'Kẻ ăn mày tử tế' và hành trình đi bộ 1.700 km

Dự án kêu gọi cộng đồng chung tay góp sách để xây dựng những tủ sách cho trẻ em nông thôn được thực hiện 8 năm qua.

Đi bộ từ Bắc vào Nam

Như vậy là Thạch đã hoàn thành 1.700 km với 122 ngày trên chặng đường Hà Nội – Sài Gòn. Thạch về đến Đại học học Nông Lâm ngày 18-6 và trong chiều qua, anh đã có buổi nói chuyện với sinh viên tại đây về hành trình của mình. Chiều nay 20-6, Thạch sẽ tặng sách cho công nhân trên địa bàn quận 12.

Vừa về đến TP.HCM, Nguyễn Quang Thạch được hai sinh viên trường Đại học Nông lâm đón tiếp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khởi hành vào ngày mùng 1 Tết, mỗi ngày Thạch đi bộ khoảng 6 tiếng từ Bắc vào Nam. Trên đường đi, anh ghé thăm và tặng sách cho các trường học, thực hiện các cuộc phỏng vấn với học sinh và phụ huynh về việc đọc sách. Anh cho biết, điều anh băn khoăn, trăn trở nhất là nhiều thư viện trường học không cho học sinh mượn sách về nhà. Phỏng vấn dọc quốc lộ, học sinh đọc sách rất ít. Loại sách được các em nhắc đến nhiều nhất là truyện tranh, phổ biến là Doraemon và Conan.

18 năm bền bỉ, kiên gan theo đuổi mục tiêu để trẻ em nông thôn được đọc sách. Cho đến thời điểm hiện tại, thành tựu lớn nhất Thạch nhận thấy được là sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc. Rất nhiều người đã gọi cho anh, nhờ tư vấn để họ tự tổ chức tủ sách ở làng, xã, gia đình họ.

Mắt yếu nhưng tâm sáng

Trở ngại lớn nhất trên hành trình của Thạch là đôi mắt. Anh đã bị hỏng một mắt, mắt còn lại yếu. Khi vào đến Quảng Trị, anh đã phải nghỉ mất 4 ngày vì đau mắt. Tuy nhiên, anh vẫn một mình làm mọi việc: đi bộ, phỏng vấn, tặng sách, cập nhật hành trình trên trang cá nhân, trả lời tư vấn thực hiện tủ sách… Anh cho biết, muốn tự làm để nắm tất cả quy trình, thiết lập hệ thống, sau đó sẽ chuyển giao, chia sẻ với toàn xã hội.

Xem việc mang sách đến cho trẻ em nông thôn là một sứ mệnh, Thạch mong muốn thúc đẩy nhanh, hoàn thành sứ mệnh của mình bởi anh lo lắng đến lúc sẽ không còn nhìn thấy được nữa. “Lỡ nó có mù đi nữa mình phải làm cách khác”, Thạch nói, không hề đề cập đến chuyện bỏ cuộc, hay dừng lại.

Không phủ nhận biệt danh “ăn mày sách”, Thạch luôn dặn mình đã “ăn mày” từ người khác thì phải làm cho tử tế. Thạch nói hành trình của kẻ “ăn mày sách” mới chỉ là sự khởi đầu cho việc đem sách đến cho trẻ em nông thôn bởi theo anh hơn 15 ngàn trẻ em mầm non, tiểu học, THCS, PTTH ở nông thôn đang cần nghe sách và được đọc sách.

Ước tính có khoảng 3.800 tủ sách đã được Thạch cho ra đời trong 8 năm qua. Từ những tủ sách ban đầu của Thạch xây dựng nên, các địa phương và cộng đồng người dân trong vùng cùng đóng góp thêm. Đến nay tủ sách đã dồi dào, phong phú hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm