Ký sự Võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn- Kỳ 4: Đường đao của đại sư Mai Văn Phát

Đó là vị chưởng môn phái Trung Sơn võ đạo Mai Văn Phát, pháp danh Thích Thiện Tánh, trụ trì tại Long Hoa tự (phường Tân Định, TP.HCM)...

Lãnh hội tuyệt kỹ chốn thân sơn

Đại sư Mai Văn Phát sinh năm 1917 tại xã Thới Đông, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình nông dân. Thuở nhỏ ông là một đứa trẻ ốm yếu, thường hay bệnh tật, nên khoảng 10 tuổi được gia đình đưa lên Hải Sơn tự ở núi Thất Sơn (Châu Đốc - An Giang) theo hòa thượng Thích Thiện Hoa tu học. Vị hòa thượng trụ trì Hải Sơn tự nguyên là thủ hạ của Nguyễn Trung Trực - vị anh hùng cầm đầu nghĩa quân đốt cháy tàu Espéranto của thực dân Pháp trên dòng Nhật Tảo. Khởi nghĩa thất bại, người cận tướng của Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp truy lùng, phải lánh nạn tại Hải Sơn tự, mai danh ẩn tích dưới pháp danh Thích Thiện Hoa.

Ký sự Võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn- Kỳ 4: Đường đao của đại sư Mai Văn Phát ảnh 1

Tổ sư Mai Văn Phát (ngồi bên trái) và chưởng môn Lam Sơn võ đạo Quách Phước

Chốn thiền môn không chỉ là chỗ người nghĩa quân dung thân, ông còn dùng sân chùa đêm đêm bí mật rèn luyện võ nghệ cho thanh niên trai tráng trong làng dưới chân núi. Nơi cửa chùa, ngoài Phật pháp, cậu bé Phát còn được sư phụ truyền dạy võ công. Sau 14 năm, cậu bé Mai Văn Phát gầy gò bệnh tật năm nào giờ đã trở nên rắn rỏi, săn chắc, tinh thông quyền cước và thập bát ban binh khí. Năm 24 tuổi sư phụ viên tịch, Mai Văn Phát xuống núi đem sở học mà thầy đã chân truyền ra giúp đời.

Năm 1941, võ sư Mai Văn Phát về quê nhà Cần Thơ, đêm đêm dạy võ cho trai tráng trong thôn. Một hôm ông may mắn được võ sư Lào Thêm - một bậc cao thủ người Hẹ ẩn tích tại núi Bà Đen (Tây Ninh) tình cờ hành hiệp ngang qua sân luyện võ, thấy Mai Văn Phát cốt cách tinh anh, tác phong quân tử nên đem lòng yêu mến và nhận làm nghĩa tử, sau đó chân truyền các tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hạc và Thiếu Lâm Chu Gia (võ Hẹ).

Năm 1955, võ sư Mai Văn Phát rời Ô Môn lên Sài Gòn sinh sống, vừa đi làm vừa dạy võ tại nhà, đồng thời nghiên cứu, hệ thống hóa tinh hoa võ thuật từ hai vị ân sư, sắp xếp thành chương trình huấn luyện từ thấp đến cao. Năm 1963, sau khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền miền Nam xáo trộn, nhằm thu hút thanh thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, võ sư Mai Văn Phát quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp danh Thích Thiện Tánh với ước mong dùng việc dạy võ để giáo huấn thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo đức làm người và khả năng tự vệ hữu hiệu, ông sáng lập môn phái Trung Sơn võ đạo (Thiếu Lâm Nguyên thủy Mật truyền) từ chi đoàn Trúc Lâm (hướng đạo sinh Phật tử), võ đường đặt tại Long Hoa tự (phườngTân Định, TP.HCM).

Năm 1969, cùng với 13 võ sư, đại sư Mai Văn Phát vận động thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam, giữ chức phó chủ tịch (nhiệm kỳ 1969 - 1971, 1973 - 1975), chủ tịch (1971 - 1973). Sau 1975, đại sư Mai Văn Phát tham gia tổ chức Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, được cử giữ chức trưởng ban cố vấn. Tại Liên hoan Võ thuật Việt - Pháp tổ chức tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) tối 11-11-1997, dù đã bước qua tuổi 80, đại lão võ sư Mai Văn Phát vẫn biểu diễn bài đại đao với những đường múa uyển chuyển, đầy uy lực trong tiếng vỗ tay tán thưởng của hàng ngàn cặp mắt ngạc nhiên lẫn thán phục của các võ sư, môn sinh và quan khách. Ngoài dạy võ, đại lão võ sư Mai Văn Phát còn nhận chữa trị các bệnh khớp xương và thần kinh tọa. Tạp chí chuyên về võ thuật của Pháp Karate Bushido (6-1995) đã đăng bài viết của võ sư Việt kiều Phan Châu Toàn về đại lão võ sư Mai Văn Phát, tác giả Phan Châu Toàn đã gọi đại lão võ sư Mai Văn Phát là “vị thầy tu giỏi võ, một huyền thoại sống”.

Ngày 8-12-1997, đại lão võ sư Mai Văn Phát viên tịch sau một cơn bạo bệnh, để lại môn phái Trung Sơn võ đạo đã tồn tại đến nay tròn 45 năm, hiện TP.HCM có 24 đơn vị đang hoạt động, số môn sinh khoác áo Trung Sơn võ đạo đã lên đến hàng vạn.

Ký sự Võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn- Kỳ 4: Đường đao của đại sư Mai Văn Phát ảnh 2

Các võ sư Trung Sơn võ đạo bên bàn thờ tổ môn phái

Vang danh Trung Sơn võ đạo

Sau 45 năm thành lập, Trung Sơn võ đạo của đại lão võ sư Mai Văn Phát sản sinh ra nhiều đệ tử tài năng như Lê Ngọc Điệp, Nguyễn Thanh Sơn, Trần Văn Hồng, Phạm Ngọc Hùng, Lê Tấn Phát, Lư Kim Toàn, Trần Hùng Khanh, Nguyễn Minh Trang, Trần Minh Tâm, Nguyễn Văn Thanh (Tâm Lương), Lê Thị Nhiều, Thanh Phượng... Là thiền sư, lấy chữ Bi làm đầu, đại sư Mai Văn Phát cấm môn đồ thượng đài, bởi ông tâm niệm “võ thuật nhằm rèn luyện nhân cách, học võ không phải để tranh tài cao thấp, phân định hơn thua”, dù vậy trong hai thập kỷ 60 - 70, võ đường Long Hoa tự vẫn thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên đến xin tập luyện.

Trung Sơn võ đạo là môn võ cương nhu tương tế, trong đó có các bài quyền đặc trưng: La Hầu quyền, Hắc Long đao, Song tô lão hổ... Môn đồ Trung Sơn võ đạo thiện nghệ binh khí đơn đao, song tô, kiếm, côn. Đơn đao sử dụng hai tay gọi là Song thủ đới, chú trọng vào sức mạnh và tốc độ ra đòn, chiêu thức đơn giản nhưng đòi hỏi môn sinh phải khổ luyện. Đao pháp Trung Sơn võ đạo, trong thì ý, khí, lực, ngoài thì thân, thủ, bộ pháp uy lực đúng với khẩu quyết “đao như mãnh hổ”. Trung Sơn võ đạo còn có 10 thế điểm huyệt mật truyền: Nữ hầu chưởng ngọc; Thiết sa chưởng; Hầu xiềng; Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực; Phụng hoàng sang điểm thủy; Hắc hổ du tâm; Hầu xiềng điểm huyệt yết hầu; Song hầu thủ điểm giáng kinh; Đơn hầu thủ, điểm huyệt toàn cơ; Mãnh hổ du sơn.

(Còn tiếp)

Theo Ngọc Thiện (báo Công an TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm