Kẻ “ngoại đạo”

Kẻ “ngoại đạo” ảnh 1

Đàng Xem chế tác phù điêu Apsara - Ảnh: Viễn Sự

Người đàn ông ấy là Đàng Xem, năm nay vừa 50 tuổi. Vẫn là một nông dân nhưng khác với mười năm trước còn bán mặt cho năm sào ruộng, không đủ tiền cưới chồng cho con gái, Đàng Xem nay là ông chủ của hai cửa hàng gốm mỹ nghệ to nhất làng, bạn hàng mua gốm trải khắp cả nước. Lâu lâu người làng lại thấy Đàng Xem chất gốm đầy ôtô vào Nam ra Bắc, kèm theo giấy mời ghi đích danh nghệ nhân Đàng Xem về dự triển lãm. Đó là câu chuyện lạ kỳ ở làng gốm cổ nhất vùng Đông Nam Á này.

Bước qua lệ làng

Như một luật lệ bất thành văn, những công đoạn chế tác gốm ở Bàu Trúc từ thời Po Kalong Chan (vị vua Chiêm Thành trị vì từ năm 1151-1205, ông tổ nghề gốm ở Bàu Trúc) đã không có bóng dáng đàn ông. Ngoài việc dong cộ bò ra bờ sông Quao lấy đất sét, tất cả công đoạn còn lại đều do phụ nữ đảm trách. Bởi vậy, năm 2000 khi Đàng Xem bắt đầu “xớ rớ” nặn nhào đất sét, người Chăm ở Bàu Trúc tròn mắt, có kẻ xấu bụng còn rêu rao: “Đàng Xem tính mặc zằng (váy) của vợ!”.

Nhưng Đàng Xem vẫn quyết làm, cái đích của gã nông dân Đàng Xem lúc ấy không to tát như thành quả bây giờ mà bởi những gánh lu, nồi do mẹ và vợ Đàng Xem còng lưng nhào nặn, gồng gánh rao bán khắp nơi vẫn không đủ tiền mua gạo vì không cạnh tranh nổi với những sản phẩm gốm xứ khác.

Vẫn giữ cách làm truyền thống, chỉ dùng tay nhào nặn, không dùng bất cứ máy móc nào, nhưng Đàng Xem không muốn đi tiếp con đường cũ của gốm Bàu Trúc mà những sản phẩm đầu tiên hoàn thành lại là những bức phù điêu, tháp Chăm, bình trang trí... với những hoa văn truyền thống của người Chăm. Cho đến khi nung xong những mẻ gốm đầu tiên, Đàng Xem vẫn chưa kịp nhận ra mình chỉ là một nông dân, quen cày ruộng hơn là đi tiếp thị một món hàng mà bán kính cách làng Bàu Trúc vài chục cây số cũng chưa ai có nhu cầu!

Gần hai năm trời, những sản phẩm gốm của Đàng Xem nằm lăn lóc trong góc vườn. Cho đến một ngày những sinh viên mỹ thuật về thực tập ở Bàu Trúc phát hiện những bức phù điêu, tháp Chăm, bình, lọ... với hoa văn lạ mắt ấy. Đàng Xem biếu không để họ mang đi, không bao giờ nghĩ vài tháng sau một đơn đặt hàng giá 3 triệu đồng đã quay trở lại để có đúng những sản phẩm ấy. Đó là đơn hàng lớn nhất của gốm Bàu Trúc vốn làm ra chỉ để đi bán dạo. Còn với Đàng Xem nó như chứng chỉ hành nghề để đường hoàng bước vào nghề gốm.

Kẻ “ngoại đạo” ảnh 2

Xưởng gốm của nhà Đàng Xem, tất cả công đoạn đều làm bằng tay - Ảnh: Viễn Sự

Hồi sinh nghề gốm

Đơn đặt hàng đầu tiên của Đàng Xem đã mở lối thoát nghèo cho cả làng. Thấy Đàng Xem làm được, nhiều nhà rục rịch chuyển qua làm gốm mỹ nghệ. Nhà Đàng Xem cũng hì hụi chế tác gốm. Đàng Xem ngoài làm gốm còn ngược xuôi mời chào thương lái. Nhưng cũng chính trong những lần ngược xuôi đó Đàng Xem đã ứa nước mắt khi nhìn thấy những bình gốm, phù điêu của nhà mình và dân làng được bán với giá cao ngất ngưởng, gấp cả chục lần số tiền bèo bọt mà thương lái thu mua kiểu “ban ơn” cho người Bàu Trúc.

1.000 vòng tròn

Cùng với một làng gốm cổ khác tại Indonesia, Bàu Trúc là một trong hai làng gốm cổ nhất ở Đông Nam Á còn giữ cách làm gốm không dùng bất cứ phương tiện hỗ trợ nào. Gốm được nặn bằng tay và nung lộ thiên không cần lò. Vì không dùng bàn xoay nên để làm một bình lớn, người thợ phải đi vòng tròn trung bình 1.000 lần.

Sau một thời gian đi xuống, làng gốm Bàu Trúc nay đã phát triển trở lại nhờ chuyển từ gốm gia dụng sang gốm mỹ nghệ. Hiện có khoảng 400 hộ gia đình dân tộc Chăm, chiếm 80% gia đình tại Bàu Trúc, theo nghề gốm.

Cầm cố mấy sào lúa, chỉ với một suy nghĩ thà bán gốm với giá rẻ nhưng phải đến tận tay khách hàng, Đàng Xem một lần nữa làm cái việc dân Bàu Trúc chưa ai làm: mở cửa hàng gốm ngay tại làng Bàu Trúc. Đàng Xem còn nhớ đó là ngày 5-8-2004, một ngày sau khi cửa hàng khai trương, không hiểu bằng cách nào một mẩu tin kèm hình ảnh về “sự kiện” ấy của gốm Bàu Trúc được đưa lên báo Tuổi Trẻ.

Sau mẩu tin ấy, nhiều khách hàng và khách du lịch tìm tới. Cửa hàng và xưởng gốm nhà Đàng Xem lại làm xôn xao làng Bàu Trúc vì ngày nào cũng đông khách. Một năm sau Đàng Xem còn kể câu chuyện hấp dẫn hơn, đúng dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, Đàng Xem đại diện cho cả làng được mời vào TP.HCM triển lãm tại Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Bây giờ, những sự kiện tương tự như vậy với Đàng Xem nếu ngồi kể có lẽ phải mất cả chục bài báo. Từ một kẻ “ngoại đạo”, Đàng Xem đã hơn 50 lần được mời tham gia triển lãm gốm Bàu Trúc. Bạn hàng mua gốm của Đàng Xem trải khắp trong Nam ngoài Bắc, mỗi tháng bán ra hơn 50 triệu đồng sản phẩm.

Ở làng, Đàng Xem cũng không phải là kẻ “ngoại đạo” duy nhất nữa. Thấy Đàng Xem làm được, đàn ông trong làng cũng kéo nhau phụ vợ làm gốm. Dọc cổng làng khang trang vừa mới xây lại có hơn 30 cửa hàng gốm được mở. Khách tự tìm đến làng tham quan và mua gốm, đẩy câu chuyện gồng gánh những mẻ gốm kiếm tiền mua gạo của người Bàu Trúc mới chục năm thành quá vãng.

Giữ nghề cho con cháu

Gần chục năm làm gốm, Đàng Xem đã sáng tạo gần 500 mẫu bình, lọ, phù điêu, tượng... mang nét hoa văn Chăm. Nhưng chưa bao giờ Đàng Xem coi những mẫu sản phẩm ấy là của mình. Đàng Xem bảo những mẫu hoa văn, mẫu tượng hay phù điêu ấy được lấy ý tưởng từ cảnh vật và đời sống sinh hoạt của người Chăm.

Như để phân bua, Đàng Xem bảo: “Nghề gốm như máu thịt, đâu có ai bày và người Bàu Trúc sinh ra là đã có khiếu làm gốm rồi”. Bởi vậy, Đàng Xem chỉ nhận mình là người đàn ông đầu tiên ở Bàu Trúc bỏ ruộng đi làm gốm, còn “bây giờ trong làng, nhiều đứa con trai làm gốm còn giỏi hơn mình” - Đàng Xem cười thật thà.

Nghe Đàng Xem kể hình như không thấy chút kèn cựa, cạnh tranh nào giữa những người làm gốm ở Bàu Trúc. Vậy nhưng hỏi tới chuyện giữ nghề, Đàng Xem bỗng đau đáu, phập phồng một nỗi âu lo về sự “xâm lấn” sẽ làm mai một tính nguyên bản của gốm Bàu Trúc.

Ba năm trước, khi hay tin có dự án nhà máy gốm sứ đặt tại làng Bàu Trúc, đất sét sẽ được nhập từ nơi khác về, Đàng Xem đã đứng ra phản đối gay gắt. Bởi “người ta mê gốm Bàu Trúc vì được làm hoàn toàn bằng tay, nếu đưa công nghệ hiện đại vào thì gốm chỉ là một cục đất nung, con cháu Bàu Trúc còn ai nhớ nghề nữa” - cái lý Đàng Xem đưa ra nghe đơn giản nhưng không ai cãi được.

Những nỗi niềm ấy nếu là kẻ ngoại đạo của gốm Bàu Trúc, chắc người ta sẽ không phải đau đáu như Đàng Xem.

Ông bà cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu!

Đầu năm 2009, Đàng Xem từng nhận được đơn đặt hàng mỗi tháng một container gốm, gồm phù điêu và bình giả cổ trang trí. Đó sẽ là đơn hàng lớn nhất từ trước đến nay của Đàng Xem, nhưng vừa nghe đề nghị Đàng Xem đã lập tức từ chối.

Lý do thứ nhất khiến Đàng Xem không thể đáp ứng là vì khách đòi hỏi các sản phẩm phải giống hệt nhau. Điều này thì không thể đáp ứng được bởi theo Đàng Xem, gốm làm bằng tay nên có tính độc bản. Mỗi sản phẩm sẽ có kích thước và tính thẩm mỹ xê dịch ít nhiều, tùy vào cảm xúc của người thợ lúc chế tác. Lý do thứ hai buộc Đàng Xem từ chối là mỗi ngày giỏi lắm Đàng Xem cũng chỉ chế tác được một bức phù điêu. “Mình làm ráng chắc cũng được hai ba cái, nhưng làm ráng thì hay làm ẩu. Ông bà cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thôi!”.

Theo NGUYỄN VIỄN SỰ (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm