Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa

(PLO) - Đi trên Quốc lộ 1A, hướng từ TP.HCM đến tỉnh Đồng Nai qua khỏi vòng xoay hầm chui Tam Hiệp, đến gần cầu Suối Linh (P. Long Bình, TP.Biên Hòa) nhìn bên tay phải sẽ thấy một khu mộ cổ, ngoài cổng chào có ghi hàng chữ "Di tích lịch sử". Nơi đây là ngôi mộ tập thể lớn chôn chung thủ lĩnh "Thiên Địa Hội" Đoàn Văn Cự (1835-1905) cùng 16 nghĩa binh trung thành, được xem như là một "nghĩa trang liệt sĩ" đầu tiên ở Biên Hòa.

Năm 1998, khu mộ Đoàn Văn Cự cùng 16 nghĩa binh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du Lịch) xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Theo cuốn “Biên Hòa sử lược” (Lương Văn Lựu xuất bản năm 1971) thì Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 tại làng Bình An (nay là quận Thủ Đức, TP.HCM). Dưới vỏ bọc thầy lang, ông Cự bí mật chiêu mộ nhiều trai tráng, thanh niên Biên Hòa để lập một đội binh hùng mạnh chờ thời cơ khởi nghĩa vũ trang đánh đuổi giặc Pháp, khẩu hiệu đấu tranh là “Bài Pháp phục Nam”.

Cuộc khởi nghĩa mang màu sắc "Thiên Địa Hội" của ông Đoàn Văn Cự do chưa hội tụ đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên bị quân Pháp dìm trong biển máu vào rạng sáng ngày 12 tháng 4 năm 1905. Để không bị sa vào tay giặc, ông Cự và 16 nghĩa sĩ đã chống cự chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đầy khí tiết. Sau đó, nhân dân Biên Hòa tiếc thương, bí mật đem thi thể ông Cự và 16 nghĩa binh chôn chung vào cái hố lớn bên cạnh một con suối và đặt tên là con suối Linh (tại phường Long Bình hiện giờ).

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 4

Tương truyền ban đầu chỉ là một ngôi mộ đắp bằng đất nhỏ nhoi, đơn sơ để che mắt quân thù. Năm 1956, nhân dân địa phương xây đắp lại nhưng quy mô nhỏ. Mãi đến năm 1998, ngôi mộ tập thể mới được trùng tu, tôn tạo và xây dựng bề thế như hiện nay. Ngôi mộ hiện hữu là khối bê tông hình chữ nhật dài 16,5m, rộng 2m, cao 0,75m.

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 5Các cụ cao niên kể lại câu chuyện linh ứng rằng: Trước năm 1975, do khu mộ nằm trong phần đất thuộc căn cứ quân sự Long Bình của quân đội Mỹ, nên chính quyền bấy giờ nhiều lần mang xe ủi tới để... "giải phóng" ngôi mộ dời đi nơi khác nhưng xui khiến sao tất cả các phương tiện cơ giới khi chạm đến mộ đều hư hỏng và người ngồi trên xe bị... chếtbất đắc kỳ tử mà không rõ nguyên nhân (?).

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 6

Người dân Biên Hòa rất kính trọng nghĩa khí và tinh thần của ông Đoàn Văn Cự, suy tôn ông là “thần tướng của dân”: Sinh vi tướng, tử vi thần. Họ thường đến đây đốt 17 nén nhang thắp lên phần mộ của 17 tấm gương can liệt, những con người nông dân đầu trần chân đất làm rạng ngời hào khí Trấn Biên trăm năm của cha ông.

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 7

Trong khuôn viên có một cây đa cổ thụ mọc tự nhiên rất lớn, được cho có tuổi thọ hơn 100 tuổi, che mát cho toàn bộ khu di tích và ru giấc ngủ ngàn năm cho các anh linh 17 liệt sĩ.

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 8

Cách khu mộ khoảng 1km là đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh tọa lạc trên đường Phạm Văn Thuận (Phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) (ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phúc).

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 9

Ngôi đền thờ được xây dựng từ 1956 do người dân góp công, góp sức. Theo lời ông Nguyễn Văn Cầu, Trưởng ban Quý tế đền thờ Đoàn Văn Cự, những năm kháng chiến chống Mỹ - ngụy, nhiều chiến sĩ cách mạng ẩn trú tại đây vô cùng an toàn để điều nghiên mà "nã" những trận đánh sấm chớp vào sân bay Biên Hòa và nội ô thị xã Biên Hòa năm Mậu Thân 1968 và các năm sau đó. Đền thờ cũng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du Lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 1998) (ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phúc)

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 10

Tấm bia ghi tên các liệt sĩ phường Tam Hiệp hy sinh qua hai cuộc kháng chiến được đặt trang trọng trong khuôn viên của đền thờ (ảnh tư liệu Ban quý tế đền thờ)

Linh thiêng 'nghĩa trang liệt sĩ' đầu tiên ở Biên Hòa ảnh 11

Hàng năm vào ngày 8 tháng 4 (âm lịch), lễ cúng giỗ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh tổ chức rất long trọng, có nghi thức rước "vong Ông" từ khu mộ (phường Long Bình) về đền thờ (Phường Tam Hiệp) mang đầy màu sắc tâm linh, tín ngưỡng thờ thần làng bổn cảnh của người Biên Hòa xưa. Đặc biệt, trong năm 2015 này, là kỷ niệm tròn 110 năm ông Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa sĩ hy sinh anh dũng (ảnh tư liệu Ban quý tế đền thờ).

BÙI TRƯỜNG TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm