Mồ côi từ trong bụng mẹ - Bài 3: Thèm gọi tiếng mẹ

Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Quyền Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, nói: “Những trẻ khỏe mạnh bình thường bị bỏ rơi tại BV Từ Dũ sẽ được chúng tôi giao cho các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Những trẻ mắc các bệnh liên quan đến não hoặc khiếm khuyết cơ thể thì được chăm sóc tại làng Hòa Bình (BV Từ Dũ). Các trẻ rơi vào trường hợp này thật đáng thương, bởi trẻ mồ côi bình thường đau đớn một thì trẻ mồ côi khuyết tật đau đớn gấp nhiều lần”.

Chưa hề gọi mẹ

Theo BS Nguyễn Thị Phương Tần, Trưởng khoa Phục hồi chức năng BV Từ Dũ, làng Hòa Bình hiện nuôi dưỡng 50 trẻ mồ côi bị khuyết tật.

Dung - một bé gái năm tuổi, có gương mặt dễ thương nhưng bị dị tật hai chân nên thường ngồi trong nôi. Gặp khách đến, Dung khoanh tay, cúi đầu chào rất lễ phép.

Y sĩ Vân, người trực tiếp chăm sóc Dung, kể: “Dung bị mẹ bỏ rơi tại BV Từ Dũ từ lúc mới lọt lòng. BV nhiều lần liên hệ với mẹ Dung thông qua địa chỉ ghi trong hồ sơ nhưng không thành. Dung lanh lẹ, nói nhiều, hỏi nhiều nhưng chưa bao giờ hỏi về mẹ”. Chị Vân xúc động: “Cũng phải thôi, ngay lúc lọt lòng đã bị mẹ bỏ rơi nên trong tiềm thức của con bé không hề có khái niệm mẹ”.

Long - một chú bé tám tuổi, bị dị tật hai tay, hai chân, thấy khách đến vội quay mặt vào tường. “BV phát hiện Long bị bỏ rơi trên ghế đá vào giữa trưa. Do đói, khát nên Long khóc không ra hơi, người tím tái. Khó khăn lắm BV mới cứu được cháu” - chị Vân kể lại. Dị tật cả tay lẫn chân nên việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân của Long đều do nhân viên làng Hòa Bình đảm nhận. Khi tôi hỏi Long có nhớ mẹ không, cháu lắc đầu, buông lời: “Mẹ là gì, con đâu biết. Con chỉ biết cô Vân, cô Mai (nhân viên chăm sóc Long) thôi!”. Nghe Long nói, chúng tôi nghẹn lòng.

“Bị dị tật tay, chân như Dung, Long còn đỡ. Nhiều em khác bị bại não chỉ nằm một chỗ, sống đời thực vật. Tạo ra con với hình hài không trọn vẹn rồi vứt bỏ con, cha mẹ các cháu thật quá nhẫn tâm” - chị Vân bày tỏ sự bức xúc.

Mồ côi từ trong bụng mẹ - Bài 3: Thèm gọi tiếng mẹ ảnh 1

Mỗi lần nghe hỏi về mẹ, Thủy lại tủi thân. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mồ côi từ trong bụng mẹ - Bài 3: Thèm gọi tiếng mẹ ảnh 2

Trong tiềm thức của bé Dung không hề có mẹ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Không tả được mẹ

Sụt sùi khóc, Thủy - cô bé 14 tuổi, bị dị tật hai chân, tâm sự: “Em được các cô ở làng Hòa Bình cho biết mẹ em tên Phạm Thị Thu Sương. Vừa chào đời, em bị mẹ bỏ lại BV. 14 năm qua, em chưa một lần được gặp mẹ…”.

Thủy lớn lên trong sự chăm sóc chu đáo của nhân viên làng Hòa Bình. Dù được ăn no, mặc ấm, được đi học nhưng Thủy vẫn đau đáu mong được gặp mẹ, được mẹ ôm vào lòng… “Ở trường, có lần trong giờ học văn, cô giáo bảo tả về mẹ. Em nói: “Thưa cô, con không có mẹ nên không biết tả thế nào…”. Nói xong em úp mặt lên bàn khóc ròng. Khi ấy, mắt cô giáo em cũng đỏ hoe…” - Thủy nghẹn ngào.

Thủy thổn thức: “Em đang học ở trường dành cho trẻ khuyết tật. Cùng khuyết tật với nhau nhưng các bạn được cha mẹ đưa đón. Em cũng có mẹ, có cha nhưng sao mẹ cha không bao giờ đến đón em?”.

Bị hở hàm ếch, răng nhô ra ngoài nên cậu bé An (16 tuổi) phát âm rất khó nghe. “Các cô ở làng Hòa Bình nói mẹ em tên Nguyễn Thị Phương Anh, ở Đồng Nai. Mẹ bỏ em lúc em được hai ngày tuổi. BV Từ Dũ nhiều lần gửi thư đến nhà nhưng không thấy ba mẹ đến rước. Vậy là em thành trẻ mồ côi” - An tâm sự, giọng buồn tênh.

Mỗi lần đọc được các bài biết về tình mẫu tử, dẫu là nam nhưng An vẫn rơi nước mắt vì tủi. “Tình mẹ thương con vô bờ bến, vậy sao mẹ lại bỏ em? Cho dù hình hài em không bình thường nhưng em vẫn là con của mẹ mà?”, trước câu hỏi của An, tôi chỉ biết cúi mặt…

Nỗi đau đeo đẳng cả mẹ lẫn con

Thống kê của BV Hùng Vương và BV Từ Dũ cho thấy những sản phụ có thai ngoài ý muốn, sinh rồi bỏ rơi con thường ở độ tuổi từ 20 đến 25.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và Truyền thông cộng đồng, giải thích: “Hiện trạng trên là hệ quả của thực trạng sống thử trước hôn nhân. Do thiếu hiểu biết và chưa đủ kiến thức về an toàn tình dục, một số nữ sinh viên, công nhân trẻ… đã có thai ngoài ý muốn. Vì không thể phá thai nhiều lần hoặc bởi thai to, họ buộc phải cho con hoặc sinh con rồi bỏ”.

Bà Linh cho biết trẻ bị cho hoặc bỏ rơi dễ tổn thương tâm lý, có thể dẫn đến sự thù nghịch với mẹ đẻ. “Không loại trừ khả năng sau thời gian nuôi dưỡng, trẻ bị người nhận nuôi chối bỏ. Trong trường hợp này, trẻ phải mang hai nỗi đau: đứa con bị bỏ rơi (từ mẹ ruột) và đứa con bị ruồng bỏ (từ người nhận nuôi). Những trẻ này dễ bất mãn, tuyệt vọng, sống buông thả, sa vào các tệ nạn xã hội…” - bà Linh cho biết thêm. Cũng theo bà Linh, sản phụ sau khi cho hoặc bỏ rơi con thường mang mặc cảm tội lỗi. Nếu sau này không tìm được con, có người sẽ dằn vặt và hối hận cả đời.

Liên quan đến hệ lụy vứt bỏ con, TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn nói thêm: “Những người mẹ vứt con không bao giờ thanh thản trong tâm hồn vì những ám ảnh từ hành vi đã làm. Các cháu bé trong hoàn cảnh này cũng dễ gặp bất hạnh khi sống cùng những cha mẹ nuôi không thực sự thương yêu…”.

Giáo dục trách nhiệm và giá trị nhân văn cho bạn gái

Cần chủ động giáo dục tính trách nhiệm và giá trị nhân văn cho bạn gái và học sinh nói chung để phòng ngừa thực trạng quan hệ tình dục bừa bãi. Thay vì quyết liệt ngăn cản, cần hướng dẫn các em biết tự bảo vệ bản thân để hạn chế việc có thai ngoài ý muốn. Mặt khác, cần chú ý đến sự điều chỉnh của dư luận xã hội để tránh những hành động nông nổi, đặc biệt là vứt bỏ con mình của các cô.

TS tâm lýHUỲNH VĂN SƠN

Các trung tâm hiện nuôi dưỡng hơn 1.040 trẻ mồ côi (chưa kể 70 cơ sở tư nhân). Ở đây, trẻ dị tật được nuôi suốt đời. Trẻ bình thường được nuôi đến 16 tuổi, được học hành, tìm việc làm, hòa nhập cộng đồng. Nếu không tìm được việc làm bên ngoài, các trung tâm sẽ bố trí công việc thích hợp cho các em.

ÔngVÕ MINH HÒA,Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội
(Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm