Kỳ nhân trẻ đất Bắc - Bài 5: Chàng họa sĩ được mo Mường chọn

Người ta nói đường lên Tây Bắc xa xôi nhưng có một Hòa Bình rất gần với Hà Nội, chỉ cách 60 km. Nơi đó vào mùa xuân vẫn tràn ngập hoa mơ trắng. Dưới dốc Cun và suối reo người Mường bản địa vẫn ở đó. Và có lẽ người đã tạo nên một phần của Tây Bắc máu thịt rất gần ấy là sự hiện diện của Hiếu Mường, biệt danh của Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, bảo tàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam tại Hòa Bình. Đây cũng là thành viên của các trung tâm cư trú thế giới của các nghệ sĩ.

Họ nhầm tôi với bảo vệ

Dừng chân trước cổng bảo tàng, vị khách thấy một thanh niên đi dép lào đang còng lưng đẩy xe bò đất. Vị khách quát: “Thằng kia, đi tìm ông Hiếu cho tao”. Không ai biết cậu thanh niên da ngăm đen đang đẩy xe bò đấy lại chính là Hiếu Mường. Nhưng khi nghe vậy, Hiếu dạ rồi chạy mất chứ không chối cãi. Chuyện khách nhầm mình với bảo vệ hay người làm là như cơm bữa. Nhưng không vì thế anh thấy buồn mà còn thấy vui. Sau này khách thổ lộ, hình dung trong đầu họ về Hiếu Mường là người đàn ông trung tuổi hoặc đã già, chẳng ai nghĩ anh trẻ thế.

Là giám đốc bảo tàng rộng 4 ha của chính mình, đó là một tài sản lớn. Vì thế nhiều người đều mặc định anh là đại gia. Bởi người ta bảo nếu không phải là đại gia giàu có thì lấy tiền đâu trả lương nhân viên và vận hành bảo tàng. Nếu không giàu có sao có tiền để lang thang cả chục năm rồi bỏ tiền ra xây dựng bảo tàng, rồi làm toàn những thứ phi lợi nhuận. Thậm chí ngay sau khi bảo tàng đi vào hoạt động, khách đến tham quan cũng… không thu phí. Bạn bè quen biết đến với bảo tàng Mường là được anh tiếp đón ăn, ở tất.

Khi có ai hỏi anh có giàu không, anh chỉ cười. Nhưng có một thứ anh biết chắc ít người có được là bạn của anh rất nhiều, ở khắp nơi trong nước và ngoài nước. Bạn nhiều đến nỗi rượu anh nấu không đủ uống mà phải mua thêm. Gà nuôi hàng đàn nhưng có những lúc phải bắt đến con cuối cùng đang ấp trứng để nấu cháo đãi khách. Rau trồng trên cái mái nhà quanh năm chỉ để phục vụ bạn bè.

Nhưng anh nói cũng nhờ có bạn anh mới có thể hoàn thiện bảo tàng Mường như hôm nay bằng chính từng nhát cuốc nhọc nhằn.

Khách tham quan tiếc nuối trước ngôi nhà lang từng bị những người vô ý đốt lửa trại làm cháy.

Ăn bọ xít để lập bảo tàng

Những ngày đầu kiếm đất lập bảo tàng cũng là một kỳ tích. Vì chọn được quả đồi ưng ý nhưng chưa hẳn người ta đồng ý bán. Để thuyết phục người bán, anh đã mất cả năm trời để kết giao với chủ nhân quả đồi ấy, giúp ông tỉa từng cành lá, xới từng gốc cây. Và rồi đến một ngày người Mường ấy bảo anh: “Nếu là người khác thì tao không bán đâu nhưng vì tao thấy mày là người quá yêu người Mường, đất Mường và muốn giữ gìn những thứ cổ xưa nên tao bán cho mày”.

Mua xong anh bắt đầu tự tay phát lán dựng lều ngủ. “Bắt cả bì bọ xít mỗi ngày làm thức ăn, ăn nhiều đến nỗi chẳng còn bọ xít mà ăn. Không có nhiều tiền, tôi vẽ tranh nhiều hơn. Có dịp giáp tết tập trung ngồi mấy ngày để vẽ tranh tặng cho các đối tác. Đã ba ngày, nhân viên bếp mang đồ ăn ra cho tôi chỉ có độc một món: mì tôm. Ngán quá, tôi vào bếp tìm xem có còn món gì khác. Vào đến nơi, thấy mấy anh em nhà bếp cũng chỉ có duy nhất nồi cháo trắng” - anh kể. Nhưng trong cuộc dấn thân này, anh biết khi ấy mọi thứ mới chỉ là bước đầu.

Để có tiền anh mở thêm quán cà phê ở phường Đồng Tiến trong TP Hòa Bình, anh vẽ tranh nhiều hơn.

Bị nghi đi buôn ma túy

Thời sinh viên anh có thói quen lang thang sưu tầm các vật dụng của người Mường. Từ những chuyến đi, anh tìm được trang phục, nhạc cụ dùng trong các lễ hội cho đến các đồ vật dùng trong những trò chơi dân gian, những đồ trang sức nhỏ nhắn xinh xinh bằng đồng, bằng gốm, bằng xương... Sau khoảng 10 năm lội suối băng rừng, bàn chân đặt tới tất cả nơi xa xôi nhất của mảnh đất Hòa Bình, Vũ Đức Hiếu đã thu lượm được hàng ngàn vật dụng sinh hoạt, thứ mà Bảo tàng Hòa Bình còn rất ít chú trọng. Đã có những lần anh bị Công an TP Hòa Bình bắt giữ vì nghi bao tải anh đang vác trên vai chứa ma túy. Đến lúc mở bao ra kiểm tra, đến công an cũng phải cười... ra nước mắt bởi chỉ thấy toàn “chổi cùn rế rách”, hầu hết là những thứ người Mường đã vứt đi thì anh lại nhặt về.

Tuy nhiên, để sở hữu được ngôi nhà lang cổ của người Mường rất khó. Theo anh, các ngôi nhà sàn cổ, không cứ của người Mường, phần lớn đều bị giới buôn nhà sàn lên săn tìm, mua lại và bán đi nơi khác. Một số ngôi nhà cổ khác thì đã bị mục nát, hư hỏng theo thời gian. Vì thế để tìm được những ngôi nhà Mường cổ, đại diện cho các tầng lớp người trong xã hội Mường quả không dễ dàng chút nào. Vì thế mua được ngôi nhà Lang là một cơ duyên may mắn. Ngôi nhà này nằm ở Mường Chậm, là một trong những Mường cổ của xứ Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Đây là ngôi nhà sàn mua lại đúng của con cháu nhà Lang. Bà cụ đã 108 tuổi, mà ngôi nhà đã có 4-5 đời trước. Tuổi đời của nó phải đến 300 năm rồi! “Sau khi làm cho một hậu duệ nhà lang hiểu được mục đích lưu giữ văn hóa xứ Mường của mình, ông đã tập hợp nhóm thợ dựng nhà giỏi nhất của Mường Chậm lên giúp tôi dựng lại ngôi nhà. Tạo bề thế, uy nghi, bảy gian hai chái với 14 cây cột to người lớn còn ôm không xuể... Cứ như thế mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm bảo tàng ngày càng hoàn thiện” - anh Hiếu tâm sự.

Phải là bảo tàng sống

Không muốn bảo tàng chỉ là những vật dụng vô hồn, anh muốn ở đây phải có sự sống thì mới hoàn thiện. Đến lúc này anh đến tận những gia đình Mường trong vùng, thuyết phục họ đến bảo tàng của anh để sống. Rồi gia đình thứ nhất đến sống, gia đình thứ hai… Họ làm việc tại bảo tàng, sống, sinh con đẻ cái. Họ được trả lương, được đóng bảo hiểm xã hội… “Nếu như người Mường không hiện diện ở đây thì toàn bộ bảo tàng, bao gồm tất cả chuỗi nhà sàn cùng hàng ngàn vật dụng, chỉ là cái xác không hồn” - anh nói.

Theo quan niệm của anh, bảo tàng phải là bảo tàng sống chứ không phải sự tĩnh tại chết lặng. Những người Mường ở cùng anh giống gia đình thứ hai của anh, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, trung thành tận tụy với nhau để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Thế rồi ngày 16-12-2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chính thức gõ tiếng cồng khai trương Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Sau tất cả những điều anh đã làm, khi hỏi điều gì cảm thấy ý nghĩa nhất, anh nói: Là có thời gian chăm con, dạy chúng nấu ăn. Đó là lý do tại sao anh dành cả năm cho chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tồn tại trong thiên nhiên của người Mường, người Việt cổ cho mọi lứa tuổi. Anh bảo làm điều này trước hết vì nghĩ đến con, chúng sinh ra ở Hà Nội, lớn lên đúng y như “con gà công nghiệp”. “Tôi chắc nhiều gia đình cũng không muốn con cái mình trở thành những “con gà công nghiệp” yếu ớt, cận lòi, xa lạ với tự nhiên và lạnh lùng, vụ lợi với con người. Tôi muốn chúng được gần tự nhiên nhất” - Hiếu tâm sự. Cũng có lẽ vì thế anh đã thuyết phục vợ (đang làm việc cho VietinBank ở Hà Nội) chuyển về “rừng” với mình. Con gái anh cũng chuyển từ trường điểm của TP về học một trường bình thường nơi phố núi.

Nếu như dăm bảy năm nhắc đến Hiếu Mường người ta nói đó là kẻ gàn bỏ phố về rừng thì hiện nay người ta vẫn nhắc đến Hiếu Mường nhưng lại chỉ gắn với những việc anh làm. Là Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã đón tiếp rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới đến cư trú. Là nơi lần đầu tiên bảo tàng tư nhân tổ chức festival kết nối văn hóa Mường với nghệ thuật đương đại trong nước và cả thế giới. Là nơi dành rất nhiều thời gian cho các chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tồn tại trong thiên nhiên của người Mường, người Việt cổ cho mọi lứa tuổi học sinh-sinh viên… hay đến hàng loạt chương trình liên quan đến ứng xử văn hóa với di sản.

Dự định của anh trong năm 2015 này sẽ làm một festival lớn về gốm nghệ thuật tại Bảo tàng văn hóa Mường, quy tụ các nghệ sĩ đương đại nổi tiếng thế giới thuộc Mạng lưới gốm châu Á đến cùng tham dự và làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm