TRÊN MÁI NHÀ MIỀN NAM - KỲ 1:

Lên đỉnh núi thiêng

Bắt đầu băng rừng để lên - Ảnh: Tấn Vũ
Bắt đầu băng rừng để lên - Ảnh: Tấn Vũ

Ngọc Linh cao 2.592m so với mực nước biển. Ngọn núi hùng vĩ bậc nhất của dãy Trường Sơn được mệnh danh là “mái nhà miền Nam” này còn là ngọn núi thiêng của người Xê Đăng, người Ca Dong sống ở đầu ngọn nước, nơi khởi thủy của các dòng sông lớn tại miền Trung.

Ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, báo trước cho chúng tôi lịch trình khám phá một tháng với lời nhắn nhủ hãy tập thể lực kỹ càng trước lúc leo núi.

Ngọn núi với bao nhiêu lời huyền hoặc về thú dữ và mịt mùng như mê cung khiến người đi đường dễ bị lạc lối đến chết càng kích thích sự tò mò của những người muốn khám phá.

Người Ukraine đã chào thua

Để chuẩn bị cho việc lên đường, huyện Nam Trà My chọn ra 24 thanh niên khỏe nhất của làng Đắk Lang, xã Ngọc Linh để chuẩn bị cõng chuyến.

Huyện đội, công an, kiểm lâm, kể cả bác sĩ với bản đồ địa hình, máy định vị, điện thoại vệ tinh, súng ống bóng loáng với những băng đạn đầy ắp lau chùi kỹ lưỡng trước lúc lên đường.

Những dây thừng leo núi cũng được gùi theo để có thể băng qua những vách đá và vực thẳm. Những người đàn ông Xê Đăng leo núi cừ khôi nhất với kinh nghiệm đi rừng nhiều năm chịu trách nhiệm dẫn đường.

Một bộ phim của những nhà khoa học Ukraine quay năm 2004 về hành trình khám phá Ngọc Linh xuất phát từ hướng Đắk Glei của tỉnh Kon Tum nhưng không thành công, được chiếu cho cả đoàn xem trước lúc xuất phát.

Một chút hồi hộp xen lẫn âu lo trong ánh mắt từng thành viên. Vừa chiếu xong hai tập phim, ông Bửu nói thẳng:

“Anh em có thể từ chối việc lên đường ngay từ bây giờ bởi khi chúng ta đi giữa đường thì sẽ không thể cắt cử người dẫn về. Chuyến đi có thể 10 ngày hoặc hơn, lương thực, thuốc men có thể bị thiếu, tai nạn rình rập, nên mọi người có thể suy nghĩ lại”.

Để chinh phục đỉnh núi và vừa khảo sát thực địa cho việc quy hoạch vùng trồng cây sâm Ngọc Linh quý hiếm này, đoàn khảo sát hùng hậu gồm nhiều cán bộ, chuyên gia với số lượng 54 người sẵn sàng xuất phát.

Bảy chiếc xe Uoát chở chúng tôi từ xã Tắk Pỏ của trung tâm huyện Nam Trà My đi ngược dòng sông Tranh về hướng thượng nguồn.

Từ con đường chính lô nhô đá cuội nhìn lên UBND xã Trà Linh nằm cheo leo trên sườn đồi mịt mờ trong mây núi, làng Tắk Lang với những mái nhà sàn vắt vẻo nhả khói giữa rừng xanh.

Những người phụ nữ Xê Đăng lom khom đắp bờ trên cánh đồng ruộng bậc thang loang loáng nước giữa mùa gieo sạ.

Ngọc Linh với những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài tít tắp như một Tây Bắc thanh bình bất ngờ hiện ra giữa miền Trung. Vượt qua con dốc dựng đứng hơn ba giờ đi bộ chúng tôi mới đến được bản làng cuối cùng, làng Tắk Lang, nằm cao nhất trên sườn núi Ngọc Linh lúc đứng trưa.

Bữa trưa vội vã ở độ cao 1.500m chuẩn bị cho những bước chân đầu tiên vào rừng là lúc trời bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa réo rắt trong mây mù, ở cái lạnh 17oC khiến những hạt cơm nấu gạo đỏ như cứng lại.

Hồ Văn Lang, người đàn ông dẫn đường cừ khôi nhất của làng Tắk Lang, với bộ râu quai nón như muốn che bờ vai vạm vỡ, nhắc nhở mọi người:

“Ăn ít thôi. Uống nước vừa phải để còn leo dốc. Nếu ăn no có thể bị ói giữa đường không đi được. Chúng ta phải lên đường để kịp vào con suối đầu tiên trước khi mặt trời lặn” - Lang nói giọng sang sảng.

Đo độ cao, chấm tọa độ để tìm đường lên đỉnh - Ảnh: Tấn Vũ
Đo độ cao, chấm tọa độ để tìm đường lên đỉnh - Ảnh: Tấn Vũ

Trắng đêm canh thú dữ

Đoàn người lặng lẽ đi trong rừng với tấm choàng trên vai che lấy balô như bộ đội hành quân. Những tán rừng xanh che khuất ánh sáng. Những tầng lá mục với bầy vắt đói cọ quậy tìm chân người để bu bám hút máu. Ruồi vàng và muỗi bám theo từng bầy vo ve sát bên tai.

Chúng tôi không đếm được bao nhiêu thác ghềnh, bao nhiêu con suối và ngọn đồi phải vượt qua ngay trong ngày đầu tiên cắm trại. Những tấm bạt lớn được căng lên, những thanh niên dẫn đường chặt cây rừng làm đà cột võng.

Số còn lại tìm củi khô để nhóm bếp. Những cơn mưa rừng xối xả khiến việc đốt củi trở nên bất lực. Nồi cơm cho hơn 50 người ăn sống sượng, mọi người phải nhai thêm lương khô cho qua cơn đói.

Bên bếp lửa ông Hồ Văn Du - người đàn ông nhiều kinh nghiệm nhất của đoàn - chê trách: “Không ai đóng trại bên dòng nước khi trời mưa cả. Nếu không bị lũ quét cũng bị những con thú lớn đi tìm mồi theo dòng nước mới tìm đến chúng ta”.

Ông Du còn nói đóng trại, dựng lều ngay dưới những tán cây mục là một sai sót lớn bởi khi có động, những thân cây có thể ngã bất cứ lúc nào và đè chết những người xấu số.

Với kinh nghiệm của mình, ông Du chọn nằm bên bếp lửa, một phần sưởi ấm một phần ngăn thú dữ. Lấy cái cây to bằng bắp chân ông gác dọc theo người rồi nằm dưới. Ông Du bảo: “Nếu cây mục có rơi xuống, thân cây này sẽ là lực cản và che chở cho mình”.

Chưa hết, ông già Xê Đăng này còn bứt những sợi dây rừng quấn quanh lối vào lều của ông. Ông bảo biện pháp đó để ngăn những con thú có thể tìm đến và lôi người ra khỏi võng bởi chúng sẽ tưởng những sợi dây được căng lên là bẫy của con người.

Cây rựa thật sắc, ông cắm phập ngay sát gốc cây bên phía tay phải rồi quấn chăn thò đầu ra ngoài chậm rãi nằm châm thuốc.

Ở lều bên cạnh, trung úy Nguyễn Phi Công đu đưa trên chiếc võng, tay ông ôm chặt cây súng AK-47 với băng đạn được lắp sẵn.

Ông Công bảo khi chiều đã thấy ông Du chỉ những tảng cây lớn bị xé toạc, những vết cà lưng của con gấu lớn vừa quanh quẩn đâu đây nên phải thức đêm canh chừng. Cái lạnh từ trong xương lạnh ra ở độ cao gần 2.000m chẳng ai có thể nhắm mắt được.

Bên bếp lửa bập bùng, ông Du kể rằng chiều nay ông đi quanh trại thấy cả phân của những loài thú lớn, phân con vượn như phân người nhưng có cả hạt cây trong đó. Loài vượn cái ở đỉnh Ngọc Linh mà theo ông Du là nỗi ám ảnh của người làng.

“Con vượn to lắm. Nghe nói nước tiểu của nó thôi đã làm người dân khiếp đảm. Một đống phân khác cũng làm tôi hơi lo lắng, vừa tanh vừa hôi nghi của loài thú lớn ăn thịt. Mọi người cứ ngủ tôi sẽ thức canh chừng” - ông Du vừa nói vừa nheo mắt nhìn quanh.

Tiếng con chim trĩ kêu rúc rúc liên hồi, tiếng những thân cây trở mình răng rắc trong đêm, cả những tiếng con vượn hú xa xa chẳng ai còn dám chợp mắt. Mọi người thay phiên nhau nhóm lửa. Bốn đống củi cháy sáng rực suốt đêm quanh lều chờ trời sáng.

Lật tấm bản đồ địa hình, đo định vị, canh hướng đi, đại úy Nguyễn Văn Công cho biết: “Còn 17km đường chim bay chúng ta mới đến được đỉnh núi. Có thể đường đi sẽ mất rất nhiều ngày, chưa biết phía trước là những gì đang đón đợi...”.

__________

Kỳ tới: Khu rừng thuốc quý trên cao

Theo TẤN VŨ (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm