Người anh hùng bảo vệ Khu ủy

Ông Năm Nón tên khai sinh là Lê Văn Tua, ở xã Đông Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh. Năm 1957, cả gia đình cùng tham gia đấu tranh chính trị nên mẹ, chị và Năm Nón cùng bị bắt giam đến đầu năm 1960 mới được thả. Ra tù, ông về làm bảo vệ cho Tỉnh ủy Tây Ninh, tháng 5-1960 Khu ủy Sài Gòn-Gia Định gọi về làm cảnh vệ.

Tiểu đoàn Vinh Quang

Năm Nón trở thành người đầu tiên bảo vệ Khu ủy, làm nhiệm vụ cảnh giới cho đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy. Lúc đầu ông xây dựng tổ tam chế gồm ba người, sau đó phát triển lên bốn, năm người, rồi thành lập tiểu đội, trung đội bảo vệ Khu ủy với hơn 30 người. Đến năm 1963, do đặc thù cơ quan Khu ủy ngày càng lớn mạnh, trung đội không đảm đương hết nhiệm vụ nên Năm Nón vận động thành lập Tiểu đoàn Vinh Quang và được bầu làm chính trị viên tiểu đoàn.

Công việc đầu tiên của tiểu đoàn là xây dựng căn cứ. Bắt đầu từ việc đào giếng nước rồi làm lò Hoàng Cầm, rồi làm nhà hầm, địa đạo để sinh hoạt, làm việc và chiến đấu. Ông kể: “Tụi tôi xây dựng hàng chục căn cứ như thế. Một căn cứ vừa vừa cũng cần một trung đội làm cật lực ba tháng ở trong rừng, nhiều lúc xây chưa xong thì bị chúng đánh phá. Thuốc hết không có hút, tóc dài không ai cắt, sốt rét không có thuốc chữa. Việc xây dựng căn cứ tuyệt đối bí mật, cấm mọi người ra khỏi rừng để tránh bị lộ”.

Với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và bảo vệ căn cứ nên vũ khí của tiểu đoàn chủ yếu là ky, cuốc (cuốc dùng để đào đất, ky dùng để kéo đất lên), bởi thế công tác xây dựng tư tưởng cho anh em là rất khó. “Nhiều anh em chỉ thích được cầm súng trực tiếp đánh giặc. Tui phải đi vận động, giải thích cho từng người về nhiệm vụ đặc biệt của Tiểu đoàn Vinh Quang, tức là phải vinh quang lắm mới được làm nhiệm vụ cao cả này. Do làm công tác tư tưởng tốt nên khi xây dựng và bảo vệ, anh em làm việc luôn hết mình” - ông tâm sự.

Người anh hùng bảo vệ Khu ủy ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn-Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG

Chỉ mấy năm sau thành lập, Tiểu đoàn Vinh Quang đã rải khắp vùng Củ Chi, Trảng Bàng, Dầu Tiếng, Bến Cát… Khu ủy đi đâu thì ở đó có căn cứ do tiểu đoàn xây dựng.

Anh hùng “ky, cuốc”

Bảo vệ căn cứ cũng là bảo vệ hàng chục lãnh đạo Khu ủy bên trong nên dù phải hy sinh cũng chiến đấu tới cùng. Căn cứ được xây dựng có ổ chiến đấu, hầm ngầm khá bí mật, nằm sát mặt đất nên địch rất khó phát hiện. Lúc địch tiến đánh, Năm Nón lãnh đạo anh em chặn đánh ở giao thông hào, chủ yếu rình núp để đánh du kích. Sau khi địch đánh mạnh thì rút quân vào ổ chiến đấu đánh đến cùng để bảo vệ các căn cứ Khu ủy.

Tháng 1-1966, Mỹ tổ chức trận càn mang tên Crimp (cái bẫy) cốt phá hệ thống địa đạo căn cứ chính của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Một lực lượng hùng hậu tăng, pháo binh với đầy đủ vũ khí, kỹ thuật tối tân và trên 3.000 quân đổ xuống vùng địa đạo Phú Mỹ Hưng (Củ Chi). Đơn vị ông luồn trong địa đạo, lúc ẩn lúc hiện, đánh phủ đầu rồi lại biến mất. “Địch lúc đó mới nhảy vào nên còn khù khờ lắm, vai mang ba lô to chình ình chứa súng đạn, thức ăn nên rất cồng kềnh. Chúng chưa kịp cởi ba lô để làm điểm tựa bắn súng thì đã bị anh em tui bắn chết nhiều vô kể. Chết hết lớp này, chúng lại tràn lên lớp khác, bắn hết đạn nên bọn tui phải rút lui sâu vào rừng” - ông hồi tưởng.

Sau trận đánh đó, cá nhân ông và tiểu đoàn được tặng huy chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

Xin B40 để bảo vệ Khu ủy

Cuối năm 1965 đầu năm 1966, Mỹ ra sức dùng xe tăng càn quét vào các vùng căn cứ. Năm Nón thấy đánh xe tăng Mỹ chỉ bằng mìn, pháo lép, súng trường không ăn thua. Nhiều lúc anh em chưa bắn hết một loạt đạn thì xe tăng của địch đã càn lên ngay trên đầu.

Người anh hùng bảo vệ Khu ủy ảnh 2

Đã 35 năm nay, trên bàn thờ Bác Hồ và Tiểu đoàn Vinh Quang chưa bao giờ hết nhang khói. Ảnh: HÀN GIANG

Một hôm, đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ), Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, vào đơn vị công tác. Đồng chí Hai Phong, Chánh văn phòng Khu ủy, đi theo biết được nỗi khát khao súng B40 của Năm Nón liền chỉ tay vào chú Năm Xuân và chọc: “Đó, ông kia chính ủy, muốn có súng lại đó mà xin”. Năm Nón tưởng thật bèn tiến lại gần: “Anh Năm ơi! Chúng tôi đánh xe tăng Mỹ mà chỉ có đạn nhọn, anh cho tui B40, tui đánh thắng Mỹ cho coi”. Đồng chí Năm Xuân vừa cười vừa nói: “B40 bộ đội chủ lực ta còn không có, huống hồ gì các chú tổ bảo vệ mà đòi có à?”.

Ông kể: “Ấy vậy mà mấy tháng sau chú Năm Xuân cũng đồng thuận cấp cho đơn vị của tui ba khẩu B40, mỗi khẩu chỉ được ba quả đạn vì đạn lúc này rất hiếm. Tui nghĩ bằng mọi cách phải sử dụng hiệu quả chín quả đạn này”.

Vừa được cho B40 thì cũng là lúc căn cứ chuyển về xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, Bình Dương. Vừa chuyển về được vài hôm thì địch tổ chức càn quét. Thấy địch chuẩn bị càn vào căn cứ, ông cho thử một quả B40 nhưng do bắn không quen nên không trúng xe nào. Địch biết ta có B40 nên cũng sợ, chúng cho xe dừng lại và nã đạn liên tiếp. Ông nhận định sáng mai chắc chắn địch sẽ cắt rừng tiến vào nên cho anh em ra đào chín công sự ngay trong đêm.

Về cái tên “Năm Nón”

“Tháng 11-1960, tui đi đánh bốt Trung Hòa, đánh xong lấy được một khẩu súng tự động và chiếc nón trắng của địch chụp vô đầu rồi ra làm nhiệm vụ cảnh giới. Trong lúc nằm võng cảnh giới cho chú Võ Văn Kiệt làm việc, bất thình lình nghe chú gọi vô, tui vớ vội cái nón đội lên đầu mới hay bên trong có con rắn chàm quạp cực độc lao ra. Tui chỉ biết ném chiếc nón ra xa và hét lên. Từ đó chú Võ Văn Kiệt và anh em cứ gọi tui là Năm Nón, gọi riết rồi quen, suốt 50 năm nay” - Đại tá Lê Văn Nón giải thích cái tên của mình.

Sáng hôm sau, xe tăng Mỹ tràn xuống ngay vùng công sự đã chuẩn bị sẵn. Năm Nón ra lệnh: “Chờ địch đến thật gần mới nổ súng, bắn phát nào phải chính xác phát đó”. “Xe tăng tiến sát ngay công sự, chúng dàn hàng ngang, tui lấy B40 ra bắn một phát, xe tăng địch bốc cháy dữ dội, anh em thấy thế cũng lôi B40 ra bắn năm viên liên tiếp làm cháy thêm được năm chiếc xe tăng nữa. Địch thấy hỏa lực của ta mạnh nên chúng dùng đại liên bắn nát cây rừng xung quanh. Tui chủ động cho anh em rút lui vào rừng cùng với hai quả đạn B40 còn lại để phòng thủ. Tuy nhiên, địch không dám tiến sâu vào trong mà rút quân ra, căn cứ được an toàn. Sau này đồng chí Võ Văn Kiệt khen tui: “Khá lắm, lần đầu đánh tăng bằng B40 mà bắn ra bảy phát đã làm cháy của địch sáu xe tăng rồi!”” - ông khoe.

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, cũng chừng ấy thời gian ông lập bàn thờ đồng đội. Danh sách hơn 100 đồng đội trong Tiểu đoàn Vinh Quang đã hy sinh được ông đánh máy cẩn thận, đặt ngay bên bàn thờ của Bác. Xung quanh là huân chương Kháng chiến hạng Nhất của mẹ và chị. Bên cạnh là hàng chục huân, huy chương, bằng khen của ông. Ở giữa là bát hương nghi ngút khói. Hằng năm, cứ đến mùng bảy tết âm lịch, anh em đơn vị của tiểu đoàn từ khắp nơi lại tìm về nhà ông để thắp hương cho Bác và đồng đội. Ông bảo: “Tui thương tiếc anh em nên thờ. Tui nghĩ mình sống được cũng nhờ anh em, mình trở thành anh hùng cũng nhờ anh em. Tui anh hùng thì toàn bộ anh em Tiểu đoàn Vinh Quang đã hy sinh cũng là anh hùng”.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm