát vé xe buýt để rời khỏi thung lũng Kathmandu và di chuyển đến những nơi an toàn hơn. Tại một trạm kiểm soát trên cao tốc ngoại ô thủ đô Kathmandu, từ 5 giờ sáng 29-4, các nhân viên ghi nhận đã có hơn 300 xe buýt và xe đò các loại đi ngang qua nơi này, gấp 10 lần số chuyến xe thông thường hằng ngày. Chính quyền Nepal cũng đã bắt đầu cung cấp vé xe miễn phí. Các nghiệp đoàn vận tải hành khách cũng đã gấp rút điều chỉnh giá xe.

TRUNG NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm