Nghề “săn” thuỷ tùng

TỪ TRỤC VỚT DƯỚI LÒNG HỒ

Cơn sốt săn tìm thủy tùng rộ lên từ đầu năm ngoái đến nay, quanh khu vực hồ Ea Ral ở thôn 4 (xã Ea Ral, huyện Ea H,leo, Đak Lak). Hàng trăm người dân ở nhiều nơi đã đổ về đào bới, trục vớt thủy tùng từ lòng hồ.

Một số người già trong thôn kể lại, để  xây dựng đập thủy lợi Ea Ral, vào năm 1980, rất nhiều cây thủy tùng lâu đời đã bị đốn hạ, nhiều cây vẫn còn nằm lại trong lòng hồ.

Nghề “săn” thuỷ tùng ảnh 1

 Anh Hào dùng can để săn thủy tùng trên hồ Ea Ral

Chính vì điều này, một vùng hồ và cánh đồng rộng lớn nhanh chóng biến thành một đại công trường. Ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có hàng trăm người tất bật với công việc. Nhiều người có điều kiện thì mua máy móc để khai thác, ai không có thì dùng can nhựa hoặc kết mấy cây chuối làm bè cùng mấy sợi dây thừng, dây xích... để vào cuộc “mò cây đáy bể”. Trên bờ hồ, một loạt lán trại được dựng lên để ở, buôn bán và thu gom thủy tùng.

Môi thâm, bầm vì lặn ngụp dưới lòng hồ nhiều giờ liền, anh Lê Văn Hào rít vội điếu thuốc lá rồi kể: “Gia đình tôi có rẫy cà phê, thế nhưng khi thấy người ta đổ xô đi tìm loại cây này tôi đã thuê người đi hái cà phê còn ba bố con ra đây kiếm vận may. Thời gian trước thủy tùng còn nhiều nhưng ít người mua, giờ thì cả ba bố con thay phiên nhau lặn từ sáng đến giờ vẫn chưa đụng được khúc nào... Cũng hên xui lắm, hôm nào may thì kiếm được 500.000 đồng hoặc 1 triệu, có hôm về tay trắng. Người ta có bè và ống thở, còn bố con tôi không có gì, nhiều khi đang lặn bỗng hết hơi, ngoi lên không kịp phải uống cả bụng”.

Để có được một khúc thủy tùng, người ta phải mò mẫm khắp đáy hồ, khi nào chạm tay vào khúc gỗ thì lặn xuống móc dây vào rồi kéo lên, lôi vào bờ để bán. Nhưng cũng có khi vất vả lôi được vào bờ mới biết đã vớ phải khúc củi bình thường. Chỉ về phía những cây tre được đóng khắp nơi trên mặt hồ, anh Hòa giải thích, đó là những gốc thủy tùng đã có chủ, nhưng do chưa trục vớt ngay được nên phải đánh dấu để người khác biết.

Nghề “săn” thuỷ tùng ảnh 2

Những khúc gỗ thủy tùng được trục vớt từ dưới hồ lên

ĐẾN KHAI QUẬT ĐỒNG RUỘNG

Từ xã Ea Ral, chúng tôi theo chân một nhóm đi “săn” thủy tùng về xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, Đăk Lăk). Từ trung tâm xã, chúng tôi cuốc bộ hơn 10 km để vào cánh đồng Ea Kuanh thuộc địa phận buôn Giêr, mới thấy được sức hút ghê gớm của loài gỗ quý này.

Trên cánh đồng rộng mênh mông, từng đoàn người đang hì hục đào bới tìm kiếm gỗ thủy tùng trên những mảnh ruộng vừa gặt xong. Những người săn thủy tùng dùng một cây xăm nhọn dài khoảng 3m, chọc vào lòng đất. Đụng vào vật cứng, họ sẽ phân biệt được ngay là gốc thủy tùng hay vật khác.

Cánh đồng bị băm nát bởi những nhát cuốc đào bới của người săn thủy tùng. Một cái hố sâu hoắm hiện ra, người đào, người tát nước, kẻ cầm xăm... cứ thế họ băm nát cả cánh đồng.

Ama Trang - cán bộ xã cho hay, phải vào thăm buôn Giêr và buôn Vik mới thấy được thủy tùng đang sốt đến mức nào. Từ đầu buôn Giêr cho đến tận cuối buôn Vik, từ trẻ em đến người lớn đâu đâu cũng nói chuyện mua bán thủy tùng. Người này mới tìm được một khúc to bán mấy chục triệu, người kia đổi đời nhờ trúng gốc cỡ bự.

Trên những con đường của thị trấn Krông Năng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những phụ nữ bản địa gùi sau lưng vài khúc thủy tùng mang ra chợ bán, hay đổi gạo, rau, thịt...

NHÌN ĐÂU CŨNG SỢ TRỘM

Từ khi thủy tùng sốt giá, những tên trộm đã chuyển mục tiêu sang thứ hàng xa xỉ này, vừa dễ bán và người mất chẳng dám báo cơ quan chức năng. Hơn nữa, nếu có báo cũng khó định được giá thủy tùng bao nhiêu tiền để truy tố trước pháp luật.

Vì thế, nhà nào may mắn có được thủy tùng thì đem cất giấu rất cẩn thận vì sợ mất trộm. Ở đây, xe máy, trâu bò để ngoài đường chẳng ai lấy, còn với thủy tùng thì mất ngay.

Nghề “săn” thuỷ tùng ảnh 3

Độc bình làm từ gỗ thủy tùng trông rất đẹp

Một thợ tiện gỗ tại huyện Krông Năng kể: “Gần đây nhiều người mang gỗ thủy tùng đến thuê tôi tạc tượng. Cách đây chừng hai tháng, tôi bị trộm mất một khúc gỗ thủy tùng cỡ lớn, mấy hôm sau có một người nhắn tin bảo mang 7 triệu đồng tới chuộc. Biết đó chính là bọn ăn cắp, nhưng do gỗ của khách hàng nên đành ngậm ngùi móc ví để chuộc về. Nhiều gia đình có độc bình làm từ thủy tùng dù đã cất kỹ trong tủ có khóa hẳn hoi, hay để ngay tận giường ngủ, cũng bị trộm đột nhập lấy mất”.

Thấy khách vào thăm, chị H,Salim (buôn Vik) đặt vội đứa con nhỏ xuống sàn nhà, vất vả vác chiếc cầu thang để trong góc nhà ra đặt xuống mời khách vào. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi có căn nhà do ba mẹ để lại, chiếc cầu thang lên xuống được làm từ cây thủy tùng. Từ khi thủy tùng được thu mua rầm rộ, nạn trộm cắp rộ lên, tôi phải giấu cầu thang phòng trộm. Chỉ có chồng đi làm rẫy thôi, còn mình phải ở nhà vừa trông con vừa trông cầu thang. Khổ thật!”.

Còn bà H,Biu ở buôn Giêr nhà có mấy cái cột chuồng bò làm bằng thân cây thủy tùng, ngày nào cũng ngay ngáy lo âu vì “Bò không sợ mất, chỉ sợ mất cái chuồng”.

Buôn Vik và buôn Giêr (xã Ea Hồ) là hai buôn còn nhiều căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê được làm bằng gỗ thủy tùng. Chính vì điều này, già làng và lực lượng an ninh thôn luôn trong tình trạng mất ăn mất ngủ. Tại buôn Vik có khoảng năm nhà dài làm bằng gỗ thủy tùng, thì đã có 4 căn bị mất cầu thang, cái cuối cùng cũng bị bọn trộm cạy lấy mất 4 tấm ván.
  

Theo NGỌC LINH (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm