Một ngày ở "Đệ nhất hùng quan"

Đoạn đường qua đèo Hải Vân nối tỉnh Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng dài ngót 20km, uốn lượn như một sợi dây thừng nằm chênh vênh vắt qua các sườn núi. Gió mang hơi lạnh róng riết từ biển thổi qua từng hõm đá. Bên sườn núi là những thân cây rừng lâu năm rêu phong, mốc thếch vươn mình trong giá rét đã bắt đầu bung lộc, điểm từng chùm hoa đỏ au đón nắng sớm... Từng đoàn xe chở khách du lịch nối đuôi nhau, hối hả leo dốc rồi cấp tập dừng lại chốn đỉnh đèo để thưởng ngoạn thành lũy 7 thế kỷ trên đường thiên lý Bắc Nam.

Còn nhớ cách đây mấy chục năm về trước, khi kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu về du lịch manh nha hình thành, hàng chục mảnh đời lữ khách ở những vùng quê nghèo Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng áo khăn lên đỉnh đèo kiếm kế sinh nhai với đủ loại hình dịch vụ: rửa xe, nước giải khát, tạp hóa, hàng lưu niệm… Cuộc sống không giàu sang nhưng đủ nuôi sống hàng chục hộ gia đình khốn khó buổi sa cơ lỡ vận.

Tiếp chúng tôi bên căn chòi nhỏ - nơi làm chốn nghỉ chân cho du khách mỗi khi xe ô tô dừng lại thay nước mui, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trầm ngâm kể, vợ chồng chị lên định cư trên đèo Hải Vân đã 20 năm tròn bằng đất "nhảy dù". 20 năm trước, khi lấy nhau anh chị không có một tấc đất sản xuất, họ dắt díu nhau rời quê, lên đèo kiếm kế sinh nhai. 3 vòi nước mui và quán nước lèo tèo cũng giúp vợ chồng và 2 đứa con nhì nhằng sống chốn mây mù giăng đỉnh núi này.

Một ngày ở "Đệ nhất hùng quan" ảnh 1
“Đệ nhất hùng quan” đã vui trở lại bởi nhiều du khách đã tìm về.

Gia đình chị Nguyễn Thị Gái (Liên Chiểu, Đà Nẵng) buôn bán trên đỉnh đèo đã hơn chục năm. Lúc đầu, ngày này đến tháng khác, anh chị cùng chiếc xe Cup 80 cà tàng đèo thêm mấy mớ hàng lưu niệm, chục chai nước giải khát lên, tối về nhưng sau thấy bất tiện, anh chị quyết định làm quán kiên cố và đưa cả 3 đứa con lên sống giữa mây ngàn gió núi Hải Vân. Để ổn định cuộc sống, họ mở thêm quán phở, cà phê sáng: "Không ai kể hết nỗi khổ cực khi khách qua đèo vắng bóng, nhưng giờ đây Hải Vân lại tấp nập hơn xưa rồi, đặc biệt là khách nước ngoài. Có người trở lại là chúng tôi không lo đói nữa rồi", chị Gái phấn khởi nói.

"Ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" - Lê Quý Đôn nhận xét trong Phủ Biên tạp lục.

Cư dân đến định cư ở đỉnh đèo này có người vì kế sinh nhai, cũng có kẻ chỉ vì mê đắm chốn mây ngàn đá núi đẹp như tranh thủy mạc cam chịu cuộc sống thiếu thốn. Nhắc đến gã thơ nghiệp dư Lại Thanh Hà, cả xóm "nhảy dù" này không ai không biết. Vốn biết đến Hải Vân Quan từ thời còn khoác trên vai cái áo lính, ngày hòa bình gã quyết dắt vợ con từ Quảng Ngãi ra Hải Vân sinh sống. Cuộc sống an nhàn về mặt tinh thần với thơ, rượu, nhưng an cư lạc nghiệp giữa mây ngàn đá núi, đèo dốc hiểm trở lại là chuyện khác. Để kiếm ngày ba bữa cơm cho vợ con, gã bắt tay vào kinh doanh nghề dịch vụ vệ sinh, mỗi lượt đi khách trả 500 đồng, cũng có những tri kỷ không cần trả phí mà chỉ cần nán lại dăm ba phút nghe gã đọc thơ.

Thế rồi, vào thời điểm thông hầm Hải Vân (năm 2003), bao nhiêu hộ dân phải dạt về quê cũ, "Đệ nhất hùng quan" sừng sững giữa miền Trung được đổi tên thành "Đệ nhất hùng quan buồn". Vắng khách, thu nhập từ dịch vụ ế ẩm, những vần thơ nghiệp dư chưa một lần được đăng tải ở bất cứ một tờ tạp chí nào ấy cũng không thể nuôi sống cả nhà 7 miệng ăn của gã. Không thể nhìn cảnh con cái thiếu thốn, người vợ của gã bây giờ làm cuộc chia tay, đưa con trở về quê cũ.

Trầm ngâm rót cõi đời vào cốc nước vối, gã bảo: "Ngẫm cho cùng, sống ở đời cũng chỉ vì đam mê cái đẹp của thiên nhiên, tạo hóa. Cũng may, vì quá thương tui nên bà ấy sau bốn, năm đận chia tay rồi lại trở về…". Nghe câu chuyện về cuộc tình duyên đứt rồi lại nối của vợ chồng gã, tôi mạo muội làm phép so sánh cái nhân duyên cuộc tình ấy với địa danh Hải Vân Quan. Dọc theo chiều thiên di của lịch sử, qua bao biến động thăng trầm của thời cuộc, chốn đệ nhất hùng quan vẫn còn nguyên giá trị (xét về mặt mỹ học). Bởi dẫu có lúc bị chìm vào quên lãng hoặc được nhắc đến như chốn hãi hùng nhất đối với khách qua đường thì giờ đây người ta vẫn trở lại chốn này.

Prian, một du khách đến từ Pháp chia sẻ: "Đây đã là lần thứ 3 tôi đến Việt Nam. Trở lại Việt Nam, đi qua miền Trung dù không có quỹ thời gian và trái tuyến tour du lịch, song lần nào chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp để được đến tham quan thắng cảnh của Đèo Hải Vân. Đi du lịch mà chưa đặt chân đến đây thì coi như chuyến du lịch không trọn vẹn…".

Hải Vân Quan không nằm trong tuyến tour du lịch miền Trung, nhưng ngày nay du khách trong nước và quốc tế vẫn nườm nượp đến, tấp nập nhộn nhịp người mua kẻ bán, tham quan thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Chiều buông lững lờ trên đình Hải Vân, trong ánh nắng rực vàng buổi hoàng hôn, nhìn về phía Bắc, thắng cảnh Lăng Cô - Bạch Mã ẩn hiện trong mờ ảo sương giăng. Còn bên kia TP Đà Nẵng trẻ trung, hiện đại và sôi động nhất miền Trung, sầm uất với những công trình thế kỷ đã và đang được xây dựng... Rời đỉnh đèo khi chiều đã muộn, tôi nhớ mãi giọng gã thơ nghiệp dư hào sảng, "Đệ nhất hùng quan buồn" đã vui trở lại…

Theo Phan Vĩnh Yên (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm