SƠN LA TRƯỚC KHI “NÚI BIẾN THÀNH HỒ”:

Kỳ 1: Phút cuối dưới lòng hồ...

Gần 100.000 dân bên đôi bờ sông Đà thuộc ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã phải di dời ... PV  đến Sơn La để chứng kiến những ngày cuối cùng trước lúc “rừng núi biến thành đáy hồ”...

Kỳ 1: Phút cuối dưới lòng hồ... ảnh 1

Cánh đồng lúa trong thung lũng này sẽ thành đáy hồ mãi mãi... - Ảnh: Đ.Bình

Một ngày cuối tháng 3-2010, tại cuộc họp ban chỉ đạo nhà nước dự án thủy điện Sơn La, hầu hết thành viên trong đó có trưởng ban - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải không quá bất ngờ khi tỉnh Sơn La báo cáo còn 405 hộ, Điện Biên còn 801 hộ dân nằm dưới độ sâu 195m, thuộc khu vực ngập nước của hồ chứa, chưa di dời.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ra “tối hậu thư” cho hai tỉnh phải di dời tất cả hộ dân trên trước ngày 15-4, bàn giao lòng hồ, đảm bảo mục tiêu nút hầm, tích nước thủy điện Sơn La trước ngày 10-5.

“Đất đẹp” phải nhường dân!

Đây là các mốc thời gian không thể lùi bởi mùa mưa đang đến gần, nếu không nút hầm tích nước trước khi những cơn mưa rừng bắt đầu xối trên thượng nguồn sông Đà thì việc nút hầm phải đợi thêm một năm nữa, nghĩa là cuối năm 2011 tổ máy số 1 mới có thể phát điện. Theo tính toán, nếu nhà máy vận hành sớm một năm sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế tương đương 1 tỉ USD.

Kế hoạch và mong muốn là vậy, nhưng việc di dời hơn 1.000 hộ dân còn lại trong vòng ba tuần không phải việc đơn giản. Ngày 30-3, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên họp khẩn. Tình hình căng như dây đàn, ông chủ tịch tỉnh quyết định sẽ xuống làm việc trực tiếp với dân. Ngay hôm sau (31-3), ông Đinh Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - đến thị xã Mường Lay thị sát tình hình...

Chủ tịch tỉnh tới bản Xá Đán - bản đông dân nhất thị xã Mường Lay - với gần 200 hộ dân người Thái. Dân Xá Đán sống cạnh dòng Nậm Lay (đổ ra sông Đà), ngăn nước làm ruộng, đào ao nuôi cá, nay phải chuyển lên đồi cao nên họ nhất quyết không đi. Hàng chục cuộc họp, động viên, thuyết phục vẫn không kết quả.

Ông chủ tịch Dũng đột ngột xuất hiện, cả bản kéo nhau vây kín người đứng đầu tỉnh. “Tại sao đã quy hoạch tái định cư, chuẩn bị mặt bằng trên khu Đồi Cao (xưa kia là nơi đồn trú của lính Pháp, địa điểm cao nhất trong các điểm tái định cư của Mường Lay - NV) rồi mà bà con Xá Đán vẫn chưa chịu di dời?”, ông chủ tịch hỏi.

“Không đi đâu cả, cho bà ở lại đây. Lên Đồi Cao không có nước, không sống được đâu cán bộ ơi...” - cụ già Lò Thị Chín đáp. Bà Chín chưa dứt lời thì một giọng lanh lảnh vang lên sau lưng ông chủ tịch: “Từ thời tổ tiên người Thái đã không sống cao như thế. Chúng tôi không lên đâu. Dù chém hay giết chúng tôi cũng không đi đâu mà!”. Hỏi ra mới biết đó là phát biểu của bà Lò Thị Làn - chủ tịch Hội Người cao tuổi của bản.

Ông Dũng bất ngờ đáp: “Bây giờ tôi quyết định luôn, chỗ Đồi Cao thì thôi nhé. Mời bà con chuyển lên Chi Luông, Nậm Cản và khu Cơ Khí thấp hơn!”.

Thông tin này lập tức “thay đổi cục diện” khi chính bà Làn hoan hô: “Thế thì cảm ơn các cán bộ nhá, thế là dân bản được mổ trâu mổ lợn ăn mừng rồi!”. Đám thanh niên đứng quanh bà nhảy lên reo hò. Vậy là chủ tịch tỉnh đã hiểu lòng họ rồi!

Bữa đó, họp với các cơ quan hữu quan ngay tại địa bàn, ông Dũng công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch, di dời một số đơn vị, cơ quan thị xã lên khu Đồi Cao, nhường các khu đất thấp, đẹp cho bà con tái định cư. Ông yêu cầu các đơn vị san lấp mặt bằng, thi công điện, nước: “Bằng mọi giá phải đáp ứng điều kiện cho bà con di chuyển trước 15-4”. Ông cũng ra lệnh cho 200 bộ đội, 200 dân quân tự vệ, 100 chiến sĩ công an từ Điện Biên Phủ xuống Mường Lay giúp bà con di chuyển...

Đúng một tuần sau, gặp lại chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Nguyễn Thành Phong giữa công trường, ông cho biết phần lớn bà con còn lại đã nhận mặt bằng, ký nhận tiền đền bù và bắt đầu di dời nhà cửa...

Giã từ đồng lúa nước

Quỳnh Nhai - nơi nhà văn Nguyễn Tuân từng dừng chân để viết tùy bút Người lái đò sông Đà nổi tiếng - là nơi phải di dời trên 8.000 hộ dân với 99 bản. Quỳnh Nhai cũng chính là địa bàn chiếm phần lớn diện tích lòng hồ thủy điện, có đoạn xa nhất từ bờ này đến bờ kia khoảng 10km. “Cô lái đò dọc đưa gạo kháng chiến từ Quỳnh Nhai về thác Bà Hè đổ lên kho quân lương” - câu văn của Nguyễn Tuân đã phần nào giúp chúng ta tưởng tượng ra vẻ nên thơ, trù phù của những cánh đồng lúa đôi bờ sông Đà, huyện Quỳnh Nhai giữa tỉnh Sơn La toàn đồi núi cao.

Dẫn chúng tôi vào bản Phiêng Luông, xã Chiềng Bằng, nơi có cánh đồng rộng 400ha là một trong hai cánh đồng lúa nước rộng nhất tỉnh Sơn La, anh Sơn - trưởng Đài phát thanh truyền hình Quỳnh Nhai - chỉ cho chúng tôi những coóng nước đẹp mê hồn bên những thửa ruộng lúa đã trĩu bông sắp cho mùa gặt. Vì dòng điện sáng, gần 1.500 hộ dân của Chiềng Bằng phải vĩnh viễn rời xa vựa lúa này.

Phiêng Luông - bản lớn nhất của Chiềng Bằng, nơi đóng trung tâm xã, vốn trước đây sầm uất thế mà hôm chúng tôi đến đã thấy trước mặt là cảnh hoang vắng. Chỉ còn lại đó đây vài nóc nhà, nơi các anh bộ đội đang khẩn trương bốc dỡ giúp bà con di chuyển. Người cuối cùng di dời khỏi Phiêng Luông chính là trưởng bản Lò Văn Chốm. Chốm còn rất trẻ, nhà Chốm rất to, sắp đến mùa gặt rồi mà trong nhà vẫn còn khoảng 60 bao thóc, đội thợ mộc nhễ nhại mồ hôi đang cưa cột xẻ kèo chuẩn bị dựng nhà mới.

Chúng tôi chưa hỏi gì thì Chốm thanh minh: “Không phải nhà em chây ỳ đâu nhà báo ơi. Bản Phiêng Luông bí thư đi đầu tiên, trưởng bản đi sau cùng, phân công rồi mà. Bí thư gương mẫu đi trước, còn trưởng bản ở lại giúp dân rồi đi sau cùng. Nhớ cái bản này lắm, nhớ cái ruộng này lắm nhà báo ạ!”. Chốm mời chúng tôi ăn bữa cơm thăm, một trong những bữa cơm cuối cùng giữa châu thổ sông Đà ở huyện Quỳnh Nhai. Không lâu nữa chỗ này sẽ ngập sâu dưới cả trăm mét nước.

Theo LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH (TTO)

__________

Hiếm thị xã nào trên đất nước này có một số phận truân chuyên kỳ lạ như Mường Lay. Thị xã nhỏ nhất, dân ít nhất nước, từng bị xóa sổ và dịch chuyển vì lũ quét, nay thêm một lần nữa dịch chuyển vì dòng điện...

Kỳ tới: Mường Lay “dâu bể” đổi dời

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm