CÀ MAU: SỐNG TRÊN MIỆNG TỬ THẦN - BÀI 3:

Nắn dòng chảy, trồng cây chắn sóng

Ông Tống Lê Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết: “Gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên rõ rệt ở các vùng phía đông Cà Mau, dòng chảy thay đổi mạnh... Cần xem lại các giải pháp chống sạt lở trong quá khứ”. Đề tài nghiên cứu khoa học về sạt lở, bồi lắng trên địa bàn tỉnh Cà Mau tháng 10-2008 (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) nhận định: “Hiện tượng sạt lở, bồi lắng lòng dẫn sông rạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang có xu thế ngày một gia tăng cả về mức độ lẫn phạm vi”. Ngoài ra, đề tài khoa học này còn chỉ ra những biến đổi lớn khác về dòng chảy, triều cường, cho thấy hiểm nguy lớn đang chực chờ các xóm làng ven cửa sông, cửa biển Cà Mau.

48 địa chỉ đen

Theo một nghiên cứu từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến tháng 10-2008, Cà Mau có 48 địa chỉ đen về sạt lở (hiện nay con số còn cao hơn). Đó là chỉ tính những điểm sạt lở có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân. Mức độ sạt lở ở những điểm này đã gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của người dân.

Nắn dòng chảy, trồng cây chắn sóng ảnh 1

Vì nạn sạt lở, nhiều gia đình ở xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước phải bỏ hoang nhà cửa. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông Nguyễn Long Oai, Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hai năm liền 2009 và 2010, tình trạng sạt lở gây kinh sợ thực sự. Khi đến thị sát khu vực sạt lở chợ Vàm Đầm, chúng tôi thực sự lo lắng. Có những căn nhà với hệ thống trụ bê tông kè trông hết sức vững chắc nhưng vẫn không tránh khỏi bị sụp, lún. Một cây xăng đã biến mất chỉ trong vài phút”.

Tổng hợp chưa đầy đủ từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, từ ngày 16-6 đến nay, Cà Mau có khoảng 2.000 m2 đất ở khu vực dân cư thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi bị sụp xuống lòng sông, nhấn chìm 17 căn nhà, trại giống, gây thiệt hại vật chất gần 1 tỉ đồng. “Khảo sát mới đây cho thấy hiện có 83 hộ đang đứng trước nguy cơ bị sạt nhà xuống sông bất cứ lúc nào!” - ông Oai lo lắng.

Trong điều kiện chưa triển khai được các biện pháp chống sạt lở kiên cố, lâu dài, mấy năm qua chính quyền địa phương Cà Mau tạm có những biện pháp thụ động. Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân nói: “Vào mùa sạt lở, chúng tôi luôn phân công người trực 24/24 giờ, gồm hàng chục lực lượng công an, biên phòng, dân quân tự vệ trong tư thế sẵn sàng giúp bà con trục vớt tài sản. Đợt sạt lở vừa rồi, anh em phải dầm mưa lặn xuống sông suốt đêm”.

Nắn dòng chảy, trồng cây chắn sóng ảnh 2

Nhiều bờ kè bê tông dân sinh (huyện Đầm Dơi) không đem lại hiệu quả trước sự thay đổi của môi trường. Ảnh: TRẦN VŨ

Dè dặt với kè bê tông

Đến bây giờ, người dân Cà Mau vẫn không quên được một công trình kè bạc tỉ đã trôi sông khi chưa đưa vào sử dụng. Đó là bờ kè Cảng Năm Căn, huyện Năm Căn. Năm 2005, Cà Mau đầu tư xây dựng Cảng Năm Căn, trong đó có hạng mục bờ kè trị giá hơn 7 tỉ đồng. Hạng mục này khi xây dựng vào giai đoạn cuối, vẫn chưa bàn giao đưa vào sử dụng thì gần một nửa kè bị chìm mất hút xuống lòng đất.

Ông Tống Lê Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết: “Mấy năm gần đây, khi tình hình sạt lở gia tăng, các địa phương có nhiều tờ trình, phương án xin làm bờ kè bê tông kiên cố, với giá trị hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Nhưng thực tế nhiều công trình chống sạt lở bằng kè kiên cố đã không đem lại hiệu quả cao. Đã đến lúc chúng ta nên chọn các giải pháp phi công trình. Nó thuận với tự nhiên và hiệu quả hơn”.

Nắn dòng chảy, trồng cây chắn sóng ảnh 3

Người dân đã thực hiện việc trồng cây mắn để chắn sóng chống sạt lở. Ảnh: TRẦN VŨ

Nắn dòng chảy, trồng cây chắn sóng ảnh 4

Chợ Tân Tiến nằm ngay khúc lõm của sông Tràm Chim, dòng chảy đã khoét thành hàm ếch gây sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông Nguyễn Quang Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi cũng nhận định: “Thực tế thời gian qua cho thấy hầu hết các công trình kè bê tông không thể chống xói lở bền vững. Điều đó liên quan đến sự biến đổi của hệ thống dòng chảy, cộng với tình hình biến đổi khí hậu, nước dâng… cho thấy cần phải có một sự thay đổi về giải pháp chống sạt lở. Chúng ta phải thực hiện các giải pháp thuận với tự nhiên như điều chỉnh dòng chảy, trồng cây chắn sóng, di dời dân cư ra khu vực an toàn...”. Ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, cũng đồng quan điểm ấy: “Nhiều lần họp bàn về giải pháp nào để chống sạt lở ở chợ Vàm Đầm, đa số đều thống nhất chỉ có giải pháp nắn dòng chảy là ít tốn kém và có hiệu quả nhất”.

Ông Tống Lê Thắng nhận định: “Trong nhóm giải pháp phi công trình, chúng tôi đánh giá cao nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, xây dựng quy chế bảo vệ… Tinh thần giải pháp này là người dân tự ý thức bảo vệ bờ sông của mình bằng các biện pháp như trồng cây chắn sóng, không xây cất công trình, nhà cửa bằng vật liệu nặng gần mé sông nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của mình. Hiện nay, nhiều người dân ở các vùng sạt lở đã bắt đầu thực hiện việc trồng cây chắn sóng, thuận với tự nhiên nguyên thủy của nó”.

Tháng 5-2003 xảy ra hiện tượng trượt do mất ổn định tổng thể của bờ sông Cái Nai (thuộc huyện Năm Căn) làm 18 căn nhà bán kiên cố của dân bị sạt xuống sông. Khu vực chợ Tân Tiến, huyện Đầm Dơi có 1.900 m đường bờ xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống công trình dân sinh và nhà cửa của dân cư cặp mé sông. Trên địa bàn huyện Đầm Dơi, đến tháng 10-2008, sạt lở làm thiệt hại tài sản của dân gần 2 tỉ đồng. Riêng khu vực chợ Tân Tiến và chợ Vàm Đầm thuộc hai xã Tân Tiến và Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi là những điểm nóng sạt lở. Đã có 76 hộ dân bị sụp nhà hoàn toàn xuống sông (thời điểm nghiên cứu tháng 10-2008). Những vụ sạt lở diễn ra kinh hoàng với hàng loạt căn nhà cùng lúc trôi và chìm nghỉm xuống lòng sông. 

(Nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam)

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm