Ngỡ ngàng một Campuchia tươi đẹp

Tượng đài hữu nghị Campuchia - Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh.

Theo chân quân tình nguyện

Đã 38 năm qua (7-1-1979–7-1-2017), ngày mà quân tình nguyện Việt Nam cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến vào thủ đô Phnom Penh để giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, máu và nước mắt của quân tình nguyện Việt Nam đã đổ khá nhiều...

Sau năm 1975, nhiều tờ báo trên thế giới hay gọi đến những cụm từ như Miền đất chết, Miền đất đau khổ, Miền đất hận thù, Địa ngục trần gian… tất cả là để chỉ đích danh những đau thương do chế độ Pol Pot tàn bạo gây ra. Nhưng giờ đây đoàn cựu chiến binh (CCB) quân tình nguyện năm xưa thăm lại Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai), ai cũng chung cảm nhận trên đầu là bầu trời xanh bao la, trước mắt là những con đường nhựa rộng thênh thang chạy ngang, dọc khắp đó đây. Những khối nhà cao, cánh đồng lúa, hàng cây thốt nốt mướt xanh...

Trung tướng Trần Trung Khương, người mà hơn 30 năm về trước từng là Chính trị viên tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 94, Sư đoàn 307), nghẹn ngào: “Những ngày tham gia giúp bạn, chúng tôi luôn mơ ước trong sâu thẳm, cuộc chiến sớm kết thúc, hòa bình trở lại để chúng tôi có thể thảnh thơi đi trên con đường chạy giữa những cánh rừng bằng phẳng và bát ngát này mà không bị bất ngờ đổ máu hay bỏ mạng bởi một trái mìn, một quả đạn B40 hay cả loạt đại liên…

Chúng tôi mong có được một giấc ngủ say cho cả đôi mắt chứ không phải là một giấc ngủ với chỉ một con mắt nhắm, để rồi bất ngờ bật dậy trong tiếng nổ của những đợt tập kích bất ngờ… hoàn toàn không muốn cuộc chiến dai dẳng…”.

Trung tướng Khương bất ngờ hội ý nhanh và thống nhất: “Chúng mình không kể khổ nữa nhé, cố gắng đi thăm được nhiều nơi trên nước bạn để cảm nhận trong hòa bình, thăm viếng những nơi đồng đội đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, nơi mà đồng bào Campuchia đã từng cưu mang giúp đỡ chúng ta… Đồng thời thăm những công trình kiệt tác nổi tiếng thế giới của nước bạn. Qua đó, chúng ta vui mừng cho nước bạn đang trên đà đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”.

Ngỡ ngàng di sản, công trình mới

Đoàn CCB Sư đoàn 307 hồ hởi lên ô tô đi qua các địa danh từng diễn ra các cuộc đọ súng ác liệt, kết hợp thăm viếng hệ thống đền đài kiệt tác như Angko Wat, Angko Thom, đền Preah Vihear, đền Banteay Srey… được xây dựng dưới thời Đế chế Khmer thịnh trị hơn 500 năm về trước. Dù đã nghe, đã đọc, xem qua phim ảnh nhưng các thành viên trong đoàn vẫn thấy sốc và ngẩn ngơ khi tận mắt chiêm bái những di sản của thế giới trên đất nước chùa tháp.

Tại các công trình di sản thế giới, Campuchia đã thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ di sản, cảnh sát du lịch… Qua đó bảo vệ, hướng dẫn tận tình cũng như xử lý nghiêm các hoạt động xâm phạm đến di sản và vi phạm các hoạt động du lịch mở…

Hàng loạt những tuyến đường giao thông được mở rộng, những cây cầu lớn được xây dựng mới bắc qua các con sông Mê Kông, sông Sêrêpôk (tên gọi trong tiếng Khmer là Tonlé Srepok)… Một điều rất thú vị, gần 10 ngày rong ruổi trên nhiều cung đường, thế nhưng chưa gặp một trạm thu phí nào. Còn lực lượng cảnh sát giao thông của bạn khi làm nhiệm vụ, họ ra hiệu lệnh dừng xe rất văn minh, khi kiểm tra xe cũng thể hiện cách cư xử rất lịch sự…

Tại thủ đô Phnom Penh, khi đi thăm đài Độc Lập ở quảng trường trung tâm thành phố, tất cả anh em trong đoàn háo hức đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài hữu nghị Campuchia - Việt Nam.

Tượng đài được xây dựng trong một khuôn viên khá rộng, lại rất gần Cung điện Hoàng gia nguy nga và tráng lệ. Chỉ cách đó không xa là những khối nhà đồ sộ đang mọc lên ngay ven dòng sông thơ mộng…

Trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), tất cả cho chúng tôi chung một cảm nhận về đất nước Campuchia đang phát triển mạnh mẽ, người dân thân thiện, cởi mở... 

Một số hình ảnh tại đất nước Campuchia:

Ngỡ ngàng một Campuchia tươi đẹp ảnh 2

Cung điện Hoàng gia.

Đoàn tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh tại cung đường các liệt thuộc huyện Chhaeb, tỉnh Preah Vihear.

Làng quê Campuchia.

Cảnh sát bảo vệ di sản và du lịch.

Chăm lo nghĩa tình đồng đội

Từ nhiều năm qua, các anh trong Chi hội 5 (Chi hội Nghĩa tình người lính) đã nỗ lực quy tập hài cốt liệt sĩ ở các đơn vị thuộc Sư đoàn 307, 309 và Sư đoàn 2 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế và được an táng ở các nghĩa trang phía Nam.

Ngỡ ngàng một Campuchia tươi đẹp ảnh 9
Quy tập hài cốt.

Theo đó, đã kết nối các CCB quân tình nguyện từ Đà Nẵng trở vào. Liên tục thực hiện các đợt di dời hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện về nghĩa trang quê nhà, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân gia đình các liệt sĩ.

Ông Nguyễn Thanh Nhẫn, Chi hội trưởng Chi hội 5 (Chi hội Nghĩa tình đồng đội) tại TP.HCM, cho biết: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện theo tâm nguyện của thân nhân liệt sĩ cũng như tâm huyết của đồng đội. Nhờ có sự phối hợp tốt nên đã tổ chức thực hiện được chín đợt cất bốc, di dời với tổng số 169 hài cốt liệt sĩ đồng đội về nghĩa trang quê nhà. Qua đó, đáp ứng được nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tại các địa phương đón các liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm